Một vị Hồng Y đã cử hành thánh lễ tại đền thờ Fatima của Bồ Đào Nha hôm thứ Năm 13 tháng 5 nói rằng thế giới cần một sự “tái khởi động về tinh thần” cũng như sự tái thiết kinh tế sau đại dịch.

Giảng về ngày lễ Đức Mẹ Fatima ngày 13 tháng 5, Đức Hồng Y José Tolentino de Mendonça, nhà lưu trữ và thủ thư của Hội Thánh Rôma, nói rằng sự phục hồi tài chính toàn cầu đòi hỏi một sự phục hưng tâm linh đi kèm.

Ngài nói: “Ở ngã rẽ lịch sử hiện tại này, chúng ta không thể cho phép sự hồi sinh của hy vọng chỉ tương hợp với mối quan tâm đối với các biểu hiện vật chất của cuộc sống. Không còn nghi ngờ gì nữa, có một nhu cầu cấp bách về cung cấp lương thực, và nhiệm vụ cấp bách này, về cơ bản là một trong những yếu tố trong công cuộc tái thiết kinh tế, phải đoàn kết và huy động xã hội của chúng ta”.

“Nhưng các xã hội của chúng ta cũng cần một sự tái khởi động về tinh thần. Chúng ta không thể sống được nếu không có lương thực, nhưng chúng ta không thể sống chỉ nhờ lương thực. Những khoảnh khắc khủng hoảng sâu sắc nhất luôn được vượt qua bằng cách khởi động một tâm hồn mới, đề xuất những con đường hoán cải nội tâm và tái tạo tinh thần cho cuộc sống chung của chúng ta. Đây là thông điệp của Fatima, vào năm 1917 xa xôi đó, khi thế giới chìm trong cuộc chiến tranh hóa học đầu tiên trong lịch sử và là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất”.

Vị Hồng Y 55 tuổi người Bồ Đào Nha đã giảng trong một thánh lễ tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima vào dịp kỷ niệm ngày 13 tháng 5, năm 1917 khi ba đứa trẻ chăn cừu - Lucia dos Santos, Francisco và Jacinta Marto - đã nhìn thấy Đức Mẹ lần đầu tiên.

Hướng đến một cộng đoàn ít ỏi những người hành hương do những hạn chế vì coronavirus, Đức Hồng Y nói: “Đức Trinh Nữ đã yêu cầu gì đối với nhân loại, thông qua những trẻ chăn cừu trẻ tuổi này? Thưa: cầu nguyện, sám hối và hoán cải, tức là những phương tiện cụ thể để tái thiết nội tâm”.

Khi ngài giảng, các linh mục và khách hành hương ngồi cách xa nhau bên trong các vòng tròn được đánh dấu làm thành một hàng dài, trong khi các làn gió mát thổi qua đền thánh Đức Mẹ Fatima.

Khi gió giật tung áo lễ của mình, vị Hồng Y lưu ý rằng ngày thứ Năm 13 tháng 5 cũng là ngày đánh dấu 40 năm mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại quảng trường Thánh Phêrô.

Một năm sau khi vụ việc xảy ra, vào ngày 13 tháng 5 năm 1982, vị Giáo Hoàng Ba Lan đã đến Bồ Đào Nha để tạ ơn Đức Mẹ Fatima đã cứu sống ngài.

Đức Hồng Y nói: “Cách đây ba mươi chín năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chủ tọa Bí tích Thánh Thể này 'để tạ ơn Chúa Quan Phòng tại nơi này mà Mẹ Thiên Chúa dường như đã chọn một cách đặc biệt' để mạng sống của ngài đã được cứu trong cuộc tấn công một năm sau đó ở quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma. Và lời kêu gọi của Đức Gioan-Phaolô II là: người ta nên nhận ra ở Fatima việc chuẩn bị cho một thời điểm thiêng liêng mới”.

Đề cập đến thông điệp mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, Fratelli tutti, vị Hồng Y nói rằng việc tái thiết sau đại dịch sẽ đòi hỏi một ý thức sâu sắc về tình huynh đệ.

Ngài nói: “Thế giới, đã kiệt quệ bởi đại dịch vẫn đang tiếp diễn này, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cảnh giác và có trách nhiệm, không chỉ đói và khát cuộc sống bình thường trở lại: nhưng chúng ta cần những tầm nhìn mới, những ngữ pháp khác, chúng ta cần biết chấp nhận rủi ro để có ước mơ”.

