Kệ Truông Nhà Hồ, Kệ Phá Tam Giang

Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C 2021

Vùng đất nào, quê hương nào cũng đều có những con đường để đi. Riêng tại Việt Nam, “hình ảnh hay tên gọi “Con Đường” đã trở thành “biểu tượng của văn hóa, cuộc sống… gắn liền với lịch sử hay vận mệnh của cả dân tộc”. Chẳng hạn, cố nhạc sĩ Thanh Bình (1932-2014) đã để lại một ca khúc bất hủ mang tên: “Những nẻo đường Việt Nam”; và có thể nói, trường ca “Con Đường Cái Quan” là một trong những sáng tác vĩ đại của cố nhạc sĩ đa tài Phạm Duy. Trong khi đó, khi nói tới thời nội chiến Bắc Nam (1956-1975), người Việt Nam nào lại không biết đến “Con đường Trường Sơn” hay được gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”, một con đường ghi dấu bao đau thương thống khổ mà nhà văn Xuân Vũ đã có một tác phẩm hồi ký để đời “Đường Đi Không Đến”.

Trên nẻo đường phụng vụ tiến về đại lễ Giáng Sinh, hình ảnh và tên gọi “Con đường” lại được Lời Chúa khắc họa rất ấn tượng ngay từ Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, mà cả sách ngôn sứ Barúc lẫn Tin Mừng Luca đều quy chiếu:

- Bài đọc 1 với trích đoạn sách Barúc: “Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa”.

- Tin mừng Luca: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Từ việc chính Thiên Chúa sửa dọn đường để đem dân Israel trở về, hay việc ông Gioan Tẩy giả hô hào dân Israel dọn đường đón gặp Đấng Mêsia, đến việc dọn đường tâm hồn để đón Chúa hôm nay trong Mùa Vọng, làm tôi chợt nhớ đến câu ca dao:

“Thương em anh cũng muốn vô,

sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”

Ngày xưa, khi đất nước Việt Nam ta đang thời mở cõi về phương nam, các vùng đất từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên… vẫn còn hoang hóa. Tương truyền rằng, trên con đường xuôi Nam, đoạn giáp giới giữa Quảng Bình và Vĩnh Linh Quảng Trị có vùng Hồ Xá, đường đi rậm rịt, cây cối um tùm, bọn thảo khấu chọn làm sào huyệt ẩn núp… nên mang hổn danh là “Truông Nhà Hồ”. Và xa hơn về phía Nam thuộc Thừa Thiên, có vùng đầm phá lớn mệnh danh là “Phá Tam Giang”, trải dài qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, thường có sóng dữ nổi lên đánh chìm thuyền bè qua lại. Ai muốn xuôi Nam cũng đều ngán sợ con đường đi ngang qua hai địa danh nầy, nên từ đó, dân gian có câu ca dao: “Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Cũng liên quan đến “con đường nầy”, theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại, đời Lê Hiển Tông, có quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng (1690-1725) đã bình định, khai phá cả “Truông Nhà Hồ lẫn Phá Tam Giang”, để từ đó, con đường xuôi Nam không còn bị đe dọa.

Vâng, tình yêu của chúng ta dành cho Chúa vẫn có đó, vẫn còn đó; cũng vậy, tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân chắc chắn cũng không trống rỗng. Tuy nhiên, con đường đến với Thiên Chúa và đến với tha nhân vẫn còn những “truông nhà Hồ”, những “Phá Tam Giang”; hay theo ngôn ngữ của Lời Chúa hôm nay, những “núi cao, hố sâu, đường cong queo…”, làm chúng ta do dự, ái ngại, nhụt chí.

Đối với dân Israel thời ngôn sứ Baruc, thời dân Giuđê bị lưu đày, thành thánh Giêrusalem bị vây hãm rồi triệt tiêu, toàn dân gánh chịu nỗi khổ nhục đau thương…, thì “đồi cao, hố sâu” mà Thiên Chúa muốn bạt xuống chính là sự phai nhạt niềm tin, lãng quên Lề Luật và Giao ước, tinh thần tục hóa trước sự xa hoa của Babylon…; cũng vậy, “núi cao, hào sâu, đường cong queo” mà ông Gioan Tẩy Giả hô hào “bạt xuống, lấp đầy, uốn ngay…”, chính là cách “thờ Chúa ngoài môi mép”, là thói “giữ đạo gỉa hình kiểu Biệt phái”, là tinh thần tìm kiếm chỗ dựa nơi chức quyền danh vọng của những tư tế, những kẻ giàu có hám danh… Và tất cả đều hướng tới một tiêu đích: Thời Lưu đày thì: “Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử… Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang”; con thời Gioan Tẩy Giả thì: “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Thế nhưng, liệu Thiên Chúa có thực hiện những gì Ngài đã loan báo thời Lưu đày qua ngôn sứ Barúc? Hay, liệu sau những hô hào của Gioan Tẩy Giả có “ơn cứu độ” có đến không?

Thưa có đấy ! Chắc chắn, nhờ sự hoán cải của những “nhóm nhỏ” thuộc “những kẻ nghèo của Giavê”, mà khoảng năm 539 trước công nguyên, Vua Kyro của Ba Tư chiếm Babylon và đã ra sắc chỉ cho phép đoàn dân Do Thái lưu đày được hồi hương, Giêrusalem được tái thiết. Trong muôn vạn cõi lòng dân Israel đã trào dâng nỗi vui, hy vọng mà hôm nay chúng ta vẫn còn nghe vang vọng trong chính đáp vịnh ca của thánh lễ hôm nay với thánh vịnh 125: “Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan…”

Cũng vậy, vào những “năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô…”, sau những lời Gioan Tẩy giả loan báo bên bờ sông Giođan, đã có một “Giêsu người Nagiarét” xuất hiện với “quyền năng trong lời nói cũng như việc làm”: mà những ai đã chọn con đường thẳng đã được uốn, san lấp là “tâm hồn nghèo khó, hiền lành, trong sạch, biết xót thương, chấp nhận chịu bách hại vì công chính…”, như anh chàng mù Bartime, như ông Giakê Thuế vụ, như người phụ nữ Canan bị loạn huyết, như bà góa nghèo chỉ có hai đồng xu ten, như các anh dân chai dốt nát, như gia đình ba chị em ở Bêtania, như tên trộm bị đóng đinh bên hữu… đều “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” !

Và tất cả những điều đó lại vẫn còn nguyên tính thời sự cho ngày tháng hôm nay của chúng ta: tính thời sự của sự hoán cải niềm tin, sửa sai cách sống đạo, uốn nắn lối thực hành phượng thờ trong tương quan với Chúa và canh tân cách ứng xử bác ái yêu thương với anh chị em. Trong bối cảnh của thời “Covid” hoang tàn, ảm đạm và đầy khủng hoảng; khủng hoảng với Trời, khủng hoảng với người, thật cần thiết biết bao sứ điệp “xây đắp những con đường” !

Và vì “Chúa là Đường”, nên chúng ta yên tâm. Con đường mang tên Chúa, con đường của Tám Mối Phúc Thật, con đường của “mến Chúa yêu người”… sẽ là “đường đi phải đến”. Cho nên, một khi được trang bị đầy đủ hành trang chính là “tình yêu đích thực”; hay như ước mơ và lời cầu nguyện của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2: “Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu”, thì chẳng “truông nhà Hồ, phá Tam Giang” nào có thể cản trở ta lao mình về phía trước. Vâng, “Yêu em anh cứ anh vô, kệ truông nhà Hồ, kệ phá Tam Giang” !

Mà thật ra, “ơn Cứu Độ” chẳng phải đâu xa mà ở ngay đây: Chúa Kitô đang đến với chúng ta trong Thánh lễ nầy; đặc biệt chút nữa đây, trong Thánh Thể là Máu Thịt được trao ban cho mỗi người chúng ta. Amen.

LM. Trương Đình Hiền