Ý Niệm « Sống Lại » Trong Thánh-Kinh Cựu Ước Và Trong Tư Tưởng Do-Thái Vào Thời Đầu Tây Lịch Kỷ Nguyên.

Mấy nhận xét tổng quát

1) Nên chú ý là những kiểu nói « sống lại »[1], « phục sinh » hay « phục hoạt » mà ta quen dùng, thì chưa nói lên đủ ý về niềm tin của chúng ta, vì đây không phải là sống đi sống lại, hết kiếp này sang kiếp khác, như quan niệm luân hồi của người Ấn-độ, cũng không phải là « trường sinh » do thuốc tiên của Đạo giáo, lại cũng không phải là « bất tử » như người Hi-lạp quan niệm về thần linh, hay là chu du đến miền cực lạc ở Tây phương xa vời. Mấy quan niệm đó chú trọng đến thân phận cá nhân của con người sẽ ra làm sao. Quan niệm mà chúng ta nói ở đây, đành rằng có liên quan đến thân phận cá nhân, nhưng cốt yếu là nhằm vào mối liên lạc thân tình giữa ta và ai khác, là một vị tuyệt đối khác hẳn và ở bên kia thế giới hình sắc này.

Thường thường các tôn giáo trình bầy quan niệm của mình về thế giới bên kia, về cái bờ bên kia – bỉ ngạn – như là một chân lý dĩ nhiên, vĩnh viễn đã có sẵn như thế ở ngoài tầm hiểu biết của con người phàm tục, nhưng bỗng dưng có một vị thần trí hay một thánh nhân khả kính nào đó, thông hiểu mọi việc trời đất, lại có từ tâm, dạy cho tín đồ biết ngay và biết hết một cách tường tận, chỉ cần cúi đầu không suy nghĩ, nhắm mắt tin theo, là đạt chân lý tuyệt đối một cách dễ dàng. Có nhiều tôn giáo dạy cho tín đồ biết rất tỉ mỉ về thế giới bên kia, y như ở thế giới này, có những sự vật, những nhân vật như thế nào, và sau khi chết người ta phải đi qua những chặng đường nào và phải xử sự làm sao để thoát hiểm.

Quan niệm của đạo Do-thái và đạo Thiên Chúa thì tránh không nói nhiều đến những điều ở ngoài trí tưởng tượng của con người, tránh không gán cho thế giới bên kia những điều ta quen biết ở thế giới này. Thậm chí còn cấm tuyệt không được tìm những bí thuật, như đồng bóng, để liên lạc với thế giới bên kia, để tiên đoán, để bói toán về số phận con người.

Vì thế quan niệm « sống lại », quan niệm đạo Do thái và đạo Thiên Chúa về thân phận con người ở thế giới bên kia – cũng như quan niệm về chính Thiên Chúa – không phải đã sẵn có như thế, rồi ngày một ngày hai từ trời đem xuống. Nó đã được thành hình dần dần trong nhiều giai đoạn của lịch sử dân Chúa, sau khi người ta trải qua nhiều biến cố đặc biệt đầy ý nghĩa, sau khi nhận ra cái sở đoản của các giải pháp hợp lý đã được hiền nhân quân tử đó đây nêu ra, và sau khi người ta nhận ra quan niệm đang thành hình đó như là một tin tưởng về cuộc đời đem lại cho nhân sinh của ta một ý nghĩa vượt ra bên ngoài thế giới này. Tin tưởng đó không có tính cách bó buộc như là một hiện tượng tất yếu trong thiên nhiên, người ta có thể tự do thuận theo hay là không thuận theo. Từ đó mới suy nghĩ để giải thích và tìm ngôn từ để nói lên sao cho hợp, trình bầy sao cho ai nấy hiểu ra được, rồi theo đó mà hành đạo cho đúng đường lối. Tuy vậy ngôn từ quen dùng trong thế giới này thì có nhiều, nhưng khi dùng để nói về thế giới bên kia, thì thường cũng là bất cập, nói lên không hết ý, không đúng hẳn, vì thế phải chắp nối dùng nhiều ngôn từ, nhiều hình ảnh tượng trưng.

Nên chú ý : niềm tin tưởng đó căn cứ vào một quan niệm lạc quan về nhân sinh, không vô định mà cũng không tất định. Nghĩa là : người ta sinh ra ở đời, không phải là do ngẫu nhiên biến hóa một cách vô tình, vô định như thế, cũng không phải là do nhân quả báo ân báo oán một cách tất định, nhưng là do một vị thượng trí an bài (không vô định), vừa chú tâm vào vận mệnh con người (không vô tình), vừa để con người tự do lựa chọn (không tất định). Cho nên khi nói « sống lại », thì tất cả những kiểu nói khác nhau đều cùng nhằm nói lên con người sẽ ra sao, tùy theo liên lạc thân mật hay không với Thiên Chúa. Và khi nói lên như thế, bao giờ người ta cũng nói lên từ những hình ảnh của nhân sinh quan thông thường của thời đại.

