Các nhóm đối lập và các tổ chức viện trợ liên bang đang thúc giục chính phủ gia hạn hợp đồng với công ty công nghệ sinh học khổng lồ CSL để sản xuất thêm vắc-xin AstraZeneca ở Melbourne, và thúc giục Úc nên tăng cường sản xuất vào năm tới để giúp đánh bại đại dịch COVID-19 trong khu vực, đặc biệt là tại Việt Nam, Indonesia và Mã Lai Á.
Khoảng 12.5 triệu liều AstraZeneca đã được sử dụng cho người Úc, trong khi hơn 3.5 triệu liều đã được gửi đến các nước ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á
Chính phủ đã hứa sẽ gửi tổng cộng 40 triệu liều sang các nước khác
Cha Tim Costello nói rằng chính phủ nên sản xuất nhiều vắc-xin hơn và bán 50-100 triệu liều cho các nước Đông Nam Á với giá gốc
Bộ trưởng Y tế Liên bang Greg Hunt xác nhận chính phủ sẽ không gia hạn hợp đồng với CSL ngoài 51 triệu liều mà công ty đã hứa sẽ cung cấp.
Công ty dự kiến sẽ kết thúc sản xuất AstraZeneca tại Úc vào đầu năm tới.
Nhà máy ở Melbourne của CSL hiện đang sản xuất khoảng một triệu liều mỗi tuần, với hơn 800,000 được gửi ra nước ngoài để thúc đẩy việc triển khai vắc-xin ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Nhưng ông Hunt cho biết chính phủ sẽ không gia hạn hợp đồng với CSL, và đề nghị công ty sản xuất các loại thuốc và vắc xin khác.
“Hợp đồng đang được giao đầy đủ, các liều lượng đang được chia sẻ, nhưng đó chỉ là một trong những phương pháp cung cấp vắc-xin và CSL chưa bao giờ có ý định trở thành nhà sản xuất theo hợp đồng,” ông nói.
Bộ trưởng Ngoại giao đối lập Penny Wong gọi quyết định này là “đầy hoang mang”.
Bà cho biết chính phủ nên tăng cường sản xuất AstraZeneca trong nước sau khi kết thúc hợp đồng hiện tại, và gửi liều tới các nước trong khu vực vẫn cần tiêm chủng cho hàng triệu công dân.
Một số quốc gia ở Đông Nam Á - bao gồm Indonesia, Mã Lai Á và Việt Nam - đang phải vật lộn với những đợt bùng phát COVID tàn khốc, mặc dù cả ba quốc gia đã cố gắng giảm đáng kể số ca mắc trong những tuần gần đây.
“Chúng tôi biết những gì đang xảy ra ở Indonesia, chúng tôi biết mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát Delta ở Indonesia,” Thượng nghị sĩ Wong nói.
“Chúng tôi biết rằng Indonesia cần nhiều vắc xin hơn, tại sao chúng ta không tiếp tục sản xuất những loại vắc xin này và bảo đảm rằng khu vực của chúng ta an toàn hơn?
“Kế hoạch này là thiển cận.”
Source:ABC News