1. Moldova triệu tập đại sứ Nga sau khi Nga công bố mục tiêu tiến vào lãnh thổ Moldova

Bộ Ngoại giao và Hội nhập Âu Châu Moldova đã triệu tập đại sứ Nga tại Moldova, sau khi Nga tuyên bố hôm thứ Sáu rằng quân đội của họ đang nhắm mục tiêu kiểm soát miền nam Ukraine và tiếp cận Moldova.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại Giao Moldova cho biết họ “đã ghi nhận những tuyên bố của đại diện Bộ Quốc phòng Nga” và “bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tuyên bố của quan chức Nga”.

Trước đó vào hôm thứ Sáu, truyền thông nhà nước Nga cho biết quân đội Nga đang hướng tới việc thiết lập “toàn quyền kiểm soát” đối với miền nam Ukraine trong giai đoạn thứ hai của cuộc xâm lược Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời quyền Tư lệnh Quân khu Trung tâm của Nga, Thiếu tướng Rustam Minnekaev, cho biết mục đích là tạo ra một hành lang trên bộ giữa khu vực Donbas phía đông Ukraine và Crimea. Ông nói thêm rằng quyền kiểm soát đối với miền nam của Ukraine sẽ cho phép các lực lượng Nga tiếp cận Transnistria, một khu vực ly khai ở Moldova, nơi một đội quân Nga đã đóng quân từ đầu những năm 1990.

“Kể từ khi bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch đặc biệt, bắt đầu cách đây hai ngày, một trong những nhiệm vụ của quân đội Nga là thiết lập toàn quyền kiểm soát Donbas và miền nam Ukraine, điều này sẽ cung cấp một hành lang trên bộ cho Crimea,” Minnekaev cho biết theo báo cáo của TASS.

Phản ứng của Moldova: Bộ Ngoại giao Moldova cho biết những tuyên bố của tướng Nga là “vô căn cứ và mâu thuẫn với quan điểm của Liên bang Nga ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Moldova, trong các biên giới được quốc tế công nhận”.

Bộ Ngoại Giao nói thêm rằng trong cuộc gặp với đại sứ Nga, các quan chức Moldova đã nhắc lại rằng Moldova là một “quốc gia trung lập và nguyên tắc này phải được tôn trọng bởi tất cả các bên quốc tế, bao gồm cả Liên bang Nga.”


Source:CNN

2. Tổng thống Zelenskiy nói Mạc Tư Khoa 'cũng muốn đánh chiếm các nước khác'

Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời quyền Tư lệnh Quân khu Trung tâm của Nga, Thiếu tướng Rustam Minnekaev, cho biết mục đích là tạo ra một hành lang trên bộ giữa khu vực Donbas phía đông Ukraine và Crimea. Ông nói thêm rằng quyền kiểm soát đối với miền nam của Ukraine sẽ cho phép các lực lượng Nga tiếp cận Transnistria, một khu vực ly khai ở Moldova, nơi một đội quân Nga đã đóng quân từ đầu những năm 1990.

Trước diễn biến này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảnh báo trong bài phát biểu hàng đêm mới nhất rằng Mạc Tư Khoa 'cũng muốn đánh chiếm các nước khác'.

Diễn biến này chỉ khẳng định những gì tôi đã nói nhiều lần: cuộc xâm lược Ukraine của Nga chỉ là khởi đầu, sau đó họ muốn đánh chiếm các nước khác

Rustam Minnekayev, quyền chỉ huy quân khu trung tâm, cho biết hôm thứ Sáu rằng mục tiêu mới của Nga là giành quyền kiểm soát miền nam Ukraine, cho phép nước này tiếp cận Transnistria, một khu vực ly khai thân Nga của Moldova.

Tại Moldova, Zelenskiy lưu ý, Nga đã tuyên bố rằng quyền của những người nói tiếng Nga đã bị vi phạm.

Mặc dù, thành thật mà nói, lãnh thổ mà Nga nên chăm sóc các quyền của những người nói tiếng Nga là chính nước Nga. Nơi không có tự do ngôn luận, không có tự do lựa chọn. Nơi đơn giản là không có quyền bất đồng chính kiến. Nga chính là nơi nghèo đói phát triển và cuộc sống của con người là vô giá trị, đến mức thanh niên bị đuổi đến đây gây chiến để cướp đi những điều bình dị nhất, trong cuộc sống bình thường.

