Ngày 8 tháng 11 vừa qua, tạp chí The Pillar đã cho công bố kết quả cuộc thăm dò mới nhất của họ cho thấy nhiều điều ngạc nhiên trong thái độ của người Mỹ nói chung và người Công Giáo nói riêng đối với đức tin trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay.
Đại cương, chỉ có 35% người Mỹ tham dự các lễ nghi tôn giáo trên căn bản hàng tuần và 28% người Mỹ cho biết họ có căn tính tôn giáo khác với căn tính họ từng được dưỡng dục. Tuy nhiên, trong khi mối liên kết của họ với tôn giáo định chế kém đi, thì niềm tin tôn giáo vẫn còn khá mạnh. Năm mươi hai phần trăm người Mỹ đồng ý với câu tuyên bố “Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết để chuộc tội lỗi của chúng ta”, trong đó có cả 21% những người cho rằng tôn giáo “không có chi đặc biệt”.
Cuộc thăm dò được tạp chí The Pillar nhờ cơ quan nghiên cứu Centiment thực hiện trực tuyến trên một mẫu thăm dò gồm 2653 người, cả Công Giáo lẫn không Công Giáo. Các kết luận có biên tế sai lầm +/- 3%.
Tôn giáo tại Hoa Kỳ: Cái nhìn tổng quát
Kitô giáo là thống thuộc tôn giáo phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, và những người thuộc giáo phái Thệ Phản theo truyền thống là khối lớn nhất của các Kitô hữu.
Nhưng cuộc khảo sát của The Pillar đã phát hiện ra rằng nhóm Kitô hữu lớn nhất ở Mỹ không còn liên kết họ với thuật ngữ “Thệ Phản” nữa.
Đưa cho họ các lựa chọn Thệ Phản, Công Giáo và “Kitô giáo (khác)”, ngoài các định danh tôn giáo khác, 26% người Mỹ tự nhận mình là “Kitô giáo (khác)”, trong khi 19% chọn “Thệ Phản”.
Cuộc thăm dò đã hỏi những người trong nhóm “Kitô giáo (khác)” xem họ có thuộc một giáo phái Kitô chuyên biệt hay không. Câu trả lời phổ biến nhất là “phi giáo phái”, tiếp theo là Baptist và Ngũ Tuần (Pentecostal).
Người Công Giáo chiếm 24% người Mỹ và cho đến nay là cộng đồng tín ngưỡng đơn nhất lớn nhất, vì các danh mục Thệ Phản / “Kitô giáo (khác)” bao gồm nhiều giáo phái khác nhau.
Tổng cộng, 70% người được hỏi có liên kết với một số nhánh của Kitô giáo.
Nhóm lớn nhất tiếp theo bao gồm những người không thống thuộc hoặc minh nhiên không có tôn giáo. Hai mươi phần trăm người Mỹ tự cho mình là không có gì đặc biệt, là người vô thần, hoặc theo thuyết bất khả tri.
Tất cả các tín ngưỡng khác chiếm 10% còn lại của người Mỹ.
Sự gia tăng nhóm người 'Nones'
Sự gia tăng số lượng người Mỹ không xác định theo bất cứ tôn giáo nào, đặc biệt là những người đôi khi được gọi là “người nones”, đã được ghi nhận rộng rãi.
Mười bốn phần trăm người được hỏi trong cuộc thăm dò quốc gia của The Pillar đã liệt kê thống thuộc tôn giáo của họ là “không có gì đặc biệt”.
Hiện tượng không thống thuộc đang gia tăng: Trong số những người sinh từ những năm 1960 đến 1980, trung bình 14% mô tả thống thuộc tôn giáo của họ là “không có gì đặc biệt”. Nhưng trong số những người sinh từ năm 1990, con số đó tăng tới 20%.
Năm mươi chín phần trăm “người nones” nói rằng gia đình gốc của họ không thống thuộc tôn giáo đặc thù nào khi họ lớn lên, nhưng bách phân 41% còn lại lớn lên trong các truyền thống đức tin: 15% lớn lên trong các gia đình được họ họ mô tả là Kitô giáo, 14% lớn lên là người Công Giáo, và 6% lớn lên theo Thệ Phản.
Những người Mỹ xác định là không thống thuộc tôn giáo không nhất thiết là những người không tin. Năm mươi hai phần trăm trong số họ nói rằng họ có ít nhất một số niềm tin vào Thiên Chúa, và 34% trong số họ nói rằng họ cầu nguyện ít nhất hàng tuần.
Trái ngược hoàn toàn với những người “nones” là những người nói rằng họ “được tái sinh”.
Tổng cộng 26% người Mỹ nói rằng họ được tái sinh.
Năm mươi bốn phần trăm người Thệ Phản, và 59% những người tự phân loại mình là “Kitô giáo (khác)”, tự mô tả mình là “được tái sinh hoặc tin lành [evangelical] ”.
Những người Mỹ Thệ Phản và “Kitô giáo (khác)” sinh ra trong những năm 1960 có nhiều xác suất tự mô tả mình là người được tái sinh hoặc tin lành hơn các nhóm thế hệ khác.
Nhưng ngoại trừ những người sinh vào những năm 1960, khoảng một phần tư số người Thệ Phản hoặc “Kitô hữu (khác)” sinh trước năm 2000 tự mô tả mình là “được tái sinh hoặc tin lành”.
Ít hơn 20% người lớn sinh sau năm 2000 tự nhận mình là người được tái sinh hoặc tin lành.
Một quốc gia của những người trở lại
Cuộc khảo sát của The Pillar đã hỏi những người trả lời: “Bạn mô tả ra sao thống thuộc tôn giáo hiện tại của bạn?” và rồi "Khi bạn lớn lên, bạn mô tả đâu là thống thuộc tôn giáo chính của gia đình bạn?"
Hai mươi tám phần trăm người Mỹ tự mô tả rằng họ có một thống thuộc tôn giáo khác với thống thuộc của gia đình thời thơ ấu của họ.
So với nhiều quốc gia trong đó một giáo phái duy nhất là đức tin ổn định của đa số, kiểu thay đổi liên tục đó có lẽ đặc biệt là của người Mỹ.
Mọi thống thuộc tôn giáo trong cuộc khảo sát của The Pillar đều có ít nhất 15% những người được nuôi dưỡng trong đó bỏ đi, và đối với mọi thống thuộc tôn giáo ngoại trừ hai thống thuộc, ít nhất 15% thành viên là người trở lại. Hai trường hợp ngoại lệ là những người tự mô tả mình là “Thệ Phản” và những người nói rằng họ là người Công Giáo.
Tính linh hoạt tôn giáo của Hoa Kỳ cung cấp bối cảnh hữu ích để đánh giá Đạo Công Giáo. Trong khi 28% số người được dưỡng dục theo Công Giáo hiện cho mình theo một số tôn giáo khác, mức độ ra khỏi thống thuộc đó là khá trung bình: Thật vậy, 29% những người mô tả quá trình dưỡng dục của họ là “Kitô giáo (khác)” cũng rời bỏ đức tin đó.
Nhưng trong khi Đạo Công Giáo có tỷ lệ tiêu hao [attrition] điển hình của người Mỹ, nó có tỷ lệ trở lại dưới mức trung bình.
Thực thế, đạo Do Thái có số người trở lại nhiều gấp đôi so với đạo Công Giáo ở Mỹ - có thể gây ngạc nhiên cho một số độc giả, vì đạo Do Thái thường được coi là một đức tin gắn liền với một sắc tộc.
Trong cuộc thăm dò của The Pillar, 32% người trả lời là người Công Giáo nhưng chỉ 24% còn coi mình là thành viên của Giáo hội.
Một tỷ lệ tương tự trong số những người được dưỡng dục như “Kitô hữu (khác)” đã rời bỏ đức tin thời dưỡng dục của họ. Nhưng 36% những người tự mô tả mình như “Kitô hữu (khác)” lớn lên trong các tín ngưỡng khác, bao gồm 16% lớn lên là người Công Giáo.
Chỉ 7% những người tự mô tả mình là người Công Giáo lớn lên theo một đức tin khác.
Những điều được người Mỹ tin
Cuộc thăm dò hỏi người Mỹ về các niềm tin tín lý của họ, về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu, về thiên đàng và hỏa ngục, và về Kinh thánh.
Đa số người Mỹ nói rằng họ chắc chắn tin rằng có Thiên Chúa, dù đôi khi họ có những nghi ngờ, nhưng tỷ lệ này thấp hơn nơi các thế hệ trẻ. Những người sinh từ năm 1970 có nhiều xác suất nói rằng họ tin vào Thiên Chúa vào một lúc nào đó, nhưng không phải ở những lúc khác. Và trong số những người trẻ tuổi nhất, những người lớn sinh từ hoặc sau năm 2000, 12% nói rằng họ không thực sự quan tâm đến việc có Thiên Chúa hay không.
Với 74% người Mỹ tự nhận mình theo Kitô giáo, Hồi giáo hoặc Do Thái giáo, điều có lẽ không ngạc nhiên là 72% chắc chắn tin vào Thiên Chúa. Nhưng để hiểu người Mỹ nghĩ gì về Thiên Chúa, mộ số câu hỏi thêm đã được đặt ra.
Năm mươi bốn phần trăm người Mỹ đồng ý rằng "Thiên Chúa yêu thương mọi hữu thể nhân bản". Bốn mươi sáu phần trăm đồng ý rằng “Thiên Chúa nghe / đáp trả các lời cầu nguyện của tôi”.
Không ngạc nhiên khi tỷ lệ này cao hơn nhiều nơi những người tự xác định là Kitô hữu, nhưng thậm chí 19% những người tự mô tả thống thuộc tôn giáo của họ như “không có gì đặc biệt” và 8% những người bất khả tri tin rằng những lời cầu nguyện của họ đã được lắng nghe.
Bốn mươi chín phần trăm đồng ý rằng “Thiên Chúa là đấng sáng tạo ra vũ trụ”, mặc dù chỉ có 13% giải thích điều đó theo nghĩa thường được gọi là “thuyết sáng tạo trái đất trẻ” - đồng ý với tuyên bố “Thiên Chúa đã tạo ra vũ trụ cách đây chưa đầy một triệu năm”.
Chỉ hơn nửa số người được hỏi nói rằng “Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chết để chuộc tội lỗi của chúng ta”. Hơn một phần ba người Mỹ đồng ý rằng “Chúa Giêsu sống lại trong thân xác từ cõi chết”, trong khi 31% nói rằng “Chúa Giêsu là Thiên Chúa”.
Những tuyên bố thường được liên kết với cách giải thích thế tục hơn về Chúa Giêsu cho thấy tỷ lệ đồng ý rất thấp. Mười một phần trăm nói rằng “Chúa Giêsu đôi khi cũng phạm tội giống như những người khác”. Chỉ 7% nói rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu là ẩn dụ, trong khi 6% nói rằng Chúa Giêsu là một câu chuyện ngụ ngôn hoặc thần thoại hơn là một nhân vật lịch sử.
Hầu hết những người được hỏi đều có niềm tin khá truyền thống về thế giới bên kia. Chỉ hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ tin rằng có thiên đàng, trong khi hơn một phần ba tin hỏa ngục. 29% bày tỏ sự tin tưởng rằng họ sẽ được nhìn thấy những người thân yêu của mình trên thiên đàng. 20% nói rằng họ sợ mình sẽ xuống hỏa ngục - 9% nói rằng họ "thỉnh thoảng" sợ hãi, điều này trong khi 11% nói rằng họ "thường xuyên" sợ như vậy,
10% nói rằng “Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta đến nỗi không để ai xuống hỏa ngục” và 6% người nghĩ rằng những người ở hỏa ngục cuối cùng có thể thay đổi và lên thiên đàng.
Sự sợ hãi hỏa ngục khá phổ biến về mặt tôn giáo. Không những 25% người Công Giáo, 22% người Thệ Phản và 25% những người tự mô tả là “Kitô hữu/khác” ít nhất một lúc nào đó sợ xuống hỏa ngục – cũng sợ như thế là 25% người Hồi giáo, 14% người Do Thái giáo được hỏi, 8% người không có tôn giáo đặc thù nào, 17% người bất khả tri và 6% người vô thần. Người Ấn giáo là nhóm tôn giáo duy nhất bày tỏ việc họ không sợ hỏa ngục.
Chúng tôi cũng đặt một câu hỏi lựa chọn về cách mọi người nghĩ về Kinh thánh. Niềm tin phổ biến nhất về Kinh thánh là một công thức truyền thống của Thệ Phản: “Kinh thánh trong lời không sai lầm của Thiên Chúa, lời rõ ràng cho bất cứ ai đọc nó”. Nhìn chung, 28% người Mỹ đồng ý với tuyên bố đó, trong đó 33% người Công Giáo, 40% người Thệ Phản, 36% người theo đạo Kitô giáo khác, 28% người Hồi giáo, 17% người Do Thái giáo và 8% người không thống thuộc tôn giáo nào.
Quan điểm phổ biến thứ hai về Kinh thánh phát biểu một công thức truyền thống của Công Giáo hơn: “Kinh thánh là lời của Thiên Chúa, nhưng các sách khác nhau được viết theo các thể loại khác nhau và có thể khó hiểu”. 21% tổng số người Mỹ đồng ý với tuyên bố này, trong đó 23% người Công Giáo, 26% người Thệ Phản, 25% người Kitô giáo khác, 14% người Do Thái giáo, 24% người Hồi giáo và 10% người không thống thuộc tôn giáo nào.
Một bách phân nhỏ hơn những người được hỏi tin rằng Kinh thánh có chứa sai lầm hoặc cùng lắm được coi như một cuốn sách dạy khôn ngoan tương tự như những cuốn sách của các truyền thống tôn giáo khác.
Những người tự coi mình là Công Giáo, Thệ Phản hoặc Kitô giáo duy trì các niềm tin căn bản về thần học Kitô giáo với tỷ lệ cao hơn các nhóm khác. Nhưng những niềm tin căn bản của Kitô giáo đó không được chấp nhận một cách phổ quát bởi những người tự xác định là Kitô hữu thuộc một loại nào đó.
Và, thật đáng lưu ý, một số người trả lời trong số những người 'nones' cũng phát biểu các niềm tin Kitô giáo khá cổ truyền.
Thực hành tôn giáo ở Mỹ
Trong khi 70% người trả lời tự nhận mình là Công Giáo, Kitô giáo hoặc Thệ Phản, chỉ một thiểu số trong mỗi nhóm thực sự tham dự các buổi lễ tôn giáo hàng tuần.
Các dữ kiện của The Pillar cho thấy mối tương quan qua lại khá chặt chẽ giữa những người dành thời gian tham dự các buổi lễ tôn giáo và những người cũng dành thời gian để giúp đỡ người khác.
Phải chăng bài đọc Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu tóm tắt tất cả các điều răn thành hai điều - “Ngươi phải kính mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức ngươi” và "Ngươi sẽ yêu mến người lân cận như chính mình ngươi", có thể có ý nghĩa thiết thực đối với cách mọi người sử dụng thời gian và tiền bạc của họ?
Dữ kiện của The Pillar cho thấy điều đó hợp lý. Cuộc thăm dò đặt câu hỏi "Trong một tháng điển hình, bạn dành bao nhiêu giờ để làm công việc thiện nguyện phi lợi nhuận (kể cả các nơi thờ phượng)?”
Các câu trả lời cho thấy những người tham dự nhà thờ hoặc nơi khác hoặc thờ phượng ít nhất mỗi tuần một lần nói rằng họ dành nhiều thời gian hơn cho việc tình nguyện so với những người không tham dự.
Việc xem xét dữ kiện tình nguyện viên theo danh tính tôn giáo cũng mang lại những hiểu biết thú vị: Những người bất khả tri, những người vô thần và những người không thống thuộc tôn giáo đặc thù nào ít có xác suất nói rằng họ dành hai giờ trở lên mỗi tháng cho hoạt động tình nguyện phi lợi nhuận. Kitô hữu có tỷ lệ tương đối cao tự báo cáo làm việc thiện nguyện, nhưng cho đến nay tỷ lệ cao nhất là những người Hồi giáo, 66% trong số họ cho biết đã dành ít nhất hai giờ làm việc tình nguyện trong một tháng.
Cuộc thăm dò cũng thấy các kết quả tương tự khi hỏi những người trả lời về số tiền họ đóng góp hàng tháng cho các tổ chức phi lợi nhuận, kể cả nơi thờ phượng.
Nghiên cứu đức tin
Nghiên cứu của The Pillar nhằm mục đích nhận diện các cách trong đó người ta hiểu bản sắc tôn giáo của riêng họ, thực hành tôn giáo của họ và tin vào các nguyên lý của tôn giáo đó – tập chú đặc biệt vào đạo Công Giáo.
Nhưng một xu hướng xác định ra công việc của họ là xu hướng suy giảm trong việc khai tâm bí tích Công Giáo.
Ba mươi ba phần trăm trẻ em Mỹ sinh năm 1965 được rửa tội theo Công Giáo, trong khi 15% trẻ em sinh năm 2019 được rửa tội làm người Công Giáo.