1. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine bác bỏ tuyên bố của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin

Trong một tuyên bố khoe khoang được đưa ra vào sáng Chúa Nhật 26 tháng Hai, trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã lên tiếng chê bai quân chính quy Nga đang liên tục tháo chạy tại thành phố Vuhledar và phía Nam thành phố Bakhmut. Đồng thời, tuyên bố rằng một ngày trước đó, vào hôm thứ Bẩy 25 tháng Hai, nhóm Wagner của ông ta đã chiếm được làng Yahidne, cách thành phố Bakhmut 4.7km về phía Bắc dọc theo xa lộ T0513.

Đáp lại, trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 26 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết các cuộc giao tranh chung quanh làng Yahidne vẫn đang diễn ra, quân Ukraine vẫn còn đang làm chủ được ngôi làng. Tuy nhiên, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng nhìn nhận rằng tình hình tương đối khó khăn hơn so với những ngày trước đó. Tình hình xung quanh Bakhmut dường như trở nên nguy hiểm hơn đối với quân phòng thủ Ukraine trong 24 giờ qua.

Các lực lượng Nga đã cố gắng chiếm thành phố Bakhmut hiện đã tan hoang trong bảy tháng giao tranh.

Theo lời kể từ khu vực Bakhmut, trong khi lực lượng Nga sa lầy ở phía nam thành phố, thì ở phía bắc, họ đã tiến được hơn một km vào vùng ngoại ô Yahidne. Các cuộc tấn công lớn cũng được báo cáo về phía tây nam tới Ivanivske theo hướng đường cao tốc T0504 với mục đích cắt đường vào thành phố từ phía tây.

Quân đội Ukraine trong thị trấn báo cáo rằng chiến thuật của Nga dường như là một chiến thuật quen thuộc, là chiến thuật biển người. Quân Nga ném các nhóm quân lớn vào các tuyến phòng thủ của người Ukraine.

Bình luận về chiến thuật hiện tại của Nga vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh cho biết mục đích của Nga là làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Ukraine bằng số lượng lớn các tân binh, ngay cả khi điều đó có nghĩa là người Nga phải chịu thương vong rất lớn.

Với tình hình ở Bakhmut được mô tả là khó khăn, chỉ huy Lục Quân Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, đã đến khu vực này vào thứ Bảy để tham khảo ý kiến của các chỉ huy.

Khu vực Bakhmut là một trong sáu khu vực mà các lực lượng Nga đã tăng cường nỗ lực trong ba tuần qua như một phần của cuộc tấn công dọc theo mặt trận phía đông trước thềm kỷ niệm một năm cuộc xâm lược. Tuy nhiên, trong cả 6 khu vực, người Nga vẫn chưa đạt được bất kỳ thành tựu đáng kể nào.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng việc chiếm được Bakhmut sẽ được Điện Cẩm Linh khai thác tối đa như một chiến thắng tuyên truyền. Tuy nhiên, khả năng quân Nga chiếm được thành phố này còn rất mong manh và nếu quân Putin có chiếm được đi nữa thì sự thất thủ của thành phố này cũng chẳng mang lại một lợi thế đáng kể nào cho quân Nga.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, tại phía Nam thành phố Bakhmut, và tại thành phố Vuhledar, quân Nga vẫn tiếp tục tháo chạy, bỏ lại các khí tài chiến tranh quan trọng. Trong 24 giờ qua, Nga đã mất 660 quân, 6 xe tăng, 6 xe thiết giáp, và 7 hệ thống pháo. Nhiều phương tiện bị bắn cháy nhưng cũng có nhiều phương tiện khác vẫn còn dùng được.

Theo báo cáo ngày 25/2, quân Putin đã mất 12 xe tăng, 9 xe thiết giáp và 10 hệ thống pháo. Một ngày trước đó, quân Nga cũng mất tinh thần lũ lượt bỏ chạy, mất 13 xe tăng, 7 xe thiết giáp, 11 hệ thống pháo. Một ngày trước đó nữa, tình hình còn thê thảm hơn khi Putin mất một con số kỷ lục 16 xe tăng và 24 xe thiết giáp, và 7 hệ thống pháo. Tính chung trong 4 ngày qua, Nga đã mất 47 xe tăng, 46 xe thiết giáp và 35 hệ thống pháo.

