1. 1 Hồng Y và 57 linh mục bị giết trong 30 năm qua ở Mễ Tây Cơ

Một báo cáo của Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo Mễ Tây Cơ, gọi tắt là CCM, cho thấy từ năm 1990 đến năm 2022, bạo lực ở Mễ Tây Cơ đã cướp đi sinh mạng của một Hồng Y và 57 linh mục.

Tài liệu cũng lưu ý rằng trong ba năm rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, bảy linh mục đã bị sát hại trong nước.

Trong trường hợp có lẽ gây chấn động nhất, tổng giám mục của Guadalajara, Hồng Y Juan Jesús Posadas Ocampo, đã bị bắn hạ tại sân bay thành phố vào ngày 24 tháng 5 năm 1993.

“Luận điểm chính thức vào thời điểm đó là bọn tội phạm có tổ chức đã ‘nhầm lẫn’ vị Hồng Y với một trùm tội phạm có tổ chức cấp cao; tuy nhiên, một số nguồn tin chỉ ra rằng các cuộc điều tra mới nhất đồng ý với Đức Hồng Y Sandoval Iñiguez rằng đó là một 'vụ giết người do nhà nước tổ chức'“, báo cáo của CCM viết.

Trong một video vào tháng 5 năm 2016, Đức Cha Sandoval, tổng giám mục hiệu tòa của Guadalajara, nói rằng theo thông tin mà ngài có được, vụ giết người được dàn dựng bởi giám đốc Cảnh sát Tư pháp Liên bang, là người nhận lệnh từ Bộ trưởng Tư Pháp. Vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Giám đốc CCM, Cha Omar Sotelo, nói rằng báo cáo, có thể được truy cập trên trang web của trung tâm, là một cách hợp tác “với sáng kiến cho Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình ở Mễ Tây Cơ - 10 tháng 7” được tổ chức bởi các Giám mục Mễ Tây Cơ kêu gọi, Liên Hiệp các Bề trên các dòng tu và tu hội của Mễ Tây Cơ, và Tỉnh Dòng Tên ở Mễ Tây Cơ.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã yêu cầu anh chị em giáo dân tưởng nhớ “tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ đã bị sát hại trên đất nước” trong tất cả các thánh lễ được cử hành trong hai ngày cuối tuần 9 và 10 tháng 7.

Họ cũng khuyến khích các tín hữu rằng “như một dấu hiệu tiên tri của Giáo hội chúng ta, trong Bí tích Thánh Thể vào ngày 31 tháng 7, chúng ta cầu nguyện cho các hung thủ, chúng ta cầu nguyện cho cuộc sống của họ và sự hoán cải của tâm hồn họ, chúng ta dang tay đón nhận họ với tấm lòng ăn năn vào nhà của Thiên Chúa. “

Trong một tuyên bố với ACI Prensa, Cha Sotelo lưu ý rằng “lời mời gọi đến với Ngày vì Hòa bình ở Mễ Tây Cơ này là một cơ hội tuyệt vời mà tất cả người Mễ Tây Cơ, không chỉ trong Giáo Hội Công Giáo, mà mỗi người, tương giao, liên kết với nhau và bằng cách này hay cách khác, dệt nên những cây cầu có thể giúp chúng ta chống lại bạo lực này”.

Ngài nói, bạo lực mà Mễ Tây Cơ đang trải qua, “chính xác xuất phát từ quá trình loại trừ tính nhân bản. Không có gì khác, không có từ nào khác: nó đến từ sự mất nhân tính của con người, từ sự thờ ơ đó”.

“Tôi nghĩ đây chính xác là sản phẩm của nhiều năm mà chúng ta đã bỏ rơi những người đàn ông, phụ nữ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người bị tội phạm có tổ chức tuyển mộ”

Vị linh mục người Mễ Tây Cơ nhấn mạnh rằng “hôm nay Giáo hội hợp tác cùng nhau để cầu nguyện cho các nạn nhân, nhưng cũng cho các thủ phạm. Hôm nay Giáo hội cùng nhau hiệp ý cầu nguyện cho những người đã biến mất, và cho những người đã bắt cóc họ “.

Ngài nói thêm: “Hôm nay Giáo hội mở cửa và có cơ hội tuyệt vời để mời gọi tất cả nhân loại, tất cả những người Mễ Tây Cơ, đóng góp vào hòa bình, đến từ sự tha thứ, đến từ tình yêu và đến từ việc tái nhân bản con người”.

“Tôi tin rằng đây là điều quan trọng nhất và đó là cơ hội tuyệt vời mà chúng ta có với tư cách là một xã hội để đối mặt với tai họa thương tâm mà chúng ta đang trải qua”.

Chỉ trong ba năm rưỡi của chính quyền López Obrador, hơn 121.000 vụ giết người đã được ghi nhận trong cả nước, vượt hơn 156.000 vụ giết người đã gây ra trong nhiệm kỳ sáu năm của người tiền nhiệm, là tổng thống Enrique Peña Nieto.

Từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 7 tháng 7 năm nay, theo số liệu chính thức, 13.679 vụ giết người đã xảy ra ở Mễ Tây Cơ
Source:Catholic News Agency

2. Vatican chấp thuận việc bầu một giáo dân làm người đứng đầu Dòng Thánh Giá

Theo The Pillar, Vatican đã chấp thuận việc bầu một giáo dân làm Bề trên Tổng quyền của Dòng Thánh Giá, là cộng đồng tôn giáo có mặt trên toàn thế giới, và đang quản lý Đại học Notre Dame ở Hoa Kỳ.

Cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cho rằng đây là áp dụng đầu tiên của một bản tuyên ngôn mới do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào tháng Năm, cho phép anh chị em giáo dân lãnh đạo các tu hội đời và các dòng tu, thực thi quyền quản lý ngay cả đối với các giáo sĩ. Anh Paul Bednarczyk là giáo dân đầu tiên giữ chức vụ này.

Do các quy định của giáo luật, sự lựa chọn như thế cần phải có sự chấp thuận của Vatican, nơi hiện phải nghiên cứu các cuộc bầu cử này trên cơ sở từng trường hợp – trong một quá trình được gọi là thỉnh nguyện hay postulation. Tông Hiến mới của Giáo triều Rôma, đã có hiệu lực trong một tháng, tạo khả năng cho nam và nữ giáo dân đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh và đảm nhận các chức vụ và chức năng khác vốn chỉ được dành cho hàng giáo sĩ.

Dòng Thánh Giá được thành lập năm 1131 ở Bồ Đào Nha, do Dom Tello cùng với 11 linh mục mà một trong số họ là thánh Theotonius sáng lập. Thánh nhân là bề trên tổng quyền, Ngài được xem như là vị tiền nhân trong việc cải tổ đời sống Thánh hiến ở Bồ Đào Nha. Ngày lễ kính Ngài trong phụng vụ là ngày 18 tháng 2. Vào thời gian đó, có nhiều Kinh sĩ ở Bồ Đào Nha đến xin gia nhập dòng Thánh Giá bởi vì Dòng Thánh Giá ở thời gian đó là trung tâm của phụng vụ, của thần học và trí thức nước Bồ Đào Nha.

Dòng Thánh Giá là nơi đầu tiên trên thế giới có linh đạo về Đức Maria và Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên được thánh hiến cho Đức Maria Vô Nhiễm vào thế kỷ thứ 18. Dòng Thánh Giá gửi các nhà truyền giáo tới Ấn Độ, Phi Châu và Mỹ Châu La tinh, nhưng chỉ thiết lập một vài cộng đoàn chính ở Bồ Đào Nha. Năm 1834, khi nội chiến xảy ra ở Bồ Đào Nha thì dòng Thánh Giá bị phá huỷ hoàn toàn.

Vào năm 1977, các thành viên trong nhóm linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần xin phục hồi lại dòng Thánh Giá của Bồ Đào Nha cũ. Năm 1979 được sự chấp thuận của bộ dòng tu, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã tuyên bố phục hồi lại dòng Thánh Giá cũ của nước Bồ Đào Nha và giao trách nhiệm cho các cha trong nhóm Linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần đảm trách. Giáo Hội cũng ban đặc quyền cho dòng Thánh Giá mới kết hợp với di sản quý giá của dòng Thánh Giá cũ và linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần để giới thiêu linh đạo và hướng dẫn Kitô Hữu tận hiến cho các Thiên Thần theo đúng truyền thống của Giáo Hội, đặc ân này đã được Hội Thánh chuẩn y. Do vậy, dòng Thánh Giá chuyển tải di sản cổ xưa và truyền thống của dòng Thánh Giá cũ vào thời đại mới, làm cho tươi trẻ Hội Thánh qua sự trợ giúp của các Thiên Thần.

Hiến pháp mới của dòng Thánh Giá được Toà Thánh chứng nhận vào năm 2003. Hiện nay dòng Thánh giá thuộc thẩm quyền Giáo Hoàng.
Source:Pillar Catholic

3. Các nhà hoạt động nhân quyền phản ứng sau khi Đức Phanxicô nói rằng thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc 'tiến triển tốt'

Những người ủng hộ nhân quyền đã nêu quan ngại về việc gia tăng các hạn chế đối với các tín hữu Kitô ở Trung Quốc sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận của Tòa thánh với Bắc Kinh sẽ được gia hạn vào mùa thu.

Gần 4 năm sau khi Tòa thánh ký thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 9/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn được công bố trong tuần này rằng ngài tin rằng “thỏa thuận đang tiến triển tốt”.

Những người ủng hộ nhân quyền không đồng ý như thế.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, nói với CNA vào ngày 6 tháng 7 rằng kể từ khi thỏa thuận được ký vào năm 2018 “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy tất cả các nhà thờ Công Giáo thầm lặng và thắt chặt sự tuân thủ đường lối cộng sản của giáo hội yêu nước.”

Shea nói: “Sáu cuộc bổ nhiệm giám mục mới được sử dụng để biện minh cho thỏa thuận Bắc Kinh xảy ra với giá phải trả là việc giam cầm, bắt giữ hoặc biến mất của sáu giám mục Công Giáo được Vatican công nhận”.

