Tựa đề trên là của Inés San Martín, trên tạp chí Crux, ngày 11 tháng 10, 2021. Theo cô, dù có thể ít ai thuộc thế giới Công Giáo để ý, hôm Thứ Bẩy, ngày 9 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức khai mạc diễn trình tham khảo kéo dài 2 năm của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng Nghị, một diễn trình được các tham dự viên hy vọng sẽ thay đổi triệt để cung cách Giáo Hội Công Giáo đưa ra các quyết định.
Một người Tây Ban Nha, cô Carmen Peña Garcia, tham gia Thượng hội đồng, nói với Crux, “Kỳ vọng của tôi là một cách làm việc mới được thực hiện, giúp chúng ta thấy tính đồng nghị được đem ra sống ở mọi bình diện của Giáo hội”.
Cô nói thêm, “Không nên rút gọn Thượng hội đồng vào thời điểm này, vào hai năm này, vì tính đồng nghị là lời kêu gọi cùng gánh trách nhiệm và cùng tham gia của toàn thể dân Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, với phép rửa tội là thẻ gia nhập".
Trong năm tới, một cuộc tham khảo sẽ được phát động ở bình diện giáo xứ, với việc các tín hữu được mời tham gia vào các buổi đối thoại. Vào tháng Ba, sẽ có thời gian dành cho các cuộc hội họp cấp giáo phận và quốc gia, tiếp theo là các cuộc hội họp cấp lục địa, trên nguyên tắc, diễn trình này sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2023, với cuộc hội họp khoáng đại của Thượng Hội đồng Giám mục, diễn ra ở Rôma.
Vào thứ Bảy, các người hiện diện chủ yếu là giáo dân, linh mục và tu sĩ, với một số quốc gia thậm chí không có giám mục nào tại Hội trường của Thượng hội đồng. Sở dĩ như vậy là bởi vì văn phòng Thượng Hội đồng ở Vatican đã yêu cầu các lục địa cử đại diện, chứ không phải từng quốc gia riêng rẽ, phần lớn do các hạn chế của COVID-19 đối với việc đi lại.
Một số tham dự viên đã phải thực hiện cả một diễn trình kéo dài nhiều tháng mới được chính phủ cho phép bay tới Rôma, như trường hợp của nữ giáo dân Susan Pascoe đến từ Úc. Tất cả các giám mục từ Úc Châu hiện đang tham dự Công đồng Toàn thể cấp quốc gia, mà phiên họp đầu tiên cũng được tổ chức trong tuần này, vì vậy không vị nào qua Rôma được. Khi trở về, Pascoe sẽ phải cách ly trong một khách sạn trong hai tuần.
Là thành viên của Ủy ban Phương pháp của Thượng hội đồng, người đã làm việc cho cả Giáo hội Úc và chính phủ Úc, bà nói với Crux rằng bà đánh giá cao “tính chân chính của diễn trình. Tôi thấy rất hy vọng ở diễn trình này, và tôi tin tưởng vào nó. Vì vậy, tôi hy vọng những người Công Giáo khác sẽ đáp ứng lời Đức Giáo Hoàng mời họ tham gia”.
Peña Garcia cho biết, một lời mời đã được gửi tới mọi người đã rửa tội tham gia, nhưng lời mời này không chỉ ngỏ với họ, vì “Giáo hội cũng muốn đối thoại với thế giới. Tôi nghĩ chúng ta phải khuyến khích mọi người tham gia, để bạn không những chỉ nhận được tiếng nói của những người hoài nghi thông thường, mà còn là của những người có ý chí tự do nữa!”
Ngỏ lời với những người hoài nghi diễn trình này, vì họ sợ nó sẽ kết thúc ở chỗ tất cả những gì Giáo hội dạy cũng đều có thể đem ra bàn cãi, Peña Garcia thúc giục họ “đừng sợ hãi”.
Cô nói: “Chúng ta phải lắng nghe, nhưng các nguyên tắc và kho tàng đức tin sẽ không thay đổi”.
Một thành viên khác của ủy ban thần học của Thượng Hội đồng, giáo dân Rafael Luciani, người Venezuela hiện là giáo sư tại Trường Cao đẳng Boston, lập luận rằng trong bối cảnh hiện tại, Thượng hội đồng có hai thành tố chính: Nó được triệu tập trong tình trạng khủng hoảng và cần phải cải cách, và nó không phải là thượng hội đồng về bất cứ một chủ đề nào mà là về chính Giáo hội”.
Ông nói với Crux: “Tính đồng nghị là yếu tính và bản sắc của Giáo hội, đó là chiều kích cấu thành để định nghĩa sự hiện hữu và việc điều hành Giáo hội. Việc tái cấu hình Giáo hội có nhiều quan hệ ở đây, khi đụng đến việc chúng ta phải liên hệ với nhau ra sao như những hữu thể của giáo hội, các động lực truyền thông như đối thoại, lắng nghe và biện phân, và cách các cơ cấu Giáo hội phải đáp ứng với trách nhiệm giải trình ra sao trong bối cảnh ngày một đòi hỏi cao hơn bao giờ hết”.
Agatha Lydia Natania, đến từ Indonesia và là thành viên của ngành thanh niên của Thượng Hội đồng, nói rằng đôi khi tiếng nói của những người trẻ không được lắng nghe trong Giáo hội hoặc bị phá hoại ngầm.
Cô nói với các nhà báo vào hôm thứ Bảy, cuối phiên khai mạc, “Tôi thực sự hy vọng rằng những người trẻ tuổi sẽ không những được lắng nghe mà còn thực sự được trở thành một phần của diễn trình. Chúng tôi có năng lực, và cũng có óc sáng tạo, khi nói đến việc đem mọi người lại với nhau. Có quá nhiều người trẻ đang rời bỏ Giáo hội vì họ cảm thấy định chế không lắng nghe họ”.
Cô nói, Thượng hội đồng là một công cụ quan trọng để vận động người trẻ chịu nói lên suy nghĩ của họ, đặc biệt là ở bình diện địa phương.
Tác giả người Anh, Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng và là một trong những giáo dân tham gia phiên họp đầu tiên của thượng hội đồng, cho biết có một "hố phân cách rất lớn" giữa sự to lớn của nhiệm vụ phía trước và "sự sẵn sàng của chúng ta đối với nó trong tư cách một Giáo hội". Ông tin chắc rằng đây có thể là “biến cố lớn nhất và có tính biến đổi nhất trong đời tôi, ít nhất kể từ Công đồng Vatican II. Nó có thể là cuộc thao diễn tham khảo lớn nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, tôi nghĩ rất ít người Công Giáo nhận thức được điều đó, và các giám mục hầu hết đều khá im lìm [đối với nó]".
Ivereigh nói với Crux, sự kiện hầu hết vẫn chưa biết về nó là điều dễ hiểu, bởi vì Giáo hội hiện nay không có tính đồng nghị và có rất ít kinh nghiệm về việc diễn trình này bao hàm những gì ngoài các dòng tu.
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một khởi đầu chậm chạp, với rất nhiều điều không chắc chắn và những kỳ vọng sai lầm. Nhưng tôi nghĩ dân Chúa sẽ bắt đầu ý thức về điều đó, Chúa Thánh Thần sẽ can dự vào đó, và nó sẽ đột ngột cất cánh”.