Lể Hội Dâng Hoa

Quanh năm người Công Giáo có các lễ hội, mùa nào lễ hội ấy, như mùa Vọng, Giáng Sinh, mùa Chay, Tuần Thánh, Phục Sinh, Chầu Lượt. Ngày xưa bối cảnh thôn làng, nên lịch phụng vụ gắn liền lịch đồng áng, nương nhau mà vận hành. Cứ tới tháng 5, người giáo dân nôn nao hái hoa tươi ‘Dâng Hoa Đức Bà’, biểu lộ đức tin Công Giáo. Câu ca sau là chu kỳ việc đạo tại thôn làng.
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Tháng Hai ngắm đứng, tháng Ba ra mùa
Tháng Tư, tập trống rước hoa

Ở đây xin nói đến Lễ Hội Dâng Hoa (LHDH) diễn ra rộn ràng trong suốt tháng 5 tại các nhà thờ VN.
Dậy “con hoa” những bài Vãn Dâng Hoa (VDH) là do một bà thành thạo thuộc lòng lời và bộ điệu từ bái đầu đến nhịp bước. Xưa, gõ nhịp bằng trống khẩu cầm chầu chứ không có đàn. Hoa chỉ là hoa dại mọc bên đường, đâu có tiệm bông như bên này. Xứ nào cũng có một liếp trồng huệ hay thược để cắm bàn thờ vào chúa nhật hay lễ lớn.
Đọc lại trang sử gần đây sẽ biết rõ nội dung VDH
Chưa tìm ra lai lịch rõ lịch sử VDH, nhưng xin ghi ‘Lòng đạo đức bình dân, cổ truyền’ của giáo dân VN tại các xứ đạo. Một dân tộc nặng lòng mẹ-con, yêu thi ca.

Trong Tháng 5 tây, quen gọi là ‘Tháng Hoa Đức Bà’ thì trong các họ nhà xứ và trong nhiều họ lẻ, tối nào bổn đạo cũng đến nhà thờ mà đâng hoa kính Đức Bà. Lại các tối thứ bảy và trước ngày lễ trọng trong tháng ấy thì rước hoa cùng kiệu tượng ảnh Đức Bà. Trong những làng to, thường có tượng Đức Bà, một tuần lễ 2 lần. Song những họ nhỏ, có khi đến tối dâng hoa đổi lượt, một tối có, một tối không. (Sách Sử Địa Phận Trung Phú Nhai đường, 1916, tr. 223)

“Dân Việt vốn ưa ca hát. Tiếng Việt vốn có nhạc tính phong phú, ngay trong những lời kinh nguyện Nhật tụng cũng là những cung điệu trầm bổng, nhịp nhàng. Cao hơn một bậc nữa là những cung ngân nga khi đọc các sách Thánh. Những điệu bi ai mùa thương khó, những bài ve vãn dâng Đức Bà. Tất cả đều thấm nhuần hồn nhạc, lời thơ cổ truyền dân tộc và sống động đức tin. Sốt sắng và đặc sắc hơn hết là những bài Vãn Dâng Hoa, tổng hợp được ba nghệ thuật : thi, vũ, nhạc trong niềm kính mến Đức Mẹ”. (Võ Long Tê, Lịch sử văn học CG VN, Saigon, 1965, tr. 195)

Theo Tiến Dũng, trong tài liệu (in roneo) viết: “Những bài ca tôn giáo cổ, có loại VDH và vài ba bài vãn sinh nhật. Các bài này có đủ tính cách nghệ thuật, lời từ đều là thơ, thơ song thất lục bát, lục bát…Về phương diện âm nhạc, một vài bài vãn có hình thức hay cách xếp đặt như những bản nhạc cổ điển Âu châu. Thí dụ bài văn tứ cành chia làm 3 phần:
a) Giáo đầu như exposition, ouverture
b) Chính phần dâng hoa, còn chia làm 4 cành. Tương đương với 4 mùa hoa nở, mỗi cành còn có cảnh tiến hoa, dâng hoa và than.
c) Sau 4 cành có đoạn tổng kết gọi là Tạ như Finale. (Nguyễn Khắc Xuyên. Tiến trình Thánh nhạc VN, 1991, t.39)

Trong bài ‘Vãn Hoa Dâng Kính Mẹ (gxdaminh.net) bố cục như sau:
- Khai Hoa: 33 câu: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ và chư Thánh
- Ngũ bái : 25 câu: Dâng hoa : 18 câu
+năm sắc Hoa : 22 câu: Hoa 5 sắc (đỏ, trắng, vàng, tím, xanh).
Bảy Loại Hoa:14 câu (Qùy, Sen, Lê, Cúc, Mai, Lan và Mẫu Đơn
+ Diễn ý hoa đã dâng:18 câu

Xin trích dẫn đôi ba câu VDH minh chứng cho các nhận xét trên.
-Đền vàng qùy trước dâng hoa
Trông lên tháp báu thấy tòa Ba Ngôi
Mười hai nhân đức gương soi
Kính thân Đức Mẹ đời đời ngửa trông
(Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương (NHTKC) c. 29-32)

- Đức Bà thờ Chúa một bề
Hoa qùy chăm chắm hướng về thái dương
Tội nguyên không nhiễm, khác thường
Hoa xen trên nước chẳng vương bùn lầm
Lòng đầy thánh sủng giáng lâm
Hoa lê tuyết đượm mùi thơm khác vời
Tuổi cao phúc đức càng dầy
Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu
(VDH, NHTKC. 65-72)

- Con cúi đầu
Tấu lạy Mẹ
Con là kẻ con cháu E-và
Chốn khách đày hầu khỏi sa đắm sa…
Trông Bà vạn sự sa-ga
Là Mẹ thật nguoi ta
Xưa Chúa Lời
Sai con người
Xuống thế gian chuộc tội dân
Ngự trong lòng Thánh Mẫu thân đồng thân
(Lm Trần Lục. ‘Bài Vãn Dâng Hoa’
(Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Gíao VN. Tập Miền thơ huấn ca. Saigon, 2009, tr. 119)

Kiệu hoa liên xứ, thường hai xứ kế bên. Luân phiên làm chủ nhà lo kiệu có tượng Đức Mẹ di sau cùng. Đoàn rước kéo dài mấy cây số. Hết cả buổi chiều. Mỗi xứ làm nhiều kiệu hoa của các họ lẻ. Kết thúc bằng ‘Dâng Hoa’. Lúc về thường nhá nhem tối. Phải đốt đuốc. Vừa đi vừa nhắc nhau hay ôn lại VDH

Nhiều nhạc sỹ Công Giáo VN nổi tiếng đã sáng tác thánh ca, rập theo VDH
-Nguyễn khắc Xuyên có :‘Ca vịnh về Đức Mẹ’ (1940)
- Hải Linh : ‘Dâng Hoa’. (1939)
- ĐHY Trịnh văn Căn viết tập ‘Vãn Dâng Hoa’
- Hoài Đức: ‘Tiến Hoa Năm Sắc’
- Lm Phêrô Phạm Trạch Thiện: ‘Bước vào đền thánh’. ‘Trước lúc dâng’. ‘Vãn Rosa’
- Nhạc sỹ Duy Tân : “Dâng Hoa Năm Sắc” “Đây Tháng Hoa” (x. Báo GXVN số 353, Mai 2019, tr.5)
-Lm nhạc sỹ Nguyễn Sang, Gp. Mỹ Tho, sáng tác và xuất bản DVD các bài hát về Đức Mẹ, dùng làm ‘VDH’ phổ biến khắp nơi
- Nhạc sư Phạm Văn Huyến và nhạc sỹ Vũ Đình Ân (Hoa Kỳ, 2003) : Liên Ca Khúc Dâng Hoa Đức Bà: Gồm 7 phần:
1) Kính Chào Mẹ: Dâng Mẹ.
2) Tiến Hương: Nén Hương Đoàn Con Dâng
3) Tiến Nến : Bài Ca Dâng Mẹ
4) Tiến Chuỗi Mân Côi: Lời Kinh Mân Côi
5) Tiến Hoa: Tiến Hoa Năm Sắc
6) Thánh Vũ: Hương Hoa Dâng Mẹ
7) Kết Hoa: Maria Nữ Vương
Liên ca khúc này đã được trình diễn tại tu viện Đắc Lộ và xứ Tân Thành VN, năm 2003. Xin trích đoạn lời trong phần I: Kính chào Mẹ: Dâng Mẹ:

Mẹ ơi, nay doàn con tiến dâng hoa tươi xinh
Và lòng tôn kính yêu Mẹ luôn mãi trong suốt đời con
Thành tâm, con hiệp dâng tiến lên ngàn hoa tươi xinh
Trọn đời con sống như ngàn hoa tiếng hoa dâng Mẹ
… Xin dâng lên Mẹ tuổi hồng thơ bé
Xin dâng lên Mẹ tình yêu thanh xuân
Xin dâng lên Mẹ an vui tuổi già
Xin dâng lên Mẹ cả đời con
(josephhuyen@gmail.com)
Các nhà in, in và phổ biến các VDH:
- Nhà in Tân Định : ‘Vãn Dâng Hoa’
- Nhà in Nazareth Hồng Kông : ‘Đức Chúa Bà Tự Tích Vãn’
- Nhà in Qui Nhơn: ‘Hát Vãn Dâng Hoa’, 1929
- Đaminh Thiện Bản. Bùi Chu: In lại “VDH” (1963)
- Nhà Sách Phúc Hải, Phú Nhuận: In lại “VDH” (1960)
Hiện nay ‘Dâng Hoa’ được duy trì và mở rộng
Ngày nay khác xưa nhiều từ lời văn lẫn điệu múa, biến chất. Nhưng vẫn còn giữ được bản sắc dân tộc. Bản văn viết theo “lịch sử cộng đoàn” hay các bản thánh ca thâu bang video
Tại GXVN Paris : có phát hành 2 băng nhạc ‘Vãn Dâng Hoa’. Rất thô sơ (Tiến trình Thánh nhạc VN, 1991, t.39). Mới đây do Giới trẻ Alphata có 8 em ‘dâng hoa’ theo băng nhạc video. Công phu đáng khen.
Tại các giáo phận Miền Bắc, như Phát Diệm, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bìng, Hà Nội, Dòng MTG, Dòng Mân Côi. Tại các giáo phận tại miền Nam gốc Bắc, Như Long Xuyên, Xuân Lộc.Trong tháng 5 có nơi có tới 200 ‘con hoa’ y phục một màu ‘dâng hoa’, tuyệt đẹp. Kèm theo ‘Phường trống hỗn hợp nam-nữ’, trải dài và rộng trên sân thảm đỏ. Người xem thán phục tài tình lượn quanh rất lớp lang.

LHDH sinh động trong tháng Năm như khơi động từ chiều sâu đức tin, diễn tả trong chiều rộng, bát ngát thênh thang của mùa màng thời vụ. LHDH tập hợp muôn hình muôn vẻ.

Đức Bà thờ Chúa một bề
Hoa qùy chăm chắm hướng về thái dương
Tội nguyên không nhiễm khác thường
Hoa sen trên nước chẳng vương bùn lầm
Lòng đầy thánh sủng giáng lâm
Hoa lê tuyết đượm mùi thơm khác vời
Tuổi cao phúc đức càng dầy
Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu
Tòa cao thần thánh kinh chầu
Hoa mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa
Muôn loài cảm mến âu ca
Hoa đơn phú qúy gần xa xum vầy
Các ơn Chúa phó trong tay
Hoa lan vương giả hương bay ngạt ngào
(NHTKC 65-78)

Chỉ thị và hướng dẫn của Giáo Hội, duy trì nếp sống đạo bình dân dân tộc
Công đồng Vatican II xác định : ‘Các tín hữu hãy nhớ lòng tôn sùng chân thành không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ. Cũng không hệ tại sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin ấy dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.
(Hiến chế về Giáo Hội, số 67)
Bộ Phụng Tự Kỷ Luật Bí Tích, năm 2001, đề nghị giữ lại ‘Ngắm 15 Sự Thương Khó, kiệu bắt đóng đanh, tháo đanh, dâng hạt, táng xác, than mồ. Vì đó là lòng đạo đức dân gian vốn qúi của VN.

Lễ Hội Dâng Hoa và Văn Hóa Việt Nam
Trong dân gian, nhiều nét sinh hoạt phảng phất LHDH. Lời thơ câu hát thấm nhuần vẻ đẹp lòng sùng kính Đức Mẹ lúc nào không hay biết. Rõ ràng đạo vào đời, đâu bỡ ngỡ hay thực tế.
Màu hoa trải dài trên quê hương, xinh đẹp và đầy yêu thương. Ngôn ngữ thi ca âm nhạc từ cửa miêng, con tim toát ra. Chung lời nguyện dạt dào và chung lòng mến chân tình.
Nhớ một mùa hoa nơi quê hương

Tháng hoa về dạo gót
Trên đồng lúa chín vàng
Trong ánh nắng huy hòang
Mang theo bao nguồn sống
Tháng hoa về sống lại mùa xuân
…rực rỡ
…ước nguyện một lời thề
…ngào ngạt
…yêu mến Mẹ nhân lành
…thánh thót
Nước VN yêu mến Mẹ trăm bề
Già với trẻ tưng bừng trong nao nức
Dâng hoa hương đượm ướp mối tình quê
(Lm Đỗ Minh Lý, 1923-2003,
‘Dâng hoa trong vườn Kinh Thánh’. 1965)

VDH ảnh hưởng tới nhạc đời, biến bản nhạc pha lẫn đạo-đời. Nét nổi bật không ai hay. Bên cạnh VDH có giọng hát trữ tình. Như: Khúc hát dâng hoa, Hương hoa dâng Mẹ và Mùa Hoa về rồi. 3 bài của Mai Thiên Vân và Tiến Đạt
Mùa Hoa về rồi muôn hoa xinh con hái dâng Mẹ
Mùa Hoa về rồi, hương thơm bay trước nhan Mẹ
Hoa hồng rực rỡ bao ý thơ
Hoa vàng nhẹ rung dưới ánh trăng
Nghe hồn trào dâng chứa chan bao nhiêu ân tình
Ave Maria kính tiến muôn màu hoa
(Mùa Hoa về rồi)

- Loài hoa không vỡ của Phạm Mạnh Cương
Một loài hoa không vỡ
Đó là loài hoa nở trong vườn yêu
Một loài hoa sớm nở
Nhưng không chóng già, đời hoa vẫn mặn mà
(Loài hoa không vỡ)
- Bông hoa năm sắc của Diệu Hiền

Lời kết.

LHDH đã nhen nhúm trở thành trình diễn âm nhạc về y phục, diện mạo và điệu múa dân gian đẹp mắt. Mãi mãi là một phần di sản tinh hoa truyền thống Công Giáo đạo đức. VDH phát xuất từ lâu. Ông cha sớm vận dụng văn hóa nghệ thuật làm phương tiện ‘tải đạo’, dùng thi ca, âm nhạc, vũ đạo diễn tả đức tin. Lòng đạo ấy xuyên suốt bao thế kỷ vẫn tồn tại sinh hoa kết trái. Không thể nói là nông cạn tầm thường. Đó là ‘lòng đạo dân gian’ cần duy trì phát triển cho phong phú hơn. LHDH mãi mãi là một cung cách diễn tả lòng con thảo với Mẹ Maria hiền từ.
Đến với LHDH, bên cạnh và bên trên những nhu cầu tự nhiên, người ta còn tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, thiêng liêng nữa. Một tâm tình đạo hạnh, một va chạm thăng hoa bay bổng thông qua cảm xúc, thẩm mỹ. Lúc ấy, đức tin thấm đẫm vào lễ hội, thành hơi thở dạt dào trong máu thịt cộng đoàn. Từ chuyển dịch văn hóa đến tiếp biến văn hóa và phát triển văn hóa để phục vụ đức tin phải là công dụng lâu dài, bền bỉ và thánh thiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Khắc Xuyên. Tiến trình Thánh nhạc VN, Ziên Hồng. USA.1991.
- Lê Đình Bảng. Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Gíao VN. Tập Miền thơ trong kinh nguyện. Saigon, 2009
- Báo Giáo Xứ Việt Nam. số 353, Mai 2019