Một vị Hồng Y của Vatican đang đến thăm Syria trong năm thứ 10 của cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước và khiến nhiều Kitô Hữu phải chạy trốn.
Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Giáo Hội Đông phương, đã đến Syria từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11, sau khi chuyến đi bị hoãn lại từ tháng 4 năm 2020.
Theo thông cáo báo chí từ Thánh bộ, chuyến thăm đang diễn ra “với mong muốn mang lại sự gần gũi và tình đoàn kết của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các cộng đồng Công Giáo của Syria, nơi đã phải chịu đựng nhiều năm chiến tranh và cần một thời gian để phân định và định hướng lại các hoạt động mục vụ.
Đức Hồng Y Sandri sẽ dành trọn vẹn 8 ngày ở quốc gia Trung Đông này, với các điểm dừng ở Damascus, Tartous, Homs, Yabroud, Maaloula và Aleppo.
Cuộc họp đầu tiên của ngài sẽ là với Đại Hội Các Vị Bản Quyền Công Giáo Ở Syria, nơi ngài cũng sẽ đồng tế một Phụng Vụ thánh với Đức Thượng phụ Youssef Absi, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Melkite.
Các mục khác trong chương trình nghị sự của Đức Hồng Y Sandri ở Damascus bao gồm các cuộc gặp gỡ với các linh mục, và thăm các tổ chức bác ái Công Giáo, bệnh viện và trại trẻ mồ côi.
Ngài sẽ gặp gỡ các nhà ngoại giao và các tu sĩ nam nữ tại Damascus, và xuống miền nam Syria thăm Đài tưởng niệm Thánh Phaolô.
Đài tưởng niệm được cho là nơi đánh dấu sự hoán cải của Thánh Phaolô, khi ngài ngã ngựa trên đường đến Damascus.
Tại Aleppo, Đức Hồng Y Sandri sẽ tham gia một buổi lễ cầu nguyện đại kết và một cuộc họp giữa các tôn giáo.
Theo CIA World Factbook, khoảng 87% người Syria theo đạo Hồi, dân số Kitô Giáo ước tính là 10%, mặc dù con số đó chưa tính đến số lượng lớn các tín hữu Kitô đã bỏ trốn khỏi đất nước trong cuộc chiến vẫn còn đang diễn ra.
Trước cuộc nội chiến, Aleppo là thành phố lớn nhất của Syria và có tỷ lệ người theo Kitô Giáo cao nhất, ước tính có khoảng 180,000 Kitô Hữu. Theo số liệu năm 2019, con số đó giảm xuống còn khoảng 32,000.
Cộng đồng Công Giáo lớn nhất ở Syria là Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Melkite. Ngoài ra còn có người Công Giáo Latinh, Assyriô và Chanđê.
Các cộng đồng Kitô Giáo khác bao gồm các Giáo Hội Armenia, Syriac và Chính thống giáo Đông phương.
Source:Catholic News Agency