Tiên đóan tương lai là điều khó, thành thử ta nên khởi đầu bằng cách giải thích quá khứ. Lăng kính nào tốt nhất để lượng giá vòng cung lịch sử thế giới thế kỷ 19? Trước hết, đó là hừng đông của nền dân chủ tự do. Người Pháp vừa xử trảm nhà vua của họ, và một số người sùng mộ John Locke ở bên kia Đại Tây Dương đã thiết lập được một nền cộng hòa non trẻ. Tại Vương Quốc Thống Nhất, triết gia John Stuart Mill đã bênh vực hữu hiệu nền dân chủ tự do và nhân phẩm. Một khởi đầu dường như cho thấy nền quân chủ đã đến lúc cáo chung. Thế rồi, có cách mạng tư bản chủ nghĩa, ai muốn làm gì thì làm, nổi bật với các kinh tế gia như Thomas Malthus và David Ricardo. Karl Marx thì đang đem kinh tế học tới giai cấp vô sản.



Thế kỷ 19 cũng là cao điểm của đế quốc Tây Phương và chế độ thực dân. Nó là khởi điểm của thời đại chiến tranh toàn diện. Nó khởi dầu diễn trình xuống dốc của tôn giáo hiểu như một lực lượng chính trị và được thay thế bằng sự đi lên của chủ nghĩa duy quốc gia. Chịu khó nhìn kỹ một chút, nó cũng khởi đầu thời đại bình đẳng của con người. Phụ nữ đòi quyền bình đẳng ở Seneca Falls, New York, và Tân Tây Lan trở thành nước đầu tiên cho phép họ bỏ phiếu. Vương Quốc Thống Nhất đặt việc buôn bán nô lệ ra ngoài vòng pháp luật, Hiệp Chúng Quốc giải phóng các nô lệ của họ, Nga cũng trả tự do cho các nông nô.

Tóm lại: dân chủ, tư bản chủ nghĩa, thực dân hóa, chiến tranh hiện đại, chủ nghĩa duy quốc gia, và bình đẳng con người. Tất cả đều có những hệ quả mênh mông, và tất cả đều là chất xúc tác cho hàng ngàn cuốn sách.

Tuy nhiên, tất cả đều không quan trọng. Ngày nay, khi nhìn lại, nét quan trọng nhất về phương diện địa chính trị của thế kỷ 19 trở nên hiển nhiên: nó là thời của Cách Mạng Kỹ Nghệ. Không có cuộc cách mạng này, sẽ không có giai cấp trung lưu đi lên và không có áp lực thực chất nào tạo ra dân chủ. Sẽ không có cách mạng tư bản chủ nghĩa vì các quốc gia nông nghiệp không cần đến nó. Sẽ không có thực dân hóa qui mô vì nền kinh tế phi kỹ nghệ đâu thèm thuồng nguyên liệu thô. Cũng sẽ không có chiến tranh toàn diện nếu không có sắt thép rẻ tiền và kỹ nghệ chế tạo chính xác. Và với thế giới phần lớn vẫn dính cứng vào việc cấy trồng và một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp truyền thống chỉ nhằm đủ sống, có thể cũng chưa kết liễu được nạn nô lệ và khởi diễn được phong trào duy nữ.

Sức đẩy chủ chốt trong thời đại trên chính là máy hơi nước, lý thuyết vi sinh (germ), điện, và đường rầy xe lửa. Không có sự lớn mạnh mênh mông về kinh tế thực hiện trong thế kỷ 20, mọi điều khác có lẽ chỉ ở mức thời Trung Cổ. Không ai biết đến nó năm 1800, nhưng tương lai địa chính trị của thế kỷ 19 đã được khởi động cả 9 thập niên trước đó, khi Thomas Newcomen khám phá ra cỗ máy hơi nước khả dụng đầu tiên. Các sử gia và chuyên viên về chính sách ngoại giao có thể không thích nghe nhưng mọi điều họ giảng dậy và viết lách về địa chính trị của thế kỷ 19 đều chỉ là các phụ chú của Cách Mạng Kỹ Nghệ. Và một điều y hệt hình như cũng đúng khi chúng ta, hay các hậu duệ người máy của chúng ta, viết lịch sử về cuộc cách mạng kỹ thuật số của thế kỷ 21.

