Các đám đông cực đoan theo Ấn Giáo thường xuyên tấn công những Kitô hữu vì cho rằng họ đang vi phạm luật “chống cải đạo”.

Vào ngày Giáng Sinh, chính phủ Ấn Độ thông báo rằng họ đã từ chối gia hạn giấy phép tài trợ nước ngoài cho Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa. Động thái này có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của tổ chức bác ái đã chăm sóc cho rất nhiều người “nghèo nhất trong số những người nghèo” của Ấn Độ.

Theo một báo cáo từ Angelus News, kể từ khi có thông báo này, các nữ tu đã phải tính toán lại khẩu phần thực phẩm và các vật phẩm mà họ thường xuyên cung cấp cho 600 người tại nhà mẹ và các trại trẻ mồ côi. Các nữ tu đã khiếu nại và trong khi chờ đợi các sơ vẫn tiếp tục các công việc hàng ngày là cầu nguyện và phục vụ.

Việc Bộ Nội vụ Ấn Độ từ chối đơn của họ dựa trên “các báo cáo bất lợi” cho rằng các nữ tu đã tham gia vào việc chiêu dụ tín đồ Ấn Giáo sang Kitô Giáo. Đó là những cáo buộc mà các nữ tu đã phủ nhận.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo

Động thái của chính phủ Ấn Độ chỉ là biến cố gần đây nhất trong một cuộc đàn áp gia tăng đối với những Kitô hữu bắt đầu khi Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông lên nắm quyền vào năm 2014.

Trong khi Hiến pháp của Cộng hòa Ấn Độ bảo đảm quyền tự do tôn giáo, thì những Kitô hữu, chỉ chiếm 4.9% dân số, lại thấy quyền tự do này bị vi phạm một cách công khai. Open Doors, một tổ chức giám sát các cuộc đàn áp chống lại Kitô hữu trên toàn thế giới, hiện xếp Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm thứ mười đối với Kitô hữu.

Chương trình đàn áp có hệ thống đối với các Kitô hữu

Theo Báo cáo về Tự do Tôn giáo năm 2021 của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, cuộc đàn áp các Kitô hữu ở Ấn Độ đang diễn ra theo nhiều cách khác nhau.

Đầu tiên, như trong trường hợp của Dòng Thừa sai Bác ái, chính phủ Ấn Độ đang đóng băng tài khoản ngân hàng của các tổ chức khác nhau theo Đạo luật quy định về ngoại tệ, gọi tắt là FCRA.

Vào năm 2020, chính phủ đã sử dụng FCRA để thu hồi giấy phép ngoại tệ của bốn tổ chức từ thiện Tin lành và một tổ chức Công Giáo, là Hiệp hội Phát triển Bộ lạc Don Bosco.

Thứ hai, các Kitô hữu đang bị đàn áp tôn giáo ở Ấn Độ do luật chống cải đạo. Tại 8 trong số 28 bang ở Ấn Độ, luật pháp này được đưa ra để hạn chế hoạt động của các cá nhân và nhóm tham gia vào việc cải đạo mọi người sang Kitô Giáo thông qua các phương tiện mà chính quyền và các phong trào Ấn Giáo cực đoan cáo buộc là “cưỡng bức” hoặc “lừa đảo:, bao gồm cả “xúi giục” và “dụ dỗ”.

Ví dụ như ở Madhya Pradesh, chính phủ đã thực hiện luật chống cải đạo, ra án 10 năm tù giam cho bất kỳ ai chuyển sang các tôn giáo khác ngoại trừ Ấn Độ giáo. Theo một báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, kể từ khi luật có hiệu lực, hơn một chục Kitô hữu, bao gồm cả các linh mục, đã bị bỏ tù.

Và thứ ba, các tổ chức nhân quyền đã ghi lại nhiều vụ việc trong đó đám đông theo đường lối cứng rắn của Ấn Độ giáo đã thực hiện các hành vi gọi là bảo vệ công lý chống lại những Kitô hữu, những người mà họ cho là phạm tội cố gắng cưỡng bức người theo Ấn Giáo chuyển sang đức tin của họ.

Theo một báo cáo của United Christian Forum, năm 2021 là “năm bạo lực nhất” đối với những Kitô hữu ở Ấn Độ, những người đã phải hứng chịu ít nhất 486 vụ bạo lực do đàn áp Kitô giáo.

Báo cáo cho thấy hầu hết các vụ việc đều do đám đông theo Ấn Giáo “đe dọa hình sự, hành hung người đang cầu nguyện, trước khi giao nộp họ cho cảnh sát với cáo buộc cưỡng bức cải đạo”.

Đám đông hành động mà không bị trừng phạt, và không sợ bị bắt giữ. Theo báo cáo của UCF, cảnh sát chỉ nhận đơn khiếu nại chính thức trong 34 vụ trên tổng số 486 trường hợp bạo lực chống lại các Kitô hữu.

Các biến cố bách hại được ghi lại trong năm qua

Một báo cáo gần đây do ba nhóm cơ quan giám sát nhân quyền tổng hợp đã ghi lại nhiều vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu. Chỉ một vài trong số rất nhiều biến cố này được ghi lại sau đây:

Ngày 12 tháng 10 năm 2021: Các phần tử cực đoan nhắm vào hai nữ tu ở thành phố Mau. Tại một bến xe buýt, một đám đông bạo động đã lôi kéo hàng chục Kitô hữu, trong đó có hai nữ tu, đến đồn cảnh sát.

Ngày 10 tháng 10 năm 2021: Các phần tử cực đoan tấn công các Kitô hữu ở Mau. Cảnh sát đã bắt giữ một số Kitô Hữu sau khi nhận được khiếu nại từ một nhóm Ấn Giáo cánh hữu rằng các Kitô Hữu đang cải đạo dân chúng sang Kitô Giáo. Đám đông đã làm gián đoạn một buổi lễ cầu nguyện và buộc nhóm Kitô hữu, bao gồm cả một linh mục, đến đồn cảnh sát.

Ngày 25 tháng 6 năm 2021: Tại Gonda, một số Kitô hữu tham gia một buổi tụ tập ở nhà thờ đã bị cảnh sát bắt giữ.

Ngày 22 tháng 3 năm 2021: Tại Kerala, một mục sư Tin lành bị bắt khi đang tham gia một buổi nhóm cầu nguyện.

Ngày 14 tháng 3 năm 2021: Tại Agra, một mục sư Tin lành bị bắt khi đang thuyết giảng tại một buổi họp mặt tại nhà thờ.

Ngày 3 tháng Giêng năm 2021: Một đám đông tấn công một nhóm khoảng 25 Kitô hữu đang tụ tập tại một ngôi nhà ở Uttar Pradesh. Một số bị thương nặng, bao gồm gãy cả tay. Đám đông sau đó đã triệu tập cảnh sát, họ đã bắt giữ mục sư và ba Kitô hữu.

Ngày 27 tháng Giêng năm 2021: Những kẻ cực đoan tôn giáo xông vào một cuộc họp tại nhà thờ ở Kanpur, và sau đó gọi cảnh sát bắt giữ mục sư vì tội cưỡng bức cải đạo.

Ngày 3 tháng 10 năm 2020: Hơn 200 người được cho là đã xông vào một nhà thờ ở Roorkee (Uttarakhand), phá hoại cơ sở này và tấn công những người tụ tập ở đó để cầu nguyện vào ngày Chúa Nhật.

Lời mời đến Đức Thánh Cha Phanxicô

Thủ tướng Modi sau khi gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày 30/10, đã thông báo trên Twitter rằng ông đã mời Đức Thánh Cha thăm Ấn Độ. Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận lời mời của ông Modi vì đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một giáo hoàng tới quốc gia này kể từ khi Đức Gioan Phaolô II tông du tới đó vào năm 1999.

Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài “gần như chắc chắn” sẽ đến Ấn Độ và Bangladesh vào năm sau, nhưng theo các bản tin, các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ đã không thuyết phục được Modi mời Đức Giáo Hoàng.
Source:Aleteia