1. Tổng kho xăng dầu của Cộng hòa Nhân dân Donetsk trúng HIMARS cháy suốt ngày

Trong bản báo cáo chiều thứ Ba 26 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Tổng kho xăng dầu của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã trúng hỏa tiễn HIMARS vào đầu ngày thứ Ba và đang bốc cháy kinh hoàng.

Video trên mạng xã hội cho thấy một đám cháy lớn bùng phát vào sáng sớm ngày thứ Ba ở thành phố Donetsk, miền đông Ukraine, do phe ly khai thân Nga của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, gọi tắt là DPR, kiểm soát.

Hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga đưa tin, ngọn lửa bùng phát tại một tổng kho xăng dầu ở quận Budennovsky. Hãng tin này thừa nhạn nhà máy đã quân Ukraine bắn cháy.

Quân đội Ukraine hiếm khi bình luận về các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng ở Donetsk, ngoại trừ một số kho chứa nhiên liệu và đạn dược trên lãnh thổ do DPR nắm giữ nhằm phục vụ chiến tranh.

Các quan chức Ukraine cho biết, với việc nhận được trọng pháo và pháo tầm xa từ phương Tây, quân đội đang tập trung tấn công các vị trí hậu cần và các sở chỉ huy của Nga.

Một phóng viên của TASS ở Donetsk cho biết ngọn lửa có thể được nhìn thấy ở một số khu vực của thành phố, “với ngọn lửa cao tới vài chục mét.”

TASS cho biết các thùng nhiên liệu và dầu nhớt đã bốc cháy. Chiều ngày thứ Ba khói vẫn bốc lên từ địa điểm này, hàng chục giờ sau khi đám cháy bắt đầu.

2. Nhà thiết kế vũ khí hàng đầu của Putin, 46 tuổi, qua đời trong hoàn cảnh bí ẩn khi 'đang điều trị chứng lo âu và trầm cảm' vì chiến tranh hoành hành ở Ukraine

Một trong những nhà thiết kế vũ khí hàng đầu của Vladimir Putin đã qua đời trong hoàn cảnh bí ẩn khi ông 'trải qua quá trình điều trị để chống lại chứng rối loạn lo âu và trầm cảm'.

Dmitry Konoplev, 46 tuổi, lãnh đạo Cục thiết kế thiết bị Shipunov liên quan đến quốc phòng, là đơn vị đứng sau hệ thống hỏa tiễn Pantsir gây chết người được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng cộng, tổ chức này chịu trách nhiệm về hơn 150 loại vũ khí và thiết bị quân sự được Quân đội Nga sử dụng.

Tờ Izvestia cho biết từ khi cuộc xâm lược Ukraine xảy ra, Dmitry Konoplev rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng, u buồn. Anh đang được điều trị bằng phương pháp Xenon đeo mặt nạ dưỡng khí tại một phòng khám đặc biệt ở Mạc Tư Khoa, thì bị 'đau tim cấp tính' và qua đời rất nhanh chóng.

Các bác sĩ điều trị cho rằng bệnh nhân hít phải một liều lượng lớn Xenon, là chất có các đặc tính tương tự như thuốc chống trầm cảm, được sử dụng để chống lại sự lo lắng, xuống tinh thần, các bệnh thần kinh và các vấn đề về giấc ngủ.

Với chiến tranh do Putin nổ ra ở Ukraine, Konoplev được cho là đã bị lo lắng và đau đầu.

Chưa có bình luận chính thức về nguyên nhân cái chết.

Tuy nhiên, cựu vệ sĩ và là bạn thân của Putin, Alexey Dyumin - thống đốc vùng Tula, nơi đặt trụ sở của phòng thiết kế vũ khí - cho biết Konoplev 'đã đóng góp rất nhiều cho ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước'.

Cục Thiết kế Thiết bị Shipunov, còn được gọi là Cục Thiết kế Thiết bị KBP, đứng sau một loạt các loại vũ khí được sử dụng bởi các lực lượng xâm lược Ukraine của Putin.

Chúng bao gồm hệ thống hỏa tiễn chống tăng, tổ hợp vũ khí trang bị cho xe tăng và xe bọc thép hạng nhẹ, hệ thống pháo vũ khí dẫn đường, hệ thống phòng không, hệ thống hỏa tiễn, súng nhỏ và súng phóng lựu.

Văn phòng của ông được mô tả là nhà phát triển vũ khí phức hợp hàng đầu của Putin, điều phối công việc của một số lượng lớn các doanh nghiệp và tổ chức, bao gồm các viện của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và của Bộ Quốc phòng.

3. Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết Âu Châu sẽ không bị chia rẽ bởi sự khan hiếm khí đốt do Nga áp đặt mà họ phải đối mặt.

Hôm thứ Ba 26 tháng 7, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ không để mình bị chia rẽ, chúng tôi với tư cách là các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu cũng nguy cơ hành động chống lại nhau vì khí đốt khan hiếm, nhưng chúng tôi đang sát cánh cùng nhau và đó là tín hiệu quan trọng nhất đối với Tổng thống Nga”.

Bà nói: “Về dài hạn, con đường là rõ ràng: Âu Châu sẽ giành được chủ quyền thông qua việc mở rộng năng lượng tái tạo”.

Bà nói thêm rằng, với mỗi tuabin gió và nhà máy năng lượng mặt trời mà Âu Châu lắp dựng, chúng tôi sẽ có được “tự do” và “cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn”.

Baerbock nhấn mạnh rằng: “Điều này cũng có nghĩa là chúng tôi cần nhanh chóng mở rộng cơ sở hạ tầng ở Âu Châu, nơi chúng tôi vận chuyển năng lượng.”

Ngoại trưởng Baerbock cho biết, thách thức đối với tất cả các nước Âu Châu là duy trì sự an toàn về nguồn cung cấp và lưu ý rằng khí đốt chứ không phải điện mới là nguồn cung cấp nhiệt chính ở Đức.

4. Người Nga bắt cóc 63 quan chức, khoảng 300 nhà hoạt động ở vùng Kherson

Quân xâm lược Nga Nga đã bắt cóc 63 đại diện của các cơ quan chính quyền địa phương và khoảng 300 nhà hoạt động ở vùng Kherson.

Dmytro Butrii, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Kherson, cho biết điều này tại một cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Ukraine - Ukrinform vào chiều thứ Hai, ngày 25 tháng 7.

“Chúng tôi đang theo dõi thông tin này. Thiếu thông tin vì lãnh thổ của chúng tôi đang bị chiếm đóng tạm thời. Nhưng một cơ sở dữ liệu đã được hình thành từ những báo cáo được cung cấp bởi những người cụ thể. Hôm nay, có 63 đại diện của các cơ quan tự quản địa phương và khoảng 300 nhà hoạt động thân Ukraine bị bắt,” Butrii nói.

Ông nói rằng đây là những người đã được xác nhận.

Theo Butrii, số người bị bắt cóc thực sự còn cao hơn nhiều, vì quân xâm lược Nga tăng cường khủng bố nhằm vào dân thường. Họ kiểm tra xe hơi, đồ dùng cá nhân, điện thoại, đàn ông buộc phải cởi quần áo, và nếu quân đội Nga không thích thứ gì đó trên điện thoại, hình xăm thì “mọi người sẽ bị bắt đi”.

Butrii nói rằng không phải lúc nào cũng có thể xác nhận tên tuổi cụ thể của một người bị bắt cóc.

5. Cứ bốn ngày lại có một nhà báo bị người Nga giết, 37 đại diện truyền thông trong 5 tháng qua

Năm tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine, quân đội Nga đã giết chết 37 nhân viên truyền thông. Chủ tịch hội nhà báo quốc gia Ukraine đã cho biết như trên.

“Trong số những người thiệt mạng có 8 nhà báo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của họ, 12 nhân viên truyền thông thiệt mạng là nạn nhân dân sự, 17 đại diện truyền thông đại chúng khác đã thiệt mạng sau khi được điều động đi cùng các Lực lượng Phòng vệ Ukraine trong tư cách là các phóng viên và đôi khi họ cũng cầm súng chiến đấu”.

Cứ 4 ngày lại có một nhà báo thiệt mạng do chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Nạn nhân mới nhất của sự xâm lược của Nga là Mykola Rachok, một tác giả và biên tập viên tin tức của InfoCar, người đã chết trong trận chiến với lính đánh thuê Wagner PMC của Nga.

Theo Serhiy Tomilenko, chủ tịch hội nhà báo quốc gia Ukraine, “Các nhà báo Ukraine chủ yếu là công dân Ukraine. Vì vậy, muốn bảo vệ Tổ quốc của mình, nhiều nhân viên truyền thông đã bỏ lại bút, sổ tay và cầm súng trên tay. Chúng tôi bày tỏ sự kính trọng đối với những người đồng nghiệp như vậy của mình.”

“Những người khác tiếp tục chiến đấu với quân Nga trên mặt trận thông tin - cả ở hậu phương và tiền tuyến. Thật không may, trong cuộc chiến này, do giặc Nga gây ra, có rất nhiều nạn nhân vô tội. Mỗi người trong số họ sẽ mãi mãi nằm trong ký ức của đồng nghiệp, bạn bè và toàn thể người dân Ukraine”, ông Tomilenko nhấn mạnh.

Vào ngày 21 tháng 7, Mykola Rachok, một nhà báo của InfoCar, đã hy sinh trong cuộc chiến với quân xâm lược Nga. Mykola đã gia nhập quân đội để bảo vệ Ukraine trước sự bùng nổ của cuộc chiến toàn diện. Theo tổng biên tập của tờ báo này, trong năm tháng bị Nga xâm lược, lòng yêu nước, động lực và sự kiên cường đã khiến ông trở thành một chiến binh.

Vào ngày 5 tháng 7, phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ, Aliona Matveyeva, cho biết Cảnh sát Quốc gia đã bắt đầu 46 cuộc điều tra về các tội ác của quân đội Nga đối với các nhà báo.

6. Tướng Mỹ cho rằng HIMARS là thích hợp nhất cho chiến trường Ukraine

Tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling cho biết hệ thống hỏa tiễn tầm xa được cung cấp cho quân đội Ukraine nhanh hơn các hệ thống phóng hỏa tiễn khác và mang lại lợi thế cho nước này đối với Nga. Tướng Hertling đã đưa ra nhận xét trên trong một cuộc hội thảo về Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS.

Kể từ khi Mỹ đồng ý cung cấp hệ thống hỏa tiễn HIMARS, các lực lượng Ukraine cho biết họ đã sử dụng nó rất hiệu quả chống lại quân đội Nga đông quân hơn và được trang bị tốt hơn.

Từng là chỉ huy của Lục quân Âu Châu và Quân đoàn 7 của Mỹ, Tướng Hertling đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, người đã khen ngợi độ chính xác của hệ thống hỏa tiễn HIMARS.

“Các xạ thủ của chúng tôi sử dụng HIMARS một cách rất tinh vi — giống như một bác sĩ phẫu thuật với con dao mổ đang làm việc,” Reznikov nói trên truyền hình quốc gia.

Ông Reznikov cho biết độ chính xác của hệ thống hỏa tiễn này đã cho phép lực lượng Ukraine phá hủy các cầu vượt, cũng như các kho đạn và sở chỉ huy của Nga. Ông nói, những cuộc pháo kích thành công đó đã tước đi khả năng tiến hành các hoạt động chiến đấu của lực lượng Nga.

Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ quân sự từ Mỹ và các cường quốc phương Tây khác. Vào tháng 6, Mỹ đã đồng ý trao cho Ukraine HIMARS. Reznikov cho biết trong tháng này rằng nó đã tạo ra một sự khác biệt “rất lớn” và các lực lượng Ukraine đã báo cáo sử dụng chúng để giết một số quan chức quân sự cấp cao của Nga.

Tướng Hertling đã chia sẻ trên Twitter rằng Ukraine ban đầu đã yêu cầu các đơn vị Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt MLRS. Nhưng Hertling cho biết M270 MLRS là “một chiếc xe bánh xích” được thiết kế để theo kịp xe tăng trên địa hình gồ ghề. Ông cho biết M142 HIMARS là một chiếc xe bánh lốp di chuyển nhanh, có tốc độ di chuyển 60 dặm / giờ trở lên trên đường và 30 dặm / giờ trên địa hình gồ ghề.

Hertling nói: “MLRS khó sửa chữa hơn, có nhiều phần hơn. HIMARS về cơ bản là một chiếc xe tải với hỏa tiễn.”

MLRS có hai bệ hỏa tiễn và 12 quả hỏa tiễn so với bệ phóng sáu hỏa tiễn của HIMARS, nhưng Hertling cho biết việc huấn luyện một tổ vận hành HIMARS dễ dàng hơn, mà theo ông có thể “bắn, bắn, và nạp đạn nhanh hơn” với một tổ xạ thủ ít người hơn.

HIMARS được bảo dưỡng ít hơn và khả năng cơ động nhanh chóng của nó ở miền đông Ukraine, nơi Nga đã tập trung lại các nỗ lực chiến tranh, cũng tạo ra sự khác biệt, Hertling nói thêm. Trong điều kiện quân Nga có các hệ thống phòng không có khả năng phản kích rất mau chóng, bắn xong chạy thiệt lẹ là yếu tố thành công.

Ông cho biết, với 16 HIMARS trong tay các lực lượng Ukraine, mỗi chiếc chỉ cần bắn hai lố đạn mỗi ngày, thì 5.800 hỏa tiễn được phóng đi trong một tháng. Ông nói, hỏa tiễn tầm xa được dẫn đường bằng GPS có tỷ lệ chính xác là 90%, như thế tiêu diệt được 5.200 mục tiêu tấn công trong một tháng.

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài để đưa ra bình luận.

7. Bản tin cập nhật mới nhất của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Hôm thứ Ba 26 tháng 7, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh đã đưa ra bản nhận định toàn văn như sau:

Vào ngày 24 tháng 7 năm 2022, hỏa tiễn hành trình của Nga đã bắn trúng bến tầu ở Cảng Odesa của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn trúng một tàu chiến Ukraine và một kho hỏa tiễn chống hạm. Không có dấu hiệu nào cho thấy những mục tiêu đó đã ở vị trí hỏa tiễn rơi xuống.

Nga gần như chắc chắn coi hỏa tiễn chống hạm là mối đe dọa chính đang hạn chế hiệu quả của Hạm đội Hắc Hải của họ. Điều này đã làm suy yếu đáng kể kế hoạch xâm lược tổng thể, vì Nga không thể thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ để chiếm Odesa.

Nga sẽ tiếp tục ưu tiên các nỗ lực làm suy giảm và phá hủy khả năng chống hạm của Ukraine. Tuy nhiên, các quy trình tấn công của Nga rất có thể thường xuyên bị phá hoại bởi thông tin tình báo lỗi thời, lập kế hoạch kém và đường lối hoạt động từ trên xuống.

8. Các bà mẹ Nga sang Ukraine đưa con trai về Nga

Các binh sĩ Nga từ chối chiến đấu trên các chiến tuyến của Ukraine đang bị vây bắt và giam giữ, khiến các thành viên trong gia đình của họ cố gắng đi giải cứu họ.

Các binh sĩ, những người nghĩ rằng họ có thể quyết định rời khỏi lực lượng Nga sau một hợp đồng ba tháng chiến đấu trong cuộc chiến Ukraine. Nhưng thay vào đó, họ đã được gửi đến một trung tâm giam giữ tạm thời ở Bryanka, trong vùng Luhansk mà Mạc Tư Khoa cho biết hiện đang kiểm soát.

Những người thân nói với The Insider, một trang web điều tra độc lập bằng tiếng Nga, rằng có một số lượng lớn binh sĩ mà Bộ chỉ huy quân sự của Mạc Tư Khoa không cho phép trở về nhà vì sợ những người khác sẽ noi gương họ, cũng như e ngại họ sẽ nói ra thực tế chiến trường.

Cha của một người lính Nga nói với báo chí rằng những người lính muốn bỏ cuộc đã bị bắt nạt phải trở lại tiền tuyến. Những người khác bị giam giữ trong những không gian chật chội, nơi họ phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt, lao động cưỡng bức và đôi khi bị tra tấn.

Người thân và cha mẹ của các binh sĩ đã đến một tòa nhà hành chính ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, nơi các binh sĩ đã bị giam giữ để cố gắng tìm câu trả lời từ chính quyền, tờ The Insider đưa tin.

Cho đến nay, các nỗ lực xông vào tòa nhà bị khóa chưa thành công, trong khi các nhà chức trách từ chối cung cấp thông tin về quân đội.

“Chúng tôi cần phải làm gì đó, chúng tôi cần đưa lũ trẻ ra khỏi đó và ngăn chặn tình trạng vô pháp luật”, một bà mẹ được The Insider nêu tên là Maria nói với tờ báo, “Nếu chúng tôi là người đầu tiên, thì những người khác sẽ làm theo. Tôi không biết chính xác có bao nhiêu người trong chúng tôi, nhưng tôi biết có rất nhiều.”

Tờ Nestka đưa tin vào tuần trước rằng một trung tâm ở vùng Luhansk là nơi hàng trăm binh sĩ từ chối chiến đấu đã bị bắt, với nhiều người bị giam giữ trong các tầng hầm và nhà để xe.

Sự tồn tại của các trại tra tấn và trung tâm giam giữ ở Bryanka vẫn chưa được xác minh, mặc dù tờ The Insider đã đưa tin một số câu chuyện từ những người lính Nga đào thoát được kẻ về việc đối xử tệ bạc với những người lính từ chối chiến đấu.

Ngày càng có nhiều gia đình Nga yêu cầu Điện Cẩm Linh trả lời về những người lính mất tích. Đầu tháng này, một phụ nữ có con trai bị giết ở Ukraine nói với BBC rằng nhiều bà mẹ đổ lỗi cho Điện Cẩm Linh về cái chết của những người thân yêu của họ và sẽ nổi dậy chống lại Tổng thống Vladimir Putin.