TRỞ NÊN THÔNG MINH

Không thể kể ra hết các đường hướng lớn của nền địa chính trị thế kỷ 21 một cách vững tâm như các đường hướng của thế kỷ 19, nhưng cũng có những đường hướng rõ rệt. Có việc đi lên của Trung Hoa. Có sự gia tăng của chủ nghĩa bộ lạc chính trị và một gẫy đổ khả hữu nào đó đang ló dạng đối với nền dân chủ tự do. Trong đoản kỳ, còn có chủ nghĩa khủng bố duy thánh chiến. Và trong thời Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, khó có thể không thắc mắc liệu thế giới có đang lao đầu vào một tương lai giảm thiểu hợp tác và quay về với thứ cạnh tranh trần truồng một mất một còn (zero-sum) giành quyền lực hay không. Nhưng với sự thận trọng thông thường luôn đi theo bất cứ tiên đoán nào về thế kỷ 21, nghĩa là tùy thuộc những con người nhân bản còn đang luẩn quẩn đâu đây, cũng không một lực lượng nào trong số vừa kể quan trọng cả. Ngay lúc này, thế giới đang ở trong buổi hừng đông của cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai, lần này, là cuộc cách mạng kỹ thuật số. Tác động của nó, nếu có, chắc chắn lớn lao hơn cả cuộc cách mạng thứ nhất.



Nói thì nói thế thôi, chứ cuộc cách mạng trên chưa diễn ra. Các sự kỳ diệu của kỹ thuật hiện đại hiện diện khắp nơi, nhưng cho tới nay, mọi điều khám phá ra mới chỉ là những đồ chơi tốt hơn mà thôi. Cuộc cách mạng kỹ thuật thực sự sẽ gia tăng tổng sản lượng của nền kinh tế hoàn cầu, y hệt như nó đã thực hiện trong Cách Mạng Kỹ Nghệ, lúc máy móc cho phép các công ty sản xuất nhiều hàng hóa gấp bội với cùng một số công nhân. Điều này hiện chưa diễn ra. Sau cuộc suy thoái lớn trong thập niên 1970, sự gia tăng sản lượng lao động đều đặn đi lên tới năm 2007, phần lớn nhờ phổ quát chấp nhận việc hậu cần vi tính hóa và những giây chuyền cung cấp hoàn cầu trong cộng đồng kinh doanh – và rồi đi xuống. Bất chấp các kỳ công kỹ thuật hiện nay, việc gia tăng sản lượng vẫn ương ngạnh trì trệ suốt thập niên qua, một điều gợi ý rằng thế hệ máy móc cuối cùng thực sự không thành đạt bao nhiêu.

Nhưng tất cả đang trên đường thay đổi. Trí khôn nhân tạo đã là một ám ảnh của các nhà kỹ thuật học gần như cùng một lúc với việc máy vi tính được sáng chế, nhưng chủ nghĩa lạc quan ngây thơ lúc đầu trong thập niên 1950 nhanh chóng nhường chỗ cho “mùa đông của trí khôn nhân tạo” trong thập niên 1970, khi người ta thấy rõ các máy vi tính thời đó thiếu năng lực chế biến thô cần có để cạnh tranh với não bộ con người. Nhưng như định luật Moore đã tiên đoán, năng lực của máy vi tính tiếp tục mỗi một hay hai năm đều tăng gấp đôi, và trí khôn nhân tạo cũng tăng như thế. Hệ thần kinh nhường chỗ cho hệ chuyên viên; hệ này, đến lượt nó, lại nhường chỗ cho khả năng học tập của máy móc. Điều này mang lại kết quả: các máy vi tính sẽ đọc được chữ nghĩa in ấn và thực hiện việc tìm tòi Internet tốt hơn nhiều, nhưng “huyền thọai tìm được chén thánh” (holy grail) là trí khôn nhân tạo, tức việc máy vi tính thay thế cho bộ óc con người, vẫn là chuyện xa vời (elusive).

Cả ngày nay nữa, trí khôn nhân tạo vẫn nằm ở giai đoạn tiền sinh (pre-natal) – trả lời các câu hỏi của Jeopardy!, thắng cờ tướng, tìm được tiệm cà phê gần nhất – nhưng chuyện thực chất không xa vời lắm. Để đến đó, điều cần là phần cứng mạnh như óc người và phần mềm có khả năng suy nghĩ.



Sau nhiều thập niên thất vọng, phía phần cứng đã gần như sẵn sàng: các máy vi tính mạnh nhất trên thế giới hiện đã mạnh như óc người. Năng lực vi tính thông thường được đo bằng phép toán dùng dấu phẩy di động từng giây (floating point operations per second, viết tắt là “flops”) và hiện nay ước tính hay nhất cho rằng óc người có năng lực vi tính hữu hiệu ở mức 10 tới 100 “petaflops” (ngàn triệu triệu flops 1 giây). Điều không may, là máy này cỡ một phòng khách, trị giá hơn 200 triệu dollars, và tốn phí tiền điện mỗi năm khoảng 5 triệu dollars.

Hiện nay, điều cần là làm cho máy siêu vi tính này nhỏ hơn và rẻ hơn nhiều nữa. Việc phối hợp các máy vi xử lý (microporcessors) nhanh hơn, các vi chíp khách hàng (custom microchips) cải tiến, khả năng lớn hơn trong việc tiến hành nhiều phép tính song song, và các thuật toán (algorithms) hữu hiệu hơn sẽ trám được khoảng cách trong vài thập niên tới. Phía phần mềm thì cố hữu vẫn còn mù mờ, nhưng tiến bộ trong 1 thập niên qua cũng rất đáng nể. Khó có thể đưa ra con số chắc chắn về sự tiến bộ của phần mềm này, nhưng những ai biết nhiều về trí khôn nhân tạo, các nhà nghiên cứu chẳng hạn, thì hết sức lạc quan. Trong một cuộc thăm dò các chuyên viên về trí khôn nhân tạo công bố năm 2017, hai phần ba người trả lời đồng ý đã có sự tiến bộ gia tốc trong hậu bán đời sống nghề nghiệp của họ. Và họ tiên đoán khoảng 50 phần trăm cơ may đến năm 2060, trí khôn nhân tạo sẽ có khả năng thực hiện mọi trách vụ của con người. Các vị trả lời người Châu Á còn dám cho rằng nó có thể làm việc đó vào năm 2045.

Các nhà nghiên cứu trên không nghĩ máy móc chỉ có khả năng thực hiện các việc thường ngày; chúng có thể làm được bất cứ việc gì như người ta từ việc ngào thịt tới viết tiểu thuyết, giải phẫu tim. Thêm vào đó, chúng sẽ nhanh hơn nhiều, không bao giờ biết mệt, truy cập tức khắc mọi kiến thức trên thế giới, và có năng lực phân tích cao hơn bất cứ con người nào. Với vận may, điều này, cuối cùng, sẽ tạo ra một không tưởng hoàn cầu, nhưng đến được đó vẫn còn là chữ “nhưng”. Bắt đầu trong vài thập niên tới, người máy sẽ khiến hàng triệu người ra thất nghiệp, ấy thế nhưng, các hệ thống kinh tế và chính trị trên thế giới vẫn còn dựa vào giả thuyết cho rằng lười biếng là lý do duy nhất cho việc không có việc làm.

CHÀO MỪNG CÁC ÔNG CHÚA NGƯỜI MÁY CỦA CHÚNG TA

Xin đừng lầm lẫn: cuộc cách mạng kỹ thuật số đang trở thành cuộc cách mạng địa chính trị lớn nhất trong lịch sử con người. Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ đã thay đổi thế giới, và những điều nó làm chỉ là thay thế bắp thịt của con người. Các bộ óc của con người vẫn còn cần đến trong việc xây dựng, cho chạy, và bảo toàn máy móc, và sản xuất nhiều việc làm lương cao cho mọi người. Nhưng cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ thay thế bộ óc con người. Theo định nghĩa, bất cứ điều gì con người làm được, trí khôn nhân tạo ở trình độ con người cũng sẽ làm được, mà còn làm được tốt hơn. Những người máy thông minh sẽ có cả bắp thịt để làm việc lẫn năng lực trí óc để tự điều khiển chính mình. Để qua một bên các luận điểm triết lý hão huyền về việc liệu máy móc có thể suy nghĩ thực sự hay không, trong các mục đích thực tiễn, nó sẽ làm cho “homo sapiens” trở thành lỗi thời.



Mọi khuynh hướng địa chính trị khác của thế kỷ 21 sẽ trở thành không đáng kể so với nó. Việc đi lên của Trung Hoa chẳng hạn. Hàng triệu lời nói đã tuôn ra vì sự phát triển này, đủ điều nói về lịch sử, văn hóa, nhân khẩu học và chính trị Trung Hoa. Tất cả những điều này có quan trọng chăng chỉ là trong thế kỷ 20, sau thời gian này, chỉ có một điều đáng kể: liệu người Trung Hoa có những trí khôn nhân tạo nhất hạng trên thế giới hay không? Nếu có, họ sẽ thống trị thế giới nếu họ muốn. Nếu không, họ sẽ không làm được điều đó.
Chủ nghĩa thánh chiến ư? Cho dù nó sống thêm một thập niên hay hơn nữa, một điều hiện đáng nghi ngờ, vì thành công của nó từ sau 11 tháng 9 đã giảm đi, chẳng bao lâu nữa nó cũng sẽ trở thành nạn nhân của trí khôn nhân tạo. Những máy bay không người lái ngu đần, cộng với việc máy móc phân tích số lượng khổng lồ các dữ kiện tình báo, đã buộc các nhóm khủng bố phải dừng chân tại chỗ. Khi những máy bay không người lái trở nên có khả năng hơn và phần mềm hướng dẫn trở nên thông minh hơn, không một tổ chức kém kỹ thuật nào có cơ hội sống còn.



Nói tổng quát hơn, chính chiến tranh cũng hoàn toàn do máy móc điều khiển. Một cách nghịch lý, điều này sẽ làm chiến tranh trở thành lỗi thời. Đánh nhau làm chi khi không còn đòi hỏi chi tới dũng cảm hoặc kỹ năng nhân bản nữa? Vả lại, các quốc gia không có trí khôn nhân tạo sẽ biết rằng họ không thể thắng, trong khi những quốc gia có trí khôn nhân tạo đệ nhất hạng có những cách tốt hơn nhiều để có được những gì họ muốn. Các hàng không mẫu hạm và hỏa tiễn hạt nhân tầm thấp sẽ nhường chỗ cho các chiến dịch tuyên truyền tinh tế và các trận chiến mạng không tài nào khám phá được.

Rồi còn nền dân chủ tự do. Nó đã bị nhiều áp lực – ở bề mặt, do cảm quan chống di dân, và ở bình diện sâu hơn, do việc lo âu tổng quát về việc làm. Điều này một phần đã đẩy ông Trump vào chức tổng thống. Nhưng những gì diễn ra đến nay mới chỉ là những rung rinh nhẹ đi trước bất cứ cơn sóng thần sắp tới nào. Trong vòng một thập niên, chắc chắn sẽ có chuyện mấy ông tài xế xe vận tải dài thoòng sẽ mất việc do kỹ thuật không người lái. Tại Hoa Kỳ, điều đó ảnh hưởng tới 2 triệu con người, và một khi trí khôn nhân tạo đã đủ tốt để lái một xe vận tải, thì nó cũng dư sức làm được bất cứ việc làm nào khác mà các tài xề xe tải có thể chuyển qua.

