Bước theo Đức Ki-tô trên con đường hy sinh - phục vụ

(Suy niệm Chúa nhật 29 TNB)

Câu Chuyện: Gương Hy Sinh Phục Vụ Của Đôi Tân Hôn:

Một câu chuyện phục vụ Mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA hay kể lại như sau:

“Vào năm 1982, một hôm có đôi thanh niên nan nữ tới nhà chúng tôi tại Can-quýt-ta đến trao tặng một món tiền lớn giúp bữa ăn cho người nghèo. Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi: “Do đâu mà hai con có món tiền lớn vậy?” Họ trả lời: “Chúng con vừa tổ chức lễ cưới được hai ngày nay. Trước lễ cưới, chúng con bàn nhau sẽ thuê áo cưới thay vì đi may, cũng không liên hoan linh đình, mà dùng khoản tiền ấy trao tặng cho những người kém may mắn. Vì chúng con yêu nhau và muốn có một kỷ niệm đẹp nhân ngày cưới nhau”.

Ðể biết rõ thêm, mẹ Têrêsa hỏi: “Tại sao chúng con quyết định táo bạo như thế? Chúng con không sợ việc làm như vậy sẽ làm cha mẹ và họ hàng buồn lòng hay sao?” Hai bạn trẻ ấy trả lời: “Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống bằng một sự hy sinh mà cả hai đều cùng nhau thực hiện”.

Mẹ Tê-rê-sa kết luận: “Thật là tuyệt vời khi nghĩ đến một tình yêu cao quí như vậy. Tôi luôn cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho những người trẻ ơn thánh và sức mạnh, để trong ngày thành hôn, họ có thể trao cho nhau trái tim trong sạch, trái tim trinh khiết, thân xác trong trắng… là món quà lớn lao của tình yêu nhau”.

Ai trong chúng ta có lẽ cũng đồng ý với nhau rằng con người ngày nay thích ‘ăn trên ngồi trốc’, thích chọn ‘được phục vụ và hưởng thụ’ hơn là hy sinh dấn thân để phục vụ người khác. Vì lối sống ích kỷ và ham danh lợi dục, nên con người hôm nay chẳng mấy ai quan tâm hay để ý đến chuyện phục vụ tha nhân, xã hội hay Giáo hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy không ít người đã dám từ bỏ chính mình, bỏ đi ý riêng để sống cho tha nhân ngang qua con đường hy sinh và phục vụ. Đây là con đường mà Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người đã dạy cho các môn đệ trong Bài Tin mừng Chúa nhật 29 thường niên năm B hôm nay.

1/ Đức Giê-su, mẫu gương phục vụ

Trước sự tranh dành và đòi hỏi vị trí của hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gioan khi nghĩ rằng Đức Giê-su lên làm vua, nhân cơ hội này, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ nói riêng và mọi người ki-tô chúng ta nói chung một bài học hết sức ý nghĩa và đúng đắn: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Quả thật, Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì yêu thương con người tội lỗi và để cứu độ con người, Ngài đã chấp nhận rời ngài toà cao sang để đến với thế gian lấm bụi trần. Ngài không chỉ sinh ra và hiện diện cho có mặt trên trần gian, nhưng Ngài đến là để yêu thương và phục vụ con người. Ngài dùng mọi lời giảng dạy kèm theo những phép lạ đầy quyền năng nhằm giúp con người nhận biết rằng Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và muốn cho con người được ơn cứu độ. Đức Giê-su đã trở nên gương mẫu về lối sống hy sinh phục vụ tất cả mọi người, nhất là những hoàn cảnh khổ đau bệnh tật, những người bị loại ra khỏi lề xã hội, những người tội lỗi, bị coi là ô uế, những người thu thuế, ngay cả kẻ chết cũng được hồi sinh. Cách phục vụ của Đức Giê-su là dấn thân, là ra đi rao giảng và thi thố các dấu lạ để tỏ uy quyền của Thiên Chúa mong cho mọi người đón nhận được ân sủng của Người. Cách phục vụ đỉnh cao của Đức Giê-su là dám tự nguyện chết cách nhục nhằn trên thập giá để cứu chuộc muôn người. Vậy thì, chúng ta được mời gọi học noi gương Đức Giê-su để phục vụ như Ngài.

2/ Phục vụ là yêu thương và dấn thân

Theo Đức Giê-su, chúng ta không chỉ được mời gọi từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Ngài, nhưng chúng ta được mời gọi đi theo Ngài trên con đường phục vụ và hy sinh. Phục vụ và hy sinh cho tha nhân, nhất là cho những hoàn cảnh khó khăn và bệnh hoạn tật nguyền là điều kiện để kết nạp thành viên gia đình Giê-su. Thật vậy, ai ai cũng thích được người khác hầu hạ và phục vụ mình, nhưng theo Đức Giê-su, chúng ta không phải như thế. Theo Đức Giê-su, chúng ta phải chấp nhận khiêm tốn và phục vụ anh chị em đồng loại như chính Ngài. Như Đức Giê-su là hiện thân của Chúa Cha ở cùng nhân loại, chúng ta cũng phải trở nên hiện thân của Đức Giê-su, là ‘Alter Christus’ (là Đức Ki-tô thứ hai) cho mọi người trong mọi nơi và mọi lúc. Hơn nữa, là thành viên thuộc gia đình Giê-su, chúng ta được mời gọi sống yêu thương hơn là giận hơn và ghen ghét, quảng đại trao ban hơn là tham lam ích kỷ, vui vẻ dâng hiến hơn là chỉ lo cho bản thân, sẵn sàng dấn thân và mong cho mọi người được bình an – hạnh phúc hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối và thoả mãn nhu cầu danh lợi dục cho mình.

Quả thật, Bác sĩ TOM DOLLY đã nói như sau: “Không ai quá nghèo đến độ không có một cái gì đó để trao tặng cho người khác”. Dù là người bất tài, xấu xí hay bệnh tật đến đâu, không ai trong họ là người hoàn toàn vô dụng”. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, dù chúng ta là ai đi chăng nữa, chúng ta không được phép sống vô cảm và keo kiệt, nhưng chúng ta được mời gọi hãy yêu thương chừng nào có thể và sẵn sàng phục vụ anh chị em mọi nơi mọi lúc mà không phân biệt lương giáo hay sắc tộc. Ví dụ chúng ta có thể là người bán hàng, khi nói với khách hàng: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?”. Là bác sĩ hay y tá bệnh viện, chúng ta có thể ân cần phục vụ bệnh nhân; Là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta có thể phục vụ người nghèo, bệnh tật và những hoàn cảnh bị bỏ rơi như câu chuyện về Mẹ Tê-rê-sa Calcutta vừa kể trên. Có thể nói rằng xung quanh chúng ta đầy dẫy những hoàn cảnh đang phải đối diện với nghèo đói về vật chất, về tinh thần và về Tin mừng, nhiều hoàn cảnh già cả neo đơn, bệnh tật và bị bỏ rơi,…chúng ta có muốn hay có thật sự dám sẵn sàng dấn thân, hy sinh và phục vụ họ theo tinh thần Giê-su không?

Tóm lại, sống giữa xã hội mọi người thích chạy theo danh vọng, thích được hưởng thụ và thích được người khác phục vụ mình, là người ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi phải đi ngược lại với lối sống đó bằng việc sống khiêm tốn, dám hy sinh, dám dấn thân, dám bỏ mình, dám phục vụ tất cả anh chị em đồng loại, nhất là những hoàn cảnh đặc biệt mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời theo tinh thần của Thầy Giê-su. Để làm được như thế, tiên vàn, chúng ta được mời gọi hãy tìm gặp Giê-su để được biến đổi để biết sống như Đức Giê-su Ki-tô và yêu như Đức Giê-su. Nhờ đó, Thầy Giê-su sẽ không bao giờ bỏ quên chúng ta vì khi chúng ta phục vụ những người nghèo là chúng ta đang thật sự phục vụ Ngài.

Câu hỏi hồi tâm:

1/ Tôi có dám chấp nhận theo Đức Giê-su trên con đường phục vụ và hy sinh không?

2/ Mỗi sáng mai thức dậy của mỗi ngày sống, tôi đã sống tinh thần nào: ích kỷ - tham lam hay quảng đại phục vụ anh chị em?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương