1. Căn cứ không quân Engels bị tấn công lần thứ ba

Một thống đốc khu vực của Nga hôm thứ Năm cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ một máy bay không người lái gần căn cứ không quân Engels, nơi có các máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Nga cho biết Ukraine đã cố gắng tấn công căn cứ này hai lần trong tháng này, lần này là lần thứ ba trong tháng này. Theo Reuters, tổn thất của người Nga bao gồm ít nhất 6 quân nhân Nga, và hai máy bay bị hư hại nhẹ.

Căn cứ không quân này nằm gần Saratov, 730 km về phía đông nam Mạc Tư Khoa và cách biên giới Ukraine đến 600 km.

Thống đốc Saratov Roman Busargin đã lặp lại thông điệp ““Các hệ thống phòng không đã bắn hạ một phương tiện bay không người lái ở khu vực Engels”.

Tuy nhiên, người dân địa phương đã báo cáo một vụ nổ và rất lớn và nghe thấy tiếng còi báo động không kích.

Roman Busargin cho biết các mảnh vỡ rơi xuống làm hư hỏng tài sản dân cư nhưng không ai bị thương. Các báo cáo đã lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội của Nga cho rằng đã có những thiệt hại về quân sự đối với căn cứ không quân Engels

Reuters đã không thể xác minh ngay lập tức các báo cáo.

Căn cứ Engels là một trong hai căn cứ tổ chức các lực lượng hạt nhân tấn công đường không của Nga.

Các cuộc không kích đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt khi chiến tuyến ở quá xa.

Không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine, quốc gia chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga nhưng gọi chúng là “quả báo” cho cuộc xâm lược của Nga.

Hãng tin Baza của Nga phàn nàn về khả năng của các lực lượng phòng không và nhấn mạnh rằng “Đây không phải là lần đầu tiên sân bay quân sự địa phương bị tấn công”.

Căn cứ không quân Engels đã bị tấn công vào các ngày 5, 26 và 29 tháng 12. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160 đều đóng ở đây.

Các nhà phân tích cho biết các cuộc tấn công đã làm tổn hại danh tiếng của Mạc Tư Khoa và đặt ra câu hỏi về khả năng phòng thủ của nước này.

Ukraine chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga, nhưng cho biết các vụ việc là “quả báo” cho cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm nay.

Trong các bình luận hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine Yurii Ihnat không nhận trách nhiệm trực tiếp đối với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng cho rằng cuộc tấn công là “hậu quả của những gì Nga đang làm”.

“Nếu người Nga nghĩ rằng chiến tranh sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở hậu phương sâu xa của Nga hay bất kỳ nơi nào khác, thì họ đã nhầm to. Do đó, như chúng ta thấy, những điều như vậy đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và chúng ta hãy hy vọng rằng điều này sẽ chỉ có lợi cho Ukraine”, Đại Tá Ihnat nói.

Hôm thứ Tư, Đại Tá Ihnat cho biết Nga đang có kế hoạch dời các máy bay vào sâu hơn bên trong lãnh thổ Nga và phân tán ở các căn cứ không quân khác nhau. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, người Nga sẽ gặp khó khăn vì căn cứ không quân Engels dường như là căn cứ duy nhất của Nga có các phương tiện bảo trì cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160.

2. Lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ 54 trong số 69 hỏa tiễn do Nga bắn

Quân đội Nga đã sử dụng 69 quả hỏa tiễn trong cuộc tấn công Ukraine vào hôm thứ Năm. 54 hỏa tiễn trong số này đã bị lực lượng phòng không Ukraine tiêu diệt. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết rạng sáng ngày thứ Năm 29 tháng 12, quân đội Nga đã tấn công Ukraine từ nhiều hướng bằng hỏa tiễn hành trình được bắn từ máy bay và tàu chiến lược.

Theo Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko, lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 16 hỏa tiễn trên bầu trời Kyiv.

21 hỏa tiễn của địch đã bị bắn hạ ở Odesa. Tuy nhiên, mất điện khẩn cấp đã được đưa ra ở Odesa

Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 30 tháng 12.

“Kẻ thù đã phóng hỏa tiễn hành trình trên không và trên biển, hỏa tiễn dẫn đường phòng không và hỏa tiễn của hệ thống S-300 và S-400 nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng và năng lượng ở các khu vực phía đông, trung, tây và nam. Hơn 69 hỏa tiễn đã được sử dụng. 54 hỏa tiễn đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt”, ông nói

3. Cựu tướng Mỹ cho rằng Henry Kissinger đã sai khi hô hào duy trì một nước Nga như hiện nay sau chiến tranh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Henry Kissinger is Wrong About Preserving Russia Post War: Ex-U.S. General”, nghĩa là “Cựu tướng Mỹ cho rằng Henry Kissinger đã sai khi hô hào duy trì một nước Nga như hiện nay sau chiến tranh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Bài viết gần đây bày tỏ sự lo lắng về một nước Nga “bất lực” trên phạm vi toàn cầu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, đang tiếp tục bị lên án.

Bài tiểu luận có tựa đề “Làm thế nào để tránh một cuộc chiến tranh thế giới khác”, đã được xuất bản vào đầu tháng này trên tờ The Spectator, với nội dung chính là so sánh cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện tại với Thế chiến thứ nhất. Kissinger lập luận rằng “không nên hạ thấp vai trò lịch sử của Nga” cho dù nước này có “xu hướng” bạo lực; và nói thêm rằng hòa bình nên đạt được thông qua đàm phán.

Những lời của Kissinger đã vấp phải phản ứng từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người nói rằng cựu thành viên Nội các trong chính quyền Richard Nixon và Gerald Ford đang đọc sai lịch và không xem xét đúng đắn các lợi ích của Ukraine.

Hôm thứ Tư, cố vấn, tác giả và giáo sư khoa học chính trị Julian Lindley-French đã đưa ra lời chỉ trích đối với bài tiểu luận của Kissinger, đặc biệt là quan điểm đáng chú ý nhất của Kissinger cho rằng nước Nga hiện tại phải được duy trì bằng mọi giá để đạt được “sự cân bằng toàn cầu”.

“Điều tôi không hiểu là hàm ý của Kissinger cho rằng chúng ta cần duy trì bằng mọi giá cái nước Nga cực đoan, xét lại, và phá hoại này bởi vì nếu không, tình trạng mất cân bằng ngày càng trầm trọng trong hệ thống quốc tế sẽ trở nên tồi tệ hơn,” Lindley-French nói. “Điều đó đặt ra một câu hỏi mà Kissinger không trả lời được: làm thế nào để có thể tin được rằng một quốc gia thất bại, được vũ trang quá mức mà chính chiến lược của nó là khai thác và phá hoại hệ thống dựa trên luật lệ lại có thể trở thành trụ cột của hệ thống đó?”

Trong khi Kissinger liên hệ cuộc chiến hiện tại với Âu Châu trước năm 1917, thì Lindley-French gọi sự so sánh của ông là một “nghịch lý”, và lập luận rằng đó “là lần cuối Nga giả vờ trở thành hình mẫu của một trật tự dựa trên luật lệ”.

Kissinger gọi cuộc chiến đó là “sự tự sát văn hóa” trong bài luận của mình. Lindley-French cho biết hậu quả của cuộc chiến nói trên “mang tính chiến lược và chính trị hơn là văn hóa.”

Và trong khi Kissinger nói rằng cựu Tổng thống Woodrow Wilson đã trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình khiến quá trình này tiêu tốn hàng triệu sinh mạng, thì Lindley-French nói rằng chẳng có quá trình nào như thế cả vì Wilson và các phụ tá của ông chưa bao giờ có một nỗ lực thực sự nào – đồng thời lên án những cành ô liu mà Kissinger dành cho Vladimir Putin và Sergey Lavrov, được tác giả gọi là “sự hoài nghi của mưu đồ.” Túy Vân xin mở ngoặc để giải thích như sau: Bất kể Nga là kẻ gây ra cuộc xâm lược, trong bài tiểu luận của mình, Kissinger mô tả Vladimir Putin và Sergey Lavrov là những người yêu chuộng hòa bình và so sánh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy với Tổng thống Woodrow Wilson, mà ông ta cho rằng vì chậm trễ thương thuyết nên tiêu tốn hàng triệu sinh mạng.

“Các cuộc đàm phán nghiêm túc về Ukraine chỉ có thể bắt đầu khi Nga thừa nhận sai lầm và thất bại của mình, đồng thời Mạc Tư Khoa phải tin vào cả sự đoàn kết và sức mạnh của phương Tây,” Lindley-French nói.

Bài đăng của Lindley-French đã được khen ngợi bởi Tướng Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Ben Hodges, là người nói rằng đánh giá của Kissinger “hầu hết là sai.”

Hodges viết trên Twitter: “Chúng ta phải xem nước Nga của Putin là gì... và chúng ta phải bảo vệ ‘trật tự quốc tế dựa trên luật lệ’ mà Nga muốn phá hủy”.

Kissinger đã đúng khi tin rằng Nga cuối cùng sẽ tỉnh táo trở lại và không ai nên tìm cách “chia cắt” quốc gia này, Lindley-French nói thêm, nhưng nhấn mạnh rằng thời điểm đó chưa đến.

“Kissinger đơn giản là sai lầm khi tin rằng nước Nga của Putin hay bất kỳ nước Nga nào tương tự có thể là đối tác trong việc duy trì trạng thái cân bằng toàn cầu khi nước này quyết tâm phá hủy trạng thái cân bằng ấy,” Lindley-French nói.

Cũng cần nói thêm rằng, hồi tháng 5, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Kissinger nói rằng Ukraine nên nhường cho Nga những lãnh thổ mà Putin muốn.