“Trẻ em hiện bị cấm đến nhà thờ và tiếp xúc với tôn giáo, Kinh thánh bị hạn chế và kiểm duyệt chặt chẽ trên Internet và trong các ứng dụng trên máy tính, nhà thờ bị giám sát bởi công nghệ cao của nhà nước, các linh mục và các nhà lãnh đạo Kitô giáo bị buộc phải truyền bá Kitô Giáo theo tư tưởng cộng sản, và bị buộc phải hỗ trợ tích cực các phương pháp thực hành, sự lãnh đạo và các giá trị cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả trong các bài giảng của họ”

Giám Mục Phaolô Lôi Thế Ngân (Lei Shiyin, 雷世银) của Lạc Sơn, một trong những giám mục Trung Quốc được phong chức bất hợp pháp đã được dỡ bỏ vạ tuyệt thông sau khi Vatican và Trung Quốc ký thỏa thuận, gần đây đã kỷ niệm sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại nhà thờ chính tòa của ông vào ngày 29 tháng 6, thay cho Lễ trọng Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, những người Công Giáo tham dự buổi lễ tại Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Lạc Sơn đã được Ông Lôi Thế Ngân mời “nghe lời Đảng, cảm nhận ơn Đảng và đi theo Đảng”

“Kể từ khi đạt được thỏa thuận, mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn đối với người Công Giáo ở Trung Quốc,” Reggie Littlejohn nói với CNA.

Littlejohn là chủ tịch của Hội Quyền Phụ Nữ Không Biên Giới, một tổ chức hỗ trợ và vận động đang làm việc với phụ nữ ở Trung Quốc. Tổ chức được thành lập để phản ứng lại việc cưỡng bức phá thai và triệt sản theo chính sách một con của Trung Quốc

Cô ấy nói rằng “sự bí mật của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã được sử dụng để cưỡng bức những tín hữu Công Giáo Trung Quốc.”

Littlejohn kêu gọi Vatican công bố văn bản thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn được giữ bí mật kể từ khi thỏa thuận được ký lần đầu tiên vào năm 2018.

Cô nói: “Những tín hữu Công Giáo không thể bảo vệ bản thân hoặc Giáo hội của họ vì họ không có quyền truy cập vào thỏa thuận bí mật này”.

Khi thảo luận về chính sách ngoại giao của Tòa Thánh với Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “ngoại giao là nghệ thuật của những điều có thể và làm những việc để biến những điều có thể trở thành hiện thực”.

Shea trả lời: “Thật khó để thấy bằng cách nào mà Đức Giáo Hoàng có thể thành công trong nghệ thuật ngoại giao khi đối phó với một thế lực xấu xa như Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Bà nói: “Tôi nghĩ Vatican nên tích cực ủng hộ giáo hội thầm lặng và lên tiếng vì nhân quyền, chứ đừng tạo điều kiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khi tự kiểm duyệt về các vấn đề đạo đức quan trọng.”

Các biện pháp mới của chính phủ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6, cũng đặt việc quản lý tài chính đối với các nơi thờ tự và quyên góp tôn giáo dưới sự kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc có nhiệm vụ bảo đảm rằng các nhóm bên ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn như người Hồi giáo Tân Cương, Phật tử Tây Tạng, các nhà hoạt động dân chủ Hương Cảng và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, đang đi theo đường lối của đảng. Tập Cận Bình đã gọi Mặt trận Tổ quốc là một trong những “vũ khí ma thuật” của ông, được sử dụng để hợp tác và kiểm soát.

Asia News đưa tin rằng theo các biện pháp mới, chính phủ sẽ giám sát tài chính và hoạt động của các nhóm tôn giáo.

Các linh mục Công Giáo làm việc mục vụ hợp pháp ở Trung Quốc được yêu cầu ký vào một văn bản, trong đó họ hứa sẽ ủng hộ Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Họ chỉ được phép phục vụ ở những nơi thờ tự được công nhận, trong đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không được phép vào.

Theo Asia News, kể từ tháng 3 năm 2022, các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc đã bị cấm tiến hành bất kỳ hoạt động tôn giáo nào trực tuyến mà không nộp đơn trước và nhận được sự chấp thuận của Sở Tôn giáo tỉnh. Các bài giảng lễ và truyền trực tiếp Thánh lễ chỉ có thể được đăng trực tuyến sau khi có giấy phép đặc biệt.

Nghị quyết của Nghị viện Âu Châu

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng, một nhà phê bình mạnh mẽ về thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với phiên tòa vào tháng 9 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác.

Nghị viện Âu Châu đã thảo luận về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân liên quan đến nhân quyền và pháp quyền vào ngày 7 tháng 7. Nghị quyết kêu gọi chính quyền Hương Cảng bãi bỏ mọi cáo buộc đối với vị giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng.

Nghị quyết cũng “kêu gọi Vatican tăng cường các nỗ lực ngoại giao và đòn bẩy của mình đối với các nhà chức trách Trung Quốc để yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho Đức Hồng Y Quân và chấm dứt các cuộc đàn áp và vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.”
Source:Catholic News Agency