1. Pho tượng “Chúa Kitô Bảo Vệ”, cao 43 mét sẽ được xây tại Brazil

Sáng kiến xây dựng pho tượng mới do ông Gilson Conzatti, thị trưởng Encantado và con là Adroaldo. Mục đích họ nhắm tới là để biểu dương đức tin và đồng thời cũng để thu hút du khách. Thị trấn này có 22.000 dân và cách thủ phủ Porto Alegre của bang Rio Grande do Sul 145 cây số về hướng tây bắc.

Tượng được đặt tên là “Chúa Kitô Bảo Vệ”, cao 43 mét kể cả bệ, tức là cao hơn 5 mét so với Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở thành Rio de Janeiro, và hai cánh tay của tượng dài 36 mét, tức là dài hơn 10 mét so với tượng ở Rio. Bên trong tượng có thang máy để lên đỉnh, tại đây có một khu vực để du khách quan sát và ngắm cảnh.

Công trình lập tượng bắt đầu từ năm 2019 với phí tổn dự kiến là hai triệu đồng Real của Brazil, tương đương với 350.000 Mỹ kim, do những người hảo tâm đóng góp và hiệp hội Những người bạn của Chúa Kitộ phối hợp công trình kiến thiết và quản lý. Trong những ngày này, đầu và hai cánh tay giang rộng được gắn vào khung tượng, và phần còn lại của tượng sẽ được gắn vào trong vòng tám tháng tới đây.
Source:CNA

2. Đức Tổng Giám Mục Cordileone kêu gọi 'tiêm chủng chống phân biệt chủng tộc'

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco tuần trước đã lên án bạo lực đối với người Á Châu tại Hoa Kỳ, và đưa ra sự so sánh giữa vắc-xin COVID-19 và quan điểm chống phân biệt chủng tộc.

“Việc tiêm chủng chống phân biệt chủng tộc có thể được tóm gọn trong một từ: đức hạnh”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói hôm 10 tháng 4 tại Nhà thờ Đức Bà.

Phát biểu của Đức Tổng Giám Mục được đưa ra trong một buổi lễ cầu nguyện cho việc “chấm dứt bạo lực và phân biệt chủng tộc đặc biệt đối với người Á Châu, vì sự hàn gắn cho đất nước chúng ta, và vì sự hưng thịnh của hòa bình và công lý trên đất nước của chúng ta”.

Sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh các báo cáo gần đây về tình trạng bạo lực gia tăng đối với cộng đồng Á Châu tại Hoa Kỳ.

Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ báo cáo rằng 36% người dân ở Quận San Francisco là người gốc Á. Đức Cha Cordileone lưu ý rằng nhập cư từ Trung Quốc đã không đổi trong thành phố ngay từ đầu, và nhập cư từ các quốc gia Á Châu khác cũng phổ biến trong khu vực. Theo Đức Tổng Giám Mục điều “rất đáng lo ngại” là “bạo lực chủng tộc sẽ manh nha ở đây”.

Đức Tổng Giám Mục đã trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi vị Giáo Hoàng Á Căn Đình mô tả phân biệt chủng tộc là “một loại vi rút nhanh chóng biến đổi và thay vì biến mất, lại ẩn náu và ẩn nấp chờ đợi”.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho biết “vi rút phân biệt chủng tộc” rất giống COVID-19. “Nó không bao giờ biến mất, nhưng có nhiều cách để chúng ta tiêm chủng chống lại nó, và phải luôn cảnh giác để bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm”.
Source:Catholic News Agency

3. Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho biết giới hạn của California đối với các cuộc tụ họp tôn giáo tại gia là quá nghiêm ngặt

Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho biết các hạn chế về coronavirus đối với các cuộc tụ họp tôn giáo tại gia như học Kinh thánh, thờ phượng và cầu nguyện là quá nghiêm ngặt so với khuôn khổ hiến pháp, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho biết trong một án lệnh cuối ngày thứ Sáu.

