Trong loạt bài suy niệm cho chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng năm nay của Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng tập trung vào việc đưa ra ánh sáng “vẻ huy hoàng bên trong của Giáo Hội và của đời sống Kitô hữu”

Năm nay, chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng gồm ba bài được trình bày vào ba thứ Sáu trước Lễ Giáng Sinh với chủ đề là “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến”, trích từ chương 4 Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát trong đó tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm của Kitô Giáo.

Hôm thứ Sáu 17 tháng 12 vừa qua, tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, Đức Hồng Y đã trình bày bài tĩnh tâm cuối cùng nhan đề “Sinh làm con một người phụ nữ”.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ nhất của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa

Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ hai của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa

“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ”. Trong bài suy niệm cuối cùng này, tôi muốn tập trung vào ý nghĩa và tầm quan trọng của cụm từ cuối cùng này “sinh làm con một người phụ nữ”, đặc biệt là vì nó liên quan đến tính chất trọng thể của lễ Giáng Sinh mà chúng ta đang chuẩn bị cử mừng.

Trong Kinh Thánh, cụm từ “sinh làm con một người phụ nữ” nhấn mạnh rằng cá nhân được đề cập đến thuộc về thân phận con người bao gồm cả sự yếu đuối và tử vong. Để nhận thức rõ ý nghĩa của những từ đó, cách duy nhất là chúng ta hãy thử xoá chúng khỏi văn bản xem sao. Nếu không có những từ đó, Chúa Kitô sẽ ra sao? Thưa: chỉ còn là một ảo ảnh hồn phách từ trời cao. Thiên thần Gabriel “được Thiên Chúa sai đến” nhưng đã trở lại thiên đàng với cùng một hình dáng y hệt như khi từ trời xuống. Chính người phụ nữ, là Đức Maria, là người đã “neo giữ” Con Thiên Chúa mãi mãi với nhân loại và lịch sử.

Đó là cách các Giáo phụ hiểu những lời của Thánh Phaolô khi các ngài lập luận chống lại lạc giáo Ngộ đạo-Ảo nhân thuyết [Ngộ đạo – Gnosticism: Bác bỏ niềm tin cho rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Họ cho rằng Đức Giêsu chỉ là một con người; Sự kết hợp giữa ông Giêsu và Đức Kitô trong phép rửa ở sông Giođan chỉ là tạm thời; và Đức Kitô rời bỏ ông Giêsu trước cuộc khổ nạn. Ảo nhân thuyết – Docetism: không chấp nhận nhân tính đích thực của Đức Giêsu. Họ cho rằng thân xác của Ngài không là thân xác đích thực, mà là một loại thân xác thiêng liêng, có vẻ bên ngoài là thân xác, giống như thiên thần. Họ chối bỏ những hành vi nhân sinh được coi là bất xứng với thần tính, và do đó bác bỏ những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu trong cuộc thương khó. – chú thích của người dịch]. Các Giáo phụ đã nhấn mạnh một cách chính xác sự song song tồn tại giữa cụm từ “sinh ra bởi một người phụ nữ” và thành ngữ Thánh Phaolô sử dụng trong thư Rôma 1: 3: “theo xác thịt thuộc dòng dõi Vua Đavít”. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia sử dụng một cách diễn đạt đáng kinh ngạc khi nói rằng Chúa Giêsu “được sinh ra bởi Đức Maria và Thiên Chúa,” gần như cách chúng ta vẫn dùng để nói rằng ai đó là con của ông này và bà nọ. Sự thật là trong toàn thể vũ trụ, Đức Maria là người duy nhất có thể xưng hô với Chúa Giêsu giống như cách mà Cha trên trời đã làm: “Con là con của Cha, Cha đã sinh ra con”.

