1. Đức Tổng Giám Mục Peter Machado lên án việc phá hủy Tượng Chúa Giêsu ở Kolar

Hôm thứ Bảy 31 tháng 10, năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đến Vatican trong 55 phút. Đó là một thời gian rất lâu theo tiêu chuẩn của Vatican.

Bản thân Modi đã lên Twitter để nói với hơn 72 triệu người theo dõi của mình rằng ông đã có một “cuộc gặp rất ấm áp” với Đức Giáo Hoàng.

“Tôi đã có cơ hội thảo luận nhiều vấn đề với ông ấy và cũng mời ông ấy đến thăm Ấn Độ,” ông viết trong một thông điệp được minh họa bằng bốn bức tranh.

Trái với các phương tiện truyền thông Tây phương, người Công Giáo không tỏ ra mừng rỡ trước biến cố này. Họ thừa hiểu rằng Narenda Modi, là chủ tịch đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, chỉ làm một động tác giả với Đức Giáo Hoàng. Họ thậm chí còn tiên đoán rằng Giáo Hội tại Ấn Độ sắp phải đối diện với các khó khăn rất lớn sau khi động tác giả này được thực hiện tại Vatican để che mắt công luận thế giới. Thật thế, bách hại đã nổi lên tại 21 trong 28 bang của Ấn Độ. Hầu hết các bang thông qua luật cấm cải đạo nhằm chặn đứng cơ hội truyền giáo của các tín hữu Kitô.

Diễn biến mới đây nhất là vụ kéo sập tượng Chúa Giêsu đã có cách đây 25 năm tại Karnataka hôm 14 tháng Hai.

Trong một tuyên bố báo chí, Đức Tổng Giám Mục Peter Machado của Bangaluru đã lên án việc phá dỡ tượng Chúa Giêsu tại Gokunte, Quận Kolar ở Karnataka. Ngài than thở rằng các cuộc tấn công vào các nhà thờ trên khắp tiểu bang vẫn tiếp tục với sự cuồng nhiệt không hề suy giảm. Chiến dịch phá dỡ có hệ thống và phi lý được theo đuổi với sự xúi giục và trợ giúp của chính phủ và bộ máy của nó.

Đức Tổng Giám Mục Peter Machado cho biết thêm, “Thật đáng buồn khi lưu ý rằng một cuộc phá hủy tàn nhẫn khác đối với một Công trình Kitô giáo, trong đó có Tượng Chúa Giêsu cao 6m và 14 chặng đàng Thánh giá đã được thực hiện bởi chính quyền Taluka tại một Làng Kitô giáo, Gokunte, ở Kolar, cách Bangalore 65 km. Đây là một Quận của Karnataka tiếp giáp với biên giới Andhra. Mặc dù Giáo Hội có đầy đủ tài liệu về hai mẫu đất nơi có các công trình kiến trúc này, nhưng chính quyền địa phương coi chúng là không đúng hoặc không đầy đủ. Vấn đề vẫn đang được xét xử tại Tòa án. Trên thực tế, tòa án đã có lệnh cấm không được phá dỡ, trước khi có chỉ thị của Tòa án cấp cao”.

Đức Tổng Giám Mục Peter Machado cũng tuyên bố, “Bất chấp lệnh giữ nguyên hiện trạng và các nỗ lực của chúng tôi để giúp bà Tehsildar Shobitha hiểu các chỉ thị của tòa án, bà ấy đã từ chối hợp tác và thậm chí không nhìn nhận các chỉ thị mới của tòa án. Chúng tôi đã không nhận được thông báo bằng văn bản về hành động sắp xảy ra. Được trang bị với 200 cảnh sát, bà đã giám sát việc phá dỡ đến nửa đêm ngày 14 tháng 2 năm 2022 và kéo bức tượng 6m xuống đất, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ tình cảm của cộng đồng Kitô giáo mà còn của những người theo đạo khác. Thật đau lòng khi thấy hàng trăm người rơi nước mắt. Ngay cả khi giả định rằng các cấu trúc không được cấp phép đầy đủ, các cơ quan Chính phủ có thể có đủ quyền hạn để chính thức hóa các cấu trúc này, đã tồn tại hơn 25 năm. Chẳng phải Chính phủ Karnataka gần đây đã đưa ra dự luật bảo vệ các công trình tôn giáo trái phép được xây dựng trên đất của chính phủ để các công trình này không bị phá bỏ ở Karnataka sao? Có phải đặc quyền này chỉ áp dụng cho một số nhóm tôn giáo nhất định và không áp dụng cho các cộng đồng thiểu số không?”
Source:Mangalorean.com

2. Vatican cố gắng đề cao chức linh mục trong bối cảnh khủng hoảng vì lạm dụng

Hôm thứ Năm, Vatican đã mở hội nghị ba ngày về việc tái đề cao chức linh mục Công Giáo trong bối cảnh sụt giảm ơn gọi và khủng hoảng tín nhiệm liên quan đến các tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Người tổ chức hội nghị, Đức Hồng Y Marc Ouellet, cho biết mục đích của hội nghị chuyên đề là phá bỏ một khái niệm được “giáo sĩ hóa” về chức tư tế là gốc rễ của các tai tiếng. Ngài cáo buộc rằng một số linh mục đã giả định quyền lực trên đàn chiên của họ, trong khi chức tư tế thực sự là một sứ vụ phục vụ dân Chúa.

