1. Tòa Thượng Phụ Chính thống Nga lo ngại quốc hội Ukraine cấm Chính thống Nga hoạt động ở nước này.

Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa cáo buộc quốc hội Ukraine đang tìm cách thông qua hai dự luật cấm các hoạt động của Giáo hội Chính thống Nga tại Ukraine.

Tại Ukraine, trước kia có một cộng đoàn Chính thống chiếm đa số là Chính thống Nga, thuộc quyền Tòa Thượng phụ ở Mạc Tư Khoa nhưng được nhiều quyền tự trị. Năm 1991, Ukraine được độc lập khỏi Liên Xô, sau khi cộng sản sụp đổ. Trào lưu tách rời khỏi Chính thống Nga bắt đầu thành hình và đầu năm 2019, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople cũng là vị “Giáo chủ danh dự chung” đã ban sắc lệnh nhìn nhận sự độc lập của Giáo hội Chính thống Ukraine.

Trong chiến tranh hiện nay, có một số cộng đoàn Chính thống Nga ở Ukraine chuyển sang Giáo hội Chính thống địa phương và hiện có khoảng 70% tín hữu Chính thống tại Ukraine thuộc Giáo hội địa phương.

Hôm 28 tháng Ba vừa qua, Quốc hội Ukraine nhận được hai dự luật cấm các hoạt động của Giáo hội Chính thống thuộc quyền Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa hoạt động trên lãnh thổ Ukraine với lý do Giáo hội này trung thành với Tổng thống Vladimir Putin và do đó có hại cho đất nước Ukraine, mặc dù trong những tuần lễ gần đây, Đức Tổng Giám Mục Onufry, thủ lãnh của Chính thống Nga tại Ukraine nhiều lần kêu gọi Tổng thống Putin chấm dứt chiến tranh tại Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius, Giáo chủ Chính thống Ukraine nói rằng: “Chúng ta biết Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga là đồng minh mật thiết của Tổng thống Putin, và vì thế Giáo hội Chính thống Nga tại Ukraine là thành trì cuối cùng hỗ trợ Putin tại nước này”.

Trong bối cảnh trên đây, hôm 29 tháng Ba vừa qua, ông Vladimir Legoida, Phát ngôn viên Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa nói rằng việc thông qua hai dự luật nói trên, trong thực tế là một sự tiêu diệt Giáo hội Chính thống Nga tại Ukraine và chắc chắn sẽ làm gia tăng cuộc khủng hoảng trong xã hội: “Một quyết định như thế của quốc hội Ukraine sẽ tạo nên “Một giai đoạn mới trong cuộc đụng độ và làm cho sự ly giáo trở nên trầm trọng hơn.” Ông cũng lặp lại một cáo buộc của Thượng Phụ Kirill rằng “cuộc ly giáo này do Tòa Thượng phụ Constantinople gây ra”.

Tuy nhiên, những người ủng hộ các dự luật cho rằng hai dự luật này chỉ phản ánh thực tế rằng các cộng đồng Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đang lũ lượt bỏ sang Chính Thống Giáo Ukraine vì thái độ của Thượng Phụ Kirill đối với cuộc xâm lược của Nga.

Cho đến gần đây, các tín hữu Chính thống giáo của Ukraine được chia thành Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và Giáo Hội Chính thống Ukraine với Tòa thượng phụ đặt ở Kiev.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius I của Kiev và Toàn Ukraine đã đưa ra thông báo vào ngày 26 tháng 3 rằng 28 cộng đồng bao gồm các giáo xứ và tu viện trong chín giáo phận trước đây trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã chính thức chuyển sang Giáo Hội Chính thống Ukraine độc lập kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Tưởng cũng nên nhắc lại, với hơn 500 chữ ký của đông đảo trí thức và nhà thần học, bao gồm cả một số Kitô hữu Chính thống giáo nổi tiếng của Nga, một tuyên bố được xuất bản bởi Trung tâm Nghiên cứu Kitô Chính thống tại Đại học Fordham ở New York đã tấn công quan điểm của Thượng Phụ Kirill kể từ đầu cuộc chiến.

