Theo Independent Catholic News, ngày 14 tháng 12 vừa qua, các thượng phụ và Các Vị Đứng Đầu các Giáo Hội tại Giêrusalem đã công bố bản tuyên bố sau đây:

Nhà thờ Hóa Bánh Nhiều ở Tabgha bị phá hoại nặng nề


“Khắp Đất thánh, các Kitô hữu đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công thường xuyên và liên tục của các nhóm cực đoan ngoại vi. Kể từ năm 2012, đã có rất nhiều vụ tấn công bằng lời nói và thể lý nhắm vào các linh mục và các giáo sĩ khác, các cuộc tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo, với các thánh địa thường xuyên bị phá hoại và xúc phạm, và liên tục đe dọa các Kitô hữu địa phương, những người chỉ đơn giản tìm cách được tự do thờ phượng và sống cuộc sống hàng ngày của họ. Các chiến thuật này đang được sử dụng bởi những nhóm cực đoan như vậy trong một nỗ lực có hệ thống nhằm xua đuổi cộng đồng Kitô giáo ra khỏi Giêrusalem và các khu vực khác của Đất Thánh.

Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với cam kết đã tuyên bố của chính phủ Israel trong việc duy trì một nơi yên ổn và an ninh cho các Kitô hữu ở Đất Thánh và bảo tồn cộng đồng Kitô giáo như một phần không thể thiếu trong tấm thảm cộng đồng địa phương. Chúng tôi thấy bằng chứng của cam kết này ở việc chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc viếng thăm của hàng triệu tín đồ Kitô giáo đến các địa điểm linh thiêng của Đất Thánh. Do đó, quả là một vấn đề đáng lo ngại khi cam kết quốc gia này bị phản bội bởi sự thất bại của các chính trị gia, viên chức và cơ quan thực thi pháp luật địa phương trong việc kiềm chế hoạt động của các nhóm cực đoan, những người thường xuyên đe dọa các Kitô hữu địa phương, hành hung các linh mục và giáo sĩ, và xúc phạm Thánh địa và nhà thờ.

Nguyên tắc định rằng đặc điểm văn hóa và tâm linh của các khu lịch sử và khác biệt của Giêrusalem cần được bảo vệ đã được công nhận trong luật của Israel đối với Khu Do Thái. Tuy nhiên, các nhóm cực đoan vẫn tiếp tục sở đắc tài sản chiến lược trong Khu phố Kitô giáo, với mục đích làm giảm sự hiện diện của người Kitô giáo, bằng cách thường xuyên sử dụng các giao dịch ám muội và chiến thuật đe dọa để đuổi cư dân ra khỏi nhà của họ, làm giảm đáng kể sự hiện diện của người Kitô giáo, và tiếp tục làm gián đoạn các tuyến đường hành hương lịch sử giữa Bêlem và Giêrusalem.

Hành hương Kitô giáo, ngoài việc là quyền của tất cả những người Kitô giáo trên toàn thế giới, còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế và xã hội của Israel. Trong một báo cáo gần đây của Đại học Birmingham, người ta nhấn mạnh rằng du lịch và hành hương của Kitô giáo đóng góp 3 tỷ đô la cho nền kinh tế Israel. Cộng đồng Kitô giáo địa phương, tuy nhỏ và đang giảm về số lượng, nhưng vẫn cung cấp một lượng rất đáng kể các dịch vụ giáo dục, y tế và nhân đạo trong các cộng đồng khắp Israel, Palestine và Jordan.

Phù hợp với cam kết đã được tuyên bố về việc bảo vệ tự do tôn giáo của các nhà chức trách chính trị địa phương của Israel, Palestine và Jordan, chúng tôi yêu cầu một cuộc đối thoại khẩn cấp với chúng tôi các Nhà lãnh đạo Giáo hội, để:

- Đối phó với những thách thức do các nhóm cực đoan ở Giêrusalem gây ra cho cả cộng đồng Kitô giáo lẫn nền pháp trị, để đảm bảo sẽ không có công dân hoặc tổ chức nào phải sống dưới nguy cơ bạo lực hoặc đe dọa.

- Bắt đầu đối thoại về việc thành lập một khu vực văn hóa và di sản Kitô giáo đặc biệt để bảo vệ sự toàn vẹn của Khu Kitô giáo ở Thành phố Cổ Giêrusalem và để bảo đảm rằng đặc điểm và di sản độc đáo của nó được bảo tồn vì phúc lợi của cộng đồng địa phương, của cuộc sống quốc gia của chúng ta, và thế giới rộng lớn hơn”.

Các Giáo Hội có trụ sở ở Hoa Kỳ vì Hòa bình Trung Đông (CMEP) đã đưa ra tuyên bố của riêng họ vào hôm nay ủng hộ các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Giêrusalem.

Họ nói: “Các Giáo Hội có trụ sở ở Hoa Kỳ vì Hòa bình Trung Đông (CMEP) luôn cam kết hỗ trợ tính bền vững của Kitô giáo ở Trung Đông nói chung, và đặc biệt là cổ vũ một Giêrusalem chung của người Palestine và người Israel.

CMEP ghi nhận và phản đối các mưu toan đang diễn ra nhằm giảm thiểu sự hiện diện của Kitô hữu ở Israel / Palestine. Các cộng đồng Kitô giáo là nguồn quan yếu của nền văn hóa của vùng đất này cũng như là những người quản lý các địa điểm được người Kitô giáo trên khắp thế giới gọi là thánh địa. Khi các Kitô hữu chuẩn bị cử hành lễ Giáng sinh, chúng tôi luôn nhớ đến anh chị em của mình ở Đất Thánh, những người tiếp tục duy trì các truyền thống tại nơi mà đức tin của chúng ta đã bắt đầu.

Do đó, CMEP đứng chung hàng ngũ với các Thượng phụ và Các Vị đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi một cuộc đối thoại khẩn cấp với các cơ quan chính quyền ở Israel, Palestine và Jordan. Chúng tôi cực lực phản đối sự chống đối của các nhóm cực đoan đối với các cộng đồng Kitô giáo, một sự chống đối hiện đang bộc lộ rõ ràng ở Giêrusalem. CMEP cổ vũ và vận động cho việc bảo tồn các di sản Kitô giáo, đặc biệt là trong Khu phố Kitô giáo ở Cổ Thành”.

Giám đốc Điều hành CMEP Mae Elise Cannon nhận xét: "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước những cuộc đấu tranh đang diễn ra của các cộng đồng theo Chúa Kitô ở Đất Thánh. Sự hiện diện của họ đang bị đe dọa và chúng ta phải làm mọi chuyện có thể để bảo tồn sự hiện diện của Kitô hữu ở Giêrusalem, Israel, và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".

CMEP mời các Kitô hữu Hoa Kỳ ủng hộ tuyên bố gần đây của các Thượng phụ và Các Vị đứng đầu các Giáo hội bằng cách chia sẻ nó trong cộng đồng của họ. CMEP luôn cam kết nêu tình hình mà các cộng đồng Kitô giáo ở Đất Thánh phải đối đầu với các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ khi chúng tôi vận động cho quyền tự do tôn giáo của tất cả mọi người trong khu vực.