1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với đứa trẻ Ukraine rằng ngài muốn đến thăm Ukraine và sẽ thảo luận về chuyến đi có thể có với các quan chức

Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với một trẻ em ở Ukraine rằng Ngài muốn đến thăm Ukraine và sẽ thảo luận về một chuyến đi trong tương lai tới đất nước này với các quan chức Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ trẻ em tại Vatican như một phần của sáng kiến giảng dạy.

Theo bản tin của phòng báo chí Tòa Thánh, một đứa trẻ Ukraine tên là Sachar nói, “Con không có câu hỏi nào nhưng con có yêu cầu: Đức Thánh Cha có thể đến Ukraine để cứu tất cả trẻ em đang đau khổ ở đó không?”

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời:

“Cha rất vui vì con đã ở đây. Cha nghĩ rất nhiều về trẻ em ở Ukraine, và đó là lý do tại sao Cha đã cử một số Hồng Y đến giúp đỡ ở đó và gần gũi với tất cả mọi người, với trẻ em. Cha muốn đến Ukraine; Cha chỉ cần đợi thời điểm để làm điều đó, con biết đấy, bởi vì không dễ dàng để đưa ra một quyết định có thể gây hại cho cả thế giới nhiều hơn là có lợi”.

“Cha phải tìm thời điểm thích hợp để thực hiện. Tuần tới, Cha sẽ tiếp các đại diện của chính phủ Ukraine, những người sẽ đến nói chuyện, cũng như để nói về chuyến thăm có thể có của Cha ở đó. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra,” Đức Giáo Hoàng nói thêm.

2. Tổng thống Zelenskiy cho biết cuộc pháo kích của Nga đã phá hủy 113 nhà thờ ở Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết pháo binh Nga đã “phá hủy” 113 nhà thờ trong “cuộc chiến toàn diện” với Ukraine.

Trong bài phát biểu hàng đêm vào hôm thứ Bảy, Zelenskiy nói, “Trong số đó có những ngôi thánh đường cổ kính – là những ngôi nhà thờ đã chịu đựng được Thế chiến thứ hai, nhưng không chịu được sự chiếm đóng của Nga”.

“Cũng có những cái được xây dựng sau năm 1991. Việc xây dựng lại Nhà Thờ Các Thánh ở Sviatohirsk Lavra bắt đầu vào năm 2001. Ngày 10 tháng 6 tới đây được dự trù là kỷ niệm ngày thánh hiến ngôi nhà thờ sau khi được trùng tu,” ông nói.

Trước đó, vào hôm thứ Bảy, ngôi thánh đường này đã bị “phá hủy” bởi trận pháo kích của Nga.

Trong bài phát biểu của mình, Zelenskiy lưu ý rằng đây “không phải là trận pháo kích đầu tiên vào Lavra,” và “ba linh mục ở Lavra đã bị giết bởi các trận pháo kích của quân Nga vào hôm thứ Tư. Các cử hành Phụng Vụ buộc phải được tổ chức dưới tầng hầm”.

Theo Tổng thống, âm thanh của pháo binh Nga vẫn không dứt tại Lavra.

Zelenskiy chỉ ra rằng nhà thờ Các Thánh ở Sviatohirsk Lavra “thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine, nơi vẫn được coi là trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Giáo Hội Chính thống Nga, nhưng ngay cả điều này cũng không ngăn được quân đội Nga”.

Trước “sự ủng hộ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo ở Nga cho hành động xâm lược Ukraine,” Zelenskiy kêu gọi Giáo Hội Chính thống Ukraine nên “đưa ra kết luận”.

“Quân đội Nga có thể ngừng đốt các nhà thờ. Quân đội Nga có thể ngừng phá hủy các thành phố. Quân đội Nga có thể ngừng giết trẻ em. Chỉ cần một người duy nhất ở Mạc Tư Khoa ra lệnh như vậy. Nhưng thực tế là vẫn không có một lệnh nào như vậy là một sự sỉ nhục rõ ràng cho toàn thế giới”, ông nói.

