Đến trung tuần tháng 4/2021 là tròn 2 năm ngày Nhà thờ Đức Bà Paris ngập trong biển lửa, và ngọn tháp mũi tên đổ sụp trong nỗi bàng hoàng tuyệt vọng của hàng triệu con mắt dõi theo trực tiếp hay qua truyền hình, từ trong nước đến toàn thế giới.

Tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngay sau vụ hoả hoạn, về việc cho cải tạo lại nhà thờ trong vòng 5 năm, là một sự trấn an lớn với những người yêu mến và lo lắng cho số phận của công trình tiêu biểu của nước Pháp, nhưng cũng tạo sức ép gần như không tưởng lên tiến độ công trường khổng lồ này. Chính vì thế, từng quyết định, mỗi bước tiến của quá trình phục dựng đều thu hút sự theo dõi sát sao của đông đảo người quan tâm.

Hai năm đầu mở đường và tạo nền móng cho quá trình phục dựng

Nếu có thể tổng kết ngắn gọn, thì 2 năm đầu tiên là giai đoạn đặt những khung định hướng, « đường ray » dẫn dắt cho toàn bộ quá trình bảo tồn sau đó. Một đạo luật về quản lý việc phục dựng và bảo tồn Nhà thờ Đức Bà Paris đã được thông qua vào tháng 7/2019. Trên công trường là những nỗ lực tập trung vào dọn dẹp phần nào đống đổ nát, đánh giá thiệt hại và vấn đề ô nhiễm chì. Mối bận tâm lớn nhất là xem xét các nguy cơ và bảo đảm an toàn cho những kết cấu còn lại, tránh nguy cơ có thêm sụp đổ. Một năm sau, vào tháng 7/2020, tổng thống Pháp chính thức tuyên bố chọn hướng phục dựng nguyên trạng, và trung thành tuyệt đối với hình dáng cũng như cấu trúc, vật liệu gỗ và chì của ngọn tháp mũi tên như nó được kiến trúc sư Viollet-le-Duc cải tạo lần cuối vào giữa thế kỷ 19.

Sau khi bị gián đoạn vì biện pháp phong toả chống dịch Covid-19, phần lớn nỗ lực trên công trường là nhằm tháo gỡ 200 tấn giàn giáo vốn được dựng lên để trùng tu tháp mũi tên trước khi xảy ra đám cháy. Hệ giàn giáo này đã bị nung chảy và biến dạng một phần trong vụ hoả hoạn, có nguy cơ sụp đổ. Công việc gỡ bỏ giàn giáo đầy khó khăn, công nhân phải cưa nhỏ từng đoạn đưa từ trên cao xuống, và phải rất cẩn trọng bởi chỉ cần sơ sảy là có thể tác động thêm vào sự mất ổn định của hệ mái đã bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí làm sụp đổ mái Nhà thờ. Những giàn giáo cuối cùng đã được gỡ bỏ thành công vào cuối tháng 11 năm vừa qua.

Mặt khác, một hệ giàn giáo đồ sộ mới được dựng lên bên trong nhà thờ, chuẩn bị cho việc đưa 23 hệ ván khuôn vòm lên, chống đỡ cho quá trình xây lại các vòm cuốn bằng đá khối đã bị sập xuống. Ngoài ra, việc tháo dỡ 8.000 ống của cây đại phong cầm 300 tuổi cũng được hoàn thành vào tháng 12/2020. Tuy không bị hư hại trong vụ hoả hoạn, cây đàn bị phủ lớp bụi chì và chịu sự giao động nhiệt lớn, cần được lau chùi và tu chỉnh lại.

