1. Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa phải rời khỏi tất cả các cơ sở của Kyiv Pechersk Lavra

Chính phủ Ukraine đã chấm dứt thỏa thuận với Giáo Hội Chính thống Ukraine do Nga kiểm soát, gọi tắt là UOC-MP, hay UOC, về việc sử dụng miễn phí các tòa nhà tôn giáo nằm ở Hạ Lavra, một phần của tu viện Chính thống quan trọng nhất của Ukraine.

Các thành viên nhà thờ của UOC-MP phải rời khỏi cơ sở của Hạ Lavra trước ngày 29 tháng 3, theo một tuyên bố được Bộ Văn hóa công bố vào ngày 10 tháng 3.

Trước đó, nhà nước Ukraine đã không gia hạn cho UOC thuê một phần khác của Kyiv Pechersk Lavra được gọi là Thượng Lavra, trong quá trình giành lại quyền kiểm soát tu viện.

Vào năm 2013, dưới thời tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, tòa thượng phụ có liên hệ với Điện Cẩm Linh đã ký một thỏa thuận thuê sử dụng các tòa nhà của Hạ Lavra ở trung tâm Kyiv trong một thời gian không xác định.

Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy bắt đầu kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng thuê Hạ Lavra của UOC vào đầu tháng 12, cuối cùng kết luận rằng Giáo Hội này đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng, theo tuyên bố của Bộ Văn hóa.

Ngoài Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, cơ sở của Lavra cũng được sử dụng bởi một bảo tàng viện.

UOC đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trong những tháng gần đây do mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với Nga, cũng như việc phát hiện ra hộ chiếu Nga, những truyền đơn tuyên truyền chống Ukraine trong các cuộc đột kích trên toàn quốc vào các địa điểm tôn giáo của Giáo Hội này. Các cuộc tìm kiếm cũng đã diễn ra tại Kyiv Pechersk Lavra.

Mặc dù tuyên bố độc lập khỏi Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga vào tháng 5 và lên án cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, UOC vẫn phụ thuộc vào Mạc Tư Khoa trong hệ thống phẩm trật của thế giới Chính thống.

Vào ngày 1 tháng 12, Zelenskiy tuyên bố bắt đầu thủ tục cấm mọi hoạt động của Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Kyiv Pechersk Lavra (“pecherska” có nghĩa là “hang động”), được thành lập vào năm 1051, là một trong những tu viện đầu tiên ở Kyivan Rus. Nó thuộc về chi nhánh Ukraine của Tòa thượng phụ Đại kết Constantinople cho đến năm 1688 khi nó bị Nhà thờ Chính thống Nga sáp nhập.

Từ năm 1688, Lavra đã được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của đế quốc Nga.

Vào ngày 7 Tháng Giêng vừa qua, Giáo Hội Chính thống giáo độc lập của Ukraine lần đầu tiên tổ chức lễ Giáng Sinh tại Kyiv Pechersk Lavra.
Source:Kyiv Independent

2. Thượng Phụ Kirill yêu cầu Đức Giáo Hoàng làm một điều không thể

Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, hôm thứ Bảy đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô thuyết phục Ukraine ngừng cái mà ông ta gọi là “một cuộc đàn áp” chống lại nhóm Chính Thống Giáo Ukraine có lịch sử thân Nga.

Hôm thứ Sáu, chính quyền Kyiv đã ra lệnh cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, phải rời khỏi khu phức hợp tu viện nơi họ đặt trụ sở. Đó là động thái mới nhất chống lại một hệ phái Chính Thống Giáo mà chính phủ cho là thân Nga và hợp tác với Mạc Tư Khoa.

Kirill kêu gọi Đức Giáo Hoàng “nỗ lực hết sức để ngăn chặn việc buộc đóng cửa tu viện, vì điều này sẽ dẫn đến vi phạm quyền của hàng triệu tín hữu Ukraine”. Một tuyên bố của Thượng Phụ Kirill đăng trên trang web của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cho biết như trên.

Kirill ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. UOC cho biết họ đã cắt đứt quan hệ với Nga và Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và đồng thời than thở rằng họ là nạn nhân của một cuộc săn lùng phù thủy chính trị.

Kể từ tháng 10, Cơ quan An ninh Ukraine đã thường xuyên tiến hành khám xét các nhà thờ của UOC, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các giám mục và những người ủng hộ tài chính của họ, đồng thời mở các vụ án hình sự đối với hàng chục giáo sĩ của họ.

Kirill cho biết thật đáng tiếc khi các quyền và tự do của tín hữu Ukraine bị vi phạm trắng trợn.

Ngoài lời kêu gọi được đặc biệt gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô, Thượng Phụ Kirill cũng gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury Justin Welby, người đứng đầu Nhà thờ Coptic của Ai Cập, Đức Thượng Phụ Tawadros cũng như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và người đứng đầu nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk.

Bộ văn hóa Ukraine cho biết UOC có thời hạn đến ngày 29 tháng 3 để rời khỏi khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra 980 tuổi, nơi họ đặt trụ sở chính.

Ngày nay, hầu hết các tín hữu Chính thống Ukraine thuộc về một Giáo Hội Chính Thống Giáo khác, được gọi là Giáo Hội Chính thống Ukraine, được thành lập cách đây 4 năm và được Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinope công nhận.

