1. Nữ tu Công Giáo 118 tuổi nhiễm coronavirus vẫn không chết

Hôm 2 tháng Giêng vừa qua, Kane Tanakal của Nhật Bản, đã thổi tắt 119 ngọn nến mừng sinh nhật của mình. Bà Kane Tanakal, sinh ngày 2 tháng Giêng 1903, tại làng Wajiro, Higashi-ku, Fukuoka được kể là người thọ nhất thế giới.

Trong khi đó, tại Âu Châu, Sơ Andre Randon, một nữ tu ở Pháp, đã tròn 118 tuổi vào ngày 11 tháng Hai vừa qua, lễ Đức Mẹ Lộ Đức và cũng là ngày thế giới các bệnh nhân. Tháng Giêng, 2021, Sơ Andre Randon đã nhiễm phải virus Tầu độc địa, nhưng sống sót. Như thế, Sơ Andre Randon là người thọ thứ hai trên thế giới, chỉ sau bà Kane Tanakal. Nếu chỉ tính trên phạm vi Âu Châu, Sơ Andre Randon là người thọ nhất.

Sơ Andre Randon nhũ danh là Lucile Randon, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1904. Sơ theo đạo Công Giáo ở tuổi 19. Sau khi phục vụ các trẻ nhỏ và người già tại một bệnh viện ở Pháp, sơ gia nhập Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vincent de Paul ở tuổi 40.

Bảy mươi sáu năm sau, Sơ Andre chuyển đến nhà hưu dưỡng Sainte Catherine Labouré ở Toulon, miền nam nước Pháp. Tại đó, vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua, sơ có kết quả dương tính với COVID-19. Sơ bị cô lập với các sơ khác, nhưng không có biểu hiện gì.

Theo đài truyền hình BFM, 81 trong số 88 nữ tu của cơ sở này có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút này vào tháng Giêng, năm ngoái, và 10 người đã tử vong.

Khi được hỏi có sợ COVID không, sơ Andre nói với kênh truyền hình BFM của Pháp, “Không, tôi không sợ vì tôi không sợ chết. Tôi rất vui khi được ở bên các bạn, nhưng tôi cũng muốn ở đâu đó khác - được gặp gỡ anh tôi, ông tôi, bà tôi, cha mẹ tôi”.

Vào sinh nhật lần thứ 115 vào năm 2019, Sơ Andre đã nhận được một tấm thiệp và một tràng hạt hồng phúc từ Đức Thánh Cha Phanxicô, mà sơ sử dụng hàng ngày.

Khi bước sang tuổi 116 vào năm 2020, nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vincent de Paul đã chia sẻ “công thức để có một cuộc sống hạnh phúc” - cầu nguyện và một tách ca cao nóng mỗi ngày.
Source:RAI

2. 3 người đối mặt với cáo buộc khủng bố vì tấn công đốt phá hàng loạt Nhà thờ Hy Lạp

Một công tố viên Hy Lạp hôm thứ Tư đã đưa ra cáo buộc khủng bố đối với ba người bị cáo buộc tham gia vào một cuộc tấn công đốt phá các nhà thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp ở phía bắc thành phố Thessaloniki.

Các nghi phạm, gồm hai người đàn ông 35 tuổi và một phụ nữ 20 tuổi, tất cả đều là công dân Hy Lạp, đã bị bắt hôm thứ Ba ngay sau vụ tấn công bằng thiết bị gây cháy làm hư hỏng lối vào của một nhà thờ nhưng không gây thương tích.

Cả ba đều bị buộc tội gia nhập một tổ chức khủng bố, thực hiện một loạt các hành động khủng bố bằng chất nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng, và làm hư hỏng các tài sản.