Nghiên cứu tro tàn - cơ hội cho những bước tiến mới của khoa học

Song song với công trường trên hòn đảo Ile de la Cité giữa lòng Paris, phải kể đến một « công trường » thứ 2, là những nghiên cứu được tiến hành trên nhiều phương diện. Đây được coi là « công trường khoa học» của dự án trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris, như phần chìm của tảng băng, nhưng vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu cũng quy mô, gấp rút và tập trung những nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Ngoài đội ngũ kiến trúc sư chủ trì công trường phục dựng, đứng đầu là Philippe Villeneuve và Rémi Fromont, còn có 175 nhà nghiên cứu kỹ thuật, vật lý, hoá học, bảo tồn, lịch sử kiến trúc, xã hội, nhân chủng học, chia thành 8 nhóm chuyên về các vật liệu kim loại, đá, gỗ và khung mái, kính, cũng như về âm học, kết cấu, dữ liệu số hoá, cảm xúc, được thành lập bởi các nhóm chuyên môn của bộ Văn Hoá phối hợp với Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS).

Một mặt, các nghiên cứu tiền khả thi làm nền móng cho việc lựa chọn các vật liệu thay thế, tính toán các phương án gia cố độ vững chãi cho công trình, trùng tu đảm bảo tôn trọng tính nguyên bản và các giá trị kiến trúc, thẩm mỹ vốn có. Mặt khác, độc đáo hơn, là đề xuất nghiên cứu chính những đổ nát, thậm chí các chất liệu bị cháy, hư hại, như một nguồn dữ liệu giàu có để tìm hiểu về lịch sử xây dựng, tuổi thọ, sức bền chịu đựng tác động của nhiệt độ, của chì bay hơi... và những ảnh hưởng của khí hậu lên vật liệu, kết cấu, tính truyền âm... của công trình đã tồn tại bền bỉ qua hơn 8 thế kỷ.

Lần đầu tiên, các nhóm nghiên cứu độc lập quy tụ lại để cùng đóng góp, trao đổi hiểu biết hướng đến một mục đích chung, hứa hẹn kho tàng kết quả, dữ liệu khổng lồ và quý báu xây dựng được sẽ là một đóng góp quan trọng cho bước tiến của nền khoa học nói chung và cho ngành bảo tồn nói riêng. Những dữ liệu này sẽ được công khai chia sẻ cho công chúng trên nền tảng số hoá. Ngoài ra, phương án kết cấu gỗ thi công phục dựng phần khung mái và tháp mũi tên bước đầu đang được tính toán nhờ 2 nhóm nghiên cứu của Khoa kết cấu gỗ, Đại học Kiến trúc Nancy và Đại học Công nghệ, Công nghiệp gỗ Epinal. Mục đích là tiến hành và đánh giá 6 kịch bản phục dựng, tính toán đến giảm thiểu tải trọng, các điểm kết cấu cần lưu tâm, tối ưu hoá tính bền vững và khả năng bảo trì …

Mọi miền đất nước chung tay lựa chọn và huy động vật liệu

Có thể nói, những tháng đầu năm 2021 bắt đầu nhiều hoạt động sôi nổi và tích cực đóng góp vào công trường. Đầu tiên phải kể đến việc thay thế hệ xà, dầm khung mái được mệnh danh « cánh rừng » gần 900 tuổi, cùng với hệ kết cấu của tháp mũi tên và các nhịp bên, cần hơn 1.000 thân gỗ sồi. Với mái gian giữa (le Nef), kích thước tối thiểu cho khoảng 337 dầm gỗ sồi là 25-37cm đường kính và 12m chiều dài. Phức tạp hơn, 350 thân sồi cho gian hợp xướng (le Chœur) và số lượng tương tự thân gỗ cho phần tháp mũi tên lại đòi hỏi những kích thước lớn hay những góc cong chính xác hơn, cần những cây gỗ có đường kính lên đến hơn 1m. Để đáp ứng đòi hỏi đó, một ban chuyên đánh giá các nguồn gỗ sồi trên toàn nước Pháp đã được thành lập để tuyển chọn, lên kế hoạch đốn cây và phơi khô trong vòng hơn 1 năm trước khi đưa vào sử dụng.

