Các Nhóm nói tiếng Anh

Khi tìm cách chau chuốt sự hiểu biết về ơn gọi của Tài Liệu Làm Việc, một nhóm nói tiếng Anh đã đề nghị phải phân biệt giữa “‘ơn gọi hiện hữu’ (ơn gọi vào các bậc sống đặc thù) và 'ơn gọi hành động' (ơn gọi vào một chuyên nghề, sự nghiệp, việc tông đồ) vv)”.

Cũng có gợi ý cho rằng vì tài liệu cuối cùng sẽ không giới hạn vào người Công Giáo mà thôi, nhưng nói với “mọi người thiện chí”, nên phải chú ý đến “những người không thống thuộc tôn giáo” (nones), và do đó, cần phải “coi ơn gọi căn bản của con người là ơn gọi yêu thương”. Nhóm tiếp tục bổ sung rằng đối với các Kitô hữu, tình yêu "mang một cái tên, và cái tên đó là Giêsu".

Còn đối với các ơn gọi đặc thù của người trẻ, một nhóm nói rằng tài liệu nên chỉ rõ “ơn thánh đặc biệt và lâu dài được làm người trẻ”, coi nó như một giai đoạn đặc biệt trong đời sống.

Nhiều nhóm ghi nhận sự cần thiết phải chú ý nhiều hơn đến Bí Tích Thêm Sức, coi yếu tính của nó như lòng mong muốn “một Lễ Hiện Xuống mới” trong Giáo Hội, nơi Thêm Sức không bị coi như một việc “tốt nghiệp” để xa rời đời sống Giáo Hội, mà đúng hơn như một thời điểm để trẻ trung hóa.

Một bí tích khác – bí tích Hòa Giải - được trình bày như bí tích nền tảng cho diễn trình đồng hành, với một nhóm lưu ý rằng bí tích này cung cấp một loại đồng hành đặc biệt hoặc đặc thù, có tính thiêng liêng và tâm lý trong bản chất.

Một nhóm cho rằng một loại đồng hành có tính truyền thống, hay “thông thường” hơn được tìm thấy trong gia đình. Nhóm này viết: "Thông thường cha mẹ là những người biết con cái của họ tốt nhất và là những người được con cái tin tưởng".

Nhóm cũng khuyến cáo phải có một tiết đặc biệt nói về việc đồng hành với các cá nhân đính hôn và mới kết hôn, tương tự như tiết đã có sẵn nói về việc đồng hành với những người bước vào đời sống tu trì.

Trong khi việc đồng hành "nên được thực hiện trong một bầu khí thân hữu, tin tưởng và ấm áp", một nhóm nhấn mạnh rằng không nên để mất "tính khách quan" trong diễn trình này.

Tương tự như thế, một nhóm khác nêu bật ngôn ngữ liên quan đến “lương tâm”, lưu ý rằng nó không nên mang tính cá nhân, mà đúng hơn là một điều gì đó được thực hiện trong cộng đồng. Nhóm viết thêm: "Chúng tôi cảm thấy việc dẫn nhập cụm từ đơn giản ‘một lương tâm được đào tạo tốt "có thể dùng để loại bỏ bất cứ mối ưu tư nào về chủ quan tính".

Cuối cùng, một chủ đề nổi bật khác nơi các nhóm nói tiếng Anh là "niềm vui" - bắt đầu với chính niềm vui tìm thấy trong chính hội trường Thượng Hội Đồng.

Một lần nữa, sự hiện diện thể lý của người trẻ đã được đề cập, lưu ý rằng phòng họp “trở nên sống động,” khi họ lên tiếng.

Một nhóm báo cáo một giám mục đã nhận xét: "Tôi chưa bao giờ nhận ra một Thượng Hội Đồng lại có thể vui nhộn đến thế!"

Bên trong các báo cáo, có một cuộc thảo luận về việc sự thánh thiện và tự hiến mình phải là một thao tác hân hoan như thế nào. "Nó không phải là chuyện nghiến răng để chu toàn nhiệm vụ của mình", một nhóm kết luận như thế.

Một nhóm khác nói rằng “Điều quan trọng là nhắc nhở chính chúng ta rằng một đời sống đức tin và vui tươi trong Chúa Kitô không bị cản trở bởi bất cứ giới hạn nào của tâm trí hay cơ thể con người, bởi các khuyết tật hay hoàn cảnh xã hội”.

Các Nhóm nói Tiếng Đức

Trong báo cáo của mình, các vị giám mục Đức đã bác bỏ ý tưởng cho rằng đời sống Kitô giáo ở thế kỷ 21 là “một khu khép kín (ghetto)”; các ngài bày tỏ “lời đồng ý căn bản” đối với thế giới thế tục hiện đại. Tuy nhiên, các ngài kêu gọi phải có khả năng "biện biệt" trong suy nghĩ về thế giới, kể cả các lực lượng "khiến nhiều người trẻ bất an hơn hoặc làm gia tăng kinh nghiệm tha hóa một cách quá đáng”.

