1. Đức Tổng Giám Mục Ukraine kêu gọi “Chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta”

Trong khi thương tiếc cái chết của những người vô tội, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã yêu cầu người Ukraine cầu nguyện cho sự biến đổi của nước Nga, “như Đức Mẹ Fatima đã yêu cầu chúng ta”.

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương kêu gọi người dân Ukraine cầu nguyện cho kẻ thù của họ, đồng thời lên án việc quân Nga gây ra cái chết của phụ nữ và trẻ em trong cuộc xâm lược Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã công bố một thông điệp video, trong đó ngài lên án những thiệt hại về người và của, đồng thời khen ngợi người dân Ukraine đã bảo vệ đất nước của họ.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine là giáo hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Công Giáo phương Đông, và bao gồm khoảng 4.1 triệu thành viên. Giáo Hội này đã được hiệp thông với Tòa Thánh kể từ sau biến cố hiệp nhất ở Brest-Litovsk vào năm 1596.

Đức Tổng Giám Mục cho biết: “Chúng tôi thấy các trường học, nhà trẻ, rạp chiếu phim, viện bảo tàng bị phá hủy và vào lúc mặt trời mọc gần Kiev, một tên lửa đã tấn công khu phụ sản của một bệnh viện”.

“Cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta”

Trong thông điệp của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, kêu gọi người dân Ukraine cầu nguyện cho kẻ thù của họ.

“Tôi chân thành cầu xin anh chị em: chúng ta không chỉ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, mà chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta, cho sự hoán cải của họ, cho sự biến đổi của nước Nga, như Đức Mẹ Fatima đã yêu cầu chúng ta”.

Năm 1917, ba trẻ chăn cừu ở Fatima, Bồ Đào Nha, báo cáo rằng đã được Đức Trinh Nữ Maria viếng thăm. Họ nói rằng Mẹ đã truyền đạt ba “bí mật” cho họ, bí mật thứ hai liên quan đến việc hoán cải nước Nga:

Chiến tranh sắp kết thúc: nhưng nếu mọi người không ngừng xúc phạm Thiên Chúa, một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ nổ ra trong triều đại Giáo hoàng của Đức Piô XI. Khi các con nhìn thấy một đêm được chiếu sáng bởi một ánh sáng không rõ, hãy biết rằng đây là dấu hiệu tuyệt vời mà Chúa ban cho các con rằng Ngài sắp trừng phạt thế giới vì những tội ác của nó, bằng chiến tranh, nạn đói và những cuộc đàn áp Giáo hội và Đức Thánh Cha. Để ngăn chặn điều này, Mẹ đến để xin hiến dâng nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ, và Rước lễ đền tạ vào các ngày thứ Bảy đầu tháng.

Tôn vinh chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Ukraine

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã hoan nghênh “chủ nghĩa anh hùng của những người dân giản dị của chúng ta”, chống lại những người lính Nga được trang bị vũ khí hùng mạnh.

“Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích tất cả chúng ta: chúng ta hãy học cách yêu thương trong thời điểm bi thảm này. Chúng ta không thể bị giam cầm bởi sự thù hận. Chúng ta đừng sử dụng ngôn ngữ của hận thù, cũng như từ ngữ của nó. Như sự khôn ngoan cổ xưa nói, kẻ ghét kẻ thù đã bị hắn khuất phục”.

Vị tổng giám mục đã công bố một đoạn video cho thấy cảnh bác sĩ cố gắng hồi sinh những đứa trẻ đã bị giết trong cuộc xâm lược.
Source:Aleteia

2. Trong trường hợp xảy ra mật nghị bầu Giáo Hoàng, Đức Hồng Y người Mỹ sẽ tuyên bố 'Habemus Papam'

Các Hồng Y được chia làm ba đẳng: Hồng Y Phó Tế, Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Giám Mục. Thông thường, các vị đang coi sóc các giáo phận và tổng giáo phận khi được tấn phong Hồng Y thì thuộc đẳng Hồng Y Linh Mục. Nói thí dụ, trong một công nghị tấn phong Hồng Y sắp tới, khi Đức Thánh Cha quyết định phong Hồng Y cho các Đức Tổng Giám Mục ở Hà Nội, Huế hay Sàigòn thì ngài thuộc đẳng Hồng Y Linh Mục. Trong khi các vị đang làm việc tại giáo triều Rôma thì thuộc đẳng Phó Tế, sau đó một vài năm mới lên Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Giám Mục. Mặc dù sự phân biệt chủ yếu có tính nghi lễ, các Hồng Y Giám Mục là những vị sẽ tham gia cùng Niên trưởng Hồng Y Đoàn, là người sẽ chủ trì Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Trong công nghị ngày 4 tháng 3 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăng 9 Hồng Y phó tế, bao gồm cả Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, lên hàng Hồng Y linh mục. Với quyết định này, Đức Thánh Cha Phanxicô trên thực tế đã giao phó vai trò phó tế trong trường hợp có mật nghị bầu Giáo Hoàng cho giám mục người Mỹ James Michael Harvey, năm nay 72 tuổi.

Protodeacon, hay Hồng Y trưởng đẳng phó tế, là vị Hồng Y lớn tuổi nhất trong số các vị Hồng Y phó tế. Trong số những việc khác của ngài, có một nhiệm vụ quan trọng là công bố công thức Latinh nổi tiếng giới thiệu một vị giáo hoàng mới được bầu: “Annuntio vobis gaudium magnum; habemus Papam”, nghĩa là “Tôi thông báo với các bạn một niềm vui lớn, chúng ta vừa có một vị giáo hoàng.”

Hồng Y trưởng đẳng phó tế hiện tại của Hồng Y Đoàn là Hồng Y người Ý Renato Raffaele Martino, chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Tuy nhiên, ngài đã 89 tuổi và do đó không thể tham gia mật nghị, vì bất kỳ Hồng Y nào trên 80 tuổi đều không được phép, theo một quy tắc được đưa ra vào năm 1970 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Do đó, hiện nay Hồng Y phó tế cao cấp nhất, là Hồng Y Harvey, chứ không phải Đức Hồng Y Bertello.

Ngoài ra còn có một “Protopriest”, tức là Hồng Y trưởng đẳng linh mục, và “dean of cardinals,” tức là Hồng Y Niên trưởng được bầu mỗi năm năm và đứng đầu các Hồng Y đẳng giám mục và toàn bộ Hồng Y Đoàn.

Hiện tại, Hồng Y trưởng đẳng linh mục là Hồng Y Michael Michai Kitbunchu (93 tuổi) của Thái Lan - người sẽ được Đức Hồng Y Vinko Puljić (76 tuổi) của Croatia thay thế trong trường hợp có mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Niên trưởng Hồng Y Đoàn là vị Hồng Y người Ý Giovanni Battista Re (88 tuổi), người sẽ phụ trách triệu tập mật nghị trong trường hợp Giáo hoàng Phanxicô qua đời hoặc từ chức. Trong mật nghị, ngài sẽ được thay thế bởi phó niên trưởng Hồng Y Đoàn, là Đức Hồng Y người Á Căn Đình Leonardo Sandri (78 tuổi), là người sẽ có nhiệm vụ chủ trì mật nghị và hỏi vị Hồng Y được bầu xem ngài có chấp nhận sự bầu cử của mình hay không và ngài dự định mang tên gì.
Source:Aleteia

3. Các giám mục Công Giáo của Belarus lên án chiến tranh ở Ukraine

Khi các quốc gia và các tổ chức quốc tế tiếp tục trừng phạt Belarus vì đã hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, các giám mục của Belarus đã đưa ra một tuyên bố nói rằng “chiến tranh là tội ác chống lại Thiên Chúa và con người; và đáng bị lên án ngay lập tức”.

Các giám mục Belarus viết: “Để các bên có thể nghe thấy nhau, cần phải tắt tiếng vũ khí”.

“Chúng tôi, các giám mục Công Giáo của Belarus, cùng với các tín hữu của chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng cuộc xung đột chính trị kéo dài giữa Nga và Ukraine đã bước vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt tương tàn,” tuyên bố được công bố trên trang web của hội đồng giám mục. “Kết quả là, mọi người chết, các thành phố, khu định cư và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hàng trăm nghìn người di tản buộc phải đi tị nạn ở nước ngoài”.

Các giám mục Belarus nói rằng họ “thông cảm” với nước láng giềng Ukraine, “đang trải qua thảm kịch,” và họ ủng hộ những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về ngoại giao và đàm phán, lưu ý rằng các cuộc đàm phán được thực hiện trên đất Belarus, trong hy vọng về “sự chấm dứt ngay lập tức của sự thù địch” và tìm kiếm sự hòa giải.

Belarus có biên giới với cả Nga và Ukraine.

Các giám mục cũng bày tỏ lo ngại về “cuộc chiến thông tin”, mà theo các ngài là gây ra “thiệt hại không nhỏ” và gây ra sự thù hận giữa các dân tộc và các quốc gia.

“Hôm nay, khi tương lai của không chỉ Ukraine đang được quyết định, mọi thứ có thể phải được thực hiện để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột”

Cuối cùng, các ngài yêu cầu các tín hữu tiếp tục cầu nguyện và ăn chay trong tình đoàn kết với Ukraine, nhưng cũng vì hòa bình ở Belarus, để đất nước của các ngài không tham gia vào cuộc giao tranh: “Chúng tôi cầu nguyện và yêu cầu những người mà điều này phụ thuộc vào đừng cho phép đất nước của chúng tôi tham gia vào cuộc chiến này”.

Hôm thứ Tư, Ngân hàng Thế giới cho biết họ đã ngừng tất cả các chương trình ở cả Nga và Belarus có hiệu lực ngay lập tức, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và “các hành động thù địch chống lại người dân Ukraine.”

Ủy ban Olympic Quốc tế cũng thông báo rằng các vận động viên đến từ Nga và Belarus sẽ bị cấm tham dự Thế vận hội mùa đông.
Source:Crux

4. Đức Thượng Phụ Alexandria nhận định Putin đang coi mình là hoàng đế của thời đại chúng ta

“Putin nghĩ rằng ông ấy là hoàng đế của thời đại chúng ta. Quyền lực có thể khiến bạn say. Và quyền lực độc tài vĩ đại làm mù mắt và bạn quên rằng bạn là con người. Không thể nào vừa làm dấu thánh giá, cầu xin Thiên Chúa, lại đồng thời giết hại trẻ em và dân chúng”.

Đức Thượng Phụ Theodore II của Alexandria và Toàn châu Phi, người có quen biết cá nhân tổng thống Nga, đã phát biểu như thế trên đài phát thanh nhà nước của Hy Lạp.

“Đúng là, có một lòng đạo đức bình dân làm thỏa mãn tâm hồn –‘Vâng, lạy Chúa, con yêu Chúa, con cầu nguyện’, nhưng mặt khác, khi nắm được quyền lực to lớn thì người ấy nói ‘Cầu nguyện là tốt, khiêm tốn là tốt, nhưng tôi có quyền thế và tôi muốn áp đặt quan điểm của mình rằng tôi là hoàng đế mới’. Và vì vậy, ân sủng của Thiên Chúa bỏ rơi bạn và bạn tin rằng bạn là siêu phàm, mà không cảm thấy rằng chân của bạn vẫn đang chạm đất.”

“Putin là một Kitô Hữu, chúng tôi biết nhau về phương diện cá nhân. Tôi biết anh ấy rất coi trọng tôi. Trước khi xảy ra các vấn đề về giáo hội, khi Giáo Hội Nga xâm nhập vào Giáo Hội truyền giáo nghèo nàn của chúng tôi, chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần. Bởi vì tôi nói tiếng Nga, chúng tôi có thể trao đổi quan điểm. Và ở Cairo, chúng tôi đã gặp nhau và nói chuyện trong một tiếng rưỡi. Tôi biết anh ấy có lòng mộ đạo đối với Giáo hội, đối với Chính thống giáo. Nhưng tất cả những điều này đã biến mất và chỉ còn lợi ích và sự táo bạo ở những phía trước những con người này, và sẽ không đi đến kết thúc tốt đẹp. Bạn không thể nói rằng bạn yêu Chúa và giết người”, Đức Thượng Phụ Theodore nhấn mạnh.

Đức Thượng Phụ nói ngài đoán trước được cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine, bởi vì Putin quá tự hào về “sức mạnh. Khi bạn rất khỏe, bạn say sưa với quyền lực, điều đó khiến bạn quên rằng bạn là con người và cuối cùng, tất cả những gì người ta nhận được chỉ là một tấc đất và một mảnh vải liệm để bắt đầu cuộc hành trình mới.”

Đức Thượng Phụ cho biết Tòa Thượng Phụ Alexandria ngay lập tức lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. “Chúng tôi đã có một trải nghiệm tồi tệ khác về sự xâm nhập của Giáo hội Nga vào lãnh thổ của Tòa Thượng phụ Alexandria và thậm chí ở các giáo xứ nghèo ở Phi Châu. Đối với những người nghèo này, họ đã đến để gieo ‘cỏ lùng’ quen thuộc của họ và xâm nhập một giáo hội nghèo, ở một nơi mà trong 2,000 năm chúng tôi đã chiến đấu với rất nhiều tài nguyên khiêm tốn và nghèo đói, để giúp đỡ hàng trăm nghìn người ở Phi Châu rộng lớn.”

Đức Thượng Phụ kể lại rằng ngài đã sống 10 năm ở Ukraine, Odessa, từ năm 1985 đến 1995. “Tôi học ngôn ngữ của họ, tôi học ở đó, tôi đại diện cho Tòa Thượng phụ và tôi biết họ rất rõ và tôi yêu mến họ rất nhiều. Chính vì vậy mà nỗi đau của tôi nhân đôi. Tôi đã đi bao nhiêu lần từ Odessa đến Kharkiv và Kiev /ki-ép/? Và vì tôi biết rõ họ là người tốt như thế nào, tình cảm đẹp đẽ trong họ là gì, tôi đã lên án ngay từ giây phút đầu tiên cuộc chiến giữa hai dân tộc cùng chí hướng. Cả người dân Nga và người dân Ukraine đều theo Chính thống giáo. Thật đáng buồn khi lợi ích của những kẻ cầm quyền, những tên đầu sỏ đã đưa hàng ngàn người vào hoàn cảnh này, đặc biệt là những ánh mắt sợ hãi của các em nhỏ. Và những khu phố mà tôi đã đi bộ, tôi đã gặp, mà tôi yêu thích, và có thể nhiều người trong số họ không còn sống đến bây giờ”

Khi được hỏi về cuộc kháng chiến của người Ukraine, Đức Thượng Phụ Alexandria nói rằng họ là một dân tộc rất dũng cảm. “Lịch sử của người dân Ukraine trong Thế chiến thứ hai thật khủng khiếp. Họ là một dân tộc rất anh hùng, với tình yêu thương rộng lớn không bao giờ làm tổn thương bất cứ ai. Họ đang cố gắng sống sót. Sau đó, tôi đã trải qua sự thay đổi lớn từ Liên Xô sang Nga, sự nghèo đói, đói kém mà chúng tôi đã trải qua trong 2-3 năm. Và họ là những người tự hào, tử tế, họ sẽ không bao giờ cho bạn thấy sự nghèo khó. Họ là những người yêu nước và họ sẽ bảo vệ tổ quốc của mình ngay cả khi người Ukraine cuối cùng phải đổ cả máu của mình”, Đức Thượng phụ nói.

Đức Thượng Phụ cũng nói về “một ngõ cụt cho cả hai bên”, điều này “sẽ thấy rằng Chiến tranh thế giới thứ ba không phải là lợi ích của nhân loại. Chúng ta sẽ có một cuộc Chiến tranh Lạnh tồi tệ mới và nó sẽ rất khó khăn và hàng nghìn người sẽ phải trả giá cho nó”.

Ngài đặc biệt đề cập đến thảm cảnh người tị nạn, nhắc nhớ lại rằng có rất nhiều người tị nạn từ Phi Châu đang cố gắng vượt qua Âu Châu, từ Libya, là những người mà ngài đang cố gắng nhấn mạnh trong các bài giảng của mình, rằng “nơi họ muốn đến khi vượt biển tại Libya, băng qua Địa Trung Hải, họ sẽ không tìm thấy thiên đường”, nhằm thuyết phục họ ở lại vị trí của mình.

Khi được hỏi làm cách nào mà Thượng phụ có thể giúp đỡ người Ukraine, Đức Thượng Phụ Theodore nói rằng ngài giao tiếp với nhiều người và làm những gì có thể. “Tôi sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo của Phi Châu, lục địa của tương lai mà nhiều người không chú ý đến, nhưng đó là một người khổng lồ đang ngủ yên sẽ thức dậy và một ngày nào đó trung tâm thế giới sẽ là Phi Châu. Chúng tôi đương nhiên là một các quốc gia nghèo, không có nhiều tiềm năng, nhưng chúng tôi đã gửi những khoản viện trợ nhân đạo nho nhỏ cho những người tôi đã từng sống cùng rồi”. Theo ngài, có một nỗ lực để vận chuyển các container thực phẩm, thuốc men đến Ukraine, với nhiều mặt hàng đã được gửi như là viện trợ nhân đạo cho Phi Châu.
Source:Orthodox Times