KHÔNG BAO GIỜ KHUẤT PHỤC ĐIỀU ÁC
“Con hãy đi và Chúa ở cùng con!”.

Một nhà tâm lý nói, “Nhìn chung, con người muốn trở nên tốt, nhưng không quá tốt, và không phải lúc nào cũng tốt! Vì thế, thật không dễ dàng, để nó ‘không bao giờ khuất phục điều ác!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Không bao giờ khuất phục điều ác!’, đó là một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Một sự trùng hợp đến thú vị khi các bài đọc cống hiến cho chúng ta hai mẫu gương can trường đến lạ thường! Một Đavít thời Cựu Ước, dám đương đầu với một đạo quân trang bị tận răng; một ‘Hậu duệ Đavít’ thời Tân Ước, dám đối mặt với những người Pharisêu, giới lãnh đạo tôn giáo đầy quyền lực! Cả hai ‘không bao giờ khuất phục điều ác’; vì lẽ, cả hai có Chúa ở cùng. Thật ý nghĩa, lời chúc của Saolê dành cho Đavít ngày cậu ra quân, “Con hãy đi và Chúa ở cùng con!”.

Bài đọc Samuel tường thuật một cuộc chiến không cân sức vốn đã đi vào sử thi Israel. Trước đoàn quân dữ tợn Philitinh, cầm đầu là hổ tướng khổng lồ Gôliát, Đavít xung trận chỉ với sức mạnh của Thiên Chúa; cậu nói, “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao đến với tao; còn tao, tao đến với mày nhân danh Chúa các đạo binh”. Để rồi, với chỉ một hòn đá nhặt dưới suối, Chúa trao mạng Gôliát cho Đavít; hầu sau đó, Đavít có thể ngợi khen Ngài, “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca. Hú hồn! Ngài là một Thiên Chúa vô cùng nhân hậu! Chúng ta đừng quên, Đavít mang theo đến năm hòn đá; lẽ ra, chỉ một!

Với Tin Mừng, như một ‘Đavít khác’, sau khi làm cho các biệt phái ngượng nghịu nhân việc các môn đệ bứt gié lúa trong ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường, và họ lại rình rập Ngài. Ở đó, có một người bại tay; họ xem Ngài có chữa người ấy trong ngày Sabbat không, nhằm tạo cớ để tố cáo Ngài. Vậy mà, như một thách thức, Chúa Giêsu gọi người bệnh, “Anh hãy đứng ra giữa đây!”; dường như Ngài muốn để không ai có thể nhầm lẫn những gì Ngài sắp làm.

Đoạn, với hai câu hỏi dứt khoát, Ngài đặt các nhân vật phản diện của mình vào một tình thế khó xử, “Ngày Sabbat được làm điều lành hay điều dữ?”. William Barclay giải thích, “Họ nhất định phải thừa nhận rằng, làm điều lành là hợp luật; đó là một điều lành mà Chúa Giêsu đề xuất. Và họ cũng nhất định phủ nhận khi ai đó cho rằng, làm điều dữ là hợp luật; và chắc chắn sẽ là một điều xấu xa khi để một người tiếp tục chịu khốn khổ trong lúc có thể giúp anh ta!”. Đang khi họ luống cuống, Ngài đặt câu hỏi thứ hai, “Nên cứu mạng người hay nên giết người?”. Cũng theo Barclay, “Ở đây, Ngài muốn nói huỵch toẹt rằng, ‘Khi Tôi đang tìm cách để cứu lấy sự sống cho một người; thì các ông lại đang tính kế để giết chết Đấng Kitô của Chúa’. Vậy mà với bất kỳ tính toán nào, chắc chắn, vẫn là tốt hơn khi nghĩ đến việc cứu sống hơn là nghĩ đến việc giết chết một người! Bởi thế, sẽ không có gì ngạc nhiên khi họ không có gì để nói!”.

Anh Chị em,

Hai ‘người hùng’ của Cựu Ước và Tân Ước đã chiến thắng hai cuộc chiến không cân sức. Chiến thắng ấy đã mang lại kỳ tích muôn đời cho lịch sử Israel và lịch sử nhân loại. Con út của Jessé chiến thắng Gôliát, thủ lãnh Philitinh, báo trước chiến thắng của Con Một của Thiên Chúa chiến thắng Thần Chết, thủ lãnh thế gian và tội lỗi. Bởi lẽ, “Chiến đấu là việc của Thiên Chúa”, Ngài là chủ cuộc chiến; sự ác không thể thắng Ngài. Thế nhưng, ngày nay, vì tôn trọng tự do của con người, Thiên Chúa xem ra đang nhượng bộ sự dữ, vốn đang hoành hành cả nhân loại. Đối với những người theo Chúa, Ngài đang mời gọi họ hãy quyết liệt chiến đấu, ‘không bao giờ khuất phục điều ác’, bắt đầu từ việc chiến đấu với cái tôi của mình. Sự dữ ấy đang mai phục ngay trong tâm hồn mỗi người nhằm kéo ghì chúng ta, không cho chúng ta nên thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đây là cuộc chiến giằng co đưa chúng ta ra khỏi vùng an toàn ốc đảo đời mình để đi ra các vùng ngoại biên. Quả thật, cuộc chiến này rất đỗi cam go, dai dẳng và lắm thách thức. Nhưng hãy tin tưởng, “Con hãy đi và Chúa ở cùng con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con quyết liệt ‘không bao giờ khuất phục điều ác’ một khi nó dấy lên trong lòng con; cho con được lớn lên trong điều lành, để con nên giống Chúa ngày một hơn!”, Amen.

(Tgp. Huế)