Thượng Hội Đồng “Hiệp Hành”

Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta tham gia Thượng Hội Đồng do Đức Thánh Cha Phanxicô mở ra với tên gọi mà Giáo Hội Việt nam dịch là Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành: – Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ. Nói đơn sơ dễ hiểu là toàn thể dân Chúa trong Hội Thánh bất phân chức vị hay phẩm trật, trên nền tảng Bí Tích Thánh Tẩy, cùng nhau lắng nghe, ngẫm xét căn tính và sứ mạng của mình để chỉnh sửa cách thế hiện hữu cũng như các hoạt động của mình cho đúng với ý Chúa Kitô, Người lập nên Hội Thánh.

Hội Thánh là gì và Chúa Kitô lập Hội Thánh để làm gì? Hội Thánh là đoàn Dân Thiên Chúa, là tập thể những người tin vào Chúa Kitô, được Chúa Kitô quy tụ để qua đó Người tiếp tục công trình cứu độ nhân loại cho đến tận thế. Như thế Hội Thánh không chỉ đón nhận và sống ơn cứu độ mà còn có bổn phận thông truyền ơn cứu độ cho nhân trần, đặc biệt qua ba chức vụ mà Chúa Kitô trao phó, đó là ngôn sứ, tư tế và vương giả.

1.Sống chức vụ ngôn sứ: Trước hết Hội Thánh là đoàn dân đón nhận, sống và loan truyền lời mạc khải. Lời mạc khải của Thiên Chúa được tỏ bày cho mọi người qua các kỳ công tay Chúa tác tạo, qua tiếng lương tâm, qua các biến cố lịch sử, nhất là lịch sử ơn cứu độ mà Thánh Kinh là một trong hai kho tàng lưu truyền lời chân lý này.

Ý lời của Đấng Tạo Thành qua vũ trụ vạn vật thì dường như dễ được đón nhận, dù rằng vẫn có đó nhiều “vũ trụ quan” dị biệt. Công Đồng Vaticanô II đã minh nhiên nhìn nhận giá trị của tiếng lương tâm nơi mỗi người để rồi vừa biết tôn trọng nhưng cũng vừa nỗ lực làm lành mạnh hóa lương tri con người khỏi những lầm lạc (x.GS số 16). Các biến cố của lịch sử, nhất là trong thời hiện đại chính là lời mạc khải của Thiên Chúa cho chúng ta. Lướt qua các biến cố lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến nay chúng ta có thể nhận ra hai bức tranh hiện thực mà Công Đồng đã minh định trong Hiến Chế Gaudium et Spes. Bức tranh thứ nhất đó là sức mạnh của tình liên đới và hiệu quả của nó. Và bức tranh đối nghịch đó là sự nguy hại của việc leo thang cũng như tập trung quyền lực và hậu quả tàn khốc nó gây ra mà chúng ta dễ dàng nhận ra qua nạn độc tài, độc quyền, các cuộc chiến tranh…

Ý lời của Thiên Chúa được lưu truyền trong Kinh Thánh là một nguồn mạc khải Kitô hữu chúng ta vốn xác tín. Để hiểu đúng chân lý Thánh Kinh trình bày thì Công đồng đã hướng dẫn cụ thể qua Hiến Chế Mạc Khải, cách đặc biệt ở số 12. Kitô hữu chúng ta, cách riêng các vi tư tế thừa tác có bổn phận loan truyền Lời Mạc khải khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Ma quỷ cám dỗ chúng ta xưa lẫn nay, đó là vẫn nói lời của Chúa nhưng chỉ theo cách thế chung chung, nói ở đâu cũng đúng và nói thời nào cũng chẳng sai, nhưng lại không nhằm cho ai cả. Thánh Công Đồng qua Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống các Linh mục nói rõ: “Các Linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm”…Phải trình bày Lời Chúa không phải cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.”(số 4). Lời Chúa vừa là lời tình yêu gieo rắc lòng thương xót của Thiên Chúa vừa là lời chân lý giải phóng nhân loại khỏi ách nô kệ thần dữ và những thế lực đen tối. Mong sao việc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 16-3-1998 công khai xin lỗi về việc Giáo hội thiếu sót nghĩa vụ ngôn sứ trong thời phát xít “Đức – Ý – Nhật” cảnh tỉnh chúng ta về bổn phận này.

2.Sống chức vụ tư tế: Thánh hóa chính mình và thánh hóa nhân trần bằng đời sống cầu nguyện cũng như các cử hành Phụng Vụ là điều Kitô hữu chúng ta luôn xác tín. Tuy nhiên cần cẩn trọng chước cám dỗ ma thuật hóa các bí tích cũng như hình thức hóa các cử hành Phụng vụ. Chúa Giêsu đã từng nhiều lần phê phán lối sống đạo vụ hình thức của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Dù là lối nói theo thể văn ngoa ngữ nhưng lời Chúa Giêsu dạy: “Khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại…”(x.Mt 6,5-6) khiến chúng ta phải cần phải xem xét lối sống đạo theo kiểu “luật chữ đỏ”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng cảnh tỉnh chúng ta về chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các tông đồ đó là “men biệt phái” (x.Lc 12,1-7).

“Khi cầu nguyện, anh em đừng nhiều lời như dân ngoại…” (Mt 6,7-15) Cần xác nhận rằng hình thức “đạo đức bình dân” có đó vai trò của nó trong đời sống đức tin. Tuy nhiên chúng ta cũng dễ sa chước cám dỗ hài lòng về số lượng kinh kệ cũng như các hình thức lễ hội, rước xách linh đình mà xao lảng tâm tình chính yếu của các hành vi đạo đức đó là đến với Cha trên trời trong tình con thảo để đến với tha nhân trong tình yêu liên đới huynh đệ qua các mối tương quan xã hội của đời sống thường nhật.

Một thực tiển cần phải khiêm nhu nhìn nhận đó là có tình trạng “tách biệt” giữa đời sống cầu nguyện, tham dự các cử hành Phụng vụ, cử hành hay lãnh nhận các bí tích với đời sống thường nhật, chuyện sinh kế, sản xuất hay kinh doanh buôn bán… Không chỉ tách biệt mà nhiều khi lại có sự đối nghịch giữa chúng. Nói nôm na là sinh hoạt đạo một đàng nhưng lại bon chen chuyện đời một nẽo. Với tín hữu giáo dân thì “lễ lạc, kinh kệ” vẫn giữ nhưng về với đời sống thường nhật, người ta sao thì tôi vậy, thế thôi. Với các đấng bậc hàng tư tế thì vẫn có đó nhiều trường hợp chỉ “lo việc đạo”, còn chuyện đời thì xem ra như “không phải là bổn phận của tôi”.

3.Chức năng vương giả: Về chức năng này, xin được chia sẻ theo hai tiêu chí đó là đối nội và đối ngoại.

-Về đối nội: Đã là tập thể thì chúng ta nhận ra sự cần thiết của vai trò, vị trí người lãnh đạo cũng như sự phân công phân nhiệm. Tuy nhiên chúng ta đừng quên lời dạy của Chúa Giêsu: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26-27). Các đấng bậc trong Hội thánh hầu chắc thuộc nằm lòng lời Chúa Giêsu dạy. Các vị còn minh nhiên khẳng định mình được sai đến nơi này nơi kia là để phục vụ, phục vụ chiên trong đàn lẫn ngoài đàn. Có Đức Giáo Hoàng thì tự nhận mình là tôi tớ của các tôi tớ. Thế mà vẫn đã có và đang còn đó tình trạng đáng tiếc là nạn “giáo sĩ trị” gây ra nhiều hậu quả đáng buồn và đáng trách. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem nạn giáo sĩ trị là một nguyên nhân lớn của nhiều tội ác. Chủ nghĩa giáo sĩ trị được mô tả qua các hình thái bắt đầu bằng hạn từ “độc”. Đó là độc tôn, độc quyền, độc đoán, độc tài. Có đấng trong hàng giáo sĩ đã thẳng thắn nhận định rằng giáo sĩ càng “độc” thì giáo dân càng khốn khổ.

Nhận diện tệ nạn "giáo sĩ trị" thì không quá khó, nhưng tìm ra nguyên nhân mới là vấn đề. Nguyên nhân có thể xếp thành hai loại: chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là về phía các linh mục, giám mục. Có thể là do thiếu trưởng thành nhân bản, thiếu lòng đạo và cũng có thể là thiếu "đức tin", thiếu sự cầu nguyện... Còn nguyên nhân khách quan thì chúng ta cần thú nhận rằng việc đào tạo linh mục hiện nay xem ra quá nặng về kiến thức mà xem nhẹ việc đào tạo nhân cách. Phải chăng cần điều chỉnh lại cái nhìn "tu đức" xưa vốn quá đề cao thiên chức linh mục cách thái quá. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một lần dâng lễ tấn phong giám mục ngày 17-10-2021, ngài đã nói rằng giám mục trước hết là một trách vụ hơn là một chức vị, là phục vụ hơn là cai trị.

Cũng cần điều chỉnh cung cách yêu mến, trọng kính của tín hữu đối với các đấng bậc tu trì. Xin đừng trách giáo dân vì họ được dạy rằng các đấng bậc, nhất là hàng giáo sĩ là những người được Chúa chọn. Khi Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng "không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy chọn anh em" là Chúa Giêsu hành động theo nhân tính. Vì chính Người đã phải thức trắng đêm để cầu nguyện với Cha trên trời. Kitô học cho chúng ta cái nhìn quân bình này. Ngay vị đứng đầu Giáo hội là Đức Giáo Hoàng mà Thiên Chúa lại chấp nhận cho con người (các Hồng Y cử tri) được quyền bầu chọn. Nạn độc quyền, độc tôn, độc đoán, độc tài xem ra bắt nguồn từ Giáo Luật khi quá tập trung quyền lực và quá kéo dài thời gian quyền lực lớn vào một số vai vị của hàng giáo sĩ. Đức Phanxicô gần đây đã mạnh dạn áp dụng việc tản quyền và ra hạn định thời gian nắm quyền ở một vài Bộ của Giáo triều là một nỗ lực canh tân theo tinh thần “Hiệp Hành”.

-Về đối ngoại: Cần thú nhận rằng trách vụ của Kitô hữu làm dậy men Tin Mừng môi trường thế trần trong tình hiệp thông và liên đới xem ra còn thiếu sót và có khi là đáng trách. Đọc những lời xin lỗi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (trên 100 lần công khai) thì chúng ta nhận ra hiện thực này. Có thể nói những lời xin lỗi này chủ yếu là do sự tắc trách của hàng giáo sĩ, cách riêng hàng giáo phẩm. Với tín hữu giáo dân thì có và còn đó tình trạng sống đạo vụ hình thức, giữ đạo cách vụ lợi, ích kỷ, nghĩa là giữ đạo cốt để cho mình được lên thiên đàng hay ít là khỏi phải sa hỏa ngục. Vì thế có hiện tượng đạo đời tách biệt. Nếu có chút gì liên hệ giữa hai thực thể ấy thì như gói gọn trong một vài việc lạc quyên, cứu trợ nào đó. Có thể nói rằng số tín hữu ý thức bổn phận làm lành mạnh hóa môi trường sống còn quá khiêm tốn. Lại nói thêm, xin đừng trách đoàn dân Chúa hàng giáo dân, vì trong các Ủy ban thuộc hàng giám mục tại các giáo phận Việt Nam thì xem ra cái Ban ít thấy hoạt động và báo cáo nhất đó là Ban Công lý và Hòa bình. Thế mà đây là một trong những Ban giúp hướng dẫn chúng ta sống đức tin cách thiết thực giữa đời thường. “Học Thuyết Xã Hội Công Giáo” đã được Hội Thánh ban hành năm 2004, thế nhưng hiệu quả của nó như thế nào là một vấn đề cần nghiêm túc và khiêm tốn nhìn nhận. Thiết nghĩ rằng cần đào sâu bốn Hiến Chế của Công Đòng Vaticanô II, dĩ nhiên là có hiệu đính và cập nhật đó là HC Mạc Khải, Giáo Hội, Phụng Vụ và Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay. Một vài câu hỏi gợi ý thảo luận:

1.Làm thế nào để Lời Chúa thấm nhuần trong cách sống và lối hành xử của Kitô hữu?

2.Đâu là những nguyên nhân hình thành chủ nghĩa giáo sĩ trị. Và cần có biện pháp nào để chữa trị tệ nạn này?

3.Các hình thức tạm gọi là “giữ đạo” qua các cử hành Phụng vụ, Bí tích và qua các việc đạo đức như kinh kệ, rước xách…của chúng ta có rơi vào tình trạng “giữ đạo” của người Do Thái thời Chúa Giêsu không? Làm thế nào để vượt qua sự “giữ đạo” các hình thức và vụ lợi để tiến tới việc “sống đạo” cách trưởng thành và trong tinh thần liên đới?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Hạt Đak Mil – Gp. Ban Mê Thuột.