Lúc 7 sáng thứ Năm 26 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho người già, những người cô đơn, những người lao động đang bấp bênh trong công ăn việc làm và những người đang làm việc để guồng máy xã hội có thể tiếp tục hoạt động và những ai có thể bị nhiễm coronavirus khi thi hành công vụ.

Mở đầu thánh lễ được phát trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Phanxicô nói:

Trong những ngày này có quá nhiều đau khổ, có quá nhiều nỗi sợ. Nỗi sợ hãi của người già, những người cô đơn một mình, trong nhà nghỉ hưu hoặc trong bệnh viện hoặc trong nhà của họ và không biết điều gì có thể xảy ra. Nỗi sợ hãi của những người lao động thất nghiệp, đang phải nghĩ cách làm sao có cái gì đó cho con ăn và thấy trước một tương lai đói kém sắp đến. Nỗi sợ hãi của rất nhiều công chức tại thời điểm này đang giúp giữ cho guồng máy xã hội tiếp tục hoạt động và có thể nhiễm bệnh vì điều đó. Chính chúng ta cũng có những nỗi sợ hãi. Mỗi người chúng ta đều biết những nỗi sợ ấy là gì. Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa để giúp chúng ta tin tưởng, chịu đựng và vượt qua nỗi sợ hãi.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên Bài đọc Một và mời gọi chúng ta nhìn vào tâm hồn mình để xem ngẫu tượng thường được ấp ủ và giấu kín trong lòng mình là những gì.

Bài Ðọc I: Xh 32, 7-14

“Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi Dân Chúa”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai Cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập”. Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”.

Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai Cập? Xin Chúa đừng để cho người Ai Cập nói rằng: “Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và huỷ diệt họ khỏi mặt đất”. Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi Dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Dân được Chúa chọn đã quay sang thờ ngẫu tượng vì họ mất kiên nhẫn chờ đợi Môsê trở về từ trên núi. Họ đâm ra chán nản. Một “nỗi nhớ ngẫu tượng” đã chiếm lấy họ.

Đây là một sự bội giáo thực sự. Họ bỏ Thiên Chúa Hằng Sống để quay sang với ngẫu tượng, và không còn biết kiên nhẫn chờ đợi Thiên Chúa Hằng Sống. Nỗi nhớ này cũng là một căn bệnh của chúng ta. Chúng ta bắt đầu với nhiệt tình bước đi hướng tới tự do, nhưng rồi sự phàn nàn bắt đầu nổi lên: “Điều này thực sự khó khăn. Đây là sa mạc mà. Tôi khát nước. Tôi muốn uống nước. Tôi muốn ăn thịt. Ở Ai Cập chúng tôi đã ăn những thứ ngon lành mà ở đây không có”.

Đức Thánh Cha đã mô tả việc thờ ngẫu tượng diễn ra thế nào. Nó để cho anh chị em nghĩ về những điều tốt đẹp mà nó mang lại. Nhưng nó không cho phép anh chị em nhìn thấy những mặt trái tối tăm của nó. Dân được Chúa chọn đã nhớ tất cả những thứ ngon miệng trên bàn của họ khi còn ở Ai Cập. Nhưng họ quên mất rằng đó là bàn ăn của những kẻ nô lệ.

Những kẻ tôn thờ ngẫu tượng mất tất cả. Dân được chọn đã giao tất cả vàng bạc của họ ra để làm con bê vàng. Họ đã đúc con bê vàng bằng những ân sủng mà Chúa ban cho họ. Chính Ngài đã lấy vàng của người Ai Cập trao cho họ trước khi họ cao chạy xa bay.

Chúa nói với ông Môsê:

“Ta sẽ cho dân này được lòng người Ai Cập; nên khi ra đi, các ngươi sẽ chẳng ra đi tay không. Mỗi người đàn bà sẽ xin đàn bà láng giềng và người ở chung một nhà những đồ bạc, đồ vàng, và áo xống. Các ngươi sẽ cho con trai con gái các ngươi mang những thứ đó. Như vậy là các ngươi tước đoạt của cải người Ai Cập.”

Cơ chế này cũng xảy ra đối với chúng ta. Khi chúng ta làm những việc dẫn chúng ta đến sự tôn thờ ngẫu tượng, chúng ta trở nên gắn bó với những thứ khiến chúng ta xa Chúa. Chúng ta tạo ra một vị thần khác bằng những ân sủng mà Chúa đã ban cho chúng ta như trí thông minh, ý chí, tình yêu, trái tim của chúng ta. Chúng ta sử dụng chính những ân sủng Chúa ban này để tôn thờ ngẫu tượng.

Mỗi người trong chúng ta nên tự hỏi những ngẫu tượng mà chúng ta đã ấp ủ, che giấu trong lòng mình là gì. Ngẫu tượng thậm chí có thể ảnh hưởng đến lời cầu nguyện của chúng ta. Rốt cuộc, dân được chọn muốn tôn thờ ngẫu tượng mà họ tạo ra. Một trong cách thức có thể xảy ra đối với chúng ta là thay đổi các cử hành bí tích thành một thứ cử hành thế tục.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói câu hỏi hôm nay đối với chúng ta là những ngẫu tượng của tôi là gì? Tôi giấu chúng ở đâu? Đây là những câu hỏi chúng ta phải tự hỏi mình hôm nay.

Cầu xin cho đến lúc cuối đời của chúng ta, Chúa không nói với chúng ta rằng: Kẻ bội giáo kia, ngươi đã đi chệch khỏi đường lối ta đã vạch ra. Ngươi đã phủ phục trước một ngẫu tượng. Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn để chúng ta nhận ra các ngẫu tượng của chính mình.


Source:Vatican News