Bao nhiêu việc sẽ bị mất, và mất nhanh như thế nào? Các nhà chuyên môn khác nhau đưa ra nhiều ước tính khác nhau trong lãnh vực này nhưng tất cả đều đồng ý con số sẽ lớn kinh khủng và khung thời gian cực kỳ ngắn ngủi. Một cuộc phân tích năm 2017 bởi công ty thanh lý PwC tiên đoán rằng 38 phần trăm mọi việc làm ở Hoa Kỳ “có nguy cơ cao bị tự động hóa chiếm mất đầu thập niên 2030”, mà phần lớn là các nghề làm việc thông thường, như tài xế xe nâng hàng, các công nhân lắp ráp dây chuyền, và thư ký tính tiền. Đến thập niên 2040, các nhà nghiên cứu trí khôn nhân tạo dự đoán, các máy tính sẽ có khả năng thực hiện các cuộc nghiên cứu toán học độc đáo, thực hiện các cuộc giải phẫu, viết các tiểu thuyết bán chạy nhất, và làm bất cứ việc làm nào khác với các đòi hỏi tương tự về nhận thức.

Trong một thế giới mà 10 phần trăm thất nghiệp được coi như một suy thoái lớn và 20 phần trăm thất nghiệp được coi như một tình tạng khẩn trương hoàn cầu, các người máy có thể thực hiện tốt một phần tư hoặc nhiều hơn mọi công việc. Đây là cái tệ của mọi cuộc cách mạng bạo lực. Và không giống như cuộc cách mạng kỹ nghệ, một cuộc cách mạng cần đến hơn 100 năm mới diễn tiến hết, các mất mát về việc làm trong cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ tăng tốc chỉ trong vài thập niên. Lần này, cuộc cách mạng sẽ diễn ra không phải trong một quốc gia của những người chủ quán hàng nhưng trong một thế giới của các tập đoàn đa quốc gia rất tinh vi đuổi theo lợi nhuận một cách không thương tiếc. Và trí khôn nhân tạo sẽ là kỹ thuật sinh lợi nhiều nhất mà thế giới từng thấy.

GIẬN DỮ CHỐNG LẠI MÁY MÓC

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với chính trị? Trong thời đại thất nghiệp hàng loạt, người ta có thể lập luận rằng hình thức chính phủ sẽ là điều quan trọng nhất trên thế giới, vì chính phủ hiện đại chủ yếu lo quản lý và kiểm soát nền kinh tế để đạt lợi ích lớn hơn. Nhưng người ta có thể dễ dàng biện luận rằng nó sẽ không quan trọng chút nào: Nếu các người máy có thể sản xuất ra một nguồn cung cấp hàng hóa vật chất bất tận, thì đâu còn gì để quản lý và kiểm soát?



Chỉ còn một đoan chắc duy nhất là hình thức chính phủ tốt nhất phải là hình thức chứng tỏ có khả năng hơn cả trong việc sắp đặt sức mạnh của các trí khôn nhân tạo để phục vụ hầu hết mọi người. Những người Mác xít đã có nhiều ý tưởng về cách xử lý việc này — hãy để các người máy kiểm soát các phương tiện sản xuất và sau đó phân phối các thành quả cho mọi người theo nhu cầu của họ — nhưng họ không được độc quyền về các giải pháp. Nền dân chủ tự do vẫn có cơ hội, nhưng chỉ khi nào các nhà lãnh đạo của nó coi trọng cơn hồng thủy sắp giáng xuống trên họ và tìm ra cách thích ứng chủ nghĩa tư bản vào một thế giới trong đó việc sản xuất hàng hóa hoàn toàn bị tách biệt khỏi việc làm. Điều này có nghĩa: phải kìm hãm quyền lực của những người giàu có, xem xét lại toàn bộ khái niệm công ty là gì, và chấp nhận thực sự- chứ không lầu bầu - một mức độ bình đẳng nào đó trong việc phân bổ hàng hóa và dịch vụ.

