Sau khi núi lửa Semeru, cao 3,676m, phun trào vào ngày 4 tháng 12, các nhà hoạt động xã hội dân sự và hàng giáo sĩ Công Giáo Indonesia đã tố cáo chính quyền không đưa ra cảnh báo: “Nếu báo động được nâng lên kịp thời, nhiều người có thể đã được cứu”.
Người đứng đầu Cục Địa chất Giảm nhẹ Thiên tai và Núi lửa Indonesia, gọi tắt là PVMBG, thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, cho biết chính quyền địa phương đã được cảnh báo: vào ngày 2 tháng 12, PVMBG đã đăng một thông điệp cảnh báo, cảnh báo rằng một số ngôi làng ở các huyện Lumajang và Malang có nguy cơ bị ảnh hưởng. Vấn đề là tại sao chính quyền địa phương không thông báo cho dân chúng trong vùng. Phải chăng vì khu vực này gần như toàn tòng Công Giáo?
Tro tàn từ miệng núi lửa đã nhấn chìm toàn bộ hai ngôi làng trên sườn núi, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có ít nhất 20 người mất tích và hàng nghìn người phải di dời.
Indonesia là nơi có 127 ngọn núi lửa đang hoạt động, nhưng chỉ có 69 ngọn được PVMBG giám sát.
Cha Marco O.Carm, thuộc Caritas ở Giáo phận Malang, nói với AsiaNews rằng ngài đã có thể thiết lập một điểm phân phối thực phẩm cho những người phải di dời ở Pronojiwo, bất chấp cầu Gladag Perak, là huyết mạch giao thông trong vùng đã bị sập.
Cha Carmelite giải thích: “Vì cầu sập, chúng tôi phải chuyển hướng viện trợ nhân đạo qua Probolinggo để đến Pronojiwo mất thêm từ 3-4 giờ di chuyển”.
Hơn 2,000 người sống sót đã tìm thấy nơi trú ẩn tạm thời ở Pronojiwo, Candipuro và Pasirian. Cha Rudy, cha phụ tá của Cha Marco nói rằng việc thành lập các điểm phân phối thực phẩm và nước uống “là một vấn đề cấp bách”. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia xác nhận rằng gần 3 nghìn ngôi nhà và ít nhất 38 trường học đã bị phá hủy.
Trong thư gửi tới Đức Tổng Giám Mục Piero Pioppo, Sứ thần Tòa thánh tại Indonesia, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất buồn khi hay biết về những thiệt hại về người và vật chất do vụ núi lửa phun trào mới gây ra.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cầu nguyện “cho những người chết, những người bị thương và những người phải di dời cũng như cho các nhân viên cứu hộ và chính quyền dân sự tham gia vào các nỗ lực phục hồi” sau vụ phun trào của núi Semeru. Ngài bảo đảm khẩn cầu xin Chúa ban sức mạnh và bình an cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Source:Asia News