Trong thế giới đó, các vị nói tiếng Đức kêu gọi phải có lòng khiêm nhường khi mời gọi người trẻ tham gia.

Các ngài nhấn mạnh rằng "Chúng tôi như những người trọng tuổi muốn đề kháng cơn cám dỗ tự coi mình như biết mọi điều về việc cuộc sống của người trẻ nên diễn ra như thế nào và cuộc sống thành công của họ nên như thế nào"; các ngài nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc lắng nghe người trẻ và tìm "các dấu vết cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa” nơi họ.

Tuy nhiên, các ngài nói rằng điều trên không có nghĩa người trọng tuổi không có gì để cung ứng.

“Chúng tôi cũng muốn trở thành bạn đồng hành, học cách giúp đỡ người khác bằng chính kinh nghiệm sống lâu hơn của mình, những người đã học được nhiều hơn một chút khi nhìn lại việc các bối cảnh, kinh nghiệm, quyết định và điều cho là trùng hợp trong đời sống đã được hòa trộn ra sao để trở thành hình thức của một đời sống được sống một cách độc đáo”.

Các ngài viết thêm: Thiên Chúa "suy nghĩ rất lớn" đối với mọi người. Các ngài nói "Chúng tôi tin rằng, giống một nghệ sĩ đầy yêu thương, Người đã tạo hình cho từng trái tim để bản thân Người có thể mỗi ngày mỗi cư ngụ nhiều hơn trong đó".

Về chủ đề ơn gọi, các nhóm tiếng Đức nhấn mạnh rằng nó không phải là một biến cố diễn ra “một lần”. Các ngài nói: “Chúng tôi tin rằng cảm thức ơn gọi nơi một con người có thể lớn lên và thâm hậu hóa nhờ sự cam kết cụ thể với thực tại, sự chấp nhận trách nhiệm, cuộc gặp gỡ với các đồng loại nhân bản, cuộc gặp gỡ cụ thể với Chúa Kitô trong cầu nguyện, trong Lời Người, trong các bí tích, và trong trải nghiệm cộng đồng về Giáo Hội”.

Cuối cùng, khi thảo luận đến các loại “đồng hành” mà người trẻ cần nơi Giáo Hội, các vị giáo phẩm Đức kêu gọi phải cảnh giác trước khả thể bị lạm dụng.

Các ngài nhấn mạnh "Điều đặc biệt quan trọng đối với chúng ta là chỉ ra nguy cơ lạm dụng trong cộng đồng: lạm dụng quyền lực, lạm dụng niềm tin, lạm dụng trong việc tạo ra một mối liên hệ phụ thuộc không tự do hoặc bạo lực tình dục".

Nhóm nói tiếng Đức do Giám mục Felix Genn của Münster điều hợp, với Giám mục Stefan Oster của Passau (giáo phận nguyên quán của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđictô XVI) đóng vai trò phúc trình viên, nghĩa là người soạn thảo phúc trình.

Các Nhóm nói tiếng Pháp

Các giám mục nói tiếng Pháp tập trung vào ba điểm: đồng hành, biện phân và ơn gọi. Hai trong số ba nhóm nói ngôn ngữ này nhấn mạnh các hồng phúc được các người trẻ đại diện cho, không những trong Giáo Hội Công Giáo mà cả trong xã hội nói chung.

Có nhận xét cho rằng “Giáo hội của chúng ta, với một truyền thống phong phú liên quan tới giáo dục và đồng hành (theo ý kiến của chúng tôi, được nhấn mạnh quá ít trong Tài Liệu Làm Việc), phải có khả năng bước đi với người trẻ trên đường tiến tới sự thánh thiện”.

Về khía cạnh đồng hành, các giám mục nhấn mạnh đến khía cạnh bản thân và cộng đồng của thuật ngữ và tầm quan trọng của việc tìm ra các phương pháp thích đáng để gợi hứng cho đức tin nơi giới trẻ trong một thế giới ngày càng hoàn cầu hóa và đa văn hóa.

Nhóm cho rằng phần thứ hai của tài liệu "quá tập trung vào chiều kích bản thân của việc đồng hành và bỏ qua vai trò căn bản của các gia đình và các nhóm tuổi trẻ trong việc phát triển đức tin của họ".

Nhóm nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thiết lập một sự cân bằng giữa việc đưa người trẻ gần lại hơn với đức tin Công Giáo và việc tôn trọng tự do và độc lập bản thân của họ. Các giám mục cho rằng: Bất kể theo nhóm hoặc theo cá nhân, việc đồng hành "không thể được tùy hứng", và các ngài đề nghị nên tổ chức các khóa đào tạo đặc biệt cho thừa tác vụ tuổi trẻ và các nhóm giám sát.

