Nhân kỷ niệm đúng 25 năm ngày Chân phước Giuseppe “Pino” Puglisi chịu tử đạo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Palermo vào ngày thứ Bảy 15 tháng 9 để vinh danh vị mục tử đã bị sát hại tàn bạo vì đàn chiên của mình.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một địa điểm và một ngày quan trọng để rao giảng Niềm vui Phúc âm. Địa điểm lần này là Palermo, trên đảo Sicilia của Ý, địa bàn hoạt động của bọn mafia Cosa Nostra, một trong những băng đảng mafia khét tiếng nhất nước Ý. Ngày 15 tháng 9 năm 2018 — kỷ niệm 25 năm ngày Cha Pino Puglisi bị sát hại theo lệnh của tên trùm băng Cosa Nostra. Tại đây, Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ vinh danh Cha Puglisi tại Foro Italico, rồi ngài viếng thăm giáo xứ San Gaetano nơi Chân phước Puglisi đã từng sống và cũng chính là nơi ngài bị bắn chết. Đức Thánh Cha cũng gặp gỡ các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ Palermo, và với những người trẻ tuổi ở Piazza Politeama .

Chân phước Pino Puglisi là ai?

Cha Giuseppe (Pino) Puglisi sinh ngày 15 tháng 9 năm 1937 và bị ám sát vào đúng ngày sinh nhật 56 năm của ngài. Ngài bước vào chủng viện ở tuổi 16 và được thụ phong linh mục vào năm 1960. Sau khi được thụ phong linh mục, cha nhận được bài sai về làm mục vụ giới trẻ tại các giáo xứ ở Palermo. Năm 1970, ngài được bổ nhiệm làm cha sở một giáo xứ ở Godrano, cách Palermo khoảng 40 km. Ở đây, ngài đã phát triển một đường hướng mục vụ nhắm đến việc hòa giải trong gia đình. Sau đó, ngài trở về thủ phủ Palermo vào năm 1978 và nhận nhiệm vụ làm cha giáo trong chủng viện của tổng giáo phận, cũng như phụ trách về ơn gọi. Năm 1990, ngài bắt đầu nhiệm vụ cuối cùng của mình với tư cách là cha sở của San Gaetano, trong khu phố Brancaccio đầy tội ác của Palermo. Vùng này là địa bàn của tên trùm mafia Michele Greco, có biệt danh là “Papa” – “Giáo Hoàng” vì y có biệt tài làm trung gian thương lượng giải quyết các tranh chấp giữa các băng đảng mafia trên đảo Sicilia. Cha Puglisi có lần nói vui là “Tôi đã trở thành cha sở của giáo hoàng”.

Trung tâm chào đón của “Cha chúng ta”

Cha Puglisi đã thành lập một trung tâm vào năm 1991, và được khánh thành vào tháng Giêng năm 1993. Trung tâm này được gọi là trung tâm chào đón của “Cha chúng ta”. Đó là phản ứng của ngài trước tình trạng của địa phương nơi người cao niên thường bị bỏ rơi không ai chăm sóc, và thanh thiếu niên sa vào các mạng lưới mafia vì ít học hoặc thậm chí không biết chữ. Trong vùng không có nổi một trường trung học nào. Nghèo đói và thất nghiệp cao khiến cho hầu hết các giáo dân của Cha Puglisi trở thành con mồi của mafia địa phương. Các dịch vụ cho Cha Puglisi cung cấp ngày nay vẫn đang còn đang hoạt động đã hướng tới việc cung cấp các lợi ích vật chất và văn hóa thiếu thốn trong cuộc sống của người dân địa phương.

“Tôi đã mong đợi điều này”

Cha Puglisi sớm tạo ra một ảnh hưởng Kitô Giáo to lớn đối với giáo dân của ngài. Do đó, ngài trở thành mục tiêu của mafia, là những kẻ đã xem ngài như một mối đe dọa thực sự. Ngay cả sau một vài tai nạn và phá phách đã xảy ra với dụng ý rõ ràng nhằm đe dọa ngài, Cha Puglisi kiên quyết tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại mafia. Trong ngày sinh nhật thứ 56 của ngài, cũng là ngày cuối cùng của ngài trong cuộc sống dương thế, Cha Puglisi tất bật cử hành hai đám cưới, và lễ mừng sinh nhật của chính ngài với bạn bè. Dù thế, Cha Puglisi cũng đã dành thời gian tham dự một cuộc họp tại tòa thị chính Palermo để yêu cầu xây dựng một trường trung học tại Brancaccio. Trước tất cả những gì ngài đã làm cho đàn chiên của mình, mafia trả lời bằng cách gửi một tên giết mướn đến thanh toán ngài ngay vào tối sinh nhật. Theo lời khai của tay súng, Cha Puglisi biết những gì sẽ xảy đến với ngài, nhưng ngài vẫn chào hắn ta với một nụ cười và những lời này: “Tôi đã mong đợi điều này từ lâu!”

