Đảng Cộng sản Trung Quốc đang xem các tôn giáo có tổ chức như một mối đe dọa – vì thế chúng đang tìm cách “thay đổi” hoặc “chuyển hóa” các tôn giáo thành một bộ máy trung thành với đảng. Một nhóm chuyên gia chính sách đối ngoại cho biết như trên hôm thứ Hai 18 tháng 10.
Đảng, vốn “quản lý các tôn giáo một cách hà khắc trong lịch sử” Trung Quốc, hiện đang thực hiện một đường lối khắc nghiệt hơn nhiều và “cố gắng thay đổi hoặc phá hủy các tôn giáo”, Nury Turkel, Phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết tại một phiên khoáng đại của Viện Hudson. Turkel, một nhà đấu tranh cho nhân quyền người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ, đã chào đời trong một trại cải tạo ở Trung Quốc.
Đối với đảng, bất kỳ tôn giáo có tổ chức nào cũng “đều bị coi là một mối đe dọa”, Turkel nói và nhấn mạnh rằng đảng đang cố gắng “tạo ra một loại tôn giáo mới”. Các thành viên Viện Hudson lưu ý rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi “vô hiệu hóa tôn giáo” trong một bài phát biểu năm 2016, và cảnh báo rằng đảng của ông ta đang tích cực tìm cách thay đổi các thực hành tôn giáo để thúc đẩy lợi ích xã hội chủ nghĩa của mình.
Các diễn giả tham dự phiên khoáng đại đã đề cập đến những diễn biến quan yếu như việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc của đất nước, cũng như các cáo buộc cưỡng bức mổ cướp nội tạng các nhóm dân tộc thiểu số và những người có niềm tin tôn giáo, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô Giáo.
Turkel nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải chú ý đến những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nói về Tân Cương. Trích dẫn các nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình, Turkel nhận định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc “hoàn toàn không thể hiện chút lòng thương xót nào” đối với người Duy Ngô Nhĩ. Bí thư Đảng Cộng sản Tân Cương Trần Quang Thành là một thí dụ, y đã ra lệnh “bắt đi cải tạo tất cả những ai cần được cải tạo”.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo khác đã bị đưa vào các trại lao động, trong khi hai triệu người khác phải chịu “cải tạo” vào ban ngày.
Nina Shea, thành viên cấp cao và là giám đốc của Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, cho biết trong khi đảng không giam giữ hàng loạt các tín hữu Kitô như người Duy Ngô Nhĩ, nhiều nhà lãnh đạo Kitô Giáo đã bị bắt giam mà không cần xét xử vì không tuân theo các yêu cầu của đảng.
Source:Catholic News Agency