Các nhóm nói tiếng Pháp cho rằng: Việc đào tạo liên tục là điều quan trọng, cũng như việc tạo cơ hội để người trẻ đảm nhận trách nhiệm trong Giáo Hội đối với “sứ mệnh minh nhiên thông truyền đức tin”.

Nói về các ơn gọi, các giám mục nói rằng ở một số điểm, Tài Liệu Làm Việc dường như chỉ nói đến một sự hiểu biết có tính giáo sĩ quá mức đối với hạn từ; các ngài nói thêm rằng thay vào đó, ơn gọi là một lời kêu gọi đem lại cho mọi người có đức tin các xu hướng và suy nghĩ đúng đắn.

Các vị viết: ơn gọi “là nguồn gốc của đức tin, sự công chính hóa và là cùng đích của hiện hữu con người, của đời sống Kitô hữu trong Giáo hội. Hơn nữa, ơn gọi thần thiêng này được ngỏ cùng mọi con người nhân bản. Nó không dành riêng cho các chi thể của Giáo Hội mà thôi”.

Về sự biện phân, các giám mục nhận xét rằng khi cho phép người trẻ lãnh nhận ơn thánh đức tin, “họ được kêu gọi sống kinh nghiệm vượt qua nhờ thánh giá, mỗi ngày trong đời sống họ, tự bản thân mình và trong Giáo Hội”.

Các Nhóm nói tiếng Ý

Trong các nhóm nói tiếng Ý, phúc trình vòng hai của các nhóm nhỏ tập trung chủ yếu vào tầm quan trọng của việc đồng hành, và việc này có hình dáng ra sao trong các ngữ cảnh khác nhau. Hầu hết các nhóm nhấn mạnh nhiều đến sách thánh, và các ngài cũng đề cập đến việc cần phải thực tiễn về tình huống người trẻ và ý thức được cả hai khía cạnh tích cực mà họ mang lại nhưng cả các thách thức họ đang phải đương đầu.

Nhóm đầu tiên, do Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám mục phó của Rôma, phối hợp và Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, người đứng đầu Học viện Giáo hoàng về Đời sống, tập chú vào điều Giáo hội vốn gọi là ơn gọi nên thánh phổ quát, công lý và hòa bình, và tầm quan trọng của việc đồng hành với người trẻ.

Sách thánh là một phần quan trọng trong các suy tư của nhóm, với câu chuyện về nhân vật sách thánh Samuel, vốn được đề nghị làm một hình ảnh cho thấy Thiên Chúa kêu gọi một con người ra sao, với sự kiên nhẫn và tôn trọng tự do của họ.

Về mặt đồng hành, nhóm nói rằng tuổi trẻ phải “lắng nghe Thiên Chúa trước hết”, nhưng họ cần những điển hình tốt, có thể hỗ trợ, khuyến khích và hướng dẫn họ trong các quyết định họ đưa ra, đồng thời ý thức được các yếu điểm của họ.

Trong nhóm thứ hai, do Đức Hồng Y Fernando Filoni, Bộ Trưởng Truyền giảng Tin Mừng Các Dân Tộc của Vatican, và Tổng Giám mục Bruno Forte, một thành viên của hội đồng tổ chức thượng hội đồng, đã phát biểu mối quan tâm này là ít nhất trong một phần của tài liệu làm việc của thượng hội đồng, có một tầm nhìn “lạc quan quá mức” về thực tại giới trẻ.

Nhóm cho biết “Cần lưu ý rằng bản nhiên sau nguyên tội đã bị thương tổn, và điều cần là phải tránh mọi tuyên bố tự lấy mình làm đủ; các ngài bác bỏ ý tưởng cho rằng việc tự thể hiện của con người đã đủ”; các ngài nói thêm: mọi người , người trẻ và những người đồng hành với họ, đều là những người có tội đã được tha thứ.

Các ngài cũng nói về việc đồng hành và tầm quan trọng của việc giúp đỡ người trẻ vượt qua các câu hỏi và nghi ngờ của họ; các ngài nói thêm rằng thời gian của tuổi trẻ "không phải chỉ là một phước lành, mà còn là một thách thức, và các yếu điểm của chúng ta cần được xử lý".

Nhóm cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị đầy đủ cho những người đồng hành với người trẻ, những người mà theo các ngài không phải chỉ là các linh mục, mà có thể là "bất cứ người nào đã chịu phép rửa đều có thể dấn thân phục vụ người trẻ một cách rộng lượng, với đức tin và việc chuẩn bị thích đáng".

Trong nhóm thứ ba, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, đứng đầu Hội đồng Văn hóa của Vatican, và Đức Giám Mục Pietro Maria Fragnelli của Trapani, Ý, đã chú ý đến sự đa dạng của các thách thức mà người trẻ đang phải đối đầu tùy nơi họ đang hiện diện, với việc đặc biệt nhắc đến Iraq, Mexico và một nữ tu xuất thân từ châu Á.

Các ngài nói đến việc kết hợp “sự nhiệt tình và rủi ro” trong đức tin, với các trích dẫn sách thánh và Công đồng Vatican thứ hai, đặc biệt là các đoạn sách thánh đề cập đến sứ mệnh của các môn đệ.

Các ngài nói rằng bất chấp người ta là ai, họ đến từ đâu, hay họ thuộc nghi lễ gì, “sứ mệnh của Giáo Hội vẫn tiếp diễn là sứ mệnh biết đánh giá sức mạnh của người trẻ và hỗ trợ sự yếu đuối của họ”; các ngài nói thêm rằng các đóng góp của các dự thính viên và các đại biểu đã giúp làm sâu sắc thêm các suy nghĩ của các ngài về điểm này.

Nhận thấy biết bao người trẻ, các tín hữu và người không tin, gặp khó khăn khi đưa ra quyết định và chọn tin “theo cách riêng của tôi” hơn là như một phần của cộng đồng hoặc một giáo phái chuyên biệt, nhóm cho rằng cần phải giúp đỡ và đồng hành với giới trẻ “với một lòng tôn trọng và tin tưởng lớn lao" và, nếu cần, "cả với một số trợ giúp tâm lý và kinh nghiệm phục vụ thích đáng nữa".

Nhóm cũng đề cập đến vai trò của các phong trào giáo dân trong việc có được sự tham gia của người trẻ, đặc biệt là những người trước đây có thể đã xa lìa Giáo Hội.

Nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha

Nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, do Đức Hồng Y João Braz de Aviz đứng đầu, đã viết rằng đức tin không thể "bị giản lược chỉ còn là một nền luân lý", và thay vào đó, đề xuất của Kitô giáo phải bắt nguồn từ những kinh nghiệm cụ thể.

Các ngài lập luận rằng cuộc khủng hoảng ơn gọi khởi đầu với cuộc khủng hoảng đức tin. Các ngài cũng viết rằng ngày nay nhiều khi đức tin được thông truyền qua "những cách phi truyền thống", chẳng hạn như cha mẹ đánh thức đức tin của con cái họ, và nhiều người trẻ tìm được đức tin của họ qua bạn bè cùng trang lứa của họ chứ không phải trong gia đình.

Các ngài lập luận rằng trên bình diện nhân bản, nhân học, trong tâm hồn của mọi người đàn ông và đàn bà trẻ, có một “khát vọng hạnh phúc, mong muốn được xem xét, được đánh giá và yêu thương”.

“Trong bối cảnh không chắc chắn, bấp bênh và bất an, họ cần sự gần gũi của một Giáo Hội biết hiện diện trong cuộc sống của họ, đặc biệt từ những người trẻ khác, những người, bằng kinh nghiệm đức tin của họ, có thể sưởi ấm trái tim lạnh lùng và thờ ơ của họ bằng việc sẵn sàng chào đón, cùng đi với nhau và cho họ lý do để hy vọng”.

Nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, trong các suy nghĩ của họ về phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc, đã viết rằng con người của Chúa Giêsu có thể là "đáp án chủ chốt cho các thách thức" mà người trẻ phải đối đầu ngày nay, và là "dấu chỉ hy vọng" khi họ cố gắng tìm ý nghĩa cho đời sống họ.

Về cảm giới và tính dục, nhóm đã nói về các khác biệt giữa giáo huấn của Giáo hội và những gì người trẻ thực hành ngày nay, thừa nhận rằng nhiều người làm ngơ, nhiều người khác đặt câu hỏi và nhiều người khác nữa “bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ hay thông tin khoa học trong các lĩnh vực không luôn có sự đồng thuận nào".

Nhóm viết rằng “Khởi đi từ các nguyên tắc căn bản của giáo huấn Kitô giáo (như giá trị sự sống con người và phẩm giá của thân thể), ta có thể mở ra những con đường đối thoại với những người không tin. Tín lý của Giáo Hội trong lãnh vực này rất đẹp và phong phú. Điều cần là trình bày nó cách rõ ràng, tin tưởng vào sức hấp dẫn chứa đựng trong đó và thắng vượt tầm nhìn của những người chỉ coi nó như một điều cứng ngắc”.

Nhóm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua xu hướng giáo sĩ trị và “tính thế gian thiêng liêng” trong việc đào tạo ở chủng viện, bằng cách giáo dục các linh mục tương lai “về đức khiêm nhường và tinh thần phục vụ. Sự hiện diện của giáo dân, các cặp vợ chồng chứ không phải chỉ các giáo sĩ khác trong các cơ cấu đào tạo sẽ là điều rất hữu ích”.