Cha Puglisi đã chết đúng theo những lời ngài đã mô tả trước đó:

Lễ toàn thiêu nghĩa là sự thiêu đốt toàn bộ sự tồn tại của một người trên bàn thờ thập tự giá. Đối với những ai tức giận đối với một xã hội mà họ coi là thù địch, điều cần thiết trên hết là làm chứng, qua những chứng tá có thể ghi khắc hy vọng trong lòng người đó, khiến người ấy hiểu rằng cuộc sống của anh ta đáng giá một cái gì đó chỉ khi nó được trao ra.

Ngày 25 tháng Năm, 2013, Đức Hồng Y Salvatore De Giorgi đã thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong chân phước tử đạo cho Cha Puglisi.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật một ngày sau đó, tức là hôm 26 tháng Năm, 2013, trước hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói về mafia và những hậu quả tiêu cực của nó.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đang suy nghĩ với nỗi buồn về những người nam nữ, thậm chí cả trẻ em, đang bị khai thác bởi nhiều thứ mafia, là những kẻ bắt họ phải làm công việc khiến họ trở nên nô lệ, như mại dâm chẳng hạn, với rất nhiều áp lực xã hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hoán cải trái tim của họ, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa cho những người nam nữ mafia biết hoán cải”.

Đề cập đến Cha Puglisi, Đức Thánh Cha nói:

“Cha Giuseppe là một linh mục đầy gương mẫu. Ngài đã dâng hiến cuộc đời một cách đặc biệt cho công việc mục vụ giới trẻ, bằng cách giáo dục những người trẻ theo tinh thần Tin Mừng để mang họ ra khỏi thế giới của tội ác. Vì thế, Ngài đã bị chống đối và giết chết. Tuy vậy, trên thực tế, chính Ngài là người chiến thắng cùng với Đức Kitô phục sinh. Chúng ta tạ ơn Chúa vì tấm gương sáng ngời này, chúng ta hãy gìn giữ gương mẫu của ngài.”

Nhiều quan sát viên cho việc tuyên chân phước cho Cha Puglisi là một trong những biến cố có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21. Chân phước Puglisi là vị bổn mạng lý tưởng cho thế hệ tử đạo mới của Kitô Giáo. Con số Kitô hữu bị giết vì các lý do liên quan tới đức tin được ước lượng khoảng 100,000 mỗi năm, với hàng triệu người khác đang phải đối diện với đủ hình thức bách hại đầy bạo lực. Chân phước Puglisi là một biểu tượng đầy thuyết phục. Việc tuyên chân phước cho ngài nói lên một bước đột phá thần học rất chủ yếu đối với cách thức Đạo Công Giáo hiểu ý niệm tử đạo.

Chân phước Puglisi vốn là mục tử của Giáo Xứ San Gaetano thuộc khu Palermo hết sức lộn xộn của vùng Brancaccio. Ngài trở nên nổi tiếng do chủ trương chống Mafia một cách cực lực, từ chối không nhận tiền xin lễ của chúng và không cho phép các tên đầu xỏ của chúng dẫn đầu các đoàn rước kiệu. Do đó, ngài nhận được rất nhiều đe dọa đối với mạng sống, và theo chứng từ của kẻ sát hại ngài, thì lời sau cùng của Cha Puglisi là “Tôi đã mong đợi điều này từ lâu!”.

Ý nghĩa bao quát hơn của việc tuyên chân phước này là: Trong lịch sử, Giáo Hội chỉ thừa nhận là một vị tử đạo những ai bị giết “in odium fidei”, nghĩa là vì lòng thù hận đức tin. Tuy nhiên, Cha Puglisi được nhìn nhận là vị tử đạo “in odium virtutis et veritatis”, nghĩa là vì lòng thù hận các nhân đức và chân lý.

Phạm trù trên vẫn luôn hiện hữu trong nền thần học cổ điển của Kitô Giáo. Trong nhiều thế kỷ, các nhà văn vẫn dựa vào nó để giải thích tại sao Giáo Hội coi Thánh Gioan Tẩy Giả là vị tử đạo dù ngài chết không phải vì tin vào Chúa Kitô mà là vì đã chỉ trích tác phong vô luân của Hêrôđê. Việc tuyên chân phước cho Cha Puglisi có nghĩa phạm trù này đã được áp dụng cho các án phong thánh và rất có thể sẽ được thích ứng vào nhiều tình thế tương tự.

Nhiều Kitô hữu ngày nay đang bị đe dọa không phải vì đã từ khước dâng lễ vật cho các thần ngoại giáo hay bất đồng với tín ngưỡng của vua chúa, nhưng vì các chọn lựa luân lý và xã hội phát sinh từ đức tin của họ. Sự phân biệt này không làm các đau khổ của họ bớt đáng quan tâm chút nào, và ta sẽ hạ giá sự hy sinh của họ nếu cho rằng nó không phải là sự hy sinh “tôn giáo” chỉ vì các người áp bức họ không bị thúc đẩy bởi các quan tâm minh nhiên có tính tôn giáo.


Source: Vatican News - Pope Francis visits Palermo in memory of Blessed “Pino” Puglisi