Trích dẫn quyết định của tòa phúc thẩm trong một trường hợp khác, phán quyết của tòa cho biết tiểu bang không thể “cho rằng điều tồi tệ nhất xảy ra khi mọi người thờ phượng và điều tốt nhất xảy ra khi họ đi làm. “

California đã nói rằng những hạn chế của họ đối với các cuộc tụ họp xã hội là “hoàn toàn trung lập”. Các quy tắc hạn chế coronavirus hiện tại của tiểu bang đã giới hạn các cuộc tụ họp xã hội trong nhà không quá ba hộ gia đình, và những người tham dự phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách xã hội với nhau.

Các quy tắc này đã được thách thức bởi Mục Sư Jeremy Wong và Karen Busch, hai cư dân của Hạt Santa Clara, trong Khu vực Vịnh San Francisco. Thông tấn xã AP cho biết họ muốn tổ chức các buổi học Kinh Thánh trực tiếp, với một số ít người tại nhà của họ. Trong vụ kiện được gọi là Tandon kiện Newsom, họ phản đối các giới hạn đã cản trở việc thực hiện tự do tôn giáo của họ.

“Không có bằng chứng nào cho thấy việc học Kinh Thánh trong nhà rủi ro hơn một chuyến đi xem phim, ăn tối ở nhà hàng, tập luyện trong phòng tập thể dục hoặc tụ tập với hàng chục người bạn tại một nhà máy rượu, nhà máy bia, nhà máy chưng cất hoặc sân chơi bowling”, các nguyên đơn cho biết trong đơn kháng cáo của họ lên Tòa án Tối cao.
Source:Catholic News Agency

4. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân của bạo lực ở miền nam Colombia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án “các đợt bạo lực và bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người dân đang sống trong quá nhiều đau khổ” ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương của Colombia. Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã viết như trên trong một bức điện gửi tới chủ tịch Hội đồng Giám mục Colombia, là Đức Tổng Giám Mục Oscar Urbina Ortega của Villavicencio. Bức điện cũng đề cao “dấn thân của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân trong việc không ngừng tìm kiếm để xây dựng các mối quan hệ hòa bình trong toàn bộ khu vực”.

Colombia hiện đang trải qua tình trạng bạo lực tồi tệ nhất mà đất nước từng chứng kiến kể từ khi hiệp định hòa bình năm 2016 giữa Bogota và nhóm Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nửa thế kỷ. Theo báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 3, hơn 13,000 dân thường ở Colombia, trong đó có hơn 5,000 trẻ em, đã phải di dời hoặc hạn chế di chuyển do hoạt động của các nhóm vũ trang trên toàn quốc trong tháng Giêng và tháng 2.

Một số chiến binh du kích đã từ chối tham gia tiến trình hòa bình, và tiếp tục cuộc đấu tranh của họ, đồng thời tham gia cùng với những kẻ buôn bán ma túy tại các khu vực vô luật pháp của Colombia. Phiến quân cách mạng Colombia, các nhóm du kích cánh tả, các nhóm buôn bán ma túy đều đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát ngành sản xuất cocaine béo bở và các thị trường khai thác bất hợp pháp.

Gần đây, khu vực phía nam của đất nước cũng bùng phát bạo lực. Ngày 26 tháng Ba, hàng chục người bị thương ở Corinto, thuộc tỉnh Cauca, Tây Nam Colombia, khi một quả bom đặt trên xe hơi phát nổ trước tòa thị chính, tại một trong những địa điểm biểu tượng của cộng đồng bản địa ở Colombia.

Trong những khu vực, nơi từng là thành trì của phiến quân cách mạng Colombia trong những thập kỷ gần đây, các nhóm vũ trang và băng đảng có liên quan đến việc buôn bán ma túy đang hoạt động rất ráo riết. Tại Toribío, nơi Cha Álvaro Ulque, linh mục bản xứ đầu tiên ở Colombia, bị giết vào năm 1984, các nhà truyền giáo dòng Consolata tiếp tục công việc của ngài để nâng đỡ cho người nghèo giữa chập chùng các khó khăn.
Source:Vatican News