2) Có thể nói là quan niệm « sống lại » đã xuất hiện khá muộn trong tư tưởng Do-thái, nghĩa là sau khi mất nước và bị đem đi đầy ở Ba-bi-luân (thế kỷ VI trước TLKN), và nhất là vào thời dưới quyền đô hộ của người Hi-lạp (thế kỷ III-II trước TLKN). Trước đó người ta đã tin Thiên Chúa trong nhiều thế kỷ, mà chưa thấy cần phải tin có « sống lại » ở đời sau. Vì lẽ rằng người ta vẫn còn giữ quan niệm cổ sơ, cũng giống như quan niệm của người Hi-lạp cổ, nghĩa là vẫn tin rằng khi người ta chết đi thì xuống âm phủ. Ở cõi âm, người ta như là một cái bóng tàn, không còn khí lực hoạt động gì được, không còn trí nhớ, không nhận ra ai cả, cũng không nhận ra mình là ai nữa. Vì thế cho nên quan niệm rằng hành vi thiện ác đều có các thứ thưởng phạt ở trong thế gian này cả. Ai ở hiền thì mong gặp lành ở đời này, như « đa tử đa tôn đa phú quí, đắc tài đắc lộc đắc trường sinh ».

Điều cốt yếu là từ mấy thế kỷ trước khi mất nước, người Do-thái đã tin Thiên Chúa có từ tâm và có quyền lực, đã giải phóng cho dân tộc và giao ước đặc biệt với tổ phụ của dân tộc, và nhất là tin rằng dù sao Thiên Chúa cũng vẫn trung thành giữ lời giao ước, làm cho người ta về sau này, cả trong những giai đoạn khủng hoảng cùng cực, như khi nước mất nhà tan, khi cá nhân bị hủy hoại một cách oan ức vô lý, thì cũng vẫn còn có thể hi vọng và trông cậy một cách tuyệt đối.

Về đề tài nêu ra trên đây, có hai cuốn sách nghiên cứu tỉ mỉ đem lại nhiều tài liệu quí giá : một là cuốn sách Sống lại, Bất tử, Hằng sống của Nickelsburg[1], hai là cuốn sách Cuộc sống sau khi chết của Cavallin[1]. Cả hai tác giả cùng chống lại một quan niệm quá thông thường, nhưng lại quá đơn giản, cho rằng nhân sinh quan của người Do-thái và của người Hi-lạp khác nhau ở chỗ là một bên thì có tính cách nhất nguyên – coi con người là một thực thể thống nhất – còn bên kia thì chủ trương nhị nguyên – coi con người là hai thực thể ghép vào nhau nhưng rất khác nhau : hồn là tinh anh bất tử, xác là vật chất có thể hư nát[1]. Hai tác giả ấy nói đúng, vì một bên thì nhân sinh quan của đạo Do-thái và của đạo Thiên Chúa đã thay hình đổi dạng nhiều lần trong lịch sử, một bên thì trong văn hóa Hi-lạp, ai nấy đều biết là các học phái Platôn, Aristôtêlês,và các học phái khắc-kỷ Stoa, học phái duy-lạc Eâpikuros, đều không có một nhân sinh quan như nhau.

Sách của Cavallin nặng về khuynh hướng phân tích. Ông chia các bản văn thành năm loại : một là các bản văn của Thánh-Kinh viết bằng tiếng Híp-ri (Do-thái), hai là các bản văn có khuynh hướng khải huyền (Apocalypsis) đã được soạn ra trên đất Palestina, ba là các bản văn viết bằng tiếng Hi-lạp của người Do-thái di tản ra bên ngoài Palestina và lập nghiệp ở chung quanh Địa-trung-hải, bốn là các bản văn chú giải Thánh-Kinh của các thầy nho sĩ Do-thái (Rabbi), năm là những bản văn phủ nhận quan niệm có đời sống khác sau khi người ta chết. Mỗi bản văn được ông đặt vào hoàn cảnh và môi trường của nó để nghiên cứu. Tuy muốn phân tích hơn là tổng hợp, nhưng về cuối sách, ở trang 197, ông cũng phác họa ra một bảng đối chiếu, trong đó ông đưa ra 20 ý kiến làm tiêu chuẩn, để xem các tác giả của 30 bản văn quan trọng, mỗi người quan niệm về sự « sống lại » như thế nào, có những ý kiến nào và thiếu những ý kiến nào. Kết quả là ta có thể phân biệt ra chừng hai, ba mươi quan niệm khác nhau ít hay nhiều về sự « sống lại », có những điểm giống nhau, lại có những điểm trái nghịch nhau. Nói thế khác trong giai đoạn nghiên cứu đó thì người ta không có một quan niệm duy nhất về sự « sống lại ».

Sách của Cavallin, vì quá nặng về phân tích, cho nên có cái nhược điểm là không cho ta thấy các yếu tố làm thành mỗi quan niệm ăn khớp với nhau như thế nào, cũng không giải thích được vì sao có nhiều bản văn lại đưa ra một quan niệm giống nhau, và sau cùng không nói lên được sự biến chuyển của mỗi quan niệm, vì các yếu tố dùng làm tiêu chuẩn thì được trình bầy riêng rẽ như là ở ngoài thời gian, ở ngoài lịch sử.

Cách làm việc của Nickelsburg có tính cách tổng hợp hơn và vì thế làm cho độc giả thấy rõ cái lý sự của mỗi quan niệm. Những bản văn được viết ra trong những hoàn cảnh giống nhau, hay là trong những cách lập vấn tương tự, thì ông xếp vào thành một loại. Như thế người ta dễ dàng nhận ra các truyền thống đã biến chuyển và phân chia ra thành nhiều môn phái như thế nào. Tuy thế, các bản văn lại cũng có nhiều nguồn gốc, mà cái nhìn quá tổng hợp làm cho người ta dễ quên đi rằng thực tại có phần phiền phức hơn. Dù sao hai lối làm việc của hai tác giả cũng là bổ túc lẫn cho nhau.