Cựu chỉ huy Nga, Igor Girkin ngậm ngùi than thở rằng Nga giờ đây là nước cung cấp xe tăng nhiều nhất cho Ukraine.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 26 Tháng Hai, 148.130 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3.381 xe tăng, 6.615 xe thiết giáp, 2.380 hệ thống pháo, 475 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 247 hệ thống tác chiến phòng không, 299 máy bay, 288 trực thăng, 2.037 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.242 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 230 đơn vị thiết bị đặc biệt

2. Tổng thống Vladimir Putin đe dọa sử dụng khả năng hạt nhân

Tổng thống Vladimir Putin đã nói rằng Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tính đến việc đối phó với khả năng hạt nhân của NATO khi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đang tìm cách đánh bại Nga.

Trong một chương trình được phát sóng vào hôm Chúa Nhật 26 tháng Hai, Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 rằng: “Trong điều kiện ngày nay, khi tất cả các quốc gia hàng đầu của NATO đều tuyên bố mục tiêu chính của họ là gây thất bại chiến lược cho chúng ta, để người dân của chúng ta phải chịu đau khổ như họ nói, làm sao chúng ta có thể bỏ qua khả năng hạt nhân của họ trong những điều kiện này?”

Putin tuyên bố phương Tây muốn loại bỏ nước Nga. “Họ có một mục tiêu: giải tán Liên Xô cũ và phần cơ bản của nó - Liên bang Nga”, ông Putin nói, theo Tass.

Ông nói, phương Tây là đồng lõa gián tiếp với “tội ác” do Ukraine gây ra.

3. Trung Quốc thông báo chuyến thăm của Lukashenko vài giờ sau khi Zelenskiy triệu tập cuộc họp

Phản ứng trước đề nghị 12 điểm của Tập Cận Bình về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bác bỏ đề nghị này. Ông nói: “Nếu Putin đang hoan nghênh nó, thì làm sao nó có thể tốt được?” Ông nhấn mạnh rằng: “Tôi không đùa đâu. Tôi đang rất nghiêm túc đấy.”

“Tôi không thấy điều gì trong kế hoạch cho thấy rằng có điều gì đó có lợi cho bất kỳ ai khác ngoài Nga nếu kế hoạch của Trung Quốc được tuân theo”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng không hoan nghênh kế hoạch của Bắc Kinh và chỉ ra rằng, Trung Quốc, về bản chất cũng là một quốc gia xâm lược.

Tuy vậy, trong tinh thần thêm bạn bớt thù, Tổng thống Zelenskiy tuyên bố rằng ông sẵn sàng đến Bắc Kinh để thảo luận thêm với Tập Cận Bình về đề nghị của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng như thế nào trước thiện chí của Ông Zelenskiy?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Announces Lukashenko Visit, Hours After Zelensky Called for Meeting”, nghĩa là “Trung Quốc loan báo chuyến viếng thăm của Lukashenko, chỉ vài giờ sau khi Zelenskiy kêu gọi gặp gỡ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Vladimir Putin, sẽ đến thăm Trung Quốc trong tuần này khi Bắc Kinh cố gắng thể hiện mình là một nhà môi giới tiềm năng cho hòa bình trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tin tức về chuyến thăm của Lukashenko được đưa ra sau thông báo của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng ông dự định thảo luận về các đề xuất của Bắc Kinh nhằm chấm dứt chiến tranh.

Mặc dù không cam kết đất nước mình đóng vai trò trực tiếp trong cuộc chiến của Putin, Lukashenko đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để hỗ trợ cuộc xâm lược. Kyiv đã cảnh báo rằng sự can dự của Minsk vào cuộc chiến có thể sâu hơn, với quân đội và thiết bị của Nga đóng tại quốc gia giáp ranh giữa hai bên.

Chuyến thăm của Lukashenko từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3, được công bố vào sáng sớm thứ Bảy, sau tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang, 秦刚) rằng Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường quan hệ chính trị với Minsk.

Tần Cương nói với Ngoại trưởng Belarus Sergei Aleinik rằng Bắc Kinh sẽ ủng hộ Minsk trong việc phản đối các động thái của “các thế lực bên ngoài” nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của họ hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt “bất hợp pháp”.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Lukashenko đã gặp nhau tại thành phố Samarkand của Uzbekistan, nơi họ tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Newsweek đã liên hệ với bộ ngoại giao Trung Quốc và Belarus để xin bình luận.

Bắc Kinh đã không đáp lại lời kêu gọi của Zelenskiy về một hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đã đệ trình một tài liệu 12 điểm nhân kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Putin để đưa Mạc Tư Khoa và Kyiv đến bàn đàm phán. Hôm thứ Sáu, Zelenskiy nói rằng kế hoạch này cho thấy “có sự tôn trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta” và cuộc gặp với ông Tập “sẽ có lợi cho các quốc gia của chúng ta và cho an ninh trên thế giới.”

