1. Máy bay trực thăng Nga tấn công vào chính quân Nga tại khu vực Kharkiv

Chỉ huy quân sự khu vực Kharkiv của quân Ukraine, Oleh Synehubov, cho biết vào sáng thứ Năm 24 tháng Ba, quân Nga rút lui về làng Mala Rohan, vùng Kharkiv đã bị trực thăng Nga tấn công dữ dội.

“Những kẻ xâm lược Nga ở khu vực Kharkiv lại phải chịu thêm một thất bại nữa. Đó là do hỏa lực của đơn vị bạn. Vào buổi sáng, máy bay trực thăng của Nga đã tấn công các vị trí của chính quân Nga, tiêu diệt một số lượng lớn binh sĩ và thiết bị quân sự của lực lượng xâm lược ở Mala Rohan.”

Theo Synehubov, chính các đơn vị bị tấn công này của Nga đã liên tục pháo kích vào thành phố Kharkiv bằng pháo binh và bệ phóng tên lửa có khả năng phóng hàng loạt.

https://www.ukrinform.net/rubric-ato/3438998-russian-attack-helicopter-strikes-own-forces-positions-in-kharkiv-region.html

2. Ba tầu đổ bộ của Nga bị tấn công, một tầu chìm, hai tầu hư hại nặng

Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố báo cáo tình báo mới nhất tính đến 10h tối theo giờ địa phương.

Các quan chức tuyên bố nỗ lực bao vây thành phố Kiev của Nga đã không được thực hiện trong khi nỗ lực ngăn chặn Chernihiv cũng không thành công.

“Nga sẽ cố gắng nối lại các hoạt động tấn công theo hướng các thành phố Brovary và Boryspil để phong tỏa thủ đô của Ukraine, thành phố Kiev, từ phía đông,” báo cáo viết.

Các quan chức cho biết quân đội Nga cũng đang phong tỏa các thành phố Sumy và Kharkiv và tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự.

Việc rút lui một số đơn vị của Nga là do “tổn thất hơn 50% nhân lực” Các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng Nga tiếp tục bù đắp tổn thất bằng cách huấn luyện và di dời các đơn vị dự bị.

Quân đội xác nhận các báo cáo rằng tàu đổ bộ lớn 'Saratov' đã bị phá hủy và chìm xuống biển trong cuộc tấn công vào cảng Berdyansk bị chiếm đóng, đồng thời cho biết thêm rằng hai tàu đổ bộ lớn khác là 'Caesar Kunikov' và 'Novocherkassk' cũng bị hư hại.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti bị quy lỗi là đã gây ra thảm họa cho Nga tại cảng Berdyansk. Novosti đã thực hiện một đoạn phim tuyên truyền cho thấy các xe tăng đang lên bờ từ các tầu đổ bộ này. Đoạn phim đã chỉ cho quân Ukraine tọa độ chính xác của các con tầu. Các quả cầu lửa bốc lên từ ba con tầu này vào sáng thứ Năm theo giờ địa phương. Chiếc Saratov đã chìm dần dưới lòng biển, trong khi hai chiếc còn lại bỏ chạy.

Báo cáo kết luận rằng các nỗ lực đánh chiếm các thành phố Popasna, Rubizhne và Mariupol đều “không thành công”.

3. Bộ Quốc phòng Anh khẳng định Ukraine đang trên đà thắng lợi

Bộ Quốc phòng Anh vừa công bố báo cáo tình báo mới nhất, khẳng định Ukraine đang tấn công “các mục tiêu giá trị cao”.

Các lực lượng Ukraine đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có giá trị cao trong các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine, bao gồm một tàu đổ bộ và các kho chứa đạn dược tại Berdyansk.

Nhiều khả năng người Ukraine sẽ tiếp tục nhắm vào các tài sản hậu cần tại các khu vực do Nga nắm giữ. Điều này sẽ buộc quân đội Nga phải ưu tiên bảo vệ chuỗi cung ứng của họ và tước đi nguồn tiếp tế cần thiết cho các lực lượng.

Điều này sẽ làm giảm khả năng tiến hành các hoạt động tấn công của Nga, và gây thêm thiệt hại về mặt tinh thần.

4. Tổng thống Biden nhận định về cuộc nói chuyện với Tập Cận Bình

Trung Quốc hiểu rằng tương lai kinh tế của họ “gắn chặt với phương Tây hơn nhiều so với Nga”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố như trên sau khi cảnh báo nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh có thể hối tiếc khi đứng về phía Nga xâm lược Ukraine.

Biden đã thông báo cho các phóng viên về cuộc gọi của ông với Tập Cận Bình. Báo cáo của Reuters, cho biết ông Joe Biden nói:

“Tôi không đưa ra lời đe dọa nào nhưng tôi đã nói rõ với anh ấy - bảo đảm rằng anh ấy hiểu hậu quả của việc giúp đỡ Nga.

Tôi chỉ ra số lượng các tập đoàn Mỹ và nước ngoài đã rời bỏ Nga do hậu quả của hành vi man rợ của họ.

Trung Quốc hiểu rằng tương lai kinh tế của họ gắn chặt với phương Tây hơn là với Nga”.

Chính quyền Biden đã gây áp lực buộc Trung Quốc kiềm chế việc hỗ trợ Nga, bao gồm cả việc giúp nước này chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây và cung cấp hỗ trợ quân sự.

Trung Quốc đã không lên án hành động của Nga ở Ukraine, mặc dù họ bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc chiến cũng như về các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà họ coi là phản tác dụng và đơn phương.

Bình luận của Biden chỉ ra sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ, là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Đó là đòn bẩy mà Washington muốn sử dụng để thúc đẩy Trung Quốc tách khỏi Nga sau khi Nga và Trung Quốc tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược “không có giới hạn” vào tháng Hai.

5. Nhật Bản gia tăng các lệnh trừng phạt

Nhật Bản sẽ đóng băng tài sản của thêm 25 cá nhân Nga và cấm xuất khẩu đối với 81 tổ chức của Nga, Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố vào sáng thứ Sáu, như Reuters đưa tin.

Hôm thứ Năm, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ tiến hành các bước để tước bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc của Nga và ngăn nước này trốn tránh các lệnh trừng phạt tài chính sử dụng tài sản kỹ thuật số.

Đầu tuần này, Nhật Bản đã chỉ trích quyết định của Nga rút khỏi các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình song phương nhằm chính thức chấm dứt tình trạng thù địch giữa Mạc Tư Khoa và Tokyo kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Nga và Nhật Bản vẫn chưa chính thức chấm dứt thù địch vì bất đồng về quần đảo nằm ngoài khơi đảo Hokkaido, cực bắc của Nhật Bản. Quần đảo này, người Nga gọi là Nam Kurils, còn người Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc.

Quyết định rút khỏi cuộc đàm phán của Mạc Tư Khoa được đưa ra nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà Tokyo áp đặt đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Các hòn đảo đã bị Liên Xô chiếm giữ vào cuối Thế chiến thứ hai và Nga tuyên bố việc mua lại là công bằng như bất kỳ sự thay đổi ranh giới quốc tế nào sau chiến tranh. Nhật Bản đã phản đối điều này.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai:

“Trong điều kiện hiện tại, Nga không có ý định tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình” với lý do “lập trường công khai không thân thiện và nỗ lực của Nhật Bản nhằm gây tổn hại đến lợi ích của đất nước chúng tôi”.

Trong phiên họp quốc hội hôm thứ Ba, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã trả lời:

Toàn bộ tình huống này được tạo ra bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và phản ứng của Nga nhằm áp đặt điều này lên mối quan hệ Nhật-Nga là vô cùng bất công và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nhật Bản cực lực phản đối động thái này.

Chúng tôi sẽ đoàn kết với cộng đồng quốc tế và có hành động phù hợp để Nhật Bản có thể tiếp tục tuân theo nền tảng của trật tự quốc tế.

Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 76 cá nhân Nga, 7 ngân hàng và 12 cơ quan khác, bao gồm các quan chức quốc phòng và nhà xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu nhà nước, Rosoboronexport.

6. Một đội xử bắn vòng tròn đang hình thành trong Điện Cẩm Linh, mọi người chĩa súng vào nhau

Tờ Daily Mail của Anh có bài nhan đề “A circular firing squad is forming in the Kremlin, with everyone pointing their guns at each other”, nghĩa là “Một đội xử bắn vòng tròn đang hình thành trong Điện Cẩm Linh, mọi người chĩa súng vào nhau” của Giáo sư Mark Galeotti, trong đó ông khẳng định chế độ của Vladimir Putin bị đe dọa nghiêm trọng lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền.

Giáo sư Mark Galeotti là giáo sư danh dự tại Đại học London chuyên về Nghiên cứu Slavonic và Đông Âu và là tác giả của cuốn “We Need To Talk About Putin”, nghĩa là “Chúng ta cần nói về Putin”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Khi tên ác quỷ Joseph Stalin bị đột quỵ nặng tại biệt thự ở ngoại ô Mạc Tư Khoa vào tháng 3 năm 1953, bốn người thân cận nhất của ông ta vội vã đến hiện trường.

Không ai trong số họ, tất cả đều là các ứng cử viên kế nhiệm nhà độc tài trong vai trò lãnh đạo Liên Xô, muốn nhìn thấy Stalin sống sót. Nhưng tất cả đều lo sợ điều gì có thể xảy ra nếu ông ta chết.

Cuối cùng, trùm mật vụ Lavrentiy Beria đã lên tiếng: 'Tại sao các anh lại hoảng sợ đến như vậy? Không thấy sao, đồng chí Stalin đang ngủ rất say. Đừng làm phiền đồng chí ấy! '

Không có bác sĩ nào được triệu tập trong nhiều giờ. Stalin tiếp tục thoi thóp và chết sau đó vài ngày.

Một sự thiếu quyết đoán tương tự đang bao trùm vòng trong của Vladimir Putin ngày nay, chế độ của ông ta lần đầu tiên bị đe dọa nghiêm trọng kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2000.

Cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một thảm họa và mọi người đang tìm kiếm những người khác để đổ lỗi. Bất kỳ ai cũng có thể bị tố cáo là kẻ gây nên chiến tranh hoặc kẻ phản bội, hoặc thậm chí là cả hai.

Đương nhiên, bầu không khí hoài nghi sôi sục đang được các cơ quan tình báo cả Ukraine và phương Tây quan tâm.

Các chiến dịch tình báo đặc biệt nhằm vào FSB, cơ quan kế nhiệm KGB, vốn là nền tảng của chính phủ Putin.

Các sĩ quan cấp cao của FSB là những kẻ cơ hội tàn nhẫn, có năng lực cao. Họ không ủng hộ cuộc chiến vì sự cuồng nhiệt yêu nước, hoặc vì họ ủng hộ tính cách để ngực trần của Putin.

Giống như những tay sai còn lại của Putin, họ được thúc đẩy bởi lòng tham và mục đích của họ là quyền lực cá nhân.

Họ muốn kiếm thật nhiều tiền và chi tiêu vào bất động sản ở London và Địa Trung Hải, hoặc cho con cái của họ đến các trường học phương Tây.

Hiện tại, các biện pháp trừng phạt khiến điều đó trở nên rất khó khăn. Do đó, họ đang trở nên lo lắng - không ai trong FSB muốn Nga trở thành quốc gia tương đương với Triều Tiên ở Âu Châu.

Nhưng tôi không tin rằng có một cuộc đảo chính của FSB, ít nhất là chưa. Người Nga biết lịch sử của chính họ và họ hiểu rằng sự thay đổi chế độ chỉ xảy ra khi mật vụ, quân đội và các chính trị gia cùng hành động - như họ đã làm vào năm 1991 khi tổng thống Mikhail Gorbachev bị lật đổ.

Tuy nhiên, Putin đã chọn ra những nhân vật chủ chốt ở cả ba cực quyền lực này. Người đầu tiên nghe thấy tiếng gõ cửa là Đại tá Sergey Beseda, người đứng đầu chi nhánh tình báo nước ngoài của FSB, người đã bị bắt hai tuần trước, cùng với cấp phó của ông ta là Anatoly Bolyukh, vì nghi ngờ biển thủ tiền từ quỹ tài trợ nhằm hối lộ cho quan chức nước ngoài.

Nhưng tội ác thực sự của anh ta có thể là khuyến khích niềm tin của Putin rằng người Ukraine háo hức thay đổi chế độ và những kẻ xâm lược Nga sẽ được chào đón bởi những đám đông vẫy cờ mang theo những bó hoa.

Tiếp theo cho vụ bắt giữ Roman Gavrilov, phó giám đốc Vệ binh Quốc gia, người bị cáo buộc làm rò rỉ thông tin mật cho phương Tây và 'lãng phí nhiên liệu'.

Sự thật là Putin rất tức giận vì nhiều binh sĩ trẻ trong Vệ binh Quốc gia, một lực lượng bán quân sự có vai trò trong thời bình là dập tắt các cuộc biểu tình ở các thành phố của Nga, đang phản đối chính ông ta. Ở Ukraine, họ cảm thấy mình đang bị coi như bia đỡ đạn.

Vụ bắt giữ Gavrilov được cho là đã nâng tổng số tướng lĩnh bị ra rìa do cuộc xâm lược thất bại này lên chín người. Các chính trị gia cũng không được tha, với hai cộng sự thân cận nhất của Putin cũng lọt vào danh sách mất tích.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn 12 ngày do có tin đồn 'có vấn đề về tim'.

Nhiều người nghi ngờ đây là một mánh khóe ngoại giao vì sự thật là Shoigu đã bị loại khỏi vòng trong của Putin sau khi cô con gái út Ksenia, 31 tuổi của ông, đăng một bức ảnh lên mạng xã hội, chụp cùng đứa con gái của cô đang mặc màu xanh và vàng của quốc kỳ Ukraine.

Sau đó là Anatoly Chubais, được nhiều người coi là người đã phát hiện ra tài năng của Putin trong những năm 1990 và lăng xê sự nghiệp chính trị của Putin.

Chubais đã được khen thưởng bằng một loạt các hợp đồng béo bở… nhưng hôm thứ Tư, ông đã khiến người dân phẫn nộ bằng cách từ chức để phản đối chiến tranh và chạy trốn đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa bao giờ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, lại có những tin đồn phản động và phản bác cuồng nhiệt như vậy trong Điện Cẩm Linh. Một đội xử bắn vòng tròn đang hình thành, mọi người đều chĩa súng vào nhau.

Và khi những người lính nghĩa vụ bắt đầu trở về từ mặt trận Ukraine, mang theo những câu chuyện kinh dị về chiến tranh, nhiệt độ chính trị sẽ còn tăng lên kinh hoàng hơn nữa.

Ngay bây giờ, hầu hết người dân bình thường ở Nga có thể tin vào phiên bản truyền hình nhà nước, rằng một chiến dịch quân sự thành công đang được tiến hành nhằm lật đổ một đội ngũ tân phát xít ở Kiev và ngăn chặn việc thanh lọc sắc tộc hoặc thậm chí là diệt chủng chống lại người Nga ở Ukraine.

Nhưng khi lời nói dối đó được phơi bày, mọi người sẽ bắt đầu quay lưng lại với người đàn ông đứng đầu. Việc những người bạn của ông phản ứng với điều đó như thế nào sẽ quyết định số phận của Putin.
Source:Daily Mail

7. Các diễn biến mới trong một ngày họp ở Brussels

Theo tin Wall Street Journal, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt các biện pháp mới đối với Nga và tăng viện trợ cho Ukraine vào hôm thứ Năm trong một ngày họp ở Brussels, nơi Tổng thống Biden cho biết có tới 100,000 người tị nạn sẽ được chấp nhận ở Mỹ và tán thành việc loại Nga khỏi nhóm G-20 của các nền kinh tế lớn.

Các cuộc tụ họp ở Brussels diễn ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể ra lệnh sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí không thông thường khác ở Ukraine, một động thái mà ông Biden cho rằng sẽ kích hoạt phản ứng của Mỹ. Ông Biden cho biết ông hy vọng rằng Trung Quốc sẽ không viện trợ cho Nga, đồng thời nhấn mạnh mối đe dọa trả đũa trước đó của ông nếu điều đó xảy ra.

Tại Ukraine: Ukraine cho biết họ đã tấn công các cơ sở cảng do Nga chiếm đóng ở thành phố Berdyansk thuộc Biển Azov, phá hủy một tàu Nga khi cuộc chiến bước sang tháng thứ hai.

• Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ dẫn đến nhiều viện trợ hơn cho đất nước của ông và các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga, khi con số nhân đạo từ cuộc xâm lược của Moscow tiếp tục tăng lên.

• Trong một bài phát biểu vào đêm khuya, ông kêu gọi rằng Thứ Năm, ngày 24 tháng 3 - một tháng kể từ khi Nga xâm lược - được đánh dấu trên khắp thế giới bằng việc mọi người thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Ukraine thông qua các cuộc biểu tình công khai. Ông Zelensky chuẩn bị nói chuyện với cuộc họp khẩn cấp của NATO.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, ông Biden mô tả một “cuộc trò chuyện rất thẳng thắn” mà ông đã có hôm thứ Sáu với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Biden nói: “Tôi không đưa ra lời đe dọa nào, nhưng tôi chỉ ra số lượng các tập đoàn Mỹ và nước ngoài đã rời khỏi Nga do hành vi man rợ của họ”.

Ông Biden cho biết ông đã nhắc nhở người đối tác của ông về mối quan tâm của Trung Quốc đối với việc tăng trưởng kinh tế với châu Âu và Hoa Kỳ và rằng ông Tập sẽ “đặt mình vào tình thế nguy hiểm đáng kể trong những mục tiêu đó nếu trên thực tế ông ấy muốn tiến về phía trước.”

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiểu rằng tương lai kinh tế của họ gắn chặt với phương Tây hơn là với Nga”.

Các viên chức Mỹ nói rằng họ chưa thấy bằng chứng Trung Quốc đã cung cấp viện trợ quân sự cho Nga, nhưng nói thêm rằng họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ. Hoa Kỳ không nói rõ hành động mà họ sẽ thực hiện nếu điều đó thay đổi.

Cũng trong cuộc họp báo trên, Tổng thống Biden cho biết ông tin rằng Nga nên bị loại khỏi Nhóm 20 quốc gia vì hành động xâm lược Ukraine.

Nhưng ông nói với các phóng viên ở Brussels rằng quyết định sẽ phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo của 20 quốc gia.

Ông Biden cũng cho biết rằng ông nêu ra khả năng Nga nên loại khỏi G-20 trong các cuộc họp trước đó trong ngày. Ông nói thêm rằng nếu nước chủ nhà của năm nay, tức Indonesia, không đồng ý, thì nên có nỗ lực mời Ukraine tham dự các cuộc họp.

Đặc biệt, Tổng thống Biden thề sẽ phản ứng nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine.

Trong cuộc họp báo này, ông Biden được hỏi liệu Mỹ và các đồng minh có trả đũa nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột hay không.

“Chúng tôi sẽ phản ứng nếu ông ấy sử dụng nó,” ông Biden nói, mà không cung cấp chi tiết. Ông nói với các phóng viên rằng “bản chất của phản ứng sẽ phụ thuộc vào bản chất của việc sử dụng.”

Khi được hỏi liệu điều đó có gây ra phản ứng từ NATO hay không, ông Biden nói: “Nó sẽ kích hoạt phản ứng cùng một loại” nhưng đó sẽ là quyết định của các thành viên NATO.