Bài Tin Mừng Luca 8:11-15: Giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống

11“Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

Trích Tin Mừng Luca trực tuyến, bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ



Chú thích

Hạt giống là lời Thiên Chúa. Luca đồng nhất hóa hạt giống với lời Thiên Chúa, một cách mạnh mẽ hơn Máccô: “Người gieo giống đây là người gieo lời” (4:14). Về “lời Thiên Chúa” xin xem chú thích trong bài Học hỏi Tin mừng Luca: ngày 6/2/2022 (https://vietcatholic.net/News/Html/274093.htm).

Qủy. Luca dùng chữ “qủy” (diabolos) thay cho chữ satanas của Máccô. Satanas là tên người Do Thái dùng để gọi tên “đối thù, kẻ tố cáo, công tố viên”. Trong Cựu Ước, hắn có mặt tại toà thiên đình (Gióp 2:1, Dacaria 3:1-2). Trong khi diabolos, trong tiếng Hy Lạp, thường được dùng để chỉ “tên nói hành”. Cha Fitzmyer cho rằng ở đây Luca muốn nhấn mạnh quyền lực của nó đối với trái tim con người.

Kẻo họ tin mà được cứu độ. Đây là câu Luca thêm vào, trong khi Máccô chỉ nói rằng Satan “cất lời đã gieo”. Nên để ý đến tính song hành của “tin” và “cứu độ”, rất thích hợp với việc nhấn mạnh tới “lời Chúa”. “Tin” sẽ được lặp lại tại câu 13.

Họ tin nhất thời. Luca lại thêm chữ “tin” một lần nữa, nhưng ngài thay tĩnh từ kép proskairos, “nông nổi nhất thời” của Máccô bằng một câu giới từ pros kairon (nhất thời).

Khi gặp thử thách. Luca cố tình thay thế chữ “gian nan” và “ngược đãi” trong Máccô bằng chử “thử thách” (peirasmos) thường có nghĩa là “cám dỗ”, nhưng thực sự có ý chỉ từ bỏ lối sống Kitô giáo khi tính trung kiên được đòi hỏi.

Họ bỏ cuộc. Luca dùng cụm từ “bỏ cuộc” thay thế cho cụm từ “vấp ngã” là động từ nhẹ nhàng hơn, cho thấy Luca tỏ ra ít khoan nhượng đối với những người chỉ gắn bó với một chính nghĩa nào đó bao lâu nó thích hợp với các sở thích của họ.

Những kẻ nghe. Đối với Luca, phản ứng đối với đức tin bắt đầu bằng “nghe” nhưng căn cứ vào nhóm người này và việc mô tả nhóm người tiếp theo, ta thấy đức tin liên hệ đến nhiều điều hơn thế nữa.

Nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp. Luca giữ việc Máccô nhắc đến 3 điều làm phân tâm khiến ta lãng quên cam kết nhưng ngài thay đổi lời văn đôi chút (Maccô: “nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác”).

Với tấm lòng cao thượng và quảng đại. Luca dùng chữ “tấm lòng” nhắc lại chữ “lòng” trong câu 12. Đây là một từ ngữ của Cựu Ước dùng để chỉ nơi phát xuất phản ứng của con người đối với Thiên Chúa và ơn soi dẫn của Người.

Nhận định

Cha Fitzmyer nhận định rằng khi đồng nhất hóa hạt giống với “Lời Thiên Chúa”, Luca đã giữ lại các chi tiết trong giải thích của Máccô (4:13-20), các chi tiết đã không giải thích thêm về hạt giống, nhưng Luca đã đột ngột chuyển sang việc giải thích 4 loại đất trên đó hạt giống được gieo vãi. Từ câu 8:11b, Luca chuyển sang câu 8:12 một cách khá đột ngột, vì “Những kẻ” ở câu 8:12 không là tiếp nối tự nhiên của “hạt giống” ở câu 8:11b. Lý do là vì Luca bỏ câu Mc 4:13 vì nó vừa khó hiểu vừa tỏ ra coi thường các môn đệ, nhưng đã lấy lại câu Mc 4:15.

Cha cũng cho rằng lời giải thích trong Luca khai thác một số chi tiết có tính thứ cấp nơi Máccô. Chữ “lời” tuyệt đối trong Máccô trở thành “Lời Thiên Chúa” trong Luca và lời giải thích của Luca tập chú không hẳn vào số phận hạt giống cho bằng vào các loại đất trên đó hạt giống được gieo vãi. Những loại đất này được đồng nhất hóa với những người nghe khác nhau đáp lại lời Chúa:

a) Những người không có đức tin cứu rỗi. Luca đã dẫn nhập vào lối giải thích của mình các ý niệm riêng của mình về đức tin và ơn cứu rỗi. Nếu “lời Thiên Chúa” là lời cứu rỗi, thì người ta phải đáp ứng bằng đức tin; nhưng cơ hội để làm như thế đã bị lấy mất khỏi nhóm thứ nhất này bởi sự ác hóa thân, bởi ảnh hưởng của bất cứ những gì chống lại chính lời cứu rỗi này;

b) Những người vấp ngã lúc gặp thử thách. Nhóm thứ hai này quả có đáp ứng lời Chúa bằng đức tin, nhưng không được bao lâu. Họ không trung kiên trong khó khăn, nghịch cảnh và đã vội buông bỏ. Việc đào ngũ của nhóm thứ hai này được ngụ ý là không hơn gì đáp ứng của nhóm thứ nhất;

c) Những người lắng nghe lời Chúa nhưng không thực sự đạt tới sự chín mùi trong lối sống Kitô giáo. Nhóm này bắt đầu với việc lắng nghe lời Chúa, nhưng rồi bị phân tâm bởi các quan tâm lo lắng thế gian nên đã không đem việc lắng nghe tới chỗ sinh hoa trái;

d) Những người lắng nghe lời Chúa với sự cởi mở của tâm trí và đã chín mùi đạt tới sự sống Kitô giáo viên mãn. Lời Chúa lôi kéo từ họ phản ứng nhân bản tốt đẹp nhất, một thái độ cao qúy, đại lượng, và hoa trái chín mùi. Họ có hai đặc điểm: giữ lời Thiên Chúa và kiên trì sinh hoa trái từ nó nơi chính họ. Vui vẻ nghe lời Thiên Chúa mà thôi không đủ, nhiều điều hơn thế đòi hỏi nơi Kitô hữu trưởng thành.

Hình thức giải thích của Luca nhấn mạnh tới đức tin và kiên trung nhiều hơn Máccô. Và mặc dù lối giải thích này không nhắc chi tới thành công chắc chắn của mùa gặt cánh chung (sinh gấp trăm như Mc 4:20), nhưng ta không nên đọc nó với tâm thức ấy vì dù sao, nó vẫn bảo đảm “sẽ sinh hoa kết quả”.

Cha Fitzmyer cũng cho rằng với việc nhấn mạnh tới “đức tin”, “thử thách”, “kiên trì” tuy là của nhóm nhưng vẫn chưa nói chi tới Giáo Hội, điều mà Luca sẽ triệt để khai triển trong Tông Đồ Công Vụ.

Trong giải thích của ngài, Thánh Cyril thành Alexandria cho rằng nhóm thứ nhất là những người tâm trí cứng cỏi không chịu tiếp thu hạt giống lời Chúa: “lời bảo khuyên thánh thiêng và thần linh không vào được trong họ, họ cũng không chấp nhận các lời lẽ có thể phát sinh trong họ sự kính sợ Thiên Chúa và nhờ thế họ có thể sinh hoa trái là các nhân đức. Họ đã làm cho họ trở thành ‘vệ đường’ khô cứng cho ma qủy dơ bẩn dẵm đạp lên đến không bao giờ còn sản sinh hoa trái”. Ngài khuyên họ “hãy mở cửa tâm trí anh em, tiếp nhận hạt giống thánh thiêng... hãy canh chừng tâm trí anh em, đóng kín cửa ra vào đối với kẻ trộm, xua đuổi khỏi lòng anh em bầy lũ chim chóc...”

Nhóm thứ hai là những người “đức tin không được chứng minh, chỉ dựa vào ngôn từ mà thôi, không áp dụng tâm trí vào việc khảo sát mầu nhiệm: lòng đạo này thiếu nhựa sống, không rễ. Vì khi họ bước vào nhà thờ, họ cảm thấy vui khoái khi thấy nhiều người tụ tập, và vui vẻ nghe giáo huấn của các vị giảng thuyết, thậm chí còn ca ngợi các vị, nhưng họ làm tất cả những điều này một cách hững hờ không nhận định, phán đoán, thành thử khi ra khỏi nhà thờ, họ liền quên giáo lý thánh thiêng, và lại lao vào các việc làm ăn bình thường, không lưu giữ được gì cho lợi ích tương lai”. Những người này, dù ở thời không bị bách hại, cũng chỉ có một niềm tin lẫn lộn thất thường. Còn trong thời bị bách hại, kẻ thù chân lý tấn Công Giáo Hội của Chúa Cứu Thế, lòng họ đâu có tha thiết chi đến chiến đấu, sẵn sàng cởi bỏ áo giáp để chạy trốn. Thánh Cyril gọi họ là những kẻ sợ sệt và yếu đuối. Tại sao lại trốn chạy khỏi vinh quang, tại sao lại trốn chạy khỏi tranh chấp mình đã được huấn luyện để chiến đấu.

Với những kẻ sợ sệt này, Thánh Cyril mang hình ảnh người chiến binh để khích lệ họ: người chiến binh này được coi là dũng cảm không phải là người thời bình mỉm cười với súng ống đầy mình mà là người, thời chiến, can đảm ra chiến trường chống lại kẻ thù hung hãn. Và ngài trích lời tiên tri Giêrêmia “Hãy cầm lấy vũ khí và khiên mộc”. Còn Thánh Phaolô thì nói với ta: Thiên Chúa không thử thách ta quá sức ta.

Nhóm thứ ba gồm những người, có vẻ như đất tốt, nhờ thế khi lời Chúa được tiếp nhận trong linh hồn họ, có thể nói nó đã mọc lên, và bắt đầu có thể nhìn thấy được, nhưng sau đó bị bóp nghẹt bởi sự quan tâm thế gian, khiến nó thui chột và chết yểu. Thánh nhân khuyên họ noi gương người nông dân rành nghề: kiên tâm thu giọn gai góc, nhổ tận rễ các gai góc này... Nếu không, họ mất một lúc hai điều: hạt giống và công phu của mình.

Ngài khuyên ta trước nhất “gạt bỏ khỏi tâm trí các quan tâm thế gian, và sự lo lắng vô ích khiến chúng ta tìm cách trở nên giàu có. ‘Vì chúng ta đâu có mang gì vào thế gian, cũng đâu có mang được chi ra khỏi nó’”. Vả lại, theo thánh nhân, việc tìm kiếm giầu có chỉ đem lại những hậu quả tai hại: những bữa tiệc trác táng, những khoái cảm của những kẻ ham ăn, và những nước chấm được chuẩn bị cẩn thận; âm nhạc, và sự say xỉn, và cạm bẫy của thói trăng hoa; thú vui và nhục dục, và lòng kiêu hãnh căm thù Thiên Chúa. Tất cả sẽ làm thui chột lời Chúa trong ta.

Nhóm thứ tư ví như đất đai phong phú, có năng xuất cao sinh hoa trái gấp trăm lần. Khi lời Thiên Chúa được gieo vào loại đất này, tức các tâm trí trong sạch và biết loại trừ khỏi mình mọi điều gây hại, nó sẽ bén rễ thật sâu, và vọt mọc lên như nhánh lúa, thân cứng cáp, trổ bông, thành cây lúa hoàn hảo.

Về nhóm người thứ ba đầy gai góc, có tác giả (xem https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_8_4-15/) nhận định rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn phúc tuyệt diệu để chúng ta vui hưởng ở trên đời: đồ ăn thức uống ngon miệng, những khung cảnh tươi đẹp để chiêm ngưỡng, những nơi kỳ diệu để đến thăm... Những điều này không hề là tội lỗi. Thiên Chúa dựng nên chúng và ban chúng cho ta hưởng dùng. Nhưng khi chúng chiếm lĩnh đời sống ta, và thay thế vị trí của Thiên Chúa trong đời ta, chúng trở thành gai góc làm hạt giống lời Chúa chết ngộp.

Tác giả trên cho rằng đại đa số các Kitô hữu ngày nay thuộc loại gai góc này. Họ dành cho Thiên Chúa rất ít thì giờ, mọi thì giờ của họ được dành cho kỳ nghỉ, giải trí, thăm thú đó đây, đến nỗi mỗi tuần một giờ đến Nhà thờ thân thưa với Thiên Chúa họ cũng không làm được!