3. Đức Hồng Y Piat nhận định: “Cảnh sát đang tra tấn thường dân một cách vô nhân đạo và làm xáo trộn sự gắn kết xã hội.

Một đoạn video được quay lén bằng điện thoại đã cho thấy cảnh các viên chức cảnh sát tại Port Louis, thủ đô Mauritius đánh đập dã man các thường dân. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết những phản ứng sau của Đức Hồng Y Maurice Evenor Piat.

“Cùng với người dân, tôi vô cùng kinh hoàng trước sự tra tấn của các thành viên cảnh sát đối với những công dân đang bị giam giữ. Đó là lý do tại sao điều cốt yếu là những kẻ phạm tội bạo lực tràn lan này phải bị trừng phạt nghiêm khắc và không thể tiếp tục gây hại”, Đức Hồng Y Maurice Evenor Piat, Giám mục Port Louis, thủ đô Mauritius cho biết như trên.

Đức Hồng Y đã bày tỏ sự kinh hoàng trước các đoạn video lan truyền trên Internet về những cuộc tra tấn đối với một số người bởi ba viên chức cảnh sát. Video này đã được xác định bởi một trong những nạn nhân của vụ tra tấn, bị bắt vào ngày 30 tháng 5.

Theo Đức Hồng Y Piat, nếu các viên chức cảnh sát, những người được cho là bảo đảm sự an toàn của công dân, thực hiện những hành vi này, thì chính họ sẽ trở thành nguồn gốc của bất ổn xã hội: “Đây là sự vi phạm kinh khủng các quyền cơ bản của con người bởi các cơ quan cảnh sát, những người được cho là thực thi pháp luật, đang dồn dân cư vào cảm giác bất an “. Trong khi thừa nhận rằng “lực lượng cảnh sát cũng bao gồm những người liêm chính”, Đức Hồng Y Piat lập luận rằng sự tra tấn của các đại diện cảnh sát không chỉ làm tổn hại thân thể của các nạn nhân, “mà còn gây tổn hại đến phẩm giá của một người, của gia đình anh ta và cuối cùng là toàn bộ xã hội”.

Đức Hồng Y hy vọng rằng “kẻ có tội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc và ở một vị trí không thể gây hại gì nữa” trong khi ngài yêu cầu các nhà chức trách “vươn lên như một bức tường thành để bảo vệ các giá trị của pháp quyền”


Source:Fides

4. Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu kêu gọi mở ra một sứ mệnh mới để tìm hiểu những thực tế khác về vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh ở Ukraine

Bốn mươi lăm quốc gia thành viên trong Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu, gọi tắt là OSCE, một lần nữa kêu gọi thực hiện một sứ mệnh tìm hiểu thực tế về vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh và tội ác tiềm tàng chống lại loài người đang được thực hiện ở Ukraine.

Đây là lần thứ hai Cơ chế Mạc Tư Khoa – tức là thủ tục của OSCE để điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền - được đưa ra kể từ khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, đại diện thường trực OSCE của Pháp Christine Fages cho biết, 45 quốc gia thành viên “yêu cầu Văn phòng các thể chế dân chủ và nhân quyền, gọi tắt là ODIHR, hỏi Ukraine liệu họ có muốn mời một phái đoàn mới gồm các chuyên gia để xem xét, theo dõi và xây dựng dựa trên những phát hiện của báo cáo Cơ chế Mạc Tư Khoa mà các Quốc gia tham gia OSCE nhận được vào ngày 12 tháng 4 hay không.”

“Chúng tôi cũng yêu cầu ODIHR cung cấp bất kỳ thông tin hoặc tài liệu liên quan nào có được từ bất kỳ sứ mệnh mới nào thuộc về các cơ chế trách nhiệm giải trình thích hợp khác, cũng như các tòa án hoặc trọng tài quốc gia, khu vực hoặc quốc tế có hoặc có thể có quyền tài phán trong tương lai,” cô nói.

