Theo Yiannakis Moussas, người đại diện cho người Công Giáo nghi lễ Maronite tại Quốc hội, chuyến thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các cộng đồng trên đảo và toàn khu vực nói chung.
“Chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Síp là một sự kiện rất quan trọng không chỉ đối với cộng đồng Maronite và cộng đồng Công Giáo của Síp, mà còn đối với toàn bộ Síp và toàn khu vực nói chung,” ông nói với Hãng thông tấn Síp trong một cuộc phỏng vấn.
“Chuyến thăm của Giáo hoàng tới Síp gửi đi một thông điệp vang dội. Trước hết, các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là nguồn hy vọng và lạc quan cho cả những người đón tiếp ngài và cho cả khu vực rộng lớn hơn”.
Chuyến thăm sẽ diễn ra từ mùng 2 đến mùng 4 tháng 12. Đây là lần thứ hai một vị Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo đến thăm Síp sau Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2010.
Moussas cũng nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô được coi là “Giáo hoàng của những người nghèo và kém may mắn” và do đó, ngài dự kiến sẽ giải quyết những vấn đề này khi ở Síp.
Ông nói thêm, đã có một nỗ lực phối hợp với Tòa thánh, Tổng thống Cộng hòa và chính phủ Síp để tổ chức một chuyến thăm tuyệt vời.
Đề cập đến cộng đồng Công Giáo nghi lễ Maronite ở Síp, ông nói rằng họ duy trì mối quan hệ chặt chẽ và các kênh liên lạc với Tòa thánh.
Trước cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974, người Công Giáo Maronite sống ở ba ngôi làng ở quận Kyrenia, giờ đây do Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ - đó là Kormakitis, Asomatos và Karpasia; cũng như ở quận Ayia Marina nằm ở Nicosia.
“Điều chúng tôi đang yêu cầu là việc hồi hương ngay lập tức người dân về các làng của họ. Bởi vì nếu không được trở lại làng của chúng tôi, chúng tôi không có đất, thì cộng đồng Maronite không có khả năng tồn tại lâu dài.”
Moussas nhấn mạnh rằng người Síp Maronite nên được phép quay trở lại các ngôi làng đã bị chiếm đóng của họ ở Asomatos và Ayia Marina ngay cả trước khi có giải pháp cho vấn đề Síp.
Tưởng cũng nên biết thêm, dân số của Síp là 776,000 dân trong đó 77% là người Hy Lạp, 18% là người Thổ Nhĩ Kỳ và số còn lại nhập cư từ các quốc gia khác, nhiều nhất là người Công Giáo Li Băng theo nghi lễ Maronite.
Ngày 15 tháng 7 năm 1974, các phần tử dân tộc chủ nghĩa gốc Hy Lạp tiến hành đảo chính trong nỗ lực nhằm hợp nhất hòn đảo này vào Hy Lạp.
Động thái này dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội xâm chiếm Síp 5 ngày sau đó. Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được một phần lãnh thổ nay là Bắc Síp. Ước tính có trên 150,000 người Síp gốc Hy Lạp và 50,000 người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải di chuyển chỗ ở. Cộng đồng người Công Giáo Li Băng theo nghi lễ Maronite cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ đuổi đi.
Source:Cyprus Press