1. Vatican chia sẻ lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI

Vatican đã đăng một lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI vào hôm thứ Tư, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện cho vị giáo hoàng danh dự đang “ốm nặng”.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm Thứ Tư 28 tháng 12, Đức Phanxicô đã nói thêm bên cạnh những nhận xét đã được chuẩn bị sẵn của ngài rằng Đức Bênêđictô đang “ốm nặng” và yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho vị giáo hoàng đã về hưu.

Đức Phanxicô không nói chi tiết về tình trạng của Đức Bênêđictô. Ngài nói: “Tôi muốn xin tất cả anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô, người đang thầm lặng nâng đỡ Giáo hội,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài phát biểu gần cuối buổi tiếp kiến kéo dài một giờ: “Tôi xin nhắc anh chị em rằng ngài đang ốm nặng”

Đức Phanxicô nói tiếp rằng: “Chúng ta hãy xin Chúa an ủi và nâng đỡ ngài trong chứng tá tình yêu này đối với Giáo hội cho đến cùng”.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô, đã yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho Đức Bênêđictô, và đã đến thăm người tiền nhiệm của ngài tại tu viện Mẹ Giáo Hội trong khuôn viên Vatican, nơi vị giáo hoàng danh dự đã sống kể từ khi nghỉ hưu vào tháng 2 năm 2013.

Ông Matteo Bruni, nói: “Về tình trạng sức khỏe của vị giáo hoàng danh dự, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin cầu nguyện vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng nay, tôi có thể xác nhận rằng trong những giờ qua, tình trạng xấu đi vì tuổi cao đã xảy ra,” Bruni cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản gởi cho các ký giả.

Ông nhấn mạnh rằng:

“Tình hình tại thời điểm này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, và Đức Giáo Hoàng Danh dự được các bác sĩ liên tục theo dõi”

Dưới đây là nội dung của lời cầu nguyện được Vatican News chia sẻ:

Lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

Chúa là sức khỏe vĩnh cửu của những người tin vào Chúa.

Xin hãy lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng con cho tôi tớ Chúa, là Đức Bênêđíctô, đang đau yếu.

Chúng con khẩn khoản nài xin cho ngài được ơn phù trì của lòng thương xót dịu dàng của Chúa

Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, hôm thứ Tư cho biết các giám mục đang cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI.

“Vào thời điểm đau khổ và thử thách này, chúng ta quy tụ xung quanh Đức Giáo Hoàng Danh dự,” Đức Hồng Y nói trong một tuyên bố ngày 28 tháng 12. “Chúng tôi bảo đảm ghi nhớ trong lời cầu nguyện trong các nhà thờ của chúng tôi, với sự hiểu biết, như chính ngài đã nhắc nhở chúng tôi, rằng 'bất kể những thử thách khó khăn đến đâu, những vấn đề khó khăn, đau khổ nặng nề như thế nào, chúng ta sẽ không bao giờ rơi khỏi tay Chúa, những bàn tay của Người đã tạo ra chúng ta, nâng đỡ chúng ta và đồng hành với chúng ta trên hành trình nhân sinh, bởi vì những bàn tay ấy được hướng dẫn bởi một tình yêu vô hạn và thủy chung.'"
Source:Catholic News Agency

2. Sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh dự đặt ra câu hỏi về những gì tiếp theo

Vatican có các nghi thức và thủ tục chi tiết phải tuân theo khi một vị giáo hoàng qua đời, nhưng không có các quy tắc như vậy đối với một giáo hoàng danh dự. Kết quả là, thông tin chính thức hôm thứ Tư rằng sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI trở nên xấu đi đã đặt ra câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra khi ngài qua đời.

Câu trả lời là: Không có câu trả lời cụ thể, ít nhất là không có câu trả lời nào mà Vatican đã công bố trước. Chỉ có một điều chắc chắn duy nhất, đó là nghi thức quan trọng nhất sau cái chết của một giáo hoàng – là mật nghị bầu chọn một giáo hoàng mới - không được áp dụng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức khỏe của Đức Bênêđictô 95 tuổi khi trong buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần, ngài xin các tín hữu cầu nguyện đặc biệt cho người tiền nhiệm của mình, ngài nói rằng vị giáo hoàng đã nghỉ hưu “đang ốm nặng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đã đến thăm Đức Bênêđíctô tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội trong Vườn Vatican. Phát ngôn nhân của Vatican xác nhận rằng tình trạng của Đức Bênêđíctô đã trở nên xấu đi do tuổi tác của ngài trong vài giờ trước đó nhưng cho biết tình hình đã được kiểm soát.

Hầu hết các quan sát viên theo dõi các diễn biến tại Vatican đều cho rằng, khi cần thiết, các nghi thức tang lễ cho Đức Bênêđictô sẽ gần giống với nghi thức dành cho một giám mục Rôma về hưu: đó là tang lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô hoặc ở quảng trường Thánh Phêrô, trong trường hợp này do Đức Phanxicô chủ trì chứ không phải là niên trưởng Hồng Y Đoàn, và sẽ được chôn cất trong khu hầm mộ bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Nhà sử học nhà thờ Alberto Melloni cho biết: “Đám tang của một giáo hoàng danh dự là tang lễ của giám mục hưu trí của Rôma, đồng thời cho biết thêm rằng tình hình này không phải là hoàn toàn chưa từng xảy ra vì các giáo phận trên khắp thế giới đã quyết định làm thế nào để tôn vinh các giám mục đã nghỉ hưu một cách thích hợp.”

Bản thân các nghi thức được chứa đựng trong cuốn sách “Roma Rituale,” trình bày cách cử hành các nghi thức phụng vụ, với những lời cầu nguyện và bài đọc cụ thể.

Tuy nhiên, một vài điều chỉnh được yêu cầu: Bởi vì Đức Bênêđíctô từng là một nguyên thủ quốc gia, tang lễ có lẽ sẽ diễn ra hoành tráng hơn với sự tham dự của các phái đoàn chính thức từ khắp nơi trên thế giới. Để cho họ có thời gian đến nơi và để tôn vinh sứ vụ giáo hoàng trước đây của Đức Bênêđíctô, ngài có thể sẽ được quàn trong một khoảng thời gian vài ngày trong Đền Thờ Thánh Phêrô trước lễ tang, như đã xảy ra với các vị giáo hoàng trước đây.

Ít ai có thể quên được hàng dài người hành hương xếp hàng ngày đêm để được kính viếng Thánh Gioan Phaolô II khi ngài qua đời năm 2005.

Một điều có thể phân biệt tang lễ của Đức Bênêđíctô với tang lễ của đương kim giáo hoàng là chín ngày nghi thức tang lễ trước khi chôn cất, được gọi là “novemdiales,” có lẽ sẽ không diễn ra, Melloni nói. Nhưng một truyền thống sẽ được giữ lại là việc đặt sách Phúc âm lên quan tài.

Khi Đức Bênêđictô tuyên bố nghỉ hưu vào năm 2013, ngài đã mở ra một thập kỷ những khía cạnh liên quan đến Đức Giáo Hoàng chưa được khám phá. Từ danh hiệu “giáo hoàng danh dự” đến quyết định giữ lại chiếc áo choàng trắng của chức giáo hoàng, Đức Bênêđíctô phần lớn đã tạo ra một chương mới để bao gồm cả Đức Giáo Hoàng đang trị vì và Đức Giáo Hoàng đã nghỉ hưu.

Christopher Bellitto, một giáo sư lịch sử tại Đại học Kean ở New Jersey, cho biết tính mới mẻ trong quyết định đáng chú ý của Đức Bênêđictô XVI có thể sẽ kéo dài.

“Các dòng tít lớn trên các tờ bào sẽ nói 'Một giáo hoàng đang chôn cất một giáo hoàng khác.' Không đúng,” Bellitto nói trong một email. “Nói cho rõ ràng: Đức Bênêđíctô là nguyên giáo hoàng.”

“Nhưng đó là một cảnh tượng phi thường vì chúng ta chưa từng có một giáo hoàng nào thoái vị trong 600 năm qua. Nó vừa nói lên tính liên tục của truyền thống giáo hoàng trong hàng những vị thừa kế Thánh Phêrô nhưng cũng nói lên một thế giới mới nơi mà việc thoái vị của Đức Giáo Hoàng sẽ ít hiếm hơn, thậm chí có thể phổ biến,” ông nói.

3. Tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI

Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI tên khai sinh là Joseph Aloisius Ratzinger. Ngài chào đời ngày 16 tháng 4 năm 1927. Đức Bênêđíctô là con út trong gia đình có 3 người con. Bào huynh của ngài, Đức Ông Georg Ratzinger, đã qua đời vào ngày 1 tháng 7, 2020. Chị ngài là Maria Ratzinger qua đời ngày 2 tháng 11, 1991.

Ngài cai quản Hội Thánh Công Giáo từ ngày 19 tháng 4 năm 2005 cho đến khi ngài thoái vị vào ngày 28 tháng 2 năm 2013. Việc bầu Đức Bênêđíctô làm giáo hoàng đã diễn ra trong mật nghị giáo hoàng năm 2005 sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về.

Được thụ phong linh mục năm 1951 tại quê hương Bavaria, Cha Ratzinger dấn thân vào sự nghiệp học thuật và trở thành một nhà thần học được đánh giá cao vào cuối những năm 1950. Ngài được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức vào năm 1958 ở tuổi 31. Sau một thời gian dài làm giáo sư thần học tại một số trường đại học Đức, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Munich và Freising và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tấn phong Hồng Y vào năm 1977. Đó là một sự thăng tiến bất thường cho một người có ít kinh nghiệm mục vụ và thời gian từ khi được bổ nhiệm Tổng Giám Mục đến khi được tấn phong Hồng Y rất mau chóng. Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục vào ngày 24 tháng Ba, 1977 và được tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng Sáu cùng năm, chỉ có 95 ngày.

Năm 1981, ngài được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, là một trong những thánh bộ quan trọng nhất của Giáo triều Rôma. Từ năm 2002 cho đến khi được bầu làm giáo hoàng, ngài cũng là Niên trưởng Hồng Y đoàn.

Theo ký giả lão thành chuyên về Vatican, Sandro Magister, trước khi trở thành Giáo Hoàng, ngài là “nhân vật chính trên sân khấu Vatican trong một phần tư thế kỷ”; ngài có ảnh hưởng “không ai sánh kịp khi thiết lập các ưu tiên và phương hướng của Giáo Hội” với tư cách là một trong những người thân cận nhất của Đức Gioan Phaolô II. Ngài đã sống ở Rome từ năm 1981.

Các bài viết phong phú của ngài thường bảo vệ các giá trị và giáo lý Công Giáo truyền thống. Trong thời gian cai quản Giáo Hội, Đức Bênêđíctô XVI ủng hộ việc quay trở lại các giá trị cơ bản của Kitô Giáo để chống lại sự gia tăng thế tục hóa của nhiều nước phương Tây. Ngài coi việc thuyết tương đối phủ nhận chân lý khách quan, và đặc biệt là phủ nhận chân lý luân lý, là vấn đề trung tâm của thế kỷ 21.

Giáo huấn của ngài tập trung vào tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo và sự hiểu biết về tình yêu cứu độ của Chúa. Đức Bênêđictô cũng làm sống lại một số truyền thống, kể cả việc nâng Thánh lễ Latinh lên một vị trí nổi bật hơn. Ngài củng cố mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và nghệ thuật, thúc đẩy việc sử dụng tiếng Latinh và giới thiệu lại lễ phục truyền thống của Đức Giáo Hoàng, vì lý do đó ngài được gọi là vị “giáo hoàng của thẩm mỹ”. Ngài cũng đề cao mối tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa đạo lý và khoa học. Vì thế, ngài được mô tả là “lực lượng trí thức chính trong Giáo hội” kể từ giữa những năm 1980.

Trong suốt triều Giáo Hoàng của ngài, Đức Bênêđíctô đã tông du 24 quốc gia trên 6 lục địa. Nam cực là châu lục, nếu có thể gọi là một châu lục, duy nhất mà ngài chưa viếng thăm với tư cách là một Giáo Hoàng.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđíctô bất ngờ tuyên bố thoái vị trong một bài phát biểu bằng tiếng Latinh trước các Hồng Y, với lý do “tâm trí và thể chất thiếu sức mạnh” do tuổi cao. Việc thoái vị của ngài có hiệu lực vào ngày 28 tháng 2 năm 2013. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức kể từ khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII thoái vị vào năm 1415. Trước Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII, vào năm 1294, Đức Giáo Hoàng Celestinô V là vị Giáo Hoàng đầu tiên thoái vị.

Ngài được Đức Phanxicô kế vị vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, và ngài chuyển đến Tu viện Mẹ Giáo Hội mới được trùng tu ở Vatican để nghỉ hưu vào ngày 2 tháng 5 năm 2013. Khi nghỉ hưu, Đức Bênêđictô XVI thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng cùng với Đức Phanxicô.

Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức, Đức Bênêđíctô còn thông thạo tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha ở mức độ lưu loát. Ngài cũng biết tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp trong Kinh thánh. Ngài là thành viên của một số học viện khoa học xã hội, chẳng hạn như Học Viện Khoa Học về Luân Lý và Chính Trị của Pháp. Ngài thích chơi piano và thích nhạc của Mozart và Bach.

Vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, Đức Bênêđictô XVI trở thành người sống lâu nhất đã từng nắm giữ chức vụ mục tử toàn thể Hội Thánh, ở tuổi 93, 4 tháng, 16 ngày, vượt qua Đức Lêô XIII, qua đời năm 1903. Đức Bênêđictô cũng là vị Hồng Y cuối cùng còn sống trong số các vị Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tấn phong.

4. Đức Hồng Y Reinhard Marx phê bình lập trường của Thượng Phụ Kirill

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng giám mục Giáo phận Munich và Freising, đã lên tiếng phê bình lập trường của Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, về chiến tranh tại Ukraine, nhưng ngài kêu gọi đừng lên án mọi tín hữu của Giáo hội này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ “Muenchner Merkur” xuất bản tại Munich, ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Hồng Y Marx nói: sự ủng hộ của Thượng phụ Kirill dành cho cuộc chiến của ông Putin chống Ukraine thật là kinh hoàng. Vị thủ lãnh của Chính thống Nga không ngừng biện minh cho các hành động của Điện Cẩm Linh, đi tới độ gợi ra cuộc xung đột siêu hình chống lại “những thế lực sự ác” mà Tây phương là biểu tượng. Thái độ này thực là một sự ‘băng hoại của tôn giáo’.

Vấn đề được đặt ra là Đức Thượng phụ Kirill có thể nói nhân danh toàn thể Chính thống Nga hay không, hay đó chỉ là quan điểm cá nhân của ngài. Và Đức Hồng Y Marx tin rằng có những tiếng nói đối lập, nhưng hiện thời chưa thể được bày tỏ, vì thế Đức Hồng Y nói: “Cần phải giữ liên lạc với các tiếng nói ấy... Chúng ta không thể lên án mọi phần tử của Chính thống Nga”.

Đức Hồng Y Marx cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng trước sự kéo dài cuộc chiến tranh tàn bạo này và nói: “Hiện thời, tôi không thấy cuộc chiến này có thể chấm dứt như thế nào. Điều không thể tưởng tượng được, đó là cuộc chiến tranh này có thể phải kéo dài nhiều năm”.