Báo cáo ngày 12 tháng 4 cho thấy “những khuôn mẫu rõ ràng” về hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế của các lực lượng Nga ở Ukraine và nêu chi tiết nhiều vụ việc mà họ cho rằng có thể cấu thành tội ác chiến tranh.

Báo cáo cho biết họ đã tìm thấy “bằng chứng đáng tin cậy” cho thấy quân Nga vi phạm “ngay cả những quyền cơ bản nhất của con người như quyền được sống, cấm tra tấn và các hình phạt và đối xử vô nhân đạo và các hành vi hèn hạ khác, đã được thực hiện, hầu hết ở các khu vực dưới sự kiểm soát hiệu quả của Nga hoặc các thực thể dưới sự kiểm soát tổng thể của Nga”.

Trong một tuyên bố tại OSCE vào thời điểm đó, Đại sứ Hoa Kỳ Michael Carpenter nói rằng “xét một cách tổng thể, bản báo cáo ghi lại danh mục các hành vi vô nhân đạo do lực lượng Nga gây ra ở Ukraine”.

Báo cáo dài 110 trang là kết quả của sứ mệnh tìm hiểu thực tế kéo dài ba tuần của ba chuyên gia OSCE, và bao gồm khoảng thời gian từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2 đến ngày 1 tháng 4.


Source:CNN

5. Đầu bếp José Andrés nói rằng các cảng của Ukraine cần được mở để ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực toàn cầu

Đầu bếp José Andrés, người sáng lập World Central Kitchen, nói với CNN rằng cuộc chiến ở Ukraine không chỉ là cuộc chiến giành tự do, mà còn là cuộc chiến ngăn chặn nạn đói trên toàn cầu.

“Ukraine sẽ có lương thực để nuôi sống người dân của mình. Câu hỏi lớn đặt ra là nếu chúng ta không có Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc chiến này và để bảo đảm rằng các cảng như Odesa sẽ mở cửa trở lại, những gì chúng ta sẽ gặp phải là tình trạng thiếu lương thực lớn trên toàn thế giới,” ông nói từ Kyiv.

Nga đã thực hiện phong tỏa các cảng của Ukraine, và có hơn 20 triệu tấn ngũ cốc hiện đang bị mắc kẹt bên trong Ukraine.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới và là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 5, và chương trình chống mất an ninh lương thực của Liên Hiệp Quốc đã mua khoảng một nửa lượng lúa mỳ từ Ukraine mỗi năm.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy tình hình ngày càng bi thảm, đặc biệt là nếu tất cả ngũ cốc mà tôi đã thấy quanh Ukraine trong các hầm chứa, không đến được những nơi xa xôi ở Phi Châu và các khu vực khác trên thế giới phụ thuộc vào ngũ cốc mà Ukraine sản xuất. Đây không chỉ là cuộc chiến vì tự do và dân chủ của người dân Ukraine, đây còn là cuộc chiến để bảo đảm nhiều người trên toàn cầu sẽ đủ ăn trong những tháng tới”, Andrés nói.

Andrés cho biết một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn đã được cộng thêm bởi các vấn đề từ bão và hạn hán trên khắp thế giới trong năm qua.

Ông nói: “Nếu chúng ta không nghĩ về thực phẩm theo cách chúng ta nghĩ về con người, nền kinh tế, nhiên liệu, thì chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề lớn vào năm 2023.

Ông cho biết ông và nhóm của mình có thể mang lương thực qua sông Danube, nhưng không đủ khả năng để có nhiều tàu chở ngũ cốc ở đó. Ông kêu gọi các nền dân chủ trên thế giới giúp mở tất cả các cảng của Ukraine để vận chuyển ngũ cốc.


Source:CNN