Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. “Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Hôm nay chúng ta mừng kính Các Thánh và trong Phụng vụ, sứ điệp do Chúa Giêsu “thảo chương” ra, đó là các Mối Phúc, lại được vang lên (x. Mt 5:1-12a). Các Mối Phúc chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa và hạnh phúc: con đường khiêm nhường, nhân ái, hiền lành, công bằng và hòa bình. Nên thánh là tiến bước trên con đường này. Bây giờ chúng ta hãy tập trung vào hai khía cạnh của lối sống này. Hai khía cạnh tiêu biểu cho lối sống thánh thiện này là niềm vui và lời tiên tri.
Niềm vui. Chúa Giêsu bắt đầu bằng từ “Phúc” (Mt 5: 3). Đó là thông báo chính yếu, đó là một niềm hạnh phúc chưa từng có. Sự thánh thiện không phải là một chương trình sống chỉ được tạo thành từ những nỗ lực và từ bỏ, nhưng trên hết là niềm vui khám phá ra mình là con cái được Thiên Chúa yêu thương. Và điều này khiến anh chị em tràn ngập niềm vui. Đó không phải là một cuộc chinh phục của con người, đó là một ân sủng mà chúng ta nhận được: chúng ta thánh thiện bởi vì Thiên Chúa, Đấng là Thánh, đến cư ngụ trong cuộc sống của chúng ta. Chính Ngài là Đấng ban sự thánh thiện cho chúng ta. Vì điều này, chúng ta rất may mắn! Vậy, niềm vui của người Kitô hữu không phải là cảm xúc của một khoảnh khắc hay sự lạc quan đơn thuần của con người, mà là sự chắc chắn có thể đối mặt với mọi tình huống dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, với lòng can đảm và sức mạnh đến từ Người. Ngay cả giữa bao hoạn nạn, chúng ta vẫn trải nghiệm được niềm vui này và làm chứng cho niềm vui ấy. Nếu không có niềm vui, đức tin sẽ trở thành một thực hành khổ chế và áp bức, và có nguy cơ đổ bệnh vì buồn phiền. Anh chị em hãy nhớ những từ này: phát ốm vì buồn phiền. Một vị ẩn tu trong sa mạc thường nói rằng nỗi buồn là “con sâu của trái tim”, nó ăn mòn sự sống (xem Evagrio Pontico, Tám tính khí gian ác, XI). Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: chúng ta có phải là Kitô Hữu vui vẻ không? Tôi có phải là một Kitô Hữu vui vẻ hay không? Chúng ta lan tỏa niềm vui hay chúng ta là những người buồn tẻ, buồn bã với khuôn mặt đưa đám? Chúng ta hãy nhớ rằng không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui!
Khía cạnh thứ hai: lời tiên tri. Các Mối Phúc được gửi đến những người nghèo, những người đau khổ, những người khao khát công lý. Đó là một thông điệp ngược dòng. Trên thực tế, thế giới này nói rằng để có được hạnh phúc, anh chị em phải giàu có, phải có quyền, có thế, luôn trẻ trung và mạnh mẽ, tận hưởng danh tiếng và thành công. Chúa Giêsu lật ngược những tiêu chí này và đưa ra một lời loan báo tiên tri - và đây là chiều kích tiên tri của sự thánh thiện: sự sống sung mãn thực sự đạt được khi đi theo Chúa Giêsu, bằng cách thực hành Lời Người. Và điều này dẫn đến là một sự nghèo khó khác, đó là nghèo bên trong, trống rỗng chính mình để nhường chỗ cho Thiên Chúa. Ai tin rằng mình giàu có, thành công và an toàn, thì dựa vào chính mình và đóng kín với Chúa và anh chị em của mình, trong khi những người biết mình nghèo và không đủ tự chủ thì mở lòng ra với Chúa và người lân cận. Và tìm thấy niềm vui. Vậy, các Mối Phúc là lời tiên tri về một nhân loại mới, về một lối sống mới: biến mình trở nên nhỏ bé và phó thác mình cho Thiên Chúa, thay vì cố gắng vượt lên trên người khác; hiền lành, thay vì cố gắng áp đặt bản thân; thực hành lòng thương xót, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình; dấn thân cho công lý và hòa bình, thay vì thu vén cho bản thân, lắm khi ngay cả bằng các thủ đoạn bất công và bất bình đẳng. Sự thánh thiện chào đón và đem ra thực hành, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, lời tiên tri cách mạng hóa thế giới này. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có làm chứng cho lời tiên tri của Chúa Giêsu không? Tôi có bày tỏ tinh thần tiên tri mà tôi đã lãnh nhận trong Phép Rửa không? Hay tôi dìm mình trong những tiện nghi của cuộc sống và sự lười biếng của mình, nghĩ rằng mọi thứ sẽ OK nếu tôi OK? Tôi có mang sự mới lạ hân hoan của lời tiên tri Chúa Giêsu đưa ra vào thế giới hay chỉ tung ra những lời phàn nàn đầy nhàm chán về những điều xoàng xỉnh? Những câu hỏi ấy sẽ giúp chúng ta tự hỏi bản thân mình.
Xin Đức Trinh Nữ ban cho chúng ta một điều gì đó trong tâm hồn của Mẹ, một linh hồn diễm phúc đã hân hoan làm sáng danh Chúa, Đấng đã “hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (x. Lc 1:52).
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả các anh chị em, những người ở Rôma và những người hành hương. Một lời chào đặc biệt dành cho những người tham gia Cuộc Đua Các Thánh do Quỹ “Don Bosco nel Mondo” tổ chức. Điều quan trọng là phát huy giá trị giáo dục của thể dục thể thao. Cảm ơn anh chị em cũng đã có sáng kiến ủng hộ trẻ em Colombia.
Sáng mai tôi sẽ đến Nghĩa trang Quân đội Pháp ở Rôma: đây sẽ là cơ hội để cầu nguyện thay cho tất cả những người đã chết, đặc biệt là cho những nạn nhân của chiến tranh và bạo lực. Khi đến thăm nghĩa trang này, tôi hiệp nhất trong tinh thần với những người sẽ cầu nguyện bên mộ những người thân yêu của họ ở khắp nơi trên thế giới trong những ngày này.
Chúc các anh chị em một ngày lễ các thánh vui vẻ, trong sự đồng hành thiêng liêng của tất cả các thánh. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana