SÀI GÒN – Hôm 7 Tháng Mười, vài giờ sau khi có tin blogger, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt vào lúc 11 giờ 30 phút đêm hôm trước ngày 6/10/2010.

Phạm Đoan Trang là tác giả của những cuốn “Chính Trị Bình Dân,” “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Báo Cáo Đồng Tâm”… với nội dung ngoài vòng kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN. Bà cũng được biết đến là biên tập viên trang mạng Luật Khoa Tạp Chí đang bị Hà Nội “dựng tường lửa” chặn truy cập ở Việt Nam.

Theo tờ Thanh Niên hôm 7 Tháng Mười, vụ bắt bà Trang do “Công An thành phố Hà Nội phối hợp với Cục An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao, Bộ Công An, cùng các đơn vị nghiệp vụ phối hợp tại một địa chỉ ở quận 3, Sài Gòn.”

Cũng theo báo này, bà Trang bị bắt, khởi tố với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước,” theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015. Theo luật Việt Nam, người bị khép tội nêu trên phải đối mặt với bản án từ 5 đến 20 năm tù, nếu bị tòa án quy kết “Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.”

Luật Sư Đặng Đình Mạnh đã xác nhận về việc bà Trang trước đó đã phòng xa, ký một văn bản nhờ ông nhận trợ giúp pháp lý. Trả lời nhật báo Người Việt hôm 7 Tháng Mười, Luật Sư Mạnh nói: “Bà Phạm Đoan Trang là người bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam. Bà công khai điều đó bằng hàng loạt hoạt động tranh thủ dân chủ như viết sách, in ấn về các chủ đề liên quan đến chính trị, xã hội… chứ bà ấy không có ý định che giấu thân phận của mình.”

“Cần lưu ý rằng tất cả các hoạt động của bà ấy đều mang tính cách ôn hòa, bất bạo động. Điều này thật sự có ý nghĩa. Vì lẽ, quan điểm chung của thế giới ngày nay không cầm tù người biểu đạt quan điểm chính trị của mình, cho dù nội dung biểu đạt có quan điểm phê phán chính quyền. Hơn nữa, về phương diện pháp lý, việc biểu đạt quan điểm là một quyền tự do của công dân”.

“Tuy vậy, có lẽ cũng đã dự cảm trước khả năng bị bắt giữ, cho nên bà ấy đã lập thủ tục nhờ tôi làm luật sư bảo vệ cho bà nếu phải vướng vào vòng lao lý. Trong một bức thư viết gởi cho cộng đồng, bà ấy có đề cặp đến việc ‘không cần luật sư bào chữa để giảm án.’ Vì lẽ, bà ấy không cho rằng hành vi của mình là phạm pháp. Tôi hiểu và tôn trọng quan điểm của bà."


Vào ngày 27 tháng 5, 2019 Bà Phạm Đoan Trang đã có viết sẵn một lá thư mang tựa đề "NẾU TÔI CÓ ĐI TÙ….", nội dung như sau:

Sài Gòn, ngày 27/5/2019

Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi,
Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.
Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn.
Tôi trông cậy vào các bạn. Xin giúp tôi hoàn thành các mục đích sau, nếu tôi có phải vào tù.
Trân trọng cảm ơn tất cả.

1. Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới Mong các bạn làm mọi cách để gắn việc tôi đi tù (nếu có) với luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới. Làm sao để công luận biết rằng tôi đã tham gia nghiên cứu và đưa ra luật mới về bầu cử và tổ chức quốc hội, và tôi bị bắt một phần là vì lý do đó. Tôi muốn có một phong trào xã hội rộng lớn thúc đẩy việc thông qua hai luật này.

2. Quảng bá các cuốn sách tôi viết Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn, dưới bất kỳ hình thức gì dù là bản in hay bản điện tử hay sách nói. Tôi viết nhiều sách nhưng đây là những cuốn tôi mong muốn phổ biến nhất:

a) Chính trị bình dân;
b) Cẩm nang nuôi tù;
c) Phản kháng phi bạo lực;
d) Politics of a Police State (tiếng Anh);
e) Các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.

3. Biến việc đi tù thành cơ hội để tận dụng. Nhà nước CHXHCN Việt Nam lâu nay luôn coi tù nhân lương tâm là một công cụ để mặc cả, trao đổi với nước ngoài. Khi trả tự do cho một tù nhân lương tâm và tống xuất người đó ra nước ngoài, nhà nước thu được rất nhiều cái lợi: ký được một hiệp định kinh tế nào đó, đánh bóng hình ảnh “tôn trọng nhân quyền”, vô hiệu hóa một biểu tượng đấu tranh vì tự do, và phớt lờ tất cả các yêu cầu cải cách thể chế.

Tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi. Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.

Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.

Nói cách khác, tôi không muốn có một phong trào kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho Trang”. Tôi muốn một phong trào xã hội rộng lớn, thúc đẩy việc “trả tự do cho Trang và thông qua luật bầu cử mới”, “trả tự do cho Trang và bảo đảm bầu cử tự do, công bằng”, v.v. Tóm tắt ba mục (1), (2) và (3) Nếu tôi bị bắt, tôi mong muốn các bạn làm truyền thông theo hướng vận động mỗi người, nếu ủng hộ tôi thì không cần làm gì nhiều, cũng không cần hô hào “tự do cho Trang”, mà chỉ cần truyền bá thông điệp sau:

“Tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Đoan Trang”, hoặc “Tôi ủng hộ Đoan Trang, nên tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Trang”, hoặc “Yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam”, hoặc “Ủng hộ ứng viên độc lập vào Quốc hội”. *

Vài điểm xin các bạn lưu ý thêm:

1. Xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ là hai mẹ con đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều; xin bảo vệ họ.

2. Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.

3. (Nhưng) tôi nhận hành vi: Tôi luôn khẳng định tôi là tác giả của các cuốn “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”, cũng như tất cả các sách và báo cáo khác tôi từng viết và để tên thật.

Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ, và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội.

4. Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi. Đối với tôi, đàn guitar quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa giáo.

5. Tôi không quan tâm đến số năm tù theo bản án, do đó tôi không cần luật sư bào chữa để giảm án – một điều hẳn nằm ngoài khả năng của các luật sư trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Thay vì thế, tôi mong các luật sư có thể làm một kênh truyền tải thông tin giữa tôi và mọi người bên ngoài.

6. Không ưu tiên tôi hơn các tù nhân lương tâm khác.

7. Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ khoảng năm thứ ba hoặc thứ tư (tính từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nêu trên.

Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành.

Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ.

Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.

Phạm Đoan Trang