Đây là một viễn kiến nghiêm túc. Nhưng ở đây, cũng có một số tin vui, ngay trong trung hạn. Hai phát triển quan trọng nhất của thế kỷ XXI sẽ là nạn thất nghiệp hàng loạt do trí khôn nhân tạo thúc đẩy và thay đổi khí hậu do nhiên liệu hóa thạch thúc đẩy - và trí khôn nhân tạo có thể giải quyết tốt vấn đề thay đổi khí hậu nếu việc biến hóa của nó diễn ra sớm sủa đủ. Dù sao, thế giới cũng đã có hầu hết các kỹ thuật cần thiết để sản xuất ra năng lượng sạch: đó là, gió và năng lượng mặt trời. Vấn đề là chúng cần được xây dựng trên một quy mô rất lớn với chi phí rất lớn. Đó là nơi những người máy thông minh rẻ tiền có thể xuất hiện, xây dựng một cơ sở hạ tầng khổng lồ mà hầu như không tốn phì gì. Và các bạn đừng cười, nhưng một khi trí khôn nhân tạo ở trình độ con người trở thành một thực tại, thì không có lý do gì để nghĩ rằng sự tiến bộ sẽ dừng lại. Chẳng bao lâu, trình độ trên con người của trí khôn nhân tạo có thể giúp các nhà khoa học cuối cùng phát triển được mơ ước huyền thoại về năng lượng sạch: tức phản ứng tổng hợp hạt nhân (nuclear fusion).

Không có điều gì trong số này sẽ xảy ra nay mai. Kỹ thuật ngày nay đối với trí khôn nhân tạo cũng giống như Máy Bay của anh em nhà Wright đối với phi thuyền con thoi. Trong vài thập niên tới, các biến chuyển hoàn cầu quan trọng nhất thẩy đều là các nghi phạm thông thường. Nhưng sau đó, trí khôn nhân tạo sẽ bắt đầu làm cho chúng ra tầm thường. Việc cạnh tranh đại cường, trong căn bản, sẽ là cuộc cạnh tranh giữa kỹ thuật trí khôn nhân tạo của các quốc gia khác nhau. Chủ nghĩa bộ lạc sẽ không quan trọng nữa: Ai còn quan tâm đến căn tính nữa nếu mọi công việc đều được thực hiện bởi các người máy? Nền dân chủ tự do có thể vẫn còn quan hệ, nhưng chỉ khi nào nó tìm ra cách đối phó với nạn thất nghiệp hàng loạt tốt hơn so với các hệ thống chính phủ khác. Tôn giáo cũng sẽ gặp thời khó khăn, vì các tương tác của người ta với thế giới ngày càng được trung gian hơn nhờ các cấu trúc xem ra cũng có suy nghĩ và sáng tạo như con người nhưng rõ ràng không được xây dựng bởi Thiên Chúa và dường như không cần đến một sức mạnh cao hơn.

Đã qua lâu rồi cái thời bắt đầu coi trọng việc này. Cả những người không ưa kỹ thuật cũng có thể thấy gió đang thổi theo hướng nào - và về phương diện lịch sử, sự thiếu thốn kinh tế đại chúng đã tạo ra ít cải cách tiến bộ có suy tư hơn các cuộc cách mạng và chiến tranh bạo lực. Không cần phải nói, điều này không nhất thiết là trường hợp lần này. Rất có thể không ngăn chặn được kỹ thuật trong các đường đi của nó, nhưng có thể hiểu điều gì đang xẩy đến và chuẩn bị để có được một đáp ứng thông sáng.

Nguồn: Kevin Drum, "Welcome to the Digital Revolution", Foreign Affairs, July/August 2018 issue