Bạn biết đấy, họ từng nói về ước mơ lớn nhất của họ: được nhìn thấy Paris và chết. Và hành vi của họ bây giờ chỉ là gây sốc. Bởi vì ước mơ của họ bây giờ là trộm mọi thứ, kể cả những thứ trong nhà vệ sinh và chết.

Zelenskiy cũng cho biết ông “biết ơn” Anh quốc sau khi thủ tướng Boris Johnson tuyên bố mở lại đại sứ quán Vương quốc Anh tại Kyiv.

Tôi biết ơn những người bạn Anh của chúng ta về quyết định mang tính biểu tượng quan trọng được công bố hôm nay là mở lại đại sứ quán tại Kyiv. Vương quốc Anh trở thành quốc gia thứ 21 đặt phái đoàn ngoại giao trở lại thủ đô của chúng ta. Và điều này cho thấy rằng chúng ta không phải là những người duy nhất tin vào chiến thắng của sự sống trước cái chết.


Source:The Guadian

3. Trong những tháng đầu năm 2022, 127 đợt bạo lực chống lại các tín hữu Kitô ở Ấn Độ

Ít nhất 127 đợt bạo lực đối với các tín hữu Kitô ở Ấn Độ đã được ghi lại trong 103 ngày đầu năm 2022: điều này được nêu trong một báo cáo do Diễn đàn Kitô thống nhất, gọi tắt là UCF, một tổ chức đại kết có trụ sở tại New Delhi, công bố. Trong văn bản được gửi tới Fides, và được công bố vào Thứ Sáu Tuần Thánh, cơ quan giám sát bạo lực đối với các tín hữu Kitô giải thích rằng các vụ việc đã được báo cáo bằng “Số điện thoại miễn phí” đặc biệt. Đó là một đường dây điện thoại được cung cấp cho công chúng.

“Hôm nay, ngày 15 tháng 4, hơn hai ngàn năm trước Chúa Giêsu bị bắt bớ và đóng đinh vào ngày này. Những người theo Chúa Giêsu vẫn bị đàn áp ở một số nơi trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ, nơi các nhóm người gieo rắc lòng căm thù chống lại các nhóm thiểu số vì lợi ích chính trị của họ”. UCF nhấn mạnh trong một ghi chú gửi cho Fides.

Anh Michael, điều phối viên của UCF nói: “Cuộc đàn áp Kitô Hữu ở Ấn Độ đang leo thang, dẫn đến bạo lực có hệ thống và được dàn dựng cẩn thận. Các phương tiện truyền thông xã hội cũng được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch và kích động lòng thù hận”, Michael nói, và nhắc nhớ rằng 502 đợt bạo lực chống Kitô giáo đã được báo cáo vào năm 2021.

Theo báo cáo được gửi cho Fides, 40 vụ việc đã xảy ra vào tháng Giêng năm 2022, 35 vụ vào tháng 2, 34 vụ vào tháng 3, những vụ khác vào tháng 4 và đây chỉ là những vụ được báo cáo. 89 mục sư hoặc linh mục quản xứ đã bị đánh đập và bị đe dọa trả thù nếu họ tiếp tục hướng dẫn các buổi cầu nguyện và phụng vụ. Có tới 68 nhà thờ bị tấn công, 367 phụ nữ và 366 trẻ em bị thương. Trong số 127 vụ xảy ra, 82 vụ là bạo lực hàng loạt do một đám đông dân quân thực hiện.

Sau các trường hợp bạo lực, 42 trường hợp đang chờ xử lý tại các tòa án khác nhau, tranh chấp tính hợp lệ của cái gọi là “Đạo luật Tự do Tôn giáo”, một điều luật hiện có ở các bang khác nhau của Ấn Độ, được sử dụng để buộc tội sai trái các nhà truyền giáo và mục sư vào tội danh thực hiện “cưỡng bức cải đạo “.

Các cuộc điều tra dân số được thực hiện ở Ấn Độ trong những năm gần đây cho thấy rằng dân số theo đạo Thiên chúa vẫn không thay đổi. Theo số liệu điều tra dân số năm 2011 – là cuộc điều tra chính thức mới nhất - 79,8% trong số 1,38 tỷ dân của Ấn Độ là người theo Ấn Giáo, 14,2% theo đạo Hồi và 2,3% theo Kitô Giáo.


Source:Fides