Mong muốn được vinh dự gửi gắm những cây gỗ quý nhất, đẹp nhất, thậm chí những cây sồi 100-200 tuổi cho căn thánh đường đã và sẽ là công trình mang niềm tự hào chung của nước Pháp, khắp các vùng trồng rừng trên cả nước, nhiều cá nhân và địa phương nhiệt tình đóng góp gỗ sồi, thậm chí, có cả những đề nghị quyên góp gỗ đến từ nước ngoài.

Tiếp sau gỗ, đá cũng là một vật liệu cần tìm kiếm để xây dựng lại các mái vòm. Số lượng đá của vòm bị sập có thể tái sử dụng được chỉ chiếm 15%, còn lại phải tìm mới. Việc chọn lựa cũng không hề đơn giản: có một đội ngũ chuyên nghiên cứu đặc tính và nguồn gốc của các vòm đá hiện tại của nhà thờ. Mục tiêu là sẽ sớm định vị vào giữa năm 2021 các vùng khai thác mà đá có tính địa chất, màu sắc phù hợp, vừa kết hợp được về tính thẩm mỹ, lại có quy trình lão hoá, ô xy hoá đá tương đồng. Đó phải là những mỏ đá vôi khu vực Paris, hình thành trong giai đoạn 41-48 triệu năm trước.

Những khám phá ngoài mong đợi

Một nhánh phục dựng khác không kém phần quan trọng để bảo đảm tính thẩm mỹ của nhà thờ liên quan đến việc lau chùi, thay sửa lại các khung tranh kính bị hư hại, và phục chế các tác phẩm tranh tường, vòm, bị tro than và bụi chì bao phủ và tấn công. Các khung kính màu được làm mới nguyên trạng ở các xưởng nghệ nhân làm kính màu kinh nghiệm lâu đời ở các vùng Sartres, Mans … hoặc được phục chế tại chỗ ngay trong nhà thờ. Khác hẳn với công việc đồ sộ xây lại hệ vòm và mái, công việc phục chế này đòi hỏi tay nghề cao, tính tỉ mỉ, chi tiết và khéo léo.

Không những thế, vì trong môi trường bám chì dày đặc độc hại, việc phục chế thêm phần phức tạp và phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Khu vực phục chế được phủ bạt kín toàn bộ, và người làm việc phải sử dụng trang phục riêng, được tẩy trùng và thay đổi mỗi lần ra vào khu vực cách ly. Bụi chì bám trên mặt tường được lau chùi bằng vật liệu latex hoạt động như một lớp mặt nạ bám trên bề mặt, khi bóc đi sẽ mang theo nó các bụi bẩn. Cách thứ 2 sử dụng những tấm bông nén ẩm để chùi bề mặt. Với những khe kẽ sâu, việc lau chùi được thử nghiệm sử dụng bằng công nghệ laser.

Trong vòng 2 tháng, 2 trong số 24 vòm gian điện thờ nhỏ ở dọc hai cánh nhà thờ đã được thử nghiệm phục chế. Hai gian thờ này được lựa chọn không ngẫu nhiên, mà là nhằm khôi phục lại màu sắc rực rỡ của những bức tranh tường của Viollet-le-Duc (gian điện thờ Saint-Ferdinand) và để tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử thời Trung đại của nhà thờ (gian điện Notre-Dame de Guadalupe). Và kết quả thu được vô cùng khả quan, thậm chí mang lại những khám phá bất ngờ, mới mẻ về các hoạ tiết trang trí đã tồn tại nhiều thế kỷ. Với tranh tường của Viollet-le-Duc, việc chùi sạch bụi chì và muội nến đốt bám hàng thập kỷ là cơ hội để trả lại những màu sắc rực rỡ như thủa ban đầu, bức tranh được bảo quản tốt không bị hư hại, rạng ngời cả góc nhà thờ, hơn cả trước khi công trình bốc cháy.

