Đó là nội dung chính trong bài nói chuyện của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận với gần 300 thầy cô tham dự Ngày Nhà Giáo Việt Nam vào chiều Chúa Nhật 17/11/2019 tại Giáo xứ Tân Bắc, Giáo Hạt Phú Thịnh, do Ban Giới chức Giáo phận tổ chức

Sau những giây phút đón tiếp, Đức Giám Mục Giáo Phận đã chia sẻ với quý thầy cô về sứ mệnh cao cả của họ.“Người làm giáo dục cần phải chú trọng đến sứ mệnh cao cả của mình khi giáo dục các em. Có 4 cái thànhmà quý thầy cô phải thực hiện được trong sứ mệnh giáo dục: giúp các em thành tài, thành công, thành nhân, và thành thánh.”

Xem Hình

Thành tài

Đây là nhiệm vụ đầu tiên mà nhà giáo dục phải nhắm đến. Điều này có nghĩa là nhà giáo sẽ phải dạy, cung cấp tri thức cho các em. Họ giúp các em biết cách nhìn cuộc sống với những gì đang xảy ra bằng chính kiến thức mà các em lĩnh hội được. Tuy nhiên, Đức Cha Giuse nhấn mạnh, để có thể làm tốt vai trò này, người giáo viên phải được chuyên môn hóa trong lĩnh vực mình giảng dạy, họ phải có kiến thức sâu, rộng, đủ để truyền tải, dạy cho em các tri thức thiết yếu trong nhiều lãnh vực.

Thành công

Tiếp theo việc thành tài, một nhà giáo chân chính sẽ hướng dẫn để các em có cái nhìn chân thực, sáng suốt và khôn ngoan, nhằm để thành công. Muốn thành công, các em phải biết đời, biết người. Giải thích lý do của hai yếu tố này, Đức Cha diễn giải, ngoài kiến thức phải có, các emcòn phải học biết nhìn cuộc đời, biết người, biết tâm lý người khác, biết các bí quyết xử lý công việc…như thế mới đạt tới thành công.

Nhưng, nếu chỉ thành công không thôi thì thực sự quá nguy hiểm. Điều này có nghĩa là gì? Đức Cha giải thích rằng, có những người không thành tài nhưng lại thành công. Như thực tế cho thấy, đã có nhiều sinh viên có bằng cấp ra trường, nhưng họ lại không có kiến thức thực, vì họ chuyên học tủ, học vẹt. Những bằng cấp thể hiện sự thành công đó, thực ra chỉ là do mưu mẹo, gian dối mà có được. Vì thế, sự thành công kiểu này là một mối nguy hiểm cho xã hội, cho giáo dục, và cho chính các em.

Thành nhân

“Nhưng còn phải dạy các em thành nhân nữa”.Đức Chatiếp tục “bởi nếu chỉ thành tài, thành công vẫn chưa xong cuộc hành trình giáo dục và được giáo dục. Vì có những người đạt tới thành công trong học vấn, cuộc sống, nhưng họ lại chưa thành nhân.”

Do đó, Đức Cha mong muốn những nhà giáochân chínhphải lưu tâm đến việc dạy cho các em biết cách sống yêu thương giữa một xã hội đầy dẫy nhữngcon người đang sống vô tâm, vô cảm. Họ không cảm, không hiểu được nỗi khổ của tha nhân, của người bên cạnh mình. Họ vô tâm với trách nhiệm của mình với người khác, với cộng đồng và xã hội. “Quý thầy cô hãy dạy cho các em có lòng yêu thương, trắc ẩn, biết hy sinh, và dám chấp nhận thiệt thòi cho bản thân vì lợi ích chung, vì người khác. Xin hãy dạy cho các em sự chân thành, yêu thích làm những điều tốt đẹp, dạy cho các em cách sống khiêm nhường…”

Nhưng Đức Cha chưa dừng lại ở đó, khi nói rằng “Nhưng để có thể dạy cho các em những đức tính này, quý thầy cô phải là người đã có những đức tính tốt đẹp này trước khi dạy cho các em. Chúng ta không thể cho các em những gì mình không có”. Bởi, “muốn uốn nắn các em thành người tốt, phải có những mẫu gương cho các em noi theo là chính quý thầy cô”.

Thành thánh

Không chỉ là dạy các em thành tài, thành công, thành nhân, nhưng với những nhà giáo Công Giáo phải giáo dục, uốn nắn, hướng dẫn các em thành thánh, giúp các em đi trên con đườngtrở thành vị thánh của gia đình, của xã hội và của Giáo Hội. “Quý thầy cô giáo đang thay mặt Chúa, thay mặt Giáo Hội, và cha mẹ các em để giáo dục, dạy dỗ các em, giúp các em trở thành những con ngoan của Chúa. Hãy nhìn các em là những món quà mà Thiên Chúa trao ban cho quý thầy cô để giáo dục các em.” Và như vậy, Đức Cha nhấn mạnh “cần phải hướng dẫn, dạy dỗ các em trở thành những vị thánh”.

Nhưng yếu tố cần thiết nào liên hệ đến bản thân mà một người thầy cần có để hướng dẫn các em thành thánh? Đức Cha xác quyết “họ phải là những người trân trọng đức tin, sống đức tin, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam, để soi rọi đường đi.” Nhờ vậy, những nhà giáo Công Giáo mới có thể chu toàn sứ mệnh cao cả trong việc giáo dục học sinh, sinh viên để các em được thành tài, thành công, thành nhân và thành thánh. Và như vậy, trước mặt Thiên Chúa, họ đã hoàn thành sứ mệnh mà Người đã trao phó vào tay họ.

Sau phần chia sẻ, Đức Cha đã dâng Thánh Lễ mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,đồng thờicầu nguyện cho quý thầy cô trong sứ mạng của họ. Cùng đồng tế trong Thánh Lễ với Đức Cha có Cha Giuse Tạ Duy Tuyền- Đặc Trách Ban Giáo Chức Giáo phận, Cha Quản Hạt Giáo Hạt Phú Thịnh, cùng quý Cha.

Trước khi khép lại Ngày Họp Mặt gặp gỡ quý Nhà Giáo, trong bữa tiệc mừng sau Thánh Lễ,Cha Đặc Trách đã thay mặt quý thầy cô dâng lời tri ân lên Đức Giám Mục Giáo phận, một người thầy đáng được tôn vinh trong dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Cùng chia sẻ trong niềm vui này, Đức Chacũng đã trao gởi những món quà nhỏ đến một số thầy cô trong dịp họ sắp được lãnh huân chương nhà giáo từ Sở Giáo Dục và Đào tạo, một số thầy cô đang trong vai trò hiệu trưởng các trường.

Trong chương trình ngày họp mặt quý nhà giáo, ngoài bài chia sẻ, huấn từ chính của Đức Cha dành cho giới giáo chức, quý thầy cô cũng đã có thời gian để nghe và thảo luận về đề tài “Nhà giáo với giới trẻ hiện nay” do Cha Fx.Nguyễn Minh Thiệu, SDB, trình bày.

Cũng trong dịp này, Cha Đặc Trách Ban Giáo Chức đã giới thiệu sách mới của Đức Cha Giuse với tựa đề “Mơ chữ nghĩa hóa tâm hồn”. Hy vọng với những trang chia sẻ tâm tìnhtrong ấn phẩm mới này, những nhà giáo tiếp tục thao thức, cố gắng làm trọn sứ mệnh cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ.

Tin, ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P