Một tuyên bố của cảnh sát cho biết họ bị cáo buộc thuộc một nhóm có tên 17 tháng 11. Đó là một tổ chức hành động vô chính phủ đã tham gia vào một số vụ tấn công tương tự kể từ năm 2016. Họ cho biết một cuộc khám xét nhà của các nghi phạm cho thấy một khẩu súng ngắn và đạn dược, các quân trang của cảnh sát và dịch vụ cấp cứu, các hóa chất dễ cháy, và cẩm nang về chế tạo thiết bị gây cháy và các chứng minh thư bị đánh cắp.

Các nhóm vô chính phủ cực đoan nhỏ đã gia tăng ở Hy Lạp trong những thập kỷ gần đây, thường sử dụng các thiết bị gây cháy nhỏ để tấn công các biểu tượng của quyền lực và các nhà thờ. Đất nước này có một lịch sử lâu dài về bạo lực chính trị cực tả, với đỉnh điểm là hàng loạt vụ giết người trong giai đoạn 1975-2000 của các thành phần vô chính phủ.
Source:AP

3. Chuyến đi quốc tế đầu tiên của Giáo hoàng trong năm 2022 là đến Malta

Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Malta trong hai ngày 2 và 3 tháng 4 năm 2022. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, chính thức xác nhận như trên hôm 10 tháng 2. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 36 của vị Giáo Hoàng 85 tuổi bên ngoài nước Ý kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đảo quốc Malta đang kỷ niệm một ngày lễ đặc biệt, đó là vụ đắm tàu của Thánh Phaolô.

“Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Malta, chính quyền dân sự và Giáo Hội Công Giáo của đất nước, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện Hành trình Tông đồ đến Malta từ ngày 2 đến ngày 3 tháng 4 năm 2022, thăm các thành phố Valletta, Rabat, Floriana và đảo Gozo. Chương trình và thông tin chi tiết về hành trình sẽ được thông báo trong thời gian tới”, Ông Bruni thông báo.

Trước đó vài phút, Tổng giáo phận Malta đã đưa tin này chính thức qua tài khoản Twitter của mình.

Người phát ngôn cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ thăm thủ đô của đất nước, Valletta, cũng như các thành phố Rabat, Floriana và đảo Gozo, mà không xác nhận liệu người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo có đến thăm hay không Hal Far hay không theo như thông báo của tổng giáo phận.

Nằm ở phía nam của Malta, thành phố Hal Far có một trung tâm dành cho người di cư. Báo chí Malta tại địa phương đưa tin rằng chuyến thăm Hal Far là một phần của chương trình. Vào tháng 12, trong chuyến tông du cuối cùng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm một trại dành cho người di cư trên đảo Lesbos, Hy Lạp.

Chuyến đi này đã được lên kế hoạch từ lâu. Nó đã được công bố vào tháng 5 năm 2020 trước khi bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19. Sau đó, chuyến thăm được đề cập đến một lần nữa vào cuối năm 2021 - như một phần của chuyến đi đến Síp và Hy Lạp - trước khi bị hoãn lại thêm một lần nữa.

Được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp đón vào ngày 8 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng của quần đảo, Robert Abela, cho biết vào cuối buổi tiếp kiến của mình rằng chuyến đi sẽ diễn ra vào năm sau.

Đến thăm Malta, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên trong năm 2022 bên ngoài nước Ý. Đức Thánh Cha dự kiến sẽ đến Florence vào ngày 27 tháng 2 để có cuộc gặp gỡ với các giám mục và thị trưởng Địa Trung Hải. Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Malta sau hai chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2010.

Malta trong Sách Tông Đồ Công Vụ

Thánh Phaolô nhận thấy hòn đảo Malta có một lòng hiếu khách phi thường, điều này đã mang lại cho hòn đảo này một danh tiếng về sự niềm nở và thái độ chào đón, như đã được đề cập bởi các Đức Giáo Hoàng gần đây.

10 câu đầu tiên của Chương 28 sách Tông Đồ Công Vụ kể lại câu chuyện đắm tàu của Thánh Phaolô:

Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Malta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phaolô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.

Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púpliô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púpliô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.
Source:Aleteia