Trong khi trình bầy, hay hơn cả là nên theo lối dàn bài của Nickelsburg. Tác giả nghiên cứu quan niệm « sống lại » trong bốn trường hợp : một là trong trường hợp đạo giáo bị bách hại, hai là trong trường hợp người công chính bị áp bức, ba là ngoài trường hợp đạo giáo bị bách hại và người công chính bị áp bức, bốn là trong quan niệm thần học của giáo phái Cum-ran. Thực ra thì trường hợp thứ nhất được bàn bạc nhiều hơn cả, tác giả dành cho nó ba chương, nghĩa là tới một nửa cuốn sách. Vì thế thiết tưởng có thể góp ba trường hợp sau thành một, gọi là ngoài trường hợp đạo giáo bị bách hại.

Trong trường hợp đạo giáo bị bách hại


Về giai đoạn dân Chúa bị nước mất nhà tan, bị đưa đi lưu đầy, bị người ngoại quốc, ngoại giáo bách hại, thì có khá nhiều bản văn viết về cái hi vọng được « sống lại ». Nickelsburg chia các bản văn đó thành ba loại : một là những bản văn có tính cách khải huyền (chương một), hai là những bản văn nói lên suy tư của hiền nhân (chương hai), ba là những bản văn bênh vực cho người công chính (chương ba).

Khi dân Do-thái thống nhất quốc gia và được thịnh vượng dưới triều các vua Đa-vit và Sa-lô-môn (thế kỷ X trước TLKN), thì nhận ra rằng Thiên Chúa (Đức Gia-vê) vừa có quyền lực, vừa có từ tâm, và đã giữ lời giao ước với dân Chúa. Nhưng có hai trường hợp làm cho niềm tin đó bị lung lay : đó là khi bị người Ba-bi-luân phá nước và bắt vua tôi đem đi đầy (thế kỷ VI trước TLKN) và khi bị vua Antiochus IV Epiphane cấm đạo (thế kỷ II trước TLKN). Thực vậy, đáng lý ra thì hễ dân Chúa trung thành giữ đạo, thì Chúa cho thịnh vượng. Cho nên khi đứng trước những quốc nạn như thế, người ta không khỏi bỡ ngỡ và đặt câu hỏi vì sao.

Trong sách viết về lịch sử các vua Do-thái về trước, người ta theo lập luận « đời cha ăn mặn, đời con khát nước », và nghĩ rằng vì các vua đã bất trung với luật Chúa, cho nên quốc gia điêu tàn. Nhưng lập luận đó đã bị vị ngôn sứ Ê-dê-ki-en bác bỏ vì lẽ cá nhân chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chứ không có cái thói « quít làm cam chịu ».

Nhưng khi không tìm ra lý do vì sao, thì người ta bị khủng hoảng tinh thần, có khá nhiều người bỏ đạo, vì lập luận như sau : Nếu Đức Chúa vừa có quyền lực vừa có từ tâm đồng thời biết giữ lời hứa, thì không thể có cảnh điêu tàn như thế. Vậy bây giờ có cảnh điêu tàn, cho nên, một là vì Đức Chúa có quyền lực, nhưng lại không có từ tâm hay là quên lời hứa, hai là vì Đức Chúa có từ tâm và không quên lời hứa, nhưng lại không có quyền lực. Cho nên còn thờ Đức Chúa làm gì nữa ! Đó cũng là lập luận về thần linh mà triết học Hi-lạp đã đưa ra khi đứng trước đau khổ hỗn loạn trong cuộc đời.

Sau cuộc khủng hoảng như thế, còn một phần nhỏ, một phần còn lại của dân Do-thái vẫn trung thành giữ đạo. Dĩ nhiên là vì đã có những vị lãnh đạo giúp cho họ tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa trên đây.

Câu trả lời thứ nhất là của phong trào khải huyền (Apocalypsis). Các bản văn thuộc loại này được xếp chung quanh cột trụ là bản văn Đa-ni-en 12, 1-3. Theo như Nickelsburg, thì phong trào đó chủ trương rằng phải chờ cho đến ngày tận thế thuộc về thời cùng tận, thời thế-mạt, lúc đó « trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục mà bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao » (Đn, 12, 1-3) ». Như thế có nghĩa là thân xác người ta sẽ sống lại, rồi Đức Chúa sẽ phán xét tất cả mọi người.

Các yếu tố đó đã có trong truyền thống về trước, nhất là truyền thống I-sai-a, báo trước là sẽ có phán xét trừng trị những người ngoại bang đàn áp dân Chúa, và dân Chúa sẽ sống lại, nghĩa là sẽ được phục hưng (Is 13-14 và 25-27). Ngoài ra còn báo trước là tôi tớ Chúa trước đây bị khổ nhục thì sẽ được đề cao.