“Đặc biệt với những người trẻ, và cách riêng là những người trẻ Bồ Đào Nha đang chuẩn bị chào đón Ngày Giới trẻ Thế giới vào năm 2023, tôi muốn nói từ Fatima: thay vì sợ hãi, hãy có những ước mơ. Hãy khám phá rằng Chúa là đồng minh của những giấc mơ đẹp nhất của các bạn. Hãy dám mơ về một thế giới tốt đẹp hơn. Hãy nhận ra rằng tương lai phụ thuộc vào phẩm chất và tính nhất quán của những giấc mơ của các bạn”.

Ngài nói tiếp: “Và cuối cùng, tôi hướng về các bạn, những người hành hương thân mến. Và tôi muốn nói với bạn rằng tôi cảm thấy không chỉ gần gũi với tất cả các bạn, mà còn thực sự coi tôi là một trong số các bạn. Thông điệp của Fatima, nhìn từ bên ngoài, có vẻ được định dạng và khắc khổ. Và nhiều người, chỉ nhìn thấy bề mặt của ngôi đền, chỉ thấy biểu hiện kịch tính của bao nhiêu giọt nước mắt, những yêu cầu và những lời hứa. Nhưng những người hành hương đến Fatima trải nghiệm rằng tại đây còn có nhiều điều hơn thế nữa”.

Đề cập đến bài đọc Tin Mừng trong Thánh Lễ, trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan Chương 19, từ câu 25 đến câu 27, được công bố bằng nhiều thứ tiếng, ngài nói: “Điều chúng ta cảm nghiệm là chúng ta đến đây bồn chồn, trống vắng, chia rẽ, không thể hòa giải hoặc khát khao, đến nỗi chúng tôi đến đây đầy hoang mang giống như Người Con hoang đàng, và Đức Maria đã lấp đầy chúng ta - với lòng thương xót, với sự ngọt ngào khó quên - với mệnh lệnh yêu thương mà Mẹ đã nhận được từ Chúa Giêsu: 'Hỡi bà, này là con bà,' đây là con cái của Đức Mẹ”.

Vào năm 2020, lễ kỷ niệm ngày 13 tháng 5 hàng năm tại đền thờ Fatima lần đầu tiên diễn ra mà không có sự hiện diện của những người hành hương do các hạn chế liên quan đến COVID-19.

ACI Digital đã tường trình rằng cuộc hành hương kỷ niệm quốc tế năm nay tại Fatima đã bắt đầu vào tối thứ Tư với chuỗi hạt Mân Côi và một đám rước dưới ánh nến khi tượng Đức Mẹ Fatima được rước từ Nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra đến Nhà cầu nguyện ngoài trời

Đức Hồng Y Mendonça, một nhà thơ và nhà thần học đã nhận được chiếc mũ Hồng Y vào năm 2019, sau đó đã chủ trì Phụng Vụ Lời Chúa trước sự chứng kiến của khoảng 7,500 người hành hương.

Vào tối thứ Năm, Đền thờ Đức Mẹ Fatima đã tổ chức cuộc marathon cầu nguyện toàn cầu cho đại dịch sớm kết thúc. Chuỗi Mân Côi, với ý hướng cầu nguyện cho tất cả các tù nhân, đã được phát trực tiếp vào lúc 5 giờ chiều, giờ địa phương trên trang web của đền thờ và kênh YouTube Vatican News.

Kết thúc bài giảng của ngài, Đức Hồng Y Mendonça nói: “Chúng ta, những người hành hương luôn đến Fatima tay không. Nhưng từ Fatima, chúng ta mang theo sự thức tỉnh trong chúng ta một giấc mơ. Fatima dạy chúng ta cách chiếu sáng một thế giới chìm trong bóng tối. Có thể là thế giới nhỏ của trái tim chúng ta, có thể là trái tim của thế giới rộng lớn”.

“Cảm ơn Đức Mẹ vì đã biến nơi này thành đòn bẩy của nhân loại chúng ta. Một phòng thí nghiệm không có cửa hay tường, luôn rộng mở để hy vọng! Trong anh chị em, chúng ta ngợi khen Chúa là Đấng cứu chuộc chúng ta khỏi mọi yếu đuối”.
Source:Catholic News Agency