Sự bóp méo như vậy đã tạo ra một cuộc khủng hoảng, trong đó “lạm dụng tình dục chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, Đức Hồng Y Ouellet nói. Ngài cho rằng lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm và tâm linh, là những hành vi “băng hoại” khác của các linh mục.

Đức Hồng Y cho biết ngài hy vọng hội nghị sẽ giúp lập biểu đồ “một trạng thái cân bằng mới”, trong đó cách riêng phụ nữ sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc hội nghị lặp lại lời kêu gọi của ngài đối với các linh mục là hãy gần gũi với Thiên Chúa, các giám mục của họ, các linh mục khác và dân Chúa.

Đức Phanxicô không đề cập đến các tai tiếng lạm dụng tính dục, nhưng ngài cũng đổ lỗi cho “chủ nghĩa giáo sĩ” vì đã bóp méo ý nghĩa thực sự của chức linh mục, mà ngài nói là ơn gọi phục vụ chứ không phải quyền lực.

Ngài nói: “Chủ nghĩa giáo sĩ là một sự bóp méo vì nó không dựa trên sự gần gũi với người khác mà dựa trên khoảng cách”.

Ngài nhấn mạnh rằng “Thời đại mà chúng ta đang sống đòi hỏi chúng ta không chỉ trải nghiệm sự thay đổi, mà còn phải chấp nhận nó khi nhận ra rằng thời điểm của chúng ta là thời kỳ của sự thay đổi mang tính lịch sử.”

“Chúng ta có thể phản ứng theo nhiều cách khác nhau trước thách thức của sự thay đổi. Vấn đề là trong khi nhiều hành động và thái độ có thể hữu ích và tốt, không phải tất cả chúng đều mang hương vị của Tin Mừng.”

“Một thái độ khác có thể là của sự lạc quan quá mức – ‘Mọi thứ sẽ ổn thôi’ - dẫn đến việc phớt lờ nỗi đau liên quan đến sự biến đổi này và không chấp nhận những căng thẳng, phức tạp và mơ hồ của thời điểm hiện tại”.

“Cả hai đều là một loại trốn chạy. Chúng là phản ứng của người chăn chiên thuê khi nhìn thấy con sói đến và bỏ chạy: hoặc hướng về quá khứ hoặc hướng tới tương lai. Cả hai đều không thể dẫn đến các giải pháp trưởng thành.”

“Những thách thức này cũng đang ảnh hưởng đến cuộc sống của các linh mục; một triệu chứng của điều này là cuộc khủng hoảng ơn gọi mà các cộng đồng của chúng ta đã trải qua ở một số nơi. Tuy nhiên, thông thường, điều này xảy ra là do sự vắng bóng lòng nhiệt thành tông đồ nơi các cộng đoàn hầu dễ lây lan, kết quả là họ thiếu sự nhiệt tình và hấp dẫn. Ở đâu có sự sống và lòng nhiệt thành, và ước muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác, các ơn gọi chân chính sẽ xuất hiện. Ngay cả trong các giáo xứ có các linh mục không đặc biệt gắn bó và vui tươi, đời sống tích cực và huynh đệ của cộng đoàn có thể đánh thức ước muốn dâng hiến trọn vẹn cuộc đời của một người cho Thiên Chúa và cho việc rao giảng Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng nếu cộng đoàn đó kiên trì cầu nguyện cho các ơn gọi và can đảm đề xuất cho những người trẻ của mình một con đường dâng hiến đặc biệt.”

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Cuộc đời của một linh mục trên hết là lịch sử cứu độ của một người đã được rửa tội. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng mỗi ơn gọi cụ thể, kể cả ơn gọi Truyền Chức Thánh, là sự hoàn thành của bí tích rửa tội. Nói cách khác, luôn luôn sẽ là một cám dỗ lớn khi sống chức linh mục mà không có bí tích rửa tội, chúng ta quên rằng ơn gọi chính yếu của chúng ta là nên thánh. Nên thánh có nghĩa là làm cho chúng ta phù hợp với Chúa Giêsu, để cho tâm hồn chúng ta rộn ràng với những tâm tình giống như Người (x. Pl 2:15). Chỉ khi cố gắng yêu thương người khác như Chúa Giêsu, chúng ta mới làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình và hoàn thành ơn gọi nên thánh của mình. Thật vậy, Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta rằng, ‘linh mục, giống như mọi thành viên khác của Giáo hội, phải lớn lên trong nhận thức rằng bản thân mình luôn cần được phúc âm hoá’”

Chính thức, hội nghị không phải là về các tai tiếng lạm dụng tình dục. Nhưng bài phát biểu khai mạc của Đức Hồng Y Ouellet đã làm rõ vấn đề này như bối cảnh khó tránh khỏi cho các cuộc thảo luận.

Một vấn đề khác được nêu ra hội nghị là cuộc khủng hoảng trong ơn gọi linh mục. Hội nghị cũng bao gồm các phiên họp dành riêng cho các câu hỏi về đời sống độc thân linh mục và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.

Theo số liệu thống kê của Vatican công bố trong tháng này, có 410,219 linh mục Công Giáo trên thế giới vào năm 2020, giảm 4,117 so với năm trước đó. Sự sụt giảm nghiêm trọng ở Bắc Mỹ và Châu Âu được bù đắp bởi sự gia tăng của các tân linh mục ở Phi Châu và Á Châu.

Số liệu thống kê cũng cho thấy số lượng chủng sinh chuẩn bị cho chức linh mục giảm, từ 114,058 vào năm 2019 xuống còn 111,855 vào năm 2020.
Source:AP

3. Linh mục đã hiến mạng sống để cứu một chú bé Tây Ban Nha được phong chân phước tử đạo

Một linh mục đứng ra bảo vệ một cậu bé 15 tuổi khi cậu sắp bị hành quyết trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Tây Ban Nha sẽ nằm trong nhóm 16 linh mục, chủng sinh và giáo dân sắp được phong chân phước ở Granada, Tây Ban Nha.

Thánh lễ tuyên chân phước cho các vị tử đạo, trong đó có Cha Jose Becerra, sẽ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Granada vào ngày 26 tháng Hai.

Ban đầu thánh lễ được dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2020, nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.

Cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha đã kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.

Sinh tại Alhama de Granada, Cha José Becerra Sánchez làm linh mục tại thị trấn quê hương của mình cho đến khi bị bắt và bỏ tù bởi các chiến binh chống giáo sĩ vào năm 1936.

Trong thời gian bị giam cầm, các chiến binh cũng bắt giam Eduardo Raya Mijoler, một cậu bé 15 tuổi. Ngày hôm sau, cậu bé bị áp giải khỏi phòng giam, có lẽ sẽ bị hành quyết.

Khi nhìn thấy người thanh niên trẻ tuổi bị bắt đi, Cha Becerra 61 tuổi nói với các lính canh: “Đừng bắt cậu bé đó, cậu ấy vẫn còn rất trẻ. Đưa tôi đi, tôi đã là một ông già rồi”.

Theo Tổng giáo phận Granada, cậu bé Raya, còn sống đến ngày nay, được vị linh mục tử đạo chết thay, đã làm chứng trong tiến trình phong chân phước, rằng ông thực sự đã được phóng thích nhờ có Cha Becerra chết thay cho mình.

“Cho đến chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được lòng dũng cảm và tình yêu của vị linh mục này, là người sẵn sàng chết vì tôi,” Raya nói trong lời khai của mình.

Trong khi một số tù nhân được thả tự do, những người khác - kể cả Becerra - bị đưa đến Malaga. Các chiến binh đã đưa vị linh mục Tây Ban Nha đến một nhà chứa gái mãi dâm và cố gắng ép buộc ngài vi phạm lời thề trinh khiết của mình. Họ cũng hứa sẽ thả ngài nếu ngài giẫm lên một cây thánh giá.

“Tôi thà chết cả ngàn lần hơn là làm điều đó,” vị linh mục nói với những kẻ bắt giữ mình.

Không thành công trong nỗ lực của họ, các dân quân đã buộc một sợi dây quanh cổ ngài và kéo ngài ra bến tàu, ném thi thể đang hoi hóp của ngài xuống nước.

Tổng giáo phận Granada cho biết một buổi cầu nguyện sẽ diễn ra vào đêm trước của Thánh lễ phong chân phước để tôn vinh 16 vị tử đạo.

Cha Francisco Tejerizo, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, trưởng ban tổ chức lễ tuyên chân phước cho biết: “Chúng tôi hiệp nhất trong lời cầu nguyện, và chúng tôi cầu xin sự chuyển cầu của các vị tử đạo Granada của chúng tôi. Cầu mong lễ kỷ niệm này củng cố đức tin của chúng ta cũng như đời sống và chứng tá của các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta”.

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”. Đó chính là bối cảnh của cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Source:Crux