Có một chi tiết quan trọng làm cho hai bản văn, trên đây khác nhau : khi sách I-sai-a (26, 19) dậy rằng : « Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên », thì đó cũng như trong niềm hi vọng của Hô-sê (6, 1-2) hay là trong thị kiến (vision) của Ê-dê-ki-en (chương 27), thấy những bộ xương khô lại có được da thịt và sống lại, tất cả đều là những hình ảnh tượng trưng nói về cuộc phục hưng của dân Israel; còn trong sách Đa-ni-en thì nói về cá nhân những người công chính, trung thành với đạo giáo mà bị bắt bớ giam cầm giết lát.

Có một số sách cùng một loại như sách Đa-ni-en, thì cũng đi theo một hướng, nhưng có một vài chi tiết hơi khác. Sách Niên lịch các ngày đại lễ (Livre des Jubilés, 23, 27-31) thì có lẽ chịu ảnh hưởng văn hoá Hi-lạp cho nên nói rằng tinh thần được sống lại. Sách Chúc thư của tổ phụ Giu-đa (chương 25) thì cũng nói đến những người công chính được sống lại, nhưng còn thêm vào đó rằng khi dân Chúa được phục hưng thì các thánh tổ phụ cũng được sống lại. Sách Mô-sê thăng thiên (Assomption de Moise, chương 10) nói đến những hiền sĩ được nâng cao lên tận các ngôi sao, nhưng không nói đến ai sống lại cả.

Nói tóm lại thì các sách trong khuynh hướng khải-huyền thì thật có nói đến sống lại, nhưng coi đó như là một giải pháp đặc biệt cho một trường hợp đặc biệt, đó là trường hợp những người công chính bị bắt bớ : những người đã mất mạng, mất thân xác, vì đạo giáo, thì nay được đền bù lại, thân xác họ sẽ sống lại để dự cuộc phán xét; mà phán xét chẳng qua cũng chỉ là vì hoàn cảnh đặc biệt như thế, chứ không phải là một biến cố phổ thông, chung cho cả trời đất.

Câu trả lời thứ hai là giải đáp của các sách thuộc nhóm các nhà hiền sĩ. Trong các sách đó có kể nhiều truyện theo cùng một mẫu những truyện dậy khôn ngoan. Đại ý kể truyện những người công chính bị bắt bớ, bị kỳ thị, rồi sau được hồi phục, còn những kẻ hành hạ những người ấy, thì có khi bị phạt, có khi không. Ta có thể đan cử ra đây một bài truyện như : truyện ông Giu-se (Sách Sáng thế, chương 37-50), áng thơ về người tôi tớ của Đức Chúa ( Sách I-sai-a, chương 52-53), truyện bà Esther (Sách Esther), truyện bà Su-san-na (Sách Đa-ni-en, chương 13), vân vân.

Có một chi tiết đặc biệt là trong các truyện dậy khôn ngoan thì thường kể truyện người công chính bị bắt bớ, bị kết án, nhưng không bị chết, vì đến phút cuối cùng thì họ được cứu sống, được minh oan và được hồi phục trong cuộc sống này. Còn trong I-sai-a, chương 52-53 và trong Sách Khôn ngoan chương 4-5, thì người công chính (hiền sĩ, ngôn sứ hay là tôi tớ Đức Chúa) bị bắt bớ, bị kết án và bị xử tử : trong tình trạng ấy thì không thể có phục hồi trong cuộc sống này được, mà vì thế họ sẽ được phục hồi trong thế giới bên kia hay là trong thiên giới.

Đặt vào trong trường hợp những người đã chết, đã bỏ mình, vì đạo giáo, thì câu truyện người công chính bị bắt bớ rồi được hồi phục, mở ra một viễn tượng mới : đó là viễn tượng được đền bù, được thăng thưởng, được đề cao sau khi chết. Thực ra người hiền sĩ cũng chính là người công chính, vì trong Cựu Ước thì sự Khôn ngoan cũng là một tên khác để gọi Lề luật của Chúa. Vì thế có thể nói : cái tính bất tử mà sự khôn ngoan hay là lề luật Chúa đem lại cho người hiền sĩ hay là người công chính, thì cũng chính là một cuộc sống cao cả, bền vững hơn cái cuộc sống vật chất ở đời này[1]. Do đó ta hiểu vì sao những người công chính, dù họ có bị mất mạng, thì họ vẫn được sống muôn đời (Sách Khôn ngoan, 5, 15), và những người độc ác, một khi đã mở mắt trông thấy sự thật, thì đã nói với nhau rằng : « Cũng thế mà thôi, bọn chúng mình : thoạt sinh ra thì đã biến mất » (Sách Khôn ngoan, 5, 13). Thế mới biết, sống chết cũng có nhiều bậc nhiều loại khác nhau. Chính vì căn cứ vào lối phân biệt này mà về sau này các vị giáo-phụ của đạo Chúa Giê-su như Ô-ri-ghê-nê hay là thánh Am-brô-si-ô mới phân biệt cái chết ra làm ba loại.

Câu trả lời thứ ba là do những suy tư của người tín hữu về những biến cố xảy ra trước mắt. Ví dụ như trong Sách Ma-ca-bê, quyển thứ hai, có kể truyệân trước khi ông Ê-lê-a-da cùng với một gia đình một mẹ và bảy người con trai chịu chết vì đạo giáo, thì họ đã có những suy tư rất thâm trầm về sự sống lại. Những suy tư đó ăn rễ vào áng thơ « người tôi tớ Chúa » trong sách I-sai-a, vì những người chịu chết vì đạo giáo được gọi là tôi tớ Chúa.