Tác giả Tertullianô [Tertullianus: sinh năm 155 sau Chúa Giáng Sinh và qua đời năm 220, là một nhà hộ giáo trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội – chú thích của người dịch] chỉ ra rằng Thánh Phaolô không nói “factum per mulierem,” mà là “factum ex muliere”, nghĩa là được sinh ra bởi một người phụ nữ, chứ không phải thông qua một phụ nữ. Việc sử dụng từ này của ông xuất phát từ thực tế là lạc giáo Ảo nhân thuyết dần phát triển và có hình thức ít cực đoan hơn. Lạc giáo này tuyên bố rằng xác thịt của Chúa Giêsu có nguồn gốc từ trời cao, không phải từ trần thế, chỉ đi qua Đức Mẹ như thể qua một kênh trung gian, là một vị khách chứ không phải là con của Đức Mẹ. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã đặt thành ngữ của Thánh Phaolô “sinh làm con một người phụ nữ” vào trung tâm của tín điều Kitô học, khi viết trong thư gởi cho Đức Cha Flavian [Giám Mục thành Constantinople] rằng “Chúa Kitô là người thật bởi vì Người ‘sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật,’… Sinh ra trong xác thịt là bằng chứng rõ ràng về bản tính loài người của Người”.

Cũng liên quan đến thành ngữ của Thánh Phaolô “sinh làm con một người phụ nữ”, chúng ta thấy nguyên tắc chú giải Kinh Thánh tuyệt vời được xây dựng bởi Thánh Grêgôriô Cả, chẳng hạn như “Kinh Thánh phát triển cùng với những người đọc”. Thánh Irênê [tiếng Anh: Irenaeus] đã đọc thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Galát 4: 2, “sinh làm con một người phụ nữ” dưới ánh sáng của Sáng thế ký 3:15, “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người phụ nữ.” Đức Maria xuất hiện như một người phụ nữ là sự kết hợp với Evà, mẹ của tất cả nhân sinh! Chúng ta không nói về một đại diện nhỏ xuất hiện trong một cảnh duy nhất và sau đó biến mất trong làn không khí. Đó là sản phẩm của truyền thống Kinh Thánh kéo dài trong toàn bộ Kinh Thánh từ đầu này sang đầu kia. Nó bắt đầu với người phụ nữ được gọi là “con gái của Sion”, là một nhân cách hóa cho toàn thể Dân Do Thái và kết thúc với người phụ nữ “mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng” đại diện cho Giáo Hội trong Sách Khải Huyền (Rv 12: 1).

“Bà” là thuật ngữ Chúa Giêsu dùng để gọi Mẹ Ngài cả ở Cana và khi Mẹ đứng bên dưới thập tự giá. Sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, nếu ta không nhìn thấy mối liên hệ trong cách nghĩ của Thánh Gioan giữa hai người phụ nữ: người phụ nữ tượng trưng cho Giáo Hội và người phụ nữ thực tế là Đức Maria. Mối liên hệ này không chỉ được thừa nhận trong Hiến Chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân - của Công đồng Vatican II mà còn giải thích tại sao Đức Maria được đề cập đến trong Hiến Chế về Giáo Hội.

Chúa Kitô phải được sinh ra bởi Giáo Hội

Trong một thời gian, đã có rất nhiều cuộc thảo luận liên quan đến phẩm giá của phụ nữ. Thánh Gioan Phaolô II đã viết một Tông thư về chủ đề đó, là Tông thư Mulieris Dignitatem- Phẩm Giá Của Phụ Nữ. Bất kể bao nhiêu phẩm giá mà những tạo vật phàm trần chúng ta có thể gán cho phụ nữ, thì điều đó vẫn là vô cùng nhỏ so với những gì Thiên Chúa đã làm khi chọn một người phụ nữ làm mẹ của Con Ngài, Đấng hóa thành nhục thể. “Ngay cả khi chúng ta có nhiều cái lưỡi như những ngọn cỏ.”

Nhiều việc đã được thực hiện trong thời gian gần đây nhằm tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong tiến trình hình thành quyết định của Giáo Hội, và có lẽ cần phải làm nhiều hơn thế. Chúng ta không cần phải đi sâu vào điều đó ở đây. Thay vào đó, chúng ta phải chuyển sự chú ý của mình sang một lĩnh vực khác mà sự phân biệt giữa nam và nữ là mờ nhạt bởi vì người phụ nữ mà chúng ta đang nói đến đại diện cho toàn thể Giáo Hội, tức là cho mọi người, nam cũng như nữ.

Nói tóm lại, đây là trọng tâm của vấn đề: Chúa Giêsu đã từng được Đức Maria sinh ra về mặt thể lý và thể xác, nay phải được sinh ra về mặt tâm linh từ Giáo Hội và từ mỗi tín hữu. Có một truyền thống chú giải mà hạt nhân ban đầu có từ thời Origen, được kết tinh trong câu ngạn ngữ này: “Đức Maria, hay Giáo Hội, hay linh hồn.” Chúng ta hãy lắng nghe cách một tác giả thời trung cổ, Isaac thành Stella, mô tả giáo huấn này:

Dưới ánh sáng soi dẫn của Kinh Thánh, những gì được nói đến theo nghĩa phổ quát về Giáo Hội, như một người mẹ đồng trinh, được hiểu theo nghĩa cá nhân về Đức Trinh nữ Maria; và những gì được nói theo nghĩa cụ thể về Đức Maria, như người mẹ đồng trinh, được hiểu một cách đúng đắn theo một nghĩa phổ quát về Giáo Hội… Theo một nghĩa nào đó, mỗi Kitô Hữu cũng được tin là cô dâu của Ngôi Lời Thiên Chúa, là mẹ của Chúa Kitô, là con gái và em gái của Ngài, đồng thời đồng trinh và sinh hoa kết quả. Những từ này được dùng theo nghĩa phổ quát về Giáo Hội, theo nghĩa đặc biệt về Đức Maria, và theo nghĩa đặc thù về cá nhân Kitô hữu.

Chúng ta hãy bắt đầu với ứng dụng cho Giáo Hội. Nếu theo “nghĩa đầy đủ nhất” (thường được gọi là sensus plenior), người phụ nữ trong Kinh Thánh gợi ý đến Giáo Hội, thì lời khẳng định rằng Chúa Giêsu sinh ra bởi một người phụ nữ ngụ ý rằng ngày nay, Ngài phải được sinh ra bởi Giáo Hội!

Có một bức ảnh rất phổ biến trong các Kitô hữu Chính thống giáo được gọi là Panhagia, tức là Chí Thánh. Bức ảnh mô tả toàn thân Đức Maria đang đứng. Ở giữa ngực Mẹ, như thể nổi lên từ bên trong, là một mề đay thể hiện Chúa Giêsu hài đồng, đang mang tất cả sự uy nghiêm của một người lớn. Ánh mắt của người sùng đạo bị thu hút bởi hài nhi, thậm chí trước cả người mẹ. Với cánh tay dang rộng, Mẹ thậm chí dường như đang mời chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu và nhường chỗ cho Người. Đó là cách Giáo Hội nên như thế. Ai nhìn thấy Giáo Hội không nên dừng lại ở đó, nhưng hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Đây là cuộc đấu tranh chống lại việc Giáo Hội trở nên tự quy chiếu về chính mình, là một chủ đề thường được nhấn mạnh bởi hai vị Giáo hoàng gần đây nhất, là Đức Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tác giả Franz Kafka đã kể một câu chuyện mang tính biểu tượng tôn giáo mạnh mẽ về phương diện này. Nó có tựa đề “Một Thông điệp của Quốc Vương.” Câu chuyện đề cập đến một vị vua, trên giường bệnh, gọi một viên cận thần đến bên cạnh mình và thì thầm vào tai người ấy một thông điệp. Thông điệp đó quan trọng đến nỗi nhà vua bắt viên cận thần phải lặp lại nó vào tai ngài. Sau đó, nhà vua gật đầu ra dấu cho người đưa tin khởi hành một cuộc hành trình. Chúng ta hãy cùng nhau nghe trực tiếp phần còn lại của câu chuyện, được viết theo lối mơ mộng, gần như mộng mị, là đặc trưng của nhà văn này:

Người đưa tin lên đường ngay lập tức; một người đàn ông mạnh mẽ, không mệt mỏi; vung tay bên này, vung tay bên kia, anh ta mở một con đường qua đám đông; mỗi khi gặp một trở ngại nào, anh ta lại chỉ vào ngực của mình, nơi mang dấu hiệu của mặt trời; và anh ấy tiến về phía trước một cách dễ dàng, không giống ai. Nhưng đám đông quá rộng lớn; trải dài bất tận. Nếu đất nước rộng mở trải dài trước mặt anh ta, anh ta sẽ bay như thế nào, và thực sự bạn có thể sớm nghe thấy tiếng gõ mạnh mẽ từ nắm đấm của anh ta vào cửa nhà mình. Nhưng thay vào đó, anh ta làm việc vô ích làm sao; anh ta vẫn đang cố gắng vượt qua các căn phòng bên trong cung điện; sẽ không bao giờ anh ta vượt qua được chúng; và nếu anh ta có thành công đi nữa, thì cũng sẽ không thu được gì cả: anh ta sẽ phải chiến đấu theo cách của mình để xuống các bậc thang; và nếu anh ta thành công đi nữa, thì cũng sẽ không thu được gì: vì anh ta sẽ phải băng qua vườn thượng uyển và sau vườn là cung điện thứ hai bao quanh bên ngoài, và một lần nữa cầu thang và khu vườn, và một lần nữa là cung điện, v.v. qua hàng nghìn năm; và nếu cuối cùng anh ta lao ra được qua cánh cổng ngoài cùng - là điều không bao giờ có thể, không bao giờ xảy ra – thì trước đó khi anh ta vẫn nằm ở thủ đô hoàng cung, trung tâm của thế giới, các lớp trầm tích đã chất cao. Không ai có thể đi qua đây, kể cả với một tin nhắn từ một người đã chết. Tuy nhiên, bạn đang ngồi bên cửa sổ và mơ thấy tin nhắn khi trời tối.

Đọc tường thuật này, anh chị em không thể không nghĩ đến Chúa Kitô, Đấng trước khi từ giã cõi đời này, đã giao phó cho Giáo Hội một sứ điệp: “Hãy đi khắp thế gian; hãy loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo “(Mc 16:15). Và anh chị em cũng không thể không nghĩ đến vô số người đứng bên cửa sổ và mơ màng, mà không hề hay biết, về một thông điệp như thông điệp của Giáo Hội.

Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng Giáo Hội không bao giờ trở nên phức tạp và lộn xộn như lâu đài mà Kafka mô tả để thông điệp có thể được lan truyền một cách tự do và hân hoan như khi cuộc hành trình lần đầu tiên bắt đầu. Chúng ta biết “bức tường ngăn cách” có thể hạn chế người đưa tin là gì. Trước hết, chúng bao gồm những bức tường ngăn cách các hệ phái Kitô khác nhau; sau đó là bộ máy quan liêu quá mức, tàn tích của những nghi lễ vô nghĩa, bao gồm các lễ phục, các luật lệ xa xưa, và những tranh chấp mà đến nay không còn gì khác hơn là những đống đổ nát.

Điều gì đó tương tự cũng xảy ra với các tòa nhà cũ. Qua nhiều thế kỷ, để thích ứng với những nhu cầu mới nổi lên, người ta lắp đặt các vách ngăn, lối đi cầu thang, các phòng, buồng nhỏ và không gian lưu trữ dưới gầm cầu thang. Đã đến lúc anh chị em nhận ra rằng tất cả những điều chỉnh này không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại, và ngược lại, trở thành chướng ngại vật. Đó là lúc anh chị em cần can đảm để phá bỏ chúng và khôi phục lại tòa nhà về sự đơn sơ và thiết kế ban đầu của nó, cho phù hợp với mục đích đổi mới của nó.

Tôi đã chia sẻ câu chuyện đó và ứng dụng của nó với Giáo Hội trong bài giảng mà tôi đã đưa ra tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2013, trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nếu tôi cho phép mình lặp lại những suy nghĩ này, thì đó chỉ là để cảm ơn Chúa vì những bước tiến mà Giáo Hội, trong khi chờ đợi, đã thực hiện theo hướng đó, để “vươn tới những vùng ngoại vi hiện sinh của thế giới”, mang lại cho họ thông điệp của Chúa Kitô.

Chúa Kitô phải được sinh ra bởi từng cá nhân

Trong phần còn lại, chúng ta hãy phải suy ngẫm về một điều gì đó liên quan đến tất cả chúng ta mà không có sự phân biệt nào, một điều gì đó chạm đến cá nhân mỗi chúng ta: Chúa Kitô phải được sinh ra bởi người tin Chúa. Thánh Maximô Hiển tu [Maximus the Confessor] đã viết:

“Chúa Kitô luôn luôn được sinh ra một cách thần bí trong cá nhân, mặc lấy thân xác từ những người được cứu độ, làm cho người sinh ra Ngài trở thành một người mẹ đồng trinh.”

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta cách trở thành mẹ của Chúa Kitô, Ngài nói rằng điều đó xảy ra bằng cách lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành (xem Lc 8:21). Điều quan trọng cần lưu ý là hai điều cần phải diễn ra. Ngay cả Đức Maria cũng trở thành mẹ của Chúa Giêsu Kitô qua hai quá trình này: trước hết bằng cách thụ thai Ngài, và sau đó bằng cách sinh ra Ngài.

Có hai loại sẩy thai hoặc chấm dứt thai kỳ. Đầu tiên, lâu đời và khét tiếng, là phá thai. Chuyện xảy ra khi ai đó thụ thai nhưng không sinh ra vì bào thai chết do nguyên nhân tự nhiên hoặc do tội lỗi của con người. Cho đến gần đây đây đó là các nguyên nhân dẫn đến sẩy thai duy nhất được biết đến. Ngày nay chúng ta biết về một quá trình thứ hai, gần như ngược lại, theo đó một người nào đó sinh ra một đứa trẻ trong khi chẳng hề thụ thai. Điều này xảy ra khi một đứa trẻ được thụ thai trong ống nghiệm và sau đó được đưa vào tử cung của một người phụ nữ, hoặc cũng có thể khi một tử cung thay thế được cho mượn, có lẽ với một khoản chi phí, để làm môi trường cho một cuộc sống con người được thụ thai ở nơi khác. Trong trường hợp này, những gì người phụ nữ sinh ra không đến từ cô ấy; nó không được hình thành “trước hết trong trái tim và sau đó trong cơ thể,” như Thánh Augustinô đã nói về Đức Maria.

Thật không may, hai khả năng đáng tiếc này cũng tồn tại trên bình diện tinh thần. Người thụ thai Chúa Giêsu mà không sinh ra Người là người đón nhận Lời Chúa mà không đem ra thực hành. Họ liên tục đưa ra các quyết tâm hoán cải, nhưng sau đó quên đi các quyết tâm này một cách có hệ thống hoặc bỏ dở giữa chừng; đó là một kiểu phá thai tâm linh đang diễn ra. Thánh Giacôbê Tông đồ nói rằng họ giống như những người thoáng nhìn mình trong gương rồi bỏ đi mà quên mất mình trông như thế nào (xin xem Gc 1: 23-24).

Ngược lại, những người sinh ra Chúa Kitô mà không thụ thai Ngài là những người làm nhiều việc - ngay cả những điều tốt - nhưng việc làm của họ không được thực hiện vì lòng nhân từ, vì lòng yêu mến Thiên Chúa hoặc với một ý định đúng đắn. Đúng hơn, họ hành động theo thói quen hoặc theo não trạng đạo đức giả, tìm kiếm vinh quang hoặc tư lợi cho riêng mình, hoặc chỉ đơn giản là để hài lòng khi đã làm một điều gì đó. Những việc làm của chúng ta chỉ là “tốt” nếu chúng xuất phát từ trái tim nếu chúng được hình thành vì lòng yêu mến Thiên Chúa và trong đức tin. Nói cách khác, nếu ý định hướng dẫn chúng ta là đúng, hoặc nếu chúng ta ít nhất cố gắng làm đúng.

Thánh Phanxicô Assisi đã nói một điều gì đó tóm gọn những gì tôi đang cố gắng làm nổi bật. Ngài nói:

Chúng ta là mẹ của Chúa Kitô khi, nhờ tình yêu thương thiêng liêng và lương tâm trong sạch và chân thành, chúng ta cưu mang Ngài trong lòng và trong thân thể mình; chúng ta sinh ra Ngài bằng những việc làm thánh thiện là những gì cần thiết để làm gương, để soi sáng cho những người khác.

Điều này có nghĩa là chúng ta hoài thai Chúa Kitô khi chúng ta yêu Ngài với tấm lòng chân thành và lương tâm ngay thẳng; chúng ta sinh ra Người khi chúng ta làm những việc lành là mạc khải Đức Kitô cho thế gian và tôn vinh Cha trên trời (x. Mt 5:16). Trong một tác phẩm có tựa đề “Năm ngày lễ của hài nhi Giêsu,” Thánh Bonaventura đã phát triển tư tưởng này của Thánh Phanxicô thành Assisi [Đức Hồng Y dùng từ Serafico Padre – chỉ Thánh Phanxicô] Đây là những ngày lễ theo Thánh Bonaventura: thụ thai, sinh nở, cắt bì, Hiển linh và Dâng Chúa trong Đền thờ. Vị thánh giải thích cách cử hành mỗi lễ này một cách thiêng liêng trong đời sống của chính anh chị em. Tôi sẽ giới hạn trong những gì ngài nói về hai lễ đầu tiên: thụ thai và sinh nở.

Theo Thánh Bonaventura, khi một người cảm thấy không hài lòng với cuộc sống mà họ đang sống, được linh hứng bởi cảm hứng thánh thiện và bùng cháy với quyết tâm nên thánh, thì cuối cùng họ cũng phải kiên quyết dứt bỏ những thói quen và khuyết điểm cũ của mình, ở người đó, theo Thánh Bonaventura, Chúa Giêsu được thụ thai. Sau khi tâm hồn họ mầu mỡ với ân sủng của Chúa Thánh Thần, sự thụ thai diễn ra khi họ quyết tâm hướng tới một cuộc sống mới.

Khi đã được thụ thai, Con Thiên Chúa diễm phúc được sinh ra trong lòng người đó nếu sau khi phân định rõ ràng, cầu xin lời khuyên tâm linh và sự giúp đỡ của Thiên Chúa, người ấy kiên quyết thực hiện quyết định đã dấy lên trong mình một thời gian, bất kể nó luôn bị dập tắt vì sợ không thành công.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhấn mạnh vào điều này: đó là, chí hướng hoặc quyết tâm hướng tới một cuộc sống mới phải được chuyển ngay lập tức thành hành động cụ thể, thành một sự thay đổi trong cách chúng ta sống và trong thói quen của chúng ta, có thể ngay cả trong những cách bên ngoài và nhìn thấy được. Nếu quyết định của chúng ta không được thực hiện, Chúa Giêsu được thụ thai, nhưng không được sinh ra. Nó sẽ là một trong nhiều cuộc phá thai tâm linh. “Lễ thứ hai” của Hài nhi Giêsu, tức là Lễ Giáng Sinh, sẽ không bao giờ được cử hành! Đó sẽ chỉ là một trong số rất nhiều sự trì hoãn có lẽ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.

Một thay đổi nhỏ để bắt đầu có thể là tạo ra một chút im lặng xung quanh chúng ta và trong chúng ta. Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến chung gần đây nhất nói rằng “Thật tốt biết bao nếu mỗi người chúng ta, theo gương Thánh Cả Giuse, có thể phục hồi chiều kích chiêm niệm này của cuộc sống, được mở rộng ra trong sự thinh lặng”. Một bài ca cổ trong Mùa Giáng Sinh nói rằng Lời Chúa từ trời giáng sinh “dum medium silentium tenerent omnia”, nghĩa là “trong khi xung quanh im lặng”.

Trước hết, chúng ta hãy cố gắng làm im lặng những ồn ào trong chúng ta, những quá trình luôn diễn ra trong tâm trí chúng ta, liên quan đến con người và các sự kiện, từ đó chúng ta sẽ luôn nổi lên như những người chiến thắng. Đôi khi, chúng ta hãy tự biến mình từ người tố cáo thành người bảo vệ anh em, trong khi nghĩ về biết bao điều người khác có thể đổ lỗi cho chúng ta. Trong các phiên tòa giáo luật - ít nhất là trong quá khứ - sau khi buộc tội, thẩm phán đã tuyên bố công thức: “Audiatur et altera pars”: nghĩa là “Bây giờ chúng ta hãy nghe phần phản biện”. Khi chúng ta nhận ra mình đang đánh giá ai đó, chúng ta hãy cẩn thận lặp lại công thức đó cho chính mình: Audiatur et altera pars! Hãy thử đặt mình vào vị trí của người anh em!

Chúng ta hãy trở lại với những suy nghĩ liên quan đến Đức Maria. Quan sát về người phụ nữ mang thai của văn hào Tolstoy có thể giúp chúng ta hiểu và noi gương Đức Trinh Nữ trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng này. Nhà văn nói rằng cái nhìn của người phụ nữ mong đợi có một sự ngọt ngào kỳ lạ và hướng vào bên trong nhiều hơn là bên ngoài bản thân mình, bởi vì bên trong là thực tế đẹp nhất trên thế giới đối với cô ấy. Vì vậy, chính ánh mắt của Đức Maria đã nhìn thấy Đấng sáng tạo ra vũ trụ khi còn trong bụng mẹ. Chúng ta hãy noi gương Mẹ bằng cách ghi lại cho mình những khoảnh khắc hồi tưởng chân thực để làm cho Chúa Giêsu được sinh ra trong tâm hồn chúng ta. Phản ứng tốt nhất đối với nỗ lực của nền văn hóa thế tục muốn xóa bỏ Giáng Sinh khỏi xã hội là nội dung hóa Giáng Sinh và đưa Giáng Sinh trở lại bản chất đích thật.

Năm kỷ niệm 100 năm ngày mất của thi hào Dante Alighieri sắp khép lại. Chúng ta hãy kết thúc bằng cách biến đoạn cuối trong bài thơ Paradiso, nghĩa là “Thiên đường”, của ông thành lời cầu nguyện tuyệt vời cùng Đức Trinh Nữ. Thi hào cũng như Thánh Phaolô và Thánh Gioan, chỉ đơn giản gọi Đức Maria là Mẹ, tức là Người phụ nữ:

Hỡi Đức Mẹ đồng trinh – là con gái

Của con trai mình – cao cả, khiêm nhường

Đỉnh cao định trước cho Người mãi mãi.

Người đã nâng cao phẩm giá loài người

Khiến cho người thợ đã tạo ra nó

Không coi thường sản phẩm của bàn tay.

Trong lòng người tình yêu lại cháy lên

Mà sức nóng làm bông hoa nảy nở

Trong bình yên muôn thuở của Thiên đường.

Ở đây, Người là ngọn đuốc tình thương

Giữa ban trưa với người trần thế

Người là nguồn mạch hy vọng chờ mong.

Người quyền lực và Người đầy sức mạnh

Kẻ mong ân huệ mà không tới nơi

Mong sẽ bay được dù không có cánh.

Không chỉ ai cầu xin, người đó được

Và không chỉ cầu xin, mà nhiều khi

Sự cứu rỗi của Người còn đến trước.

Người là từ bi, Người là ân huệ

Và ở trong người tất cả tập trung

Những gì tốt đẹp, những gì hoàn mỹ.


Chúc Đức Thánh Cha, những người Cha đáng kính, anh chị em một Mùa Giáng Sinh hạnh phúc!




1. Xem Gióp 14: 1; 15:14; 25: 4.

2. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Tralliani 9,1; Smirnesi 1, Irenaeus của Lyon, Adv. Haer. III, 16,3.

3. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ephesians, 7,1

4. Xem Tertullian, De carne Christi, 20.

5. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả, Thư 28 gửi Đức Giám Mục Flavian, 4.

6. Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, Bình Luận Luân Lý về Sách Gióp, XX, 1

7. Irenaeus, Adv. Haer. IV, 40,3.

8. Luther, The Magnificat (biên tập Weimar 7, trang 572 f.).

9. Isaac thành Stella, Discourses 51 (PL, 194, 1863f)

10. F. Kafka, Một Thông điệp của Quốc Vương. Bản dịch tiếng Anh được tìm thấy tại https://apps.exe-coll.ac.uk/Media/PDF/FlyingStart/EnglishLiteosystemShortStories.

11. Thánh Maximô Hiển Tu, Bình luận về Kinh Lạy Cha (PG 90, 889).

12. Thánh Augustinô, Các bài giảng 215,4 (PL 38, 1074)

13. Thánh Phanxicô thành Assisi, Thư gửi tất cả những các tín hữu, 1.

14. Thánh Bonaventure, De quinque festivitatibus Pueri Jesu (ed. Quaracchi 1949, pp. 207ff).

15. Hài kịch Thần thánh của Dante Alighieri. Bản dịch sang tiếng Anh của Courtney Langdon, Vol. 3 Paradiso (Cambridge: Nhà xuất bản Đại học Harvard, 19211).