Mặc dù Zelenskiy hoan nghênh đề xuất của Bắc Kinh, nhưng cố vấn của ông, Mykhailo Podolyak, đã mô tả kế hoạch này là “không thực tế”.

“Bạn không đặt cược vào một kẻ xâm lược đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ thua trong cuộc chiến,” ông viết trên Twitter hôm thứ Bảy.

Zelenskiy đã đề xuất kế hoạch hòa bình của riêng mình, bị Mạc Tư Khoa từ chối, bao gồm việc quân đội Nga rời khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà nước này xâm lược.

Trung Quốc tỏ ra trung lập về vấn đề xâm lược Ukraine của Putin nhưng với tư cách là một đồng minh của Nga mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn, họ được coi là một bên tham gia quan trọng có thể chấm dứt các hành động thù địch.

Tuy nhiên, tuần này Mỹ cho biết Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, mặc dù Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia G20 duy nhất tham gia cùng Nga trong việc ngăn chặn một thông cáo lên án cuộc xâm lược của Putin. Bộ trưởng tài chính Đức Christian Lindner gọi quyết định của Bắc Kinh là “đáng tiếc”.

4. Quan chức Ukraine chỉ trích Trung Quốc 'đặt cược vào một kẻ xâm lược'

Mykhailo Podolyak, một chính trị gia Ukraine cố vấn cho Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đã chỉ trích Trung Quốc vì “đặt cược vào một kẻ xâm lược” sau khi Bắc Kinh lặp lại lời kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine.

“Nếu bạn tuyên bố là một nhân tố toàn cầu, bạn không đưa ra một kế hoạch phi thực tế,” ông nói.

“Bạn không đặt cược vào một kẻ xâm lược đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ thua trong cuộc chiến.”

Hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố 12 điểm đối với cuộc chiến tại Ukraine, trong đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, nhấn mạnh sự phản đối của nước này đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương, một sự chỉ trích rõ ràng đối với các biện pháp mà Mỹ và phương Tây áp đặt đối với Nga sau khi Putin xâm lược Ukraine.

Trung Quốc đã cố gắng thể hiện mình là người trung lập trong cuộc xung đột, nhưng cho đến nay vẫn tránh gọi đây là một cuộc xâm lược và tiếp tục hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho Mạc Tư Khoa.

Zelenskiy cho biết hôm thứ Sáu Ukraine “sẽ làm việc với Trung Quốc” nếu họ thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ”. Tổng thống Ukraine cho biết ông muốn tổ chức một cuộc gặp song phương với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cũng trong ngày thứ Sáu, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng “cho đến nay” không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã hỗ trợ quân sự cho Nga ở Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng sẽ gây ra hậu quả kinh tế cho Bắc Kinh.

5. Trong một động thái leo thang căng thẳng, Nga cắt nguồn cung cấp dầu cho Ba Lan

Daniel Obajtek, Giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ lớn nhất của Ba Lan, PKN Orlen, cho biết đã ngừng nhận được dầu qua đường ống Druzhba từ Nga.

Ông nói: “Chúng tôi đang bảo đảm nguồn cung cấp một cách hiệu quả. Nga đã ngừng cung cấp cho Ba Lan, điều mà chúng tôi đã chuẩn bị.”

Orlen cho biết họ có thể cung cấp đầy đủ cho các nhà máy lọc dầu của mình qua đường biển và người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng.

Đường ống dẫn dầu Druzhba, cung cấp dầu cho Ba Lan và Đức, cũng như Hung Gia Lợi, Cộng hòa Tiệp và Slovakia, đã được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu để giúp các quốc gia có ít lựa chọn vận chuyển thay thế.

Dầu của Nga chiếm khoảng 10% nguồn cung của Ba Lan sau khi Warsaw cắt giảm nhập khẩu sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái.

6. Một quan chức quân sự Ukraine cho biết một nỗ lực mới để chiếm lại lãnh thổ bị chiếm giữ được lên kế hoạch vào mùa xuân

Một quan chức quân sự Ukraine cho biết một nỗ lực mới nhằm chiếm lại lãnh thổ bị chiếm giữ đã được lên kế hoạch vào mùa xuân, đồng thời khẳng định lực lượng của Kyiv sẽ “không dừng lại cho đến khi chúng ta đưa đất nước trở lại đường biên giới năm 1991”.

Vadym Skibitsky, phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine, nói với một nhóm báo Đức vào hôm Chúa Nhật 26 tháng Hai rằng:

“Một trong những mục tiêu quân sự chiến lược của chúng tôi là cố gắng tạo một cái nêm vào mặt trận của Nga ở phía nam, giữa Crimea và lãnh thổ Nga”.

Ngoài ra, ông nói, “mục tiêu phản công của chúng tôi là giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị xâm lược của Ukraine, bao gồm cả Crimea”.

Reuters cũng đưa tin rằng Skibitsky đã nêu ra khả năng Ukraine sẽ tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai vào “các kho vũ khí hoặc thiết bị quân sự trên lãnh thổ Nga, ví dụ xung quanh thành phố Belgorod, nơi các cuộc tấn công vào Ukraine được phát động”.

7. Lính nghĩa vụ được đưa từ Nga đến lập công sự phòng thủ ở Crimea

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 26 tháng Hai, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết đông đảo các tân binh Nga đã được đưa đến bán đảo Crimea để đào các công sự phòng thủ đề phong quân Ukraine tấn công giải phóng bán đảo này vào mùa Xuân tới đây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố sẽ “giải phóng” toàn bộ lãnh thổ của đất nước bao gồm cả Crimea, nơi đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014.

Khi được hỏi về các cuộc tấn công của Ukraine vào bán đảo Crimea, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói rằng: “Hoa Kỳ coi Crimea là lãnh thổ của Ukraine, bị Nga biến thành một căn cứ quân sự khổng lồ và sẽ không phản đối các quyết định của phía Ukraine tấn công các cơ sở quân sự của Nga trên bán đảo.”

“Tôi sẽ không phán xét người Ukraine chọn chiến đấu ở đâu hay cách họ chọn đối phó với Crimea trong ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Chúng tôi công nhận Crimea là của Ukraine”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói.

Bà lưu ý rằng khi chính quyền chiếm đóng của Nga chiếm được Crimea, họ ngay lập tức sử dụng các biện pháp vi phạm nhân quyền quy mô lớn, đàn áp người Tatar ở Crimea và những người khác không đồng tình với việc chiếm đóng. Ngoài ra, Nga đã biến bán đảo này thành một cơ sở quân sự khổng lồ, được sử dụng cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào phần còn lại của Ukraine.

Do đó, theo Nuland, các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea nên được coi là mục tiêu hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

“Những cơ sở quân sự của Nga ở Crimea là những mục tiêu hợp pháp, Ukraine đang tấn công chúng và chúng tôi ủng hộ điều đó,” quan chức này nói.

Đồng thời, Nuland lưu ý rằng Ukraine sẽ không an toàn trừ khi Crimea được phi quân sự hóa đến mức tối thiểu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng Washington đang xem xét khả năng cung cấp cho Ukraine không chỉ các loại vũ khí cần thiết trên chiến trường để giành chiến thắng lúc này mà còn cả các loại vũ khí để răn đe Liên bang Nga sau khi chiến tranh kết thúc.

Đáp lại các tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, nói rằng Mỹ đang kích động Ukraine tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga.

Bà Zakharova nói: “Một lần nữa, chúng ta phải nêu rõ sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột ở Ukraine. Họ cung cấp vũ khí với số lượng lớn, cung cấp thông tin tình báo, tham gia trực tiếp vào việc lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự, và huấn luyện các đơn vị vũ trang Ukraine”.

“Giờ đây, những kẻ hiếu chiến của Mỹ còn đi xa hơn: họ đang kích động chế độ Kiev leo thang hơn nữa, nhằm chuyển chiến tranh sang lãnh thổ nước ta. Như thế, đây là tấn công trực tiếp. Đây là những gì chúng ta đã cảnh báo trước đây, và những gì chúng ta buộc phải khởi động một chiến dịch quân sự đặc biệt. Bây giờ họ, các quan chức Hoa Kỳ, đang nói về nó một cách cởi mở.”

Nga gọi thủ đô của Ukraine là Kiev, trong khi người Ukraine gọi là Kyiv.

8. Bộ Trưởng tài chính của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lên án mạnh mẽ Mạc Tư Khoa

Bộ Trưởng tài chính của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lên án mạnh mẽ Mạc Tư Khoa vì cuộc chiến với Ukraine, chỉ có Trung Quốc và Nga từ chối ký một tuyên bố chung vào hôm thứ Bảy.

Ấn Độ, với tư cách là chủ tịch của Nhóm 20 nền kinh tế đang tổ chức một cuộc họp tại thành phố Bengaluru, đã miễn cưỡng nêu vấn đề chiến tranh nhưng các quốc gia phương Tây khẳng định họ không thể ủng hộ bất kỳ kết quả nào mà không bao gồm sự lên án cuộc chiến tại Ukraine.

Việc thiếu sự đồng thuận giữa các thành viên G20 có nghĩa là Ấn Độ phải đưa ra một “tài liệu tóm tắt và kết quả của chủ tịch”, trong đó nước này chỉ đơn giản tóm tắt hai ngày đàm phán và ghi nhận những điểm bất đồng.

Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu,” viện dẫn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, rủi ro đối với sự ổn định tài chính và tiếp tục mất an ninh lương thực và năng lượng.

“Có những quan điểm khác và đánh giá khác về tình hình và các biện pháp trừng phạt,” tài liệu viết, khi đề cập đến các biện pháp được Hoa Kỳ, các nước Âu Châu và các nước khác đưa ra để trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược và cắt giảm doanh thu của nước này.

Kết quả này cũng tương tự như hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 năm ngoái khi nước chủ nhà Indonesia cũng ra tuyên bố cuối cùng thừa nhận những khác biệt.

9. Igor Girkin nhận định rằng Nga có thể 'trần như nhộng' nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia May Be Left 'Naked and Barefoot' Without Chinese Help: Igor Girkin”, nghĩa là “Igor Girkin nhận định rằng Nga có thể trần như nhộng nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Blogger quân sự Nga và cựu chỉ huy Igor Girkin đã nói rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc là cần thiết để Mạc Tư Khoa có được bất kỳ thành công nào trong cuộc chiến ở Ukraine.

Cựu sĩ quan FSB đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Nga sáp nhập Crimea và trong cuộc chiến ở Donbas trước cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Kể từ đó, ông đã nhiều lần chỉ trích nỗ lực chiến tranh của Điện Cẩm Linh và chỉ trích các chỉ huy quân sự của nước này.

Trong những bình luận mới nhất trên kênh Telegram của mình, một đoạn clip được Francis Scarr của BBC Monitor đăng trên Twitter, Girkin nói rằng Trung Quốc “là quốc gia duy nhất có thể cho chúng ta vay để tiếp tục cuộc chiến này với bất kỳ mức độ thành công nào”. Ông cho biết hợp đồng cho mượn này cần bao gồm đạn dược, đạn pháo và thuốc phóng pháo “đang thiếu trầm trọng”.

Nếu không có sự hợp tác này từ Bắc Kinh, ông tin rằng Nga “sẽ không thể chiến đấu lâu như chúng ta muốn – chúng ta có thể chỉ đơn giản là thấy mình trần truồng và đi chân không theo mọi nghĩa chống lại đối phương sớm nhất là vào giữa hoặc cuối năm nay.”

Tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết các công ty Trung Quốc đang cung cấp “sự hỗ trợ phi sát thương” cho Nga và họ có thể sớm cung cấp “sự hỗ trợ sát thương”. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc.

Girkin, người còn có tên là Strelkov, than thở về việc không có đủ nguồn cung cấp cho các tiểu đoàn được huy động và các đơn vị khác trong lực lượng của Nga và đến một lúc nào đó “chúng ta thậm chí sẽ không thể thay thế các hệ thống pháo binh mà chúng ta đã mất. “

Ông cũng nhắm vào các tướng Nga “do tên khốn nạn Valery Gerasimov chỉ huy,” ám chỉ người đứng đầu chiến dịch Ukraine do Vladimir Putin bổ nhiệm vào tháng trước. Ông nói rằng họ đang “đốt và vứt bỏ thiết bị với số lượng lớn đến mức ngành công nghiệp quốc phòng không thể chịu nổi”.

Girkin cũng nói rằng 450 xe thiết giáp đã bị bỏ lại gần Izyum, một con số “có thể so sánh với tổn thất của quân Đức trong Trận Kursk”. Tưởng cũng nên biết thêm: Trận Kursk là trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử diễn ra trong Thế chiến II ở Liên Xô.

Hôm thứ Sáu, khi thế giới kỷ niệm một năm cuộc chiến, Girkin đã nhắm vào Putin trong một bài đăng trên Telegram, trong đó ông đổ lỗi cho hành động của Putin trong bối cảnh Nga đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường.

Bài đăng của Girkin nói rằng tổng thống Nga có “khả năng phân liệt đáng kinh ngạc” để bắt đầu bất kỳ “công việc kinh doanh” nào, nhưng không hoàn thành nó.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Ngoại giao Trung Quốc để xin bình luận.