Chúa Nhật 26/12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Lễ Thánh Gia Thất. Bài Tin Mừng kể lại với chúng ta câu chuyện Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các bậc thầy, và tranh biện với họ.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Thánh Gia Thất Nagiarét. Thiên Chúa đã chọn một gia đình khiêm tốn và đơn sơ để đến ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy ngạc nhiên chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mầu nhiệm này, đồng thời nhấn mạnh hai khía cạnh cụ thể cho gia đình chúng ta.

Thứ nhất: gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Mỗi người trong chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình. Không ai trong chúng ta được sinh ra một cách kỳ diệu, với một cây đũa thần. Tất cả chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình và gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Bài Tin Mừng của Phụng Vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả Chúa Giêsu cũng là con trai của một câu chuyện gia đình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đi lên thành Giêrusalem với Đức Maria và Thánh Giuse để mừng Lễ Vượt Qua; sau đó Người làm cho cha mẹ mình lo lắng khi các ngài không tìm thấy Người; và khi các ngài tìm lại được Chúa Giêsu, thì Người trở về nhà với các ngài (x. Lc 2,41-51). Thật đẹp khi thấy Chúa Giêsu chen vào trong vòng xoáy tình cảm gia đình vốn được sinh ra và lớn lên trong sự âu yếm và quan tâm của cha mẹ Ngài. Điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chúng ta đến từ một câu chuyện bao gồm những ràng buộc của tình yêu thương, và con người chúng ta ngày nay được sinh ra không hẳn từ những của cải vật chất mà chúng ta sử dụng cho bằng từ tình yêu mà chúng ta đã nhận được, từ tình yêu thương trong lòng gia đình. Chúng ta có thể không được sinh ra trong một gia đình ngoại thường, một gia đình không có vấn đề, nhưng đây là câu chuyện của chúng ta – mọi người đều phải nghĩ: đây là câu chuyện của tôi - đây là cội nguồn của chúng ta: nếu chúng ta cắt đứt chúng, cuộc sống sẽ khô héo! Chúa không tạo ra chúng ta như những người lữ hành đơn độc, mà là những người cùng sánh bước bên nhau. Chúng ta hãy cảm ơn Chúa và cầu nguyện cùng Người cho gia đình của chúng ta. Thiên Chúa nghĩ đến chúng ta và muốn chúng ta ở bên nhau: biết ơn, liên đới, và có khả năng giữ gìn cội nguồn của chúng ta. Chúng ta cần nghĩ về điều này, về câu chuyện của chính mình.

Khía cạnh thứ hai: chúng ta cần học cách trở thành một gia đình mỗi ngày. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ngay cả trong Thánh Gia, mọi việc cũng không suôn sẻ: có những rắc rối bất ngờ, lo lắng, và đau khổ. Thánh Gia như trên các tranh ảnh thánh không tồn tại. Đức Maria và Thánh Giuse lạc mất Chúa Giêsu và lo lắng tìm kiếm ngài, chỉ ba ngày sau mới tìm thấy Ngài. Và khi ngồi giữa các thầy dậy trong Đền thờ, Ngài trả lời rằng Ngài phải lo toan công việc của Cha mình, Đức Maria và Thánh Giuse không hiểu. Các ngài cần thời gian để tìm hiểu con trai mình. Đối với chúng ta cũng vậy: mỗi ngày, các gia đình cần học cách lắng nghe nhau để hiểu nhau, để cùng nhau tiến bước, cùng nhau đối mặt với những mâu thuẫn và khó khăn. Đó là một thử thách hàng ngày và thử thách ấy được vượt qua bằng thái độ đúng đắn, thông qua những hành động đơn giản, quan tâm đến các chi tiết trong các mối quan hệ của chúng ta. Và điều này cũng giúp chúng ta rất nhiều để nói chuyện với nhau trong gia đình, nói chuyện tại bàn ăn, đối thoại giữa cha mẹ và con cái, và đối thoại giữa anh chị em với nhau. Nó giúp chúng ta trải nghiệm nguồn gốc gia đình của chúng ta đến từ ông bà mình. Hãy đối thoại với ông bà!

Và điều này được thực hiện như thế nào? Thưa: Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria, là người trong bài Tin Mừng hôm nay nói với Chúa Giêsu: “cha con và mẹ đây đã tìm kiếm con” (c. 48). “Cha con và mẹ đây”; chứ không phải là “Mẹ và cha con đây”. Nghĩa là không phải “tôi” trước đã, rồi mới đến “bạn”! Chúng ta hãy tìm hiểu điều này: “bạn” trước rồi mới đến “tôi”. Trong ngôn ngữ của tôi, có một tính từ dành cho những người thích đặt chữ “tôi” trước chữ “bạn”: “Tôi, bản thân tôi và tôi, vì bản thân và lợi ích của tôi”. Nhiều người thích thế này - đầu tiên là “tôi” rồi sau đó mới đến “bạn”. Không, trong Thánh Gia, trước tiên là “bạn” rồi mới đến “tôi”. Để bảo vệ sự hòa thuận trong gia đình, cần phải chống lại chế độ độc tài của cái “tôi” - khi cái “tôi” được thổi phồng lên. Thật nguy hiểm khi thay vì lắng nghe nhau, chúng ta lại đổ lỗi cho nhau về những lỗi lầm; thật đáng âu lo khi, thay vì thể hiện sự quan tâm dành cho nhau, chúng ta lại tập trung vào những nhu cầu của chính mình; khi thay vì đối thoại, chúng ta tự cô lập mình với điện thoại di động - thật buồn trong bữa ăn tối trong một gia đình khi mọi người sử dụng điện thoại di động của riêng mình mà không nói chuyện với nhau, tất cả mọi người nói chuyện trên điện thoại của họ; thật đáng âu lo khi chúng ta buộc tội lẫn nhau, luôn lặp đi lặp lại những cụm từ giống nhau, diễn lại một cảnh cũ mà mỗi người đều muốn dành phần phải về mình và điều đó luôn kết thúc trong một sự im lặng lạnh lùng, sự im lặng mà anh chị em có thể cắt bằng một nhát dao, thật lạnh lùng, sau cuộc tranh cãi trong gia đình. Điều này thật kinh khủng, thực sự kinh khủng! Tôi nhắc lại một lời khuyên: đó là buổi tối, khi mọi chuyện đã kết thúc, hãy luôn làm hòa với nhau. Đừng bao giờ đi ngủ mà không làm hòa, nếu không sẽ xảy ra “chiến tranh lạnh” vào ngày hôm sau! Và điều này thật nguy hiểm vì nó tạo ra một loạt những lời mắng mỏ, một loạt những lời oán giận. Thật không may, đã bao nhiêu lần, xung đột bùng nổ và phát triển trong các bức tường trong gia đình do thời gian im lặng kéo dài và do sự ích kỷ không được kiểm soát! Đôi khi nó thậm chí kết thúc bằng bạo lực thể chất và đạo đức. Điều này làm xói mòn sự hòa hợp và giết chết gia đình. Chúng ta hãy hoán cải bản thân và chuyển từ “tôi” thành “bạn”. Điều cần phải chiếm vị trí quan trọng hơn trong một gia đình là “bạn”. Và làm ơn, mỗi ngày, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện một chút - nếu anh chị em có thể cố gắng được - để chúng ta cầu xin Chúa ban cho ân sủng bình an. Và tất cả chúng ta hãy cam kết chính mình - cha mẹ, con cái, Giáo Hội, xã hội - để nâng đỡ, bảo vệ và gìn giữ gia đình vốn là kho báu của chúng ta!

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người phối ngẫu của Thánh Giuse, mẹ của Chúa Giêsu, bảo vệ gia đình chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Bây giờ tôi chuyển sang các cặp vợ chồng đã kết hôn trên khắp thế giới. Hôm nay, vào ngày Lễ Thánh Gia, một bức thư tôi viết về anh chị em đang được công bố. Đây là món quà Giáng Sinh của tôi dành cho anh chị em, những cặp vợ chồng đã kết hôn – đó là một sự khích lệ, một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của tôi, và cũng là một cơ hội để suy tư. Điều quan trọng là phải suy tư và cảm nghiệm lòng nhân từ và sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng, với bàn tay nhân hậu của Ngài, hướng dẫn bước chân của những người phối ngẫu trên con đường thánh thiện. Xin Chúa ban cho các cặp vợ chồng sức mạnh để tiếp tục cuộc hành trình đã thực hiện.

Hôm nay, tôi cũng muốn nhắc lại rằng chúng ta đang tiến gần đến Cuộc họp Thế giới của các Gia đình. Tôi mời tất cả anh chị em chuẩn bị tinh thần cho sự kiện này, đặc biệt là qua lời cầu nguyện và sống tinh thần ấy trong giáo phận của anh chị em cùng với các gia đình khác.

Và nói về gia đình, tôi có một mối quan tâm, một mối quan tâm thực sự, ít nhất là ở đây ở Ý này: đó là mùa đông nhân khẩu học. Có vẻ như nhiều cặp vợ chồng không muốn có con hoặc chỉ có một con. Hãy nghĩ về điều này. Đó là một bi kịch. Cách đây vài phút, tôi đã xem trên Sua Immagine cách họ nói về vấn đề mùa đông nhân khẩu học nghiêm trọng này. Chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để lấy lại nhận thức, ngõ hầu vượt qua mùa đông nhân khẩu học đi ngược lại với gia đình chúng ta, đất nước của chúng ta, thậm chí chống lại tương lai của chúng ta.

Tôi chào tất cả anh chị em những người hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác nhau. Tôi thấy những người Ba Lan ở đó, những người Brazil, và tôi thấy những người Colombia ở đằng kia… các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội. Tôi tiếp tục hy vọng rằng việc chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu, là trọng tâm và trung tâm của các lễ hội Giáng Sinh, có thể khơi dậy tình huynh đệ và sự chia sẻ trong các gia đình và cộng đồng. Và để mừng Giáng Sinh một chút, sẽ rất tốt nếu anh chị em đến thăm 100 Cảnh Chúa Giáng Sinh nằm dưới hàng cột. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta.

Trong những ngày này, tôi đã nhận được các lời chúc Giáng Sinh từ Rôma và các nơi khác trên thế giới. Rất tiếc, tôi không thể phản hồi cho tất cả anh chị em, nhưng tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người và đặc biệt biết ơn những lời cầu nguyện mà nhiều anh chị em đã hứa sẽ cầu cho tôi. Hãy cầu nguyện cho tôi! Đừng quên điều này! Xin chân thành cảm ơn và Chúc mừng Lễ Thánh Gia Thất! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Holy See Press Office