Ngày 17 vừa qua, Đức Phanxicô mừng sinh nhật lần thứ 85. Nhân dịp này, người ta thấy hai tầm nhìn về ngài, một của Nicole Winfield thuộc A.P. và một của Cha de Souza thuộc Convivium.
Cởi bỏ găng tay
Winfield của A.P. cho rằng ở tuổi 85, không những Đức Phanxicô không cho thấy dấu hiệu hãm đà nào, trái lại ngài còn dám cởi bỏ găng tay và nói cho mọi người biết, cái thời “Mr Nice Guy” [làm gã tử tế] hết rồi!
Thực vậy, trong khi vị tiền nhiệm của ngài từ chức vào đúng tuổi 85, thì ngài vẫn còn rất mạnh khoẻ, gần đây vừa kết thúc chuyến đi như gió cuốn tới Síp và Hy Lạp, sau các chuyến tông du bất chấp đại dịch trong năm nay tới Iraq, Slovakia và Hung Gia Lợi. Và ngài không tỏ dấu hiệu chồn chân nào trong chiến dịch làm cho thế giới hậu đại dịch thành nơi bền vững hơn về môi sinh, công bình hơn về kinh tế và huynh đệ hơn trong đó người nghèo được dành ưu tiên.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã khởi động diễn trình 2 năm chưa từng có nhằm tham khảo người Công Giáo hạ tầng về việc làm thế nào biến Giáo Hội thành đồng điệu hơn với hàng ngũ giáo dân.
Cha Antonio Spadaro, một trong các “quân sư” truyền thông đáng tin cậy dòng Tên của Đức Phanxicô nói rằng “tôi thấy [ngài] đầy năng lực. Điều chúng ta đang thấy là lối phát biểu tự nhiên, thành quả các hạt giống ngài đã gieo”.
Tuy nhiên, theo Winfield, Đức Phanxicô cũng đang gặp nhiều vấn đề quốc nội cũng như quốc ngoại và đang đương đầu với chiến dịch chống đối kéo dài của người Công Giáo bảo thủ. Và ngài đáp ứng theo kiểu người đời thường nói “không còn cái gã tử tế nữa đâu ạ!”
Sau khi trải qua tám năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của mình, với việc nhẹ nhàng thúc đẩy các phẩm trật Công Giáo chấp nhận chính sách thận trọng tài chính và quản trị có trách nhiệm, năm nay, Đức Phanxicô đã cởi bỏ găng tay và tỏ ra sẵn sàng duy trì cách này.
Kể từ ngày sinh nhật năm rồi của ngài, Đức Phanxicô đã ra lệnh cắt giảm 10% lương của toàn thể các Hồng Y và cắt giảm lương ở mức nhỏ hơn đối với các nhân viên của Vatican, trong nỗ lực kiềm chế sự thâm hụt ngân sách đến 50 triệu euro (57 triệu đô la) của Vatican.
Để chống tham nhũng, ngài đã áp đặt giới hạn quà tặng trị giá 40 euro (45 đô la) cho các nhân viên của Tòa thánh. Ngài đã thông qua luật cho phép các Hồng Y và giám mục bị truy tố hình sự bởi tòa án do giáo dân lãnh đạo của Vatican, dọn đường cho phiên tòa cấp cao đang diễn ra đối với cố vấn thân cận một thời của ngài, là Hồng Y Angelo Becciu, về các cáo buộc liên quan đến tài chính.
Bên ngoài Vatican, ngài cũng không tạo được nhiều bạn mới. Sau khi chấp thuận đạo luật năm 2019 phác thảo cách thức điều tra các Hồng Y và giám mục vì tội che đậy lạm dụng tình dục, năm qua đã chứng kiến gần chục giám mục Ba Lan bị mất chức.
Đức Phanxicô cũng chấp thuận các giới hạn về nhiệm kỳ cho các nhà lãnh đạo của các phong trào Công Giáo giáo dân để cố gắng kiềm chế sự lạm quyền của họ, dẫn đến việc cưỡng bức loại bỏ các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng của giáo hội. Gần đây, ngài đã chấp nhận sự từ chức của tổng giám mục Paris sau một cơn bão truyền thông tố cáo các sai phạm về quản trị và bản thân.
Đức Cha Robert Gahl, giám đốc Chương trình Quản trị Giáo Hội của Giáo hoàng Đại học Holy Cross, cho biết “Trong năm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gia tăng các nỗ lực cải cách bằng cách đưa những điều thực sự có hiệu quả vào giáo luật của Giáo Hội liên quan đến tài chính,”.
Đức Cha Gahl nói trong một email, nhấn mạnh rằng cùng với các chính sách và quy định mới của Đức Phanxicô, cần phải có sự thay đổi về văn hóa. “Trong khi cử hành sinh nhật của ngài, các quan sát viên Vatican cũng đang tìm các dấu hiệu tuân thủ cụ thể hơn liên quan đến các quy tắc mới của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là từ những người báo cáo trực tiếp với ngài ở Vatican”.
Bất chấp đường lối cứng rắn của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng vẫn nhận được tràng pháo tay mừng sinh nhật từ các Hồng Y, giám mục và linh mục của Tòa Thánh, những người đã cùng ngài tham dự buổi suy niệm Mùa Vọng vào sáng thứ Sáu. Sau đó trong ngày, ngài đã chào đón hàng chục di dân châu Phi và Syria mà Vatican đã giúp tái định cư từ Síp.
Nếu có điều gì do Đức Phanxicô làm trong năm qua khiến những người chỉ trích ngài mếch lòng, thì đó là quyết định vào tháng Bảy của ngài nhằm đảo ngược vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô XVI, và tái áp đặt các hạn chế đối với việc cử hành Thánh lễ Latinh cũ. Đức Phanxicô nói ngài cần phải hành động vì quyết định năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI cho phép cử hành tự do hơn nghi thức cũ đã chia rẽ Giáo Hội và bị lợi dụng bởi những người bảo thủ.
Đức Phanxicô nói về những người chỉ trích ngài “Một số người muốn tôi chết”.
Nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia vào tháng 9, Đức Phanxicô tâm sự rằng ngài biết việc nằm viện 10 ngày vào tháng 7 để phẫu thuật cắt bỏ 33 cm (khoảng 13 inch) ruột già đã làm dấy lên hy vọng của một số người Công Giáo bảo thủ háo hức về một vị tân giáo hoàng.
“Tôi biết thậm chí có những cuộc họp giữa các linh mục, những người nghĩ rằng giáo hoàng đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn những gì người ta đang nói”, ngài nói với các tu sĩ Dòng Tên như thế, trong các bình luận mà sau đó được đăng trên tạp chí Dòng Tên được Vatican phê duyệt là tờ La Civilta Cattolica. "Họ đang chuẩn bị mật nghị."
Điều đó có thể không có, nhưng nếu lịch sử có một chút hướng dẫn nào đó, thì các linh mục đó có thể đã không sai khi ít nhất đã thảo luận về viễn ảnh.
Đức Bênêđíctô 85 tuổi khi từ chức vào tháng 2 năm 2013, trở thành giáo hoàng đầu tiên từ chức trong 600 năm và mở đường cho cuộc bầu cử Đức Phanxicô. Tuy sức khỏe dồi dào vào thời điểm đó, nhưng Đức Bênêđíctô cho biết ngài đơn giản không còn đủ sức để tiếp tục thi hành sứ mệnh.
Trước ngài, Đức Gioan Phaolô II qua đời ở tuổi 84 và Đức Gioan Phaolô I qua đời ở tuổi 65 chỉ sau 33 ngày làm việc. Trên thực tế, tất cả các giáo hoàng của thế kỷ 20 đều qua đời vào đầu những năm 80 hoặc trẻ hơn, ngoại trừ Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, người 93 tuổi khi qua đời vào năm 1903.
Ngay từ đầu trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã tiên đoán một nhiệm kỳ giáo hoàng ngắn ngủi là hai hoặc ba năm, và ghi công Đức Bênêđíctô là người đã “mở cánh cửa” hưu trí cho các vị giáo hoàng trong tương lai.
Nhưng sau cuộc phẫu thuật vào tháng 7, vị tu sĩ Dòng Tên người Argentina đã nói rõ rằng việc từ chức “thậm chí không thoáng qua trong tâm trí tôi”.
Những gì dòng Tên ghét bỏ đều là điều không xấu
Cha de Souza nhân dịp này thuật lại con đường tạm gọi là Thập Giá của Đức Phanxicô vượt tường ghét bỏ của Dòng Tên để trở thành giáo hoàng của Giáo Hội.
Thực vậy, Đức Phanxicô, ngày 17 tháng 12, vừa qua, trở thành vị Giáo Hoàng thứ bẩy cai quản Giáo Hội vào tuổi 85 này. Theo Cha de Souza, kể từ năm 1700, chỉ có 6 vị Giáo Hoàng tới tuổi 85 lúc còn tại vị đó là các Đức Giáo Hoàng Innocent XII, Pius IX, Clement X (chết lúc 86 tuổi năm 1676), Clement XII, Leo XIII.
Đức Bênêdictô XVI tròn 85 tuổi lúc còn tại chức và đã từ chức vào tuổi ấy.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời 6 tuần trước khi tròn 85 tuổi.
Cha de Souza đặt câu hỏi: Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ sống đến bao lâu? Người ta còn nhớ câu nói đùa của Đức Leo XIII khi, nhân dịp sinh nhật thứ 90 của ngài, người ta chúc mừng ngài thọ đến tuổi 100, ngài bảo: “tại sao lại hạn chế Chúa Quan Phòng như thế?” Thành thử, Đức Phanxicô có thể sống đến 90 hay hơn. Vì đến tuổi này, ngài vẫn còn rất sung sức. Và Chúa Quan Phòng vốn hướng dẫn đời ngài một cách tỏ tường và kỳ diệu.
Thực vậy, năm mươi năm trước, ở tuổi 35, một Cha Bergoglio trẻ mới được thụ phong linh mục hai năm và đang chuẩn bị hoàn tất lời khấn cuối cùng của mình trong tư cách một tu sĩ Dòng Tên, điều mà ngài sẽ thực hiện vào tháng 4 năm 1973. Ba tháng sau những lời tuyên khấn đó, ngài được bổ nhiệm làm giám tỉnh của các tu sĩ Dòng Tên ở Argentina, một quyết định mà sau này ngài gọi là "điên rồ" đối với một người quá trẻ.
Nhiệm kỳ làm giám tỉnh sáu năm của ngài trùng hợp với tình trạng hỗn loạn trong Dòng Tên, khi Dòng khắp thế giới này bị một cơn bất chính thống về tín lý, sự hỗn loạn về đạo đức và sự đào ngũ hàng loạt. Argentina rơi vào "Cuộc chiến bẩn thỉu" với xung đột dân sự và giết người hàng loạt.
Cha Bergoglio, qua chính trình thuật của mình, đã không xử lý tốt. Đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh dòng của ngài bị chia rẽ sâu xa. Bergoglio bị thuyên chuyển đến chủng viện Dòng Tên. Đến năm 1986, vào sinh nhật lần thứ 50 của ngài, các tu sĩ Dòng Tên người Argentina đã thấy chán ngài. Thế là ngài phải lưu vong, đầu tiên đến Đức để học tiến sĩ không hoàn tất và sau đó đến Cordoba, cách Buenos Aires 400 dặm.
Paul Vallely, tác giả cuốn tiểu sử đáng ca ngợi về Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Nhưng khi ngài kết thúc vai trò lãnh đạo làm viện trưởng chủng viện Dòng Tên ở Buenos Aires vào năm 1986, những người ghét ngài bắt đầu đông hơn những người yêu mến ngài”.
“Trước những chia rẽ này trong cộng đồng Dòng Tên Argentina, các nhà lãnh đạo Dòng Tên ở Rôma cuối cùng đã quyết định tước bỏ mọi trách nhiệm khỏi Bergoglio, lúc đó 50 tuổi. Năm 1990, ngài được gửi đến Cordoba để sống trong khu ngụ cư của Dòng Tên, cầu nguyện và làm luận án tiến sĩ. Nhưng ngài không được phép dâng thánh lễ trước công chúng trong nhà thờ Dòng Tên. Ngài chỉ được đến đó để giải tội. Ngài không được phép gọi điện khi chưa được phép. Những lá thư của ngài bị kiểm soát. Những người ủng hộ ngài được yêu cầu không liên lạc với ngài. Sự tẩy chay từ các vị đồng tu của ngài kể là toàn diện".
Và tại đó, sự nghiệp giáo hội của Cha Jorge Bergoglio có thể đã kết thúc, hậu quả phụ của sự tan rã đang diễn ra trong Dòng Tên.
Nhưng Chúa quan phòng đã can thiệp một cách kỳ lạ. Đức Tổng Giám Mục Antonio Quarracino của Buenos Aires biết các phẩm chất và lòng mộ đạo của Cha Bergoglio, và kết luận rằng bất cứ ai bị các tu sĩ Dòng Tên ghét bỏ cũng không thể xấu một nửa. Vì vậy, ngài đã xin cho Cha Bergoglio làm Giám Mục Phụ Tá của mình vào năm 1992, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đồng ý, sau đó nâng ngài lên làm tổng giám mục Buenos Aires và một Hồng Y.
Tuy nhiên, sự ghẻ lạnh của Dòng Tên đối với Đức Tổng Giám Mục Bergoglio hoàn toàn đến nỗi ngài không bao giờ đến thăm các nhà của Dòng Tên – kể cả tổng trụ sở Dòng ở Rôma - trong suốt 21 năm làm giám mục của ngài. Chỉ sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng, các tu sĩ Dòng Tên mới hòa giải với ngài.
Việc vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên bị chính hội dòng của mình ghẻ lạnh là điều kỳ lạ đến không thể có thực được, nhưng nó lại đã xẩy ra. Không ai có thể cho rằng đó là điều tạo hoẹt. Chính nó là điều khiến Hillaire Belloc nói rằng Giáo Hội Công Giáo được quản trị bằng một kiểu “ngu đần tinh quái” (knavish imbecility).
Sự thăng tiến của Đức Hồng Y Bergoglio hướng tới việc bầu ngài làm Giáo hoàng Phanxicô chính là vì có quá nhiều tu sĩ Dòng Tên “ghét bỏ” ngài. Trong Giáo hội bị chia rẽ - cả ở Mỹ Latinh và trên toàn thế giới - theo sau Công đồng Vatican II, nhiều người cho rằng việc bị các tu sĩ Dòng Tên ghét bỏ là một huy hiệu danh dự éo le. Quan điểm này cũng chiếm ưu thế ở các bình diện cao nhất của Vatican.
Tại sao lại giới hạn ơn Quan phòng của Thiên Chúa? Vào ngày sinh nhật thứ 85 của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một minh họa cho lý do tại sao đó là một điều ngu xuẩn để làm.