Nhưng bất ngờ và xúc động hơn nữa là việc lau chùi vòm điện Notre-Dame de Guadalupe bằng nhiều kỹ thuật khác nhau còn làm hé lộ những bức tranh đa màu vẽ trước thời phục dựng thế kỷ 19, vốn không được nhắc đến trong ghi chép của Viollet-le-Duc. Hay quý giá hơn nữa là những họa tiết hoa lys mạ vàng được tìm thấy dọc diềm vòm mái. Các nhà phục chế dự đoán những hoạ tiết này được làm vào khoảng thế kỷ XII-XV, trong thời kỳ xây dựng đầu tiên của nhà thờ, vốn cũng chưa hề được biết đến trước đây.

Thách thức cho giai đoạn tới

Bước sang năm thứ 3, công trường khổng lồ này sẽ thực sự bước vào công đoạn trùng tu phục dựng, sau khi những tính toán, thử nghiệm đã đưa ra những kết quả đầu tiên đầy lạc quan. Dự kiến trong năm 2021, những nghiên cứu khả thi sẽ cụ thể hoá dần. Việc lựa chọn vật liệu cũng đang hoàn tất, gỗ sồi sẽ được phơi khô trong vòng 18 tháng để đưa vào xưởng dựng mái vào cuối năm 2022. Công việc phục chế và lau chùi bụi trên toàn bộ 24 gian điện thờ sẽ được tiếp nối. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trở ngại đang cần tìm giải pháp trong thời gian tới. Như vấn đề tường và nền móng bị nước cứu hoả xâm nhập, gây độ ẩm lớn, ăn sâu vào nội thất và tranh trang trí. Hay như đối vói việc lựa chọn vật liệu mái tháp mũi tên bằng các lá chì, cần tìm các giải pháp đảm bảo chống nhiễm độc cho thợ thi công, và không gây nhiễm độc chì trong không khí, cũng như các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng phù hợp.

Mặc dù mọi hướng đi gần như đã an bài, nhiều người quan tâm vẫn bày tỏ những quan điểm tiếc nuối, thậm chí phê phán hướng phục dựng này. Một mặt, việc sử dụng lại gỗ sồi, mái chì làm công trình vẫn đứng trước các nguy cơ hoả hoạn và gây nhiễm độc chì, điều mà các công trường cải tạo sau hoả hoạn của các nhà thờ lớn khác như ở Nantes đã tránh vấp phải khi dùng vật liệu bê-tông. Mặt khác, việc dùng lại kết cấu và vật liệu theo cách thực hiện cách đây hơn 8 thế kỷ, và phục dựng nguyên trạng lại tháp mũi tên theo thiết kế của Viollet-le-Duc, bị chỉ trích là làm mất cơ hội cách tân, lồng ghép dấu ấn thời đại vào công trình này.

Người ta có cơ sở để mong muốn điều đó, bởi một trong những điểm làm nên sức lôi cuốn và giá trị của Nhà thờ Đức Bà Paris, chính là nhờ sự « chồng lớp » những mảnh ghép của thời gian, của dấu ấn phong cách kiến trúc đa dạng qua mỗi biến thiên lịch sử, qua mỗi lần tu sửa, mà vẫn giữ được một tổng thể hài hoà. Điều này, đã không được tiếp nối trong lần đại trùng tu này, một phần cũng do những yêu cầu chặt chẽ của một công trình được xếp hạng trong quần thể di sản kiến trúc nhân loại của Unesco. Để bù đắp, hy vọng công trường này sẽ là cơ hội để thúc đẩy tìm tòi và áp dụng những kỹ thuật cải tạo, phục dựng tân tiến của thời đại ngày nay.

Dù sao đi nữa, quá trình phục chế này sẽ còn hứa hẹn « tiết lộ » những bí mật và bất ngờ mới, làm dày lên những kho báu bất tận các giá trị lịch sử, kiến trúc của toà thánh đường danh tiếng nhất nước Pháp nhưng cũng có số phận lắm « thăng trầm » trong hơn 8 thế kỷ tồn tại.