Theo cách giải thích của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinope, Kitô Giáo đến Ukraine trước khi đến Nga. Vào thế kỷ thứ 10, Tòa Thượng Phụ Constantinople đã bổ nhiệm một Tổng Giám Mục cho Kyiv và toàn Ukraine. Tòa Tổng Giám Mục đặt ở Kyiv. Nhưng đến thế kỷ 13 do bị Mông Cổ xâm lược, Tòa Tổng Giám Mục phải dời về Vladimir và sau đó dời sang Mạc Tư Khoa. Sau khi hết giặc Mông Cổ, Tòa Tổng Giám Mục lại đặt ở Kyiv.

Dân số Chính Thống Giáo tăng mạnh nên người Nga muốn tách riêng thành một Giáo Hội khác. Khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra nguyên là của Giáo Hội Chính Thống Ukraine, ngày nay gọi tắt là OCU. Năm 1688, Sa hoàng Nga đã tịch thu trao cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Bọn cầm quyền cộng sản đã quốc hữu hóa và trao cho Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sử dụng theo hình thức thuê mướn miễn phí. Nay Bộ văn hóa Ukraine không cho thuê nữa, không thể coi là đàn áp tôn giáo. Đó là một vấn đề công bằng và hoàn toàn thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước.
Source:Reuters

3. Kế hoạch hòa bình ma, của Nga, không phải của Vatican

Nga lợi dụng Đức Giáo Hoàng, nói láo trắng trợn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về thảm kịch ở Ukraine và khẳng định “Không có kế hoạch hòa bình nào của Vatican”

Nhân kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine, Leonid Sevastyanov, lãnh đạo của một giáo phái người Nga, là người thường xuyên giao tiếp với Đức Giáo Hoàng, tuyên bố với các phương tiện truyền thông Nga rằng Đức Thánh Cha giao cho ông ta phổ biến và vận động tại Nga một kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Tuyên bố này của Sevastyanov gây kinh ngạc cho nhiều người vì đó hầu chắc không phải là cách Vatican hành động.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Nación được công bố vào Chúa Nhật 12 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Elisabetta Piqué, một người nhà báo chuyên về Vatican và là phóng viên tại Ý của tờ La Nación rằng “Không có kế hoạch hòa bình nào của Vatican, nhưng có một ‘sứ vụ hòa bình’, trong đó Vatican đang nỗ lực làm việc để chấm dứt cuộc xâm lược tàn bạo của Nga ở Ukraine.

Mặc dù cho rằng rất khó có khả năng cho một cuộc gặp gỡ giữa Vladimir Putin và Volodimir Zelenskiy ở Vatican có thể diễn ra trong tương lai, nhưng ngài nói rằng việc tổ chức một cuộc họp đại biểu thế giới có thể mang ý nghĩa xoay chuyển cuộc chiến bi thảm này ngay giữa lòng Âu Châu khi nó đã bước sang năm thứ hai. Mặt khác, ngài không loại trừ rằng do đặc điểm của nó, cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine có thể bị coi là một cuộc diệt chủng”.

Hôm 28 tháng 2, tờ Sputnik của Nga đánh đi bản tin nhan đề “Pope's peace plan for Ukraine puts inclusivity first – Cleric”, nghĩa là “Giáo sĩ nói: Kế hoạch hòa bình của Đức Giáo Hoàng dành cho Ukraine ưu tiên cho việc hội nhập.” Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ bài báo của tờ Sputnik.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vạch ra tầm nhìn của mình để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đặt sự bao gồm và tôn trọng tất cả các ngôn ngữ và văn hóa là cốt lõi của nỗ lực hòa bình, một giáo sĩ quen thuộc với văn bản nói với Sputnik.

Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng đã đề nghị hòa giải giữa Nga và Ukraine. Leonid Sevastyanov, lãnh đạo của một giáo phái người Nga, người thường xuyên giao tiếp với Đức Giáo Hoàng, nói với Sputnik hồi đầu tháng này rằng Đức Giáo Hoàng 86 tuổi đã sẵn sàng tới Mạc Tư Khoa và Kiev để giúp họ chấm dứt cuộc xung đột.

Trước khi tiếp tục bài báo của Sputnik, Thụy Khanh xin mở ngoặc để nói thêm: Người Ukraine gọi thủ đô của mình là Kyiv, người Nga gọi là Kiev.

Sputnik cho biết tiếp:

Sevastyanov nói với Sputnik hôm thứ Hai 27 tháng Hai rằng:

“Sự hòa giải và sự tha thứ lẫn nhau là đức tính chính yếu của Kitô giáo. Vatican là một nền tảng đàm phán cho tất cả các mục tiêu của các cuộc đàm phán nhắm đến một nền hòa bình lâu dài và công bằng cho tất cả mọi người”.

Sevastyanov, người đứng đầu Liên minh các tín hữu quốc tế, là một giáo phái của những người không phải tín hữu chính thống Nga, cho biết kế hoạch của Đức Giáo Hoàng đã mô tả các cuộc đàm phán là một phương tiện để đạt được hòa bình, và bao gồm và hợp tác là mục tiêu cuối cùng của nó.

“Nga, Ukraine và Âu Châu là một phần của một thế giới toàn diện cho tất cả mọi người! Thay vì chiến tranh, cần có sự hợp tác và nỗ lực để tạo ra một không gian kinh tế xã hội công bằng chung. Bất kỳ văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc và tôn giáo nào cũng phải được bảo vệ và tôn trọng,” Sevastyanov trích dẫn kế hoạch nói.

Giáo sĩ Nga nói rằng các bên tham gia cuộc xung đột sