Tất cả các nhà lãnh đạo đối lập bị bỏ tù và đảng của họ bị cấm, cho nên, Daniel Ortega và bà vợ ông ta Rosario Murillo đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nicaragua được tổ chức vào hôm Chúa Nhật.
Chỉ có một giám mục Công Giáo trong số 13 giám mục của đất nước đi bỏ phiếu.
Vào rạng sáng ngày thứ Hai, Hội đồng bầu cử tối cao của Nicaragua thông báo rằng với khoảng một nửa số phiếu được kiểm, Ortega đã giành chiến thắng với khoảng 75% số phiếu bầu. Với chiến thắng vang dội này, ông đã bảo đảm nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, đó là chưa kể thời gian cầm quyền vào những năm 1980.
Washington đã gọi các cuộc bầu cử là một trò giả mạo do sự đàn áp của nhà lãnh đạo kỳ cựu đối với các đối thủ của mình và Liên minh Âu Châu đã gọi cuộc bầu cử này là “giả mạo”.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước khi cuộc kiểm phiếu được công bố, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng Ortega và vợ ông đã dàn dựng một “cuộc bầu cử như một thứ kịch câm không tự do cũng không công bằng”.
Trong những tuần dẫn đến cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11, các giám mục Công Giáo đã đưa ra một số tuyên bố cho rằng nền dân chủ của đất nước đang gặp rủi ro vì các quyền cơ bản không được tôn trọng. Họ cũng nói rằng việc quyết định xem họ có bỏ phiếu hay không là do lương tâm của mỗi công dân.
Đức Cha René Sándigo, của giáo phận Leon, là giám mục Công Giáo duy nhất tham gia bầu cử.
Hôm thứ Bảy, một ngày trước cuộc bầu cử, gia đình của khoảng 150 tù nhân chính trị đã gửi một lá thư đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu ngài lên tiếng kêu gọi các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng ở Nicaragua.
“Chúng con yêu cầu sự can thiệp nhân đạo của Đức Thánh Cha,” họ viết. “Tất cả các thành viên trong gia đình chúng con đã bị giam giữ và bỏ tù mà không có thủ tục hợp pháp, như các tổ chức nhân quyền và quốc tế đã chứng thực”.
Họ cũng nói với Đức Giáo Hoàng rằng ước tính có khoảng 150,000 người chống lại chế độ đã phải chạy trốn sang Hoa Kỳ hoặc Costa Rica, và những người vẫn còn ở Nicaragua hầu như không thể nhìn thấy người thân bị giam cầm của họ, và lưu ý đến “tình trạng nghiêm trọng của họ về suy dinh dưỡng, bệnh tật và thiếu các điều kiện vệ sinh thích hợp”.
Họ viết: “Thưa Đức Thánh Cha, đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề nhân đạo. Gia đình chúng con đang rất đau khổ. Giáo hội đang bị tấn công, từ các linh mục đến hàng giáo phẩm đã phải ẩn náu, lưu đày và cũng phải lo sợ cho tính mạng của chính các ngài”.
Trong số những người đã phải rời khỏi đất nước có Đức Cha Silvio Baez, người đang sống lưu vong ở Miami, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh cho ngài rời Nicaragua vì tính mạng của ngài bị đe dọa.
“Hôm nay không phải là ngày chiến thắng cho bất kỳ ai ở Nicaragua,” vị giám mục nói trong bài giảng của mình, được cử hành tại Đền thánh Quốc gia của Washington, theo lời mời của Đức Cha David Malloy, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của các giám mục Hoa Kỳ.
Đức Cha Baez nói: “Hôm nay là một ngày nữa của chặng đường đau thương đẫm nước mắt và chết chóc mà đất nước chúng ta đã trải qua và đã để lại rất nhiều nạn nhân vô tội, những người mà chúng ta không thể và không muốn quên đi.”
“Cả thế giới đang đổ dồn ánh mắt vào đất nước chúng ta vì sự kiện bất hợp pháp đang diễn ra ở đó ngày hôm nay,” ngài nói, khi đề cập đến các cuộc bầu cử tổng thống.
“Ngày nay, những tham vọng quyền lực đen tối của những kẻ đã làm tan nát đất nước chúng ta và những bài phát biểu giễu cợt của chúng đang cố xuyên tạc lịch sử và che giấu sự thật dường. Tuy nhiên, ngày nay không phải là ngày kết thúc lịch sử của Nicaragua. Hôm nay không phải là kết thúc, mà là khởi đầu của một giai đoạn đầy thách thức và hy vọng, của những cuộc đấu tranh và cam kết, của sự đoàn kết và quảng đại”, Đức Cha Baez nói.
Source:Crux