1. Giáo phận Mễ Tây Cơ than thở về những vụ giết người, cố gắng làm tắt tiếng các nhà báo

Linh mục Martín Lara Becerril, phát ngôn viên của Giáo phận Querétaro, hôm thứ Tư đã than thở về vụ sát hại các nhà báo ở Mễ Tây Cơ và nỗ lực bịt miệng họ, đồng thời khuyến khích những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông hãy có “lòng can đảm lớn”.

Tại cuộc họp báo ngày 16 tháng 2, Cha Becerril nói rằng “thật là xấu hổ khi ở một quốc gia dân chủ như Mễ Tây Cơ lại có những cái chết và bạo lực chống lại các nhà báo.”

Vị linh mục người Mễ Tây Cơ nói rằng “một nhà báo hoàn thành một chức năng trong xã hội, đó là thông báo.”

Ngài nhấn mạnh: “Thực sự là một điều đáng ghê tởm khi người ta muốn làm câm lặng tiếng nói của các phóng viên, thường là những tiếng nói phản biện.”

Theo báo chí Mễ Tây Cơ, ba năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador là thời kỳ bạo lực nhất đối với các nhà báo, với 30 vụ giết người, riêng năm 2022 có sáu vụ.

Ba năm đầu nhiệm kỳ của López Obrador cũng là thời kỳ bạo lực nhất được ghi nhận trong lịch sử Mễ Tây Cơ, với hơn 100,000 vụ giết người.

Một nhóm các nhà báo đã tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 15 tháng 2 tại Quốc Hội liên bang để đòi công lý.

Ngày hôm sau, trong cuộc họp báo buổi sáng của López Obrador, một nhóm nhà báo đã quyết định không đặt câu hỏi để thể hiện sự phản đối và đoàn kết với các đồng nghiệp bị sát hại của họ.

Nhân dịp đó, nhà báo Rodolfo Montes nói với Tổng thống Mễ Tây Cơ, “chúng tôi muốn sống”.

López Obrador cũng đã gây ra một cuộc tranh cãi khi tiết lộ trong một cuộc họp báo ngày 11 tháng 2 các thông tin hoàn toàn riêng tư liên quan đến thu nhập cá nhân của nhà báo Carlos Loret de Mola, là ký giả đã công bố các báo cáo về lối sống xa hoa của con trai tổng thống, là José Ramón López Beltrán, người đang sống ở Houston, và chỉ ra một xung đột lợi ích liên quan đến công ty dầu Pemex thuộc sở hữu của chính phủ.

Loret de Mola đã trả lời trên phương tiện truyền thông xã hội, và chỉ ra rằng López Obrador, là người mà ký giả này mô tả là “một nhà độc tài đầy tham vọng”, “bị dồn vào chân tường” vì “ông ta không biết cách thoát khỏi vụ bê bối liên quan đến con trai mình.”

Nhà báo Mễ Tây Cơ nói rằng thông tin do López Obrador tiết lộ “khiến tôi gặp rủi ro vì thu nhập thực sự của tôi đã bị thổi phồng và sai lệch. Đây là điều cực kỳ nghiêm trọng. Nó khiến tôi dễ dàng trở thành nạn nhân cho bọn bắt cóc đòi tiền chuộc và các bọn cướp nhan nhãn trên đường phố. Đó là một tội ác.”

Nhiều phương tiện truyền thông Mễ Tây Cơ và quốc tế đã chỉ trích thái độ của López Obrador đối với công việc của các nhà báo.

Tờ Washington Post, nơi Loret de Mola là một nhà báo đóng góp cho các chuyên mục, đã tweet vào ngày 11 tháng 2 rằng “chúng tôi lên án sự leo thang những sự gièm pha, lăng mạ và sử dụng dữ liệu bí mật từ chính phủ Mễ Tây Cơ để tấn công Carlos Loret de Mola… Nhà nước và các cơ quan chức năng phải bảo đảm quyền tự do ngôn luận và báo chí”.

Tại cuộc họp báo ngày 16 tháng 2, người phát ngôn của Giáo phận Querétaro nhấn mạnh mong muốn “khuyến khích các nhà báo” đang phải đối mặt với bạo lực mà họ phải gánh chịu ở đất nước này.

“Công việc này của giới truyền thông là điều cần thiết trong xã hội và sự phục vụ của họ với tư cách là những người truyền thông là rất cần thiết. Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi”

“Sự thật là tiêu chí cơ bản của phương tiện truyền thông tin tức và tôi mời các bạn truyền đạt nó với sự can đảm tuyệt vời”.

Cha Becerril sau đó đã phó dâng những nhà báo bị sát hại “và gia đình của họ cho Lòng Chúa Thương Xót, và chúng tôi vô cùng tiếc thương về những mất mát này”.
Source:Catholic News Agency

2. Người Công Giáo ở Uganda đột nhiên mất hàng loạt nhà thờ

Những người Công Giáo từ Giáo xứ Đức Mẹ Của Các Mục Tử Thánh Thiện ở Maryjje, ở miền trung Uganda đang lo lắng về việc mất nhà thờ và tất cả tài sản sau khi một trong những gia đình đã hiến đất cho nhà thờ hàng trăm năm trước bắt đầu muốn chiếm lại.

Giáo xứ này là một trong số hàng trăm nhà thờ Công Giáo ở quốc gia Đông Phi tiếp tục mất nhiều diện tích đất được hiến tặng do không có giấy tờ hợp lệ.

Trong một số trường hợp, các nhà thờ đã bị phá bỏ và các giáo dân bị đuổi ra khỏi các khu nhà ở, thu hút sự lên án trên toàn quốc từ các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền, chính trị gia và Tổng thống Yoweri Museveni. Cư dân cũng đã chiếm lại đất của các tôn giáo khác, bao gồm Anh giáo, Người theo phái Ngũ tuần, và Kitô phục lâm.

Giá đất trong những năm qua đã tăng phi mã khiến nhiều người muốn chiếm lại những mảnh đất đã hiến cho nhà thờ để bán lấy tiền. Tình hình tồi tệ đến mức các nhà lãnh đạo sợ rằng Giáo Hội sắp mất gần hết nhà thờ, và điều này có thể ảnh hưởng đến giáo dân, những người sẽ buộc phải đi bộ hàng km trước khi có thể tìm được một ngôi nhà thờ khác để thờ phượng.

Mulajje, giáo xứ Công Giáo lâu đời thứ hai trong Giáo phận Kasana-Luweero, được thành lập cách đây một thế kỷ sau khi những người tốt bụng hiến đất. Kể từ đó, giáo xứ đã phát triển và thậm chí còn xây dựng trường học, nhiều trung tâm y tế để phục vụ cư dân.

Đức Cha Paul Ssemogerere của Kasana-Luweero cho biết một trong những gia đình đã hiến hơn 60 mẫu Anh cho giáo xứ đã đòi lại 45 mẫu Anh thông qua các thủ tục thưa kiện ở tòa án. Ngài cho biết việc thiếu tài liệu thích hợp đã dẫn đến việc mất đất.

Đức Cha nói: “Chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho việc để mất những khu đất này, vì chúng tôi đã không làm giấy tờ hợp lệ sau khi những mảnh đất này được tặng cho chúng tôi.”

Những người hiến đất ban đầu là các tín hữu thuần thành. Tuy nhiên, hôn nhân khác đạo đã dẫn đến tình trạng là con cháu họ ngày nay có thể không còn là người Công Giáo nữa. Trong các trường hợp như thế, họ quyết liệt muốn thu hồi lại vì biết rằng không có tài liệu pháp lý ghi lại việc hiến tặng ban đầu. Khó khăn là chi phí xây dựng các tòa nhà trên các khu đất ấy đôi khi gấp nhiều lần giá đất vào thời điểm được hiến tặng. Tất cả giờ đây như xây nhà trên cát.
Source:Crux

3. Hãy dừng lại việc “xuống địa ngục” này, các giám mục của Haiti cầu xin

Các giám mục Haiti đã kêu gọi các băng đảng vũ trang hạ vũ khí vì người dân Haiti đang kiệt quệ “thực sự không thể chịu được nữa.”

Hội đồng Giám mục Haiti đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi các thành phần chính trị và các băng nhóm có vũ trang ngăn chặn đất nước rơi vào hỗn loạn.

Trong một tài liệu gửi tới tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, các Giám Mục viết: “Khoảnh khắc mà chúng ta đang sống, cực kỳ nghiêm trọng và đặc biệt quyết định bước ngoặt lịch sử không thể đảo ngược này của chúng ta. Điều đang bị đe dọa là hiện tại và tương lai của chúng ta, và do đó, bản thân sự tồn tại của chúng ta với tư cách một dân tộc, một quốc gia, một nhà nước. Chúng ta phải đưa ra những quyết định can đảm và hiệu quả”.

Ngày 7 tháng 2 lẽ ra đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Jovenel Moïse. Nhưng ông đã bị ám sát trong đêm mùng 6 rạng ngày 7 tháng 7 năm ngoái 2021, tại tư gia của mình. Đất nước kể từ đó được điều hành bởi Ariel Henry, được vị tổng thống quá cố chọn làm thủ tướng, nhưng có những lo ngại rằng sự kết thúc của nhiệm kỳ có thể tạo cớ để thách thức quyền lực mỏng manh của ông Henry.

Bạo lực đã gia tăng đáng kể ở nước này trong những tháng gần đây, với tội phạm ma túy và bắt cóc. Sự đau khổ còn tăng thêm vào tháng 8 bởi một trận động đất 7.2 độ richter, cướp đi sinh mạng của hơn một nghìn người và khiến người dân rơi vào cảnh đói nghèo hơn nữa. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã đáp ứng với một gói khẩn cấp để cung cấp lều, thực phẩm, nước uống, thuốc men và sửa chữa khẩn cấp các nhà xứ, cũng như giúp đánh giá thiệt hại trong 600 tòa nhà. Vào năm 2022, gói viện trợ thứ hai để hỗ trợ tái thiết đã được bảo đảm.

“Haiti thân yêu của chúng ta đang vượt qua một giai đoạn khó khăn trong lịch sử của nó,” các giám mục viết. “Cuối cùng thì ai sẽ là người ngăn cản việc đất nước rơi xuống địa ngục? Người Haiti thực sự không thể chịu được nữa. Họ mệt mỏi, tơi tả, và kiệt quệ”.

Họ nói thêm, đây không phải là lúc “để chia rẽ, mất đoàn kết, bất đồng, bất hòa và huynh đệ tương tranh, tranh giành quyền lực, theo đuổi lợi ích cá nhân, ích kỷ và nhỏ nhen một cách vô liêm sỉ”.

Thay vào đó, các giám mục kêu gọi sự thống nhất và đưa ra lời kêu gọi đối với tất cả các nhân vật chính trên chính trường, “rằng họ cần đạt được sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể để tạo ra một lối thoát dứt khoát khỏi cuộc khủng hoảng.”
Source:Aleteia

4. Ukraine cần sự đoàn kết của các bạn, nhà lãnh đạo Công Giáo nghi lễ Đông phương nói trong cuộc gặp gỡ với các đại sứ cạnh Tòa Thánh

Trong lời kêu gọi gửi tới các đại sứ của Liên minh Âu Châu, nhà lãnh đạo của Công Giáo nghi lễ Đông phương, gọi tắt là UGCC, lưu ý rằng “Giáo hội của chúng tôi đã có kinh nghiệm phục vụ trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine và khu vực Crimea bị chiếm đóng. Các linh mục của chúng tôi đã không rời bỏ người dân của họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Do đó, bây giờ khi chúng tôi thấy các nhà ngoại giao và chính trị gia khác nhau rời khỏi Kiev, vị trí nguyên tắc của Giáo hội chúng tôi là ở bên cạnh người dân của chúng tôi”.

Nhà lãnh đạo UGCC nói thêm rằng đời sống tôn giáo ở Ukraine cũng không nằm ngoài cuộc tấn công thông tin của Nga, và nhấn mạnh rằng “cuộc đối đầu giữa các tôn giáo và giữa các hệ phái đang diễn ra ở đất nước chúng tôi”. Ngài nhấn mạnh lời cầu nguyện buổi sáng tại Nhà thờ Thánh Sophia vào Ngày Thống nhất Quốc gia, “là một cử chỉ nói lên sự đoàn kết tinh thần của nhân dân chúng tôi và những người đại diện cao nhất của các tôn giáo và giáo phái khác nhau. Theo nghiên cứu thống kê mới nhất, xã hội Ukraine tin tưởng nhất vào các Giáo Hội và các tổ chức tôn giáo. Vì vậy, Giáo hội có sứ mệnh đặc biệt là trung tâm của sự hiệp nhất toàn dân tộc chúng tôi”.

Đối với việc phục vụ của UGCC trong thời điểm căng thẳng này, - Đức Tổng Giám Mục nói, - Giáo hội của chúng tôi vẫn ở bên những người của mình. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi. “Để làm được điều này, UGCC đã tạo ra một mạng lưới đoàn kết để gần gũi với những người đang gặp khó khăn cùng cực”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav yêu cầu cộng đồng quốc tế đừng quên Ukraine, và lưu ý rằng đất nước này “cần sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế” và nhắc lại cuộc điện đàm gần đây với Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc thế giới cầu nguyện cho Ukraine.

“Chúng tôi biết ơn Đức Thánh Cha, những nỗ lực ngoại giao của Tòa Thánh, nhiều Hội đồng Giám mục Âu Châu và các tổ chức quốc tế khác của Giáo Hội Công Giáo vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và sự đánh thức ý thức của cộng đồng quốc tế”.

Trong bối cảnh của cuộc chiến thông tin chống lại Ukraine,Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “nói sự thật”. “Thông tin sai lệch gây ra thiệt hại lớn cho đất nước chúng tôi, danh tiếng và sự phát triển kinh tế. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu các bạn hãy là tiếng nói sự thật về Ukraine”.
Source:UGCC