Một ngày trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, Vatican đã đưa ra một thông điệp gởi tới những người theo Ấn Giáo đề cập đến bản chất gây chia rẽ của “chủ nghĩa siêu dân tộc”.
Thông điệp từ Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, được công bố vào ngày 29 tháng 10, được gửi đến những người theo đạo Hindu nhân dịp lễ Diwali, còn được gọi là Deepavali, hay “lễ hội ánh sáng”.
Diwali là một trong những lễ hội tôn giáo lớn trong Ấn Độ giáo. Năm nay “lễ hội ánh sáng” sẽ được tổ chức vào ngày 4 tháng 11.
Hội đồng đối thoại liên tôn của Vatican gửi một thông điệp cho ngày lễ này của người Hindu hàng năm. Nhưng năm nay là lần đầu tiên trong những năm gần đây, thông điệp này cũng đề cập đến “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa siêu dân tộc, bài ngoại”.
Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, chủ tịch hội đồng giáo hoàng, đã viết rằng những vấn đề này mô tả “những vấn đề toàn cầu cấp bách có nguy cơ phá vỡ… sự chung sống hài hòa của mọi người” nhưng có thể được giải quyết một cách hiệu quả vì chúng là “những mối quan tâm ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”.
Thông điệp được đưa ra trước cuộc gặp đầu tiên của Giáo hoàng với Modi, người đã đảm nhận chức vụ thủ tướng cách đây 7 năm.
Đã có những lo ngại về tự do tôn giáo đáng kể dưới sự lãnh đạo của Modi thuộc Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu, gọi tắt là BJP.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã liệt kê Ấn Độ là “quốc gia đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo vào năm 2020 lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
“Chính phủ, do Đảng BJP lãnh đạo, đã thúc đẩy các chính sách dân tộc chủ nghĩa cực đoan dẫn đến những vi phạm có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo”, báo cáo năm 2021 của ủy ban cho biết.
Báo cáo nhấn mạnh rằng một phần ba các bang của Ấn Độ hạn chế hoặc cấm chuyển đổi tôn giáo, điều này đã dẫn đến bạo lực đối với những người không theo đạo Hindu.
“Ví dụ, vào năm 2020, đám đông - bị thúc đẩy bởi những cáo buộc sai trái về việc cưỡng bức cải đạo - đã tấn công các tín hữu Kitô, phá hủy nhà thờ và làm gián đoạn các buổi thờ phượng tôn giáo. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng đã không ngăn chặn những hành vi lạm dụng này và phớt lờ hoặc chọn không điều tra, không bắt các thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Điều này đã góp phần làm gia tăng các cuộc tấn công của đám đông và nỗi sợ hãi bị trả thù chống lại những kẻ hung hăng”.
Năm 2016, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ hy vọng vào rằng ngài sẽ thăm Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến công du Nam Á năm 2017 tới Bangladesh và Miến Điện.
Fides, thông tấn xã của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đã báo cáo vào thời điểm đó rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ đã liên lạc với chính phủ của Modi về chuyến thăm của Giáo hoàng, nhưng “các ngài không thể đạt được sự đồng thuận”.
Theo nghi thức của Vatican, Đức Giáo Hoàng chỉ đến thăm nước khác nếu nguyên thủ quốc gia gửi lời mời chính thức.
Chuyến thăm cuối cùng của Giáo hoàng tới Ấn Độ là Đức Gioan Phaolô II vào năm 1999.
Source:Catholic News Agency