Theo tuần báo La Vie của Pháp, Kirill bị cáo buộc “biện minh” cho cuộc xâm lược và những điều khủng khiếp đã gây ra ở Ukraine dưới danh nghĩa “dị giáo”, và khái niệm về một “thế giới Nga”. Điều này đang hợp nhất một tinh thần “dân tộc Nga” với chính trị của nước Nga, mang lại cho Tổng thống Putin những vũ khí để biện minh cho cuộc thập tự chinh của ông ta ở Ukraine.

“Cũng giống như Nga đã xâm lược Ukraine, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa của Thượng phụ Kirill đã xâm lược các Giáo Hội Chính thống”, các trí thức trách móc, phẫn nộ trước việc tạo ra sự chia rẽ và những nguy cơ to lớn đe dọa phần rỗi của các tín hữu.

Một trong những người ký tên, Sergei Chapnin, cựu phó tổng biên tập Tạp chí của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, cho rằng Thượng phụ Kirill đã “mất thẩm quyền” và gây ra sự chia rẽ trong Chính thống giáo Nga giữa một Giáo hội chính thức “sẵn sàng quên đi Phúc âm. và biện minh cho tội ác chiến tranh và một Giáo hội tìm cách sống theo các điều răn của Chúa Kitô, trước khi ông kết luận rằng “Hai Giáo hội này không thể tiếp tục tồn tại dưới cùng một mái nhà”.

Hơn thế nữa, trong một diễn biến hết sức kinh khủng đối với nhiều người, tại nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế tại Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill đã trao cho lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga là tướng Viktor Zolotov một bức ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba để xin Đức Mẹ phù hộ cho quân Nga mau thắng trận. Cử chỉ này của Thượng Phụ Kirill là một cử chỉ quá sức báng bổ. Làm sao Đức Mẹ lại có thể phù hộ cho những kẻ xâm lược giết hại thường dân vô tội như thế.

Đáp lại, tướng Viktor Zolotov nói:

“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”

Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus lắc đầu chán nản nói: “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo Nga “chúc lành”.

2. Giáo hoàng Học viện Đông phương giúp 85.000 Euro cho Ukraine.

Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Roma đã quyên góp được 95.000 Mỹ kim, khoảng 85.000 Euro và bốn kiện thuốc men, quần áo và lương thực để gửi giúp người tị nạn chiến tranh đang ở Ukraine và các nước láng giềng.

Học viện này chuyên đào tạo các sinh viên về các Giáo hội, truyền thống, giáo luật và linh đạo Đông phương. Hôm 30 tháng Ba vừa qua, cha David Nazar, dòng Tên, người Canada gốc Ukraine, Giám đốc Học viện, cho biết những phẩm vật cứu trợ này là niềm “tin, cậy, mến, biểu lộ hy vọng và nâng đỡ tất cả chúng ta trên con đường hòa bình và Công lý.

Hôm 30 tháng Ba vừa qua, Giáo hoàng Học viện Đông phương đã tổ chức một cuộc trao đổi trực tuyến về tình trạng tại Ukraine. Trong số các tham dự viên, có Đức Hồng Y Michael Czerny, dòng Tên, Quyền Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện, người Canada gốc Tiệp, là vị đã hai lần được Đức Thánh Cha ủy thác nhiệm vụ sang Ukraine và các nước láng giềng để viếng thăm và ủy lại những người tị nạn chiến tranh từ Ukraine.

Đức Hồng Y nhắc lại rằng nơi những người tị nạn ấy cần luôn nhìn thấy Chúa Kitô: “Khi chúng ta đối xử với họ như những anh chị em, chắc chắn chúng ta sẽ thấy rằng tất cả chúng ta là anh chị em con cùng một Cha trên trời, là con cái người Mẹ Thánh của chúng ta. Điều đó có vẻ là dĩ nhiên, nhưng chúng ta không phải chỉ nói điều đó mà thôi, nhưng còn phải quyết tâm đối xử với nhau như anh chị em”. Đức Hồng Y Czerny không quên ca ngợi tình liên đới sâu đậm liên kết mọi người với nhau”.

3. Ukraine mạnh mẽ vì quốc gia này tiêu biểu cho sự thật.

Ukraine đang bảo vệ sự thật. Đấu tranh cho sự thật, đấu tranh cho chân lý rằng mạng sống của con người có phẩm giá của nó, nó là vô giá và không thể nao chấp nhận được tội ác tiêu diệt con người hoặc biến con người thành công cụ, thành con tin trong chính trường của bọn tội phạm chính trị. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu hàng ngày của mình vào ngày thứ 35 của cuộc chiến đẫm máu do Liên bang Nga gây ra.

Ngài lưu ý rằng kẻ thù đang tàn phá tàn nhẫn các thành phố và làng mạc của chúng tôi, bắn giết dân thường, phá hủy cả các di sản văn hóa và tinh thần của người dân Ukraine. Đức Tổng Giám Mục nói: “Bây giờ chúng ta bắt đầu thấy những hậu quả xa hơn của cuộc chiến này. Chiến tranh luôn mang đến sự hủy diệt. Toàn bộ thành phố và làng mạc đã biến thành các thị trấn ma. Nơi từng có đời sống công cộng về tinh thần và trí tuệ hưng thịnh, ngày nay chỉ có lửa và bom”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng chiến tranh luôn mang lại đói khổ, bần cùng cho con người. Chúng ta phải sẵn sàng để khắc phục tất cả những hậu quả này.

Liên Hợp Quốc báo cáo rằng bốn triệu người tị nạn đã rời khỏi Ukraine. Khoảng sáu triệu người đã rời khỏi các thị trấn và làng mạc của họ, một nửa trong số đó là trẻ em. Ukraine đã mất một nửa nền kinh tế.

“Nó có nghĩa là tháng tới có lẽ sẽ là một trong những tháng khó khăn nhất. Nhưng Ukraine đang đứng vững. Ukraine đang gặp khó khăn. Nhưng, Ukraine đang chiến thắng và gây bất ngờ cho thế giới”

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tuyên bố rằng Ukraine đứng vững vì quốc gia này bảo vệ sự thật và cuộc chiến này nhắc nhở chúng ta ngày càng nhiều hơn về quy luật đấu tranh tâm linh mà mọi Kitô hữu phải chống lại ma quỷ, cái ác và những tay sai của hắn.

“Hôm nay tôi muốn nhắc lại một quy luật khác của cuộc đấu tranh tinh thần này. Cái ác luôn ẩn mình trong bóng tối. Nếu ma quỷ và những việc làm xấu xa được đưa ra ánh sáng, nếu chúng bị vạch trần, thì ngay lập tức ma quỷ mất đi sức mạnh. Nó bị tiêu diệt trong ánh sáng. Vì vậy, nếu chúng ta phủ nhận hoặc che giấu tội lỗi, khuyết điểm của mình, chúng trở nên mạnh mẽ hơn, chúng thống trị chúng ta. Nhưng khi chúng ta đưa những tội lỗi ấy ra ánh sáng, đi xưng tội, nói thật về họ với chính mình, và mở lòng với một linh mục, thì giống như thể chúng ta đưa ma quỷ ra ánh sáng và lấy đi quyền năng của nó”.

Suy ngẫm về quy luật đấu tranh tâm linh, về việc phải vạch mặt, vạch trần cái ác, Đức Tổng Giám Mục đặc biệt cảm ơn các cơ quan truyền thông, tất cả các nhà báo đã và đang nói lên sự thật về nỗi đau, nỗi khổ của Ukraine với cuộc sống của họ.


Source:UGCC