Vào ngày 21/9/2018, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn đã qui tụ tại trung tâm hành hương Các Thánh Tử Đạo Ba Giồng, giáo phận Mỹ Tho, tỉnh Bến Tre với chương trình long trọng dành cho 4.000 thành viên, thuộc các xứ đoàn của Tổng giáo phận Sài Gòn, GP Mỹ Tho, GP Long Xuyên, GP Cần Thơ, GP Đà Lạt, GP Xuân Lộc và một xứ đoàn ở Phnôm Pênh.

Với một không gian tương đối đáp ứng được khối lượng người đông đảo, chương trình hành hương được bắt đầu với lời khai mạc và hân hoan chào đón các thành viên GĐPTTT của anh Giuse Huỳnh Bá Song, đại diện Ban chấp hành GĐPTTT Việt Nam. Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, tổng linh hướng GĐPTTT Việt Nam đã có lời giới thiệu đôi nét về 117 thánh Tử Đạo Việt Nam với lời nhắn nhủ các thành viên cần biết noi gương các Ngài và chỉ có một điều duy nhất là tôn thờ một Thiên Chúa. Nhưng có lẽ mặn mà, sâu đậm và đầy cảm xúc là khi cha Tổng đại diện GP Mỹ Tho là LM Phaolo Trần Kỳ Minh kể chi tiết về cuộc tử đạo của cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812 – 1861) và 27 thánh tử đạo tại linh địa Ba Giồng.

Xem Hình

Đó là 25 người Công Giáo sinh sống tại vùng Ba Giồng, đã anh dũng, hiên ngang bị quan quân chém đầu khi không bước qua thập giá, để tuyên xưng đức tin cách mạnh mẽ, trước mặt nhiều cư dân ở đó, trên mảnh đất chợ Cổ Chi, giáp với xã Tân Lý Đông, cách nhà thờ Ba Giồng khoảng 2 y số; còn hai vị nữa là một cụ già và một thanh niên, bị giết khi đang tìm cách trốn đi nơi khác để bảo vệ đức tin của mình. Sau khi trảm quyết, các quan bắt người lương dân đem chôn xác các vị tử đạo trong cánh đồng bên cạnh chợ; một số được chôn tại gò đất; đồng bào địa phương gọi là “Gò chết chém”, gò này được truyền tụng trong một thời gian dài, từ 1862 đến 1986. Sau khi xử chém các giáo hữu, quan án ra lệnh phân tán con cháu họ đi nơi khác, không còn ai Công Giáo mà được lưu lại Ba Giồng; vì thế nhà thờ bị phá...cho đến mười năm sau, cha M. Hamon vâng lệnh Đức Cha Micae về coi sóc họ đạo và lo việc cải táng hài cốt các vị Tử Đạo về nơi an nghỉ tại đất thánh, và cha đã thực hiện vào ngày 18/6/1872.

Lịch sử họ đạo Ba Giồng gắn liền với việc bách hại đạo Công Giáo ở Tây Đàng Trong. Trong 117 vị Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam, Ba Giồng có hai vị linh mục phụ trách họ đạo là cha Philipphe Phan Văn Minh (1849 – 1853) và cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1853 – 1861).

Sau câu chuyện thương tâm và oai hùng đó, một đoàn người gồm những anh chị em được chọn, đã cùng linh mục hình thành đoàn rước, đi đến mộ phần có chứa hài cốt của 27 thánh Tử Đạo, cách đó khoảng hơn 1 km, để cùng dâng hương, tỏ lòng tôn kính và đọc kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, có câu quen thuộc: “Các Ngài đã yêu mến quê hương, xin cầu cho Đất Nước được an vui hạnh phúc, và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình”. Trong khi đó phần lớn các đoàn viên ở lại hội trường xem phần trình diễn diễn nguyện múa hát.

Trước khi thánh lễ được cử hành, có phần dâng hương. Hàng ngàn con tim trào dâng cảm xúc khi những cây đuốc rực cháy và làn hương trầm như làn tỏa đến hết những người tham dự.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, đã chủ tế thánh lễ đồng tế. Trong bài giảng, Ngài nhắc rằng, ngày hành hương hôm nay trùng vào lễ thánh Mattheu nên Đức Cha muốn mọi người suy nghĩ về “mối tương quan giữa tử đạo và loan báo Tin Mừng”. Thánh Mattheu đã viết sách Tin Mừng, nhưng viết như thế nào? Sau khi Chúa về trời thì khoảng mấy chục năm sau, Tin Mừng của Chúa Giêsu được “viết” bằng cách truyền khẩu. Khi các thánh Tông Đồ đi rao giảng, thì kể lại những gì đã trải qua cùng với Chúa Giêsu...nên rất sống động. Vì giảng bằng lời kể chuyện nên người ta ghi nhớ rồi kể lại cho nhau nghe. Thuở xưa ở Việt Nam, dù chưa biết chữ nhưng tín hữu rất thuộc kinh. Sau này, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô dù chỉ có một nhưng được thánh Mattheu, Luca, Marco và Gioan ghi lại, trình bày khác nhau nhưng nhờ những sách này mà biết được cuộc đời, Giáo hội của Chúa Giêsu để giáo dân sống và đi theo Chúa.

Vậy Các Thánh Tử Đạo loan báo Tin Mừng bằng cách nào trong khi nhiều vị không biết đọc biết viết? Xin thưa, các Ngài Loan báo Tin Mừng bằng chính cái chết, bằng cuộc khổ nạn của các Ngài chia sẻ với Chúa Giêsu. Thế nên, câu này “Máu Các Thánh Tử Đạo là hạt giống sinh các Kitô hữu” cho chúng ta thấy mối tương quan giữa máu các Ngài và Kitô hữu. Chính cái chết của các Ngài là lời chứng thuyết phục nhất về Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, minh chứng Ngài là đường, là sự thật và là sự sống nên các Ngài dám chết vì đức tin mà mình tuyên xưng.

Ngày nay, điều cần thiết nhất là loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình, nhất là việc bác ái. Loan báo Tin Mừng bằng chữ viết hay tử đạo đều giống nhau vì có điểm chung nhất là hy sinh và từ bỏ.

Cuối thánh lễ là phần tặng hoa, lời cảm ơn và sau đó các thành viên dùng cơm hộp và trái cây ngay tại hội trường, nghe một vài ca sĩ nổi tiếng hát. Chương trình hành hương kết thúc tốt đẹp.

Đến quá trưa, có gần mười xe lớn của vài xứ đoàn dẫn đưa các anh chị em đến thăm nhà thờ “Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã”, nơi có ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nổi tiếng với tên gọi “Đức Mẹ La Mã Bến Tre”.

Đường vào nhà thờ khá hẹp so với xe lớn, hai bên những dừa là dừa. Có nhiều anh chị em cùng vào kính Đức Mẹ và xin ơn. Khuôn viên nhà thờ rộng, nhiều tín hữu đang đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa. Quán nước dừa đối diện khuôn viên nhà thờ bỗng tấp nập người ra vào. Một vài người bán hàng rong cũng rộn ràng bước chân. Hẳn là nhờ ơn Đức Mẹ mà bộ mặt vùng quê sâu hun hút này được thay đổi? Xứ đoàn GĐPTTT của Giáo xứ Vinh Sơn 3, Chí Hòa cùng chụp hình lưu niệm như muốn nhớ mãi khoảnh khắc dừng chân nơi đây.

Cuộc hành hương của các đoàn viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn thật ý nghĩa và thành công tốt đẹp khi kỷ niệm 30 năm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.