1. Các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ đang gia tăng trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Nhân tin tức về giáo phái thờ Satan mở chương trình After School Satan tại Moline, Illinois, cha đưa ra nhận xét rằng các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ đang gia tăng trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông.

Giáo phái thờ Satan đã dùng Facebook để quảng bá cho một lễ đen diễn ra tại quán bar Pourhouse ở Norfolk, những kẻ tổ chức cho biết những người tham dự được mời gia nhập nhóm thờ phượng Satan ở địa phương, và mạnh dạn gạt bỏ điều mà những kẻ này gọi là “sự thống trị” kéo dài của những niềm tin tôn giáo đã lạc hậu.

Đây là một quán bar lúc nào cũng để đèn âm u và có một ban nhạc gồm các nhạc công có hình dạng rất ma quái, nhiều nhạc công thậm chí còn ở trần trong khi chơi những bài nhạc kích động với những lời lẽ khích bác tôn giáo.

Hai năm trước, một biến cố tương tự đã xảy ra ở quán bar này. Trong một động thái nhằm khích bác các Kitô hữu trong vùng, nhóm này nói rằng trong lễ đen, chúng sẽ cử hành các nghi thức nhằm hủy bỏ phép rửa tội của một số người đã sẵn sàng từ bỏ niềm tin Kitô của mình. Điều này khiến anh chị em giáo dân và các linh mục rất âu lo. Họ không biết ai lại dại dột như thế. Tuy nhiên, cuối cùng “tiết mục” này không xảy ra trên thực tế. Đó chỉ là một tin đồn nhằm khiêu khích.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được tái sinh làm con của Thiên Chúa, trở thành các chi thể của Chúa Kitô trong gia đình Hội Thánh. Vì thế, phép rửa tội là vĩnh viễn và không thể đảo ngược.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, tường thuật rằng trong một động thái khiêu khích khác Kate Cobas, là người đàn bà tổ chức sự kiện này tuyên bố rằng nhiều người Công Giáo trong vùng đã tặng các bánh thánh đã được thánh hiến để nhóm thờ Satan này xúc phạm trong lễ đen của chúng. Kate Cobas còn dám xúc phạm đến mức nói rằng y thị đã đem các bánh này cho chó ăn nhưng nó nhổ ra.

2. Giám mục Mễ Tây Cơ gây nhiều tranh cãi đã qua đời vì COVID-19

Đức Cha Onésimo Cepeda Silva, Giám mục đã nghỉ hưu của giáo phận Ecatepec, một trong những giáo phận khó khăn nhất của Mễ Tây Cơ, đã qua đời vào ngày 31 tháng Giêng vì coronavirus. Ngài thọ 84 tuổi.

Đức Cha Onésimo là vị giám mục Mễ Tây Cơ gây nhiều tranh cãi, được xem là thân thiết với những người giàu có, và thực hiện một bước đột phá ngắn, nhưng tai hại vào chính trị khi ra tranh cử Quốc Hội.

Giáo phận Ecatepec đã xác nhận cái chết của Đức Cha Cepeda, cùng với Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ. Chỉ 10 tháng trước đó, Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ, đã cương quyết chống lại việc Đức Cha Cepeda ghi danh tranh cử Quốc Hội cho một đảng chính trị nhỏ.

Theo tuyên bố của Giáo phận Ecatepec, Đức Cha Cepeda đã nhiễm COVID-19 ba tuần trước đó. Truyền thông Mễ Tây Cơ đưa tin ngài đã được đưa vào ICU và đặt máy trợ thở.

Đức Cha Cepeda đã gây nhiều tranh cãi trong cuộc sống công cộng của Mễ Tây Cơ. Ngài phục vụ ở các vùng ngoại ô xiêu vẹo của Thành phố Mexico, nhưng lại xuất hiện trên các ấn phẩm xã hội và chơi gôn tại các câu lạc bộ đồng quê đắt tiền.

Các chính trị gia và giới kinh doanh thường xuyên đến dự lễ kỷ niệm sinh nhật của ngài. Ngài được cho là đã bị Tòa Thánh điều tra vì mua được một bộ sưu tập nghệ thuật từ các nhà tài trợ giàu có, trong đó có các tác phẩm của các bậc thầy hội họa như Latin Diego Rivera và Rufino Tamayo. Theo truyền thông Mễ Tây Cơ, Đức Cha Cepeda cũng từng là cha đỡ đầu cho các vận động viên đấu bò.

Tầm vóc của ngài như vậy nên cái chết của ngài là một chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội - với một tiểu sử bất thường, các mối quan hệ chính trị và xu hướng ăn nói ngang tàng của ngài.

Truyền thông Mễ Tây Cơ dẫn lời Đức Cha Cepeda: “Bạn bè của tôi là người nghèo và người giàu. Thật không may, mới chào đời tôi đã giàu có”.

Đức Cha Cepeda sinh ngày 25 tháng 3 năm 1937 tại Thành phố Mexico. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ngài bước vào thế giới tài chính và thành lập ngân hàng cùng với Carlos Slim Helu, người sau này trở thành người giàu nhất thế giới một thời.

Nhưng sau đó ngài lại cảm thấy ơn gọi đến với chức tư tế. Ngài từng là Giám Đốc chủng viện của Giáo phận Cuernavaca. Trong thời gian đó, nhà lãnh đạo giáo phận địa phương, là Đức Cha Sergio Méndez Arceo, được các nhà phê bình phong là “giám mục đỏ” vì đã cổ vũ thần học giải phóng.

Theo nhà báo Emiliano Ruiz Parra, người chuyên về Giáo Hội Công Giáo Mễ Tây Cơ, Đức Cha Cepeda chia tay về mặt ý thức hệ với Đức Cha Méndez và hướng về phong trào canh tân đặc sủng Công Giáo. Năm 1995, Thánh Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm giám mục của Giáo phận Ecatepec mới được thành lập ở vùng ngoại ô đông bắc của Thành phố Mexico. Ngài đã nghỉ hưu vào năm 2012.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm giáo phận vào năm 2016. Khi đến thăm chủng viện của giáo phận, ngài đã ký vào cuốn lưu bút, “Đừng là giáo sĩ quốc doanh”.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador - một người phản đối nhiều chính trị gia thân thiện với Đức Cha Cepeda – đã bày tỏ lời chia buồn trước cái chết của vị giám mục i tại cuộc họp báo sáng ngày 1 tháng 2.
Source:Crux

3. Chính Thống Giáo âu lo rằng Đức Thượng Phụ Kirill đang muốn trở thành Giáo Hoàng Chính Thống Giáo

Orthochristian.com, một trang web bằng tiếng Anh liên kết với Tu viện Sretensky ở Mạc Tư Khoa, đã đăng một bài báo có tựa đề: “Kenya: Đa số các linh mục Giáo phận Kisumu ồ ạt gia nhập Giáo Hội Nga”. Kisumu là thành phố lớn thứ ba ở Kenya và nằm trên bờ Hồ Victoria. Đây là trụ sở của Giáo phận Chính Thống Giáo Kisumu và Tây Kenya của Tòa Thượng Phụ Alexandria. Giáo phận được lãnh đạo bởi một trong những giám mục mới nhất của Tòa Thượng phụ, là Đức Cha Marcos Theodosi, người chào đời tại Johannesburg với cha mẹ là người Síp gốc Hy Lạp.

Sự thật hầu hết các giáo xứ của giáo phận nằm ở vùng nông thôn của Tây Kenya chứ không phải ở Kisumu. Tuy nhiên, có vẻ những người điều hành trang web Orthochristian có liên lạc trực tiếp với một số linh mục Phi Châu và việc nhiều linh mục Chính Thống Giáo bỏ Tòa Thượng Phụ Alexandria để sang Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là có thật. Do đại dịch coronavirus, các linh mục ở Phi Châu được tin là không có lương trong suốt 2 năm qua. Bài báo viết:

Theo Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga tại Phi Châu, là Đức Tổng Giám Mục Leonid, số lượng các linh mục Phi Châu tham gia Chính Thống Giáo Nga đã tăng lên 150 người so với 102 người ban đầu vào đầu tuần trước. Và con số đó tiếp tục tăng đều.

Theo các nguồn tin ở Phi Châu, một số lớn các linh mục đó đến từ Giáo phận Kisumu của Tòa Thượng phụ Alexandria. OrthoChristian ban đầu được thông báo rằng 53 trong số 71 linh mục của giáo phận đã gia nhập Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Trong khi con số chính xác đó chưa được xác nhận, một số nguồn tin khác đã xác nhận rằng phần lớn các linh mục Kisumu đã chuyển sang Chính Thống Giáo Nga.

“Hầu như tất cả các linh mục sẽ chuyển sang Chính Thống Giáo Nga. Rất nhiều linh mục đang yêu cầu ký tên vào lời tuyên thệ”. Một nguồn khác báo cáo: “Tôi không biết có bao nhiêu, nhưng gần như toàn bộ giáo phận Kisumu.” Trong quá trình viết bài báo này, một linh mục Kenya khác nói với OrthoChristian rằng hơn 60 linh mục Kisumu đã gia nhập Giáo Hội Nga.

Orthodox News, cơ quan thông tin của Tòa Thượng Phụ Constatinople bày tỏ âu lo rằng Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đang mưu toan mở rộng Chính Thống Giáo Nga trên quy mô toàn thế giới với tham vọng trở thành Giáo Hoàng Chính Thống Giáo.


Source:ilsismografo