Câu truyện đó ta đã nghe biết, cho nên không lạ gì nữa. Ở đây ta chỉ cần ghi lấy những điều các người đó đã nói lên trước khi bị gia hình. Ý kiến thứ nhất là những người chịu chết vì đạo giáo như thế chính là dân tộc Israel đang chịu đau khổ vì tội lỗi của mình (2 Mcb 7, 18 + 32), nhưng vẫn tin chắc chắn rằng Đức Chúa sẽ không bỏ rơi dân riêng của Ngài và rồi đây những những kẻ hành hạ dân Chúa sẽ bị trừng trị (2 Mcb 7, 16 + 33). Những điều đó sẽ được thực hiện trong cuộc chiến thắng của ông Giu-đa Ma-ca-bê và cái chết ghê sợ của vua An-ti-ô-khô. Niềm hi vọng sẽ được sống lại, thì là vì những người đó đã chết vì đạo giáo (2 Mcb 7, 9) : thân xác được sống lại là để đền bù cho cái thân xác đã chịu tra tấn xẻo cắt. Hiểu như thế thì việc sống lại có liên quan đến một trường hợp đặc biệt có bất công, chứ không phải là chung cho mọi người, vì kẻ hành hạ dân Chúa không có sống lại (2 Mcb 7, 14).

Còn hai ý kiến nữa cũng được bà mẹ bẩy người anh em nói lên. Bà này tượng trưng cho bà mẹ Xi-ôn, tức là mẹ của dân Chúa đang bị bách hại, như trong Sách I-sai-a phần thứ ba và trong Sách Khải huyền của (ngôn sứ) Ba-rúc [1]. Ý kiến thứ nhất : niềm tin sẽ sống lại thì tựa vào niềm tin Thiên Chúa tạo thành trời đất : « Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người,và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài, chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình » (2 Mcb 7, 23). Quan niệm này bắt nguồn từ I-sai-a (Is 43, 1+2+6+7; 44, 1+2; 46, 3+4), đã đem lại cho niềm tin sống lại một nền tảng phổ thông, chung cho mọi người, chứ không riêng cho một trường hợp đặc biệt. Ý kiến thứ hai : sống lại cũng là phục hưng lại cộng đồng tín hữu : « Các con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẻ trả con và các anh con cho mẹ » (2 Mcb 7, 29).

Ngoài trường hợp đạo giáo bị bách hại

Ngoài trường hợp đạo giáo bị bách hại ra, thì cái cảnh kẻ ác được thịnh vượng mà người lành phải bần cùng, ai cũng thấy là nó đi ngược lại niềm tin có thưởng phạt ở đời này, như đã dậy trong sách Đệ Nhị Luật. Vì thế nó gây ra khủng hoảng tinh thần cho những người tin Chúa nhưng còn ở trình độ sách Đệ Nhị Luật. Đó là vấn đề được đặt ra ngay trước khi dân Chúa mất nước và bị đem đi đầy, và còn đặt ra sau này khi phái Pha-ri-siêu bị phái Xa-đốc đàn áp. Nếu bảo rằng thưởng phạt hay là báo ân báo oán, đều là ở đời này cả, thì chẳng lẽ ta lại kết luận rằng những người đàn áp dĩ nhiên phải là công chính, còn kẻ bị đàn áp thì tất nhiên là có tội?

Vấn đề được đề cập trong Sách Hê-nốc, từ chương 94 cho đến chương 104, được biên soạn vào quãng từ năm 95 đến 78 trước TLKN, nghĩa là ngay sau khi phái Pha-ri-siêu bị tàn sát dưới triều vua Alexandre Jannée. Tác giả đi vào cuộc tranh luận và lên tiếng nói với hai hạng người. Với những người công chính đã bị giết, tác giả nói : « Này các người công chính, đã vị nghĩa mà tử vong, các người đừng sợ, hãy tín cẩn (…) Hãy trông vào những kẻ đã tự cho mình là công chính, mà xem họ đã bị hủy diệt như thế nào. Cho tới lúc chết, họ không hề được ai cứu. Họ đã mai một đi, như thể là chưa bao giờ có họ. Linh hồn của họ buồn phiền mà xuống địa ngục »[1]. Rồi tác giả cho những người công chính biết chắc rằng tinh thần của họ sẽ sống hạnh phúc mà không bao giờ chết nữa. Còn với những người có tội ác đã chết đi sau khi hưởng một đời thịnh đạt, thì tác giả nói : « Các người phải biết rằng tinh thần các người sẽ bị điệu xuống địa ngục, sẽ phải buồn phiền, phải ở trong nơi tối tăm, ở trong cạm bẫy và giữa ngọn lửu cháy bừng bừng. Rồi còn phải bị lên án trong cuộc phán xét muôn dân. Các người thật là khốn nạn, các người sẽ không bao giờ được yên ». Đối với những người công chính hiện đang sống trong hoàn cảnh thua thiệt, thì tác giả bảo họ là phải hi vọng, vì chắc chắn là họ sẽ được thắng lợi trong cuộc phán xét muôn dân, sẽ được lên trời và sáng láng như các vì tinh tú, còn những kẻ có tội bây giờ thì sau này sẽ bị phạt.

Xem lại Sách Đa-ni-en, chương 12, thì ta thấy rõ lý do cuộc phán xét muôn dân và vì sao ngững người công chính sẽ được đề cao. Nhưng có điều đáng chú ý là ở đây không có nói gì đến việc thân xác người ta sẽ sống lại, mà chỉ nói đến tinh thần người ta hoặc là sẽ xuống địa ngục, hoặc là sẽ lên trời; lại cũng không nói gì đến những người có tội sẽ sống lại hay không.

Về việc sống lại theo như Sách Hê-nốc, Nickelsburg đưa ra hai nhận xét sau đây : « Một là nếu Đức Chúa cho những người công chính được hồi phục, thì không phải là vì họ đã vì Chúa mà chịu khổ sở oan uổng, nhưng chỉ là vì họ đã chịu khổ sở oan uổng, thế thôi. Hai là sự sống lại không phải là để đền bù cho cái chết oan uổng, nhưng là để trả lời cho câu hỏi về những người phải đau khổ và bị đàn áp, cho dù chưa đến nỗi phải chết ».

Nói tóm lại, chính vì cái cảnh người công chính phải đau khổ và bị đàn áp, nó quả là chướng tai gai mắt, cho nên người ta thấy là không còn có thể cứ bám víu vào quan niệm của Sách Đệ Nhị Luật cho rằng chỉ có thưởng phạt ở đời này mà thôi, và cũng vì thế nó mở ra cho ta cái viễn tượng là sẽ phải có cuộc phán xét muôn dân và sẽ có sống lại trong thế giới bên kia. Còn nếu ta không thấy Sách Hê-nốc nói gì đến việc thân xác sẽ sống lại, thì phải chăng đó là vì do ảnh hưởng của một luồng tư tưởng Hi-lạp? Hay là vì lẽ rằng thân xác người công chính không bị hủy hoại như trong trường hợp những người vị nghĩa vong thân, cho nên không cần phải đền bù gì cho thân xác họ?

Cho tới đây ta mới chỉ xét đến sự sống lại trong mấy trường hợp đặc biệt của những người bị bắt bớ, bị đàn áp. Cho nên những giải pháp đưa ra chỉ là những câu trả lời cho mấy trường hợp riêng rẽ như thế, chứ chưa phải là những giải pháp có tính cách phổ thông, chung cho mọi trường hợp. Muốn đi tới một giải pháp chung, thì cần phải đặt vấn đề ở bên ngoài trường hợp những người bị bắt bớ và bị đàn áp. Trong cách lập vấn như thế, Nickelsburg nghiên cứu năm bản văn đã được soạn thảo trong thời gian giữa Cựu Ước và Tân Ước, đó là : Thánh vịnh của vua Sa-lô-môn (viết vào khoảng từ năm 69 đến 47 trước TLKN), Chương thứ XXII trong Sách Hê-nốc ( vào khoảng năm 170 trước TLKN), Chương thứ VII trong Sách Esdras, quyển thứ IV (vào khoảng cuối thế kỷ I sau TLKN), Lời dạy của bà cốt. (Oracles sibyllins, khoảng từ năm 80 đến 50 trước TLKN), và Chương thứ XX trong sách Chúc thư của tổ phụ Ben-gia-minh (thế kỷ I trước TLKN).

Tác giả kết luận như sau : « Theo như những bản văn nghiên cứu trong chương sách này thì việc sống lại vẫn còn được đặt ra trong khung cảnh cuộc phán xét muôn dân. Tuy vậy việc sống lại và cuộc phán xét đã có một vai trò quan hệ hơn là trong các bản văn về trước. Những người công chính sẽ được trọng thưởng vì họ đã tuân theo đạo giáo (Torah), cho dù họ đã được thưởng ở đời này rồi. Còn những người có tội thì họ sẽ bị kết án vì họ độc ác, chứ không phải vì họ đã hành hạ người công chính; họ sẽ bị phạt ở đời sau vô cùng, cho dù ở đời này họ đã bị phạt rồi »[1]. Đó là quan niệm chung của mấy bản văn đó, tuy nhiên cũng có một vài bản văn gợi ra ý kiến rằng những người công chính sẽ được sống vô cùng. Riêng sách Thánh vịnh của vua Sa-lô-môn thì có nói rằng những người có tội ác thì xuống địa ngục sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Một vài đoạn văn khác thì có nói đến việc mọi người sẽ sống lại và sẽ có phán xét muôn dân.

Xem như thế, ta thấy là ít lâu trước khi đạo Chúa Giê-su ra đời thì trong tư tưởng Do-thái đã xuất hiện quan niệm mọi người sẽ sống lại và sẽ có phán xét muôn dân.

Sau cùng thì đề cập đến lập trường của giáo phái Cum-ran. Nickelsburg đã đưa ra nhận xét chung sau đây : « Các cuộn sách của giáo phái Cum-ran đã được in ra cho tới nay có một điểm đáng chú ý : ta không thấy có đoạn văn nào có thể giải thích một cách chắc chắn như là có ý nói đến việc sống lại hay là về tính bất tử »[1]. Chính vì thế mà tư tưởng của giáo phái ấy đã được giải thích ra theo nhiều phương hướng khác nhau.

Đọc các thánh-vịnh dùng trong giáo phái, ta thấy có nói đến việc đạo giáo bị bắt bớ, nhưng người ta chỉ tạ ân Đức Chúa vì mình được thoát. Có thế thôi. Như thế có nghĩa là : « Vì lẽ cuộc bắt bớ tín hữu không đưa đến chỗ chết, và vì người ta cũng không phải sợ như thế, cho nên không thấy cần phải nói đến việc sống lại hay là nói đến các việc sau khi chết. Nếu không có bệnh thì cũng không cần thuốc ».

Cũng nên nói thêm là tư tưởng thần học của phái Cum-ran, khi bàn về cuộc sống muôn đời thì có một cách đặt vấn đề đặc biệt. Ít khi họ nói đến cái chết của thân xác. Đó là vì khi dùng những từ ngữ « cuộc sống », « cái chết », thì họ hiểu đó là hai ngả đường trong vận mệnh cuối cùng của người ta, sau khi thân xác chết đi. Họ cho rằng ngay từ đời sống hiện tại, con người ta đã bắt đầu đi theo một trong hai ngả đường đó rồi. Ai sống trong giao ước của Đức Chúa thì ngay từ bây giờ đã được sống muôn đời rồi. Ta gọi đó là cánh-chung-luận đã thực hiện (eschatologie réalisée). Những người trong giáo phái tất nhiên là sẽ được sống muôn đời một cách hoàn toàn, vì ngay từ bây giờ họ đã sống với các thiên sứ, đã được đưa lên tận trời và được sáng chói lọi như các vì tinh tú. Vì thế nếu không có gì cách biệt giữa cuộc sống muôn đời trong lúc này và trong lúc sau, thì cái chết của thân xác không có gì là quan trọng cả, không có gì đáng chú ý[1].

Cái lối nhìn như thế về cuộc sống và cái chết sẽ đưa các thánh giáo phụ trong đạo Chúa Giê-su đến chỗ phân biệt cái chết ra làm ba hạng.

Kết luận

Xem như thế thì ta thấy là trong tư tưởng Do-thái thời Cựu Ước và thời kỳ giữa Cựu Ước và Tân Ước đã có khá nhiều quan niệm khác nhau về sự « sống lại », khác nhau đến nỗi nhiều khi không dung hòa được với nhau. Đặt những quan niệm đó vào những thời đại và những trường hợp khác nhau, đó là một cách tương đối hóa, đồng thời cũng là một phương pháp để nhận ra tính cách thống nhất của chúng.

Tính cách thống nhất này bắt nguồn từ khi người ta nghiệm ra rằng đạo giáo hay là Lề Luật của Chúa là nguồn đem lại sức sống. Ta đọc trong sách Đệ Nhị Luật : « Hãy để tâm vào tất cả những lời mà hôm nay tôi cảnh cáo anh em, hãy truyền những lời đó cho con cái anh em, để chúng lo đem ra thực hành tất cả những lời của Luật này. Thật vậy, đó không phải là một lời trống rỗng đối với anh em, mà đó là sự sống của anh em (…)» (Đnl 32, 46-47).

Nhưng sự sống là cái gì? Cái gì là sự sống mà Thiên Chúa đã hứa cho? Xin trả lời : thánh sử, lịch sử của dân Chúa, chính là lịch sử các chặng đường đã đi để dần dần tìm ra sự sống ấy là gì.

Đọc tiếp câu 47 trong sách Đnl, chương 32, ta tìm ra chặng đường thứ nhất : « (…)và nhờ lời ấy, anh em sẽ được sống trên đất mà anh em sắp qua sông Gio-đan để chiếm hữu ». Như thế có nghĩa là : sống tức là thân xác khỏe mạnh lâu dài trên một miền đất phì nhiêu, mà không phải sợ các dân tộc khác đe dọa, sống tức là có con cháu đầy đàn và có một quốc gia riêng cho mình. Chính vì đã nghe theo lời Chúa gọi và hứa cho như thế, cho nên các tổ phụ người Do-thái đã dám bỏ quê nhà ra đi, rồi lại bỏ đi ra khỏi đất Ai-cập là nơi họ đã phải làm nô lệ.

Ở chặng đường này người ta nghiệm thấy rằng hễ giữ Luật của Chúa thì cá nhân cũng như quốc gia được phồn thịnh. Như thế dần dần nảy ra ý kiến là thưởng phạt gì cũng là ở đời này cả, và Thiên Chúa cũng dần dần chuyển thành một đồng minh hữu ích, thậm chí thành ra như là một dụng cụ, một phương tiện phụng sự cho con người ! Đó là cái nguy lớn : tôn giáo thành ra một phương tiện, người ta theo Chúa đâu có phải là vì Chúa, nhưng là vì mình, vì có lợi cho mình mà thôi. Đó là điều ông tổ học thuyết vô thần thế kỷ XIX, là Feuerbach, đã nêu ra. Đó cũng là câu hỏi mà quỉ Xa-tan đã đặt ra cho Đức Chúa, khi nói về ông Gióp[1].

Chặng đường thứ hai : Biến cố nước mất nhà tan, rồi vua cũng như dân bị đưa đi lưu đầy (thế kỷ VI trước TLKN), đó là khủng hoảng lớn cho niềm tin Thiên Chúa trước đây : phải chăng Thiên Chúa bội tín hay là bất lực? Nếu thực như thế thì giao ước với Thiên Chúa mà làm gì?

Nhưng có khủng hoảng như thế niềm tin Thiên Chúa mới có thể chín chắn hơn và chuyển hướng ra khỏi niềm tin vụ lợi. Không phải ai cũng chuyển hướng được như thế. Có một số đông đã bỏ đạo. Còn một số nhỏ vẫn giữ được niềm tin Thiên Chúa, mặc dầu hoàn cảnh éo le. Niềm tin của số còn lại là do người ta xác định được ra rằng : 1) Thiên Chúa không phải là một phương tiện mà người ta sử dụng tùy tiện; 2) Sự sống không phải chỉ là hạn hẹp vào cái thân xác này mà thôi, mà còn có cái gì khác nữa, còn có cái gì ở đâu nữa.

Nhưng cái khác đó là gì và ở đâu? Câu hỏi ta đặt ra ở đây cũng chính là câu hỏi đã đặt ra trong những bản văn ta vừa trình bầy trước đây.

Như đã nói, trong trường hợp đạo giáo bị bắt bớ, người tín hữu thấy là cần phải có gì đền bù cho những cái mà người công chính đã bị mất đi vì trung thành với Chúa : nếu đã bị hạ thấp, bị lăng nhục, thì sẽ được tôn trọng, được nâng cao lên và sáng chói như sao trên trời; nếu thân xác đã bị tra tấn, bị xẻo cắt hay bị giết, thì thân xác sẽ được sống lại. Phải chăng đó chỉ là một mơ ước rất tự nhiên, do cái ý chí muốn sống của muôn loài? Chắc là thế. Nhưng cái mơ ước đó không phải là không có nền tảng vì nó căn cứ vào lời Thiên Chúa hứa cho sự sống, và người ta nhận biết Chúa có quyền lực trong việc giải phóng cho dân tộc khỏi làm nô lệ vua Ai-cập, trong việc tạo thiên lập địa, đồng thời Ngài giữ lời hứa. Trong niềm tin đó, những người vị nghĩa vong thân tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ cho họ được sống lại vinh quang, và những kẻ đàn áp họ sẽ bị trừng trị.

Còn ngoài trường hợp đó ra thì cái cảnh người công chính bị đàn áp và kẻ độc ác được thịnh vượng cũng làm cho người ta suy nghĩ và đi tới một kết luận tương tự, nhưng lại có phần phổ thông hơn, vì nó chung cho mọi trường hợp. Người ta suy luận rằng sau khi chết thì sẽ có phán xét muôn dân, và ai nấy sẽ được thưởng phạt tùy theo con đường mình đã chọn.

Như thế quan niệm chung là : chết không phải là hết, vì lẽ Thiên Chúa có quyền lực và giữ lời hứa.

Tuy vậy vẫn còn một vài vấn đề chưa được giải quyết, ví dụ như : Khi sống lại thì chỉ có linh hồn (hay tinh thần) mà thôi, hay là cũng có thân xác nữa? Những kẻ dữ có sống lại để bị phạt muôn đời vô cùng, hay là sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn? « Sống lại » có phải là lại sống như cũ, lại tiếp tục cái đời sống như bây giờ, hay là – như giáo phái Cum-ran đã nhận định – sẽ có một cuộc sống ở một mức độ siêu việt, cao sang, nghĩa là mới hẳn, khác hẳn cuộc sống bây giờ? Để nói về cuộc sống mới này, người ta không có sẵn từ ngữ nào thích hợp, cho nên quen dùng những biểu tượng như : được tôn vinh, được nâng cao lên tận trời, được sáng chói lọi như các vì sao. Ngoài ra vẫn còn có những người Do-thái, như phái Xa-đốc, cứ giữ lại truyền thống cũ, họ tín cẩn vào quyền lực của Thiên Chúa, vào lời Chúa đã hứa, nhưng họ không tin là sẽ có « sống lại », vì đó là điều không thấy Thánh-Kinh dạy một cách rõ ràng.

Chặng đường thứ ba : Chính trong trong lúc tư tưởng Do-thái chia ra năm bè bẩy mối, không đồng ý với nhau về vận mệnh con người, về quan niệm « sống lại », thì đạo của Đức Giê-su xuất hiện, đem lại tin vui, tin mừng, đã được đón nhận và ghi lại trong sách Phúc Aâm.

Quan niệm « sống lại » mà trước đây trong cộng đồng dân Chúa, người ta suy luận, mơ ước và hi vọng theo nhiều phương hướng, thì từ nay đã có một số chứng nhân, đã chứng kiến đời sống, giảng thuyết, hành vi, cuộc tử nạn và sự « sống lại » của Đức Giê-su. Họ thấy những sự kiện ấy là hợp với truyền thống dân Chúa vẫn giữ được niềm tin Thiên Chúa trung tín và có quyền lực. Từ nay họ trở thành chứng nhân, có can đảm chứng thực những điều mắt thấy tai nghe đã đưa họ đến một quan niệm mới về Thiên Chúa. Và đây là chặng đường cuối cùng trong việc tìm hiểu Thiên Chúa và vận mệnh con người. Từ đây bắt đầu một kỷ nguyên mới. Vấn đề thật là mênh mông, bao trùm 20 thế kỷ lịch sử đạo Chúa Giê-su, không thể trình bầy trong phạm vi nhỏ hẹp của bài này được.

Trần Văn Toàn
Giáo sư Triết và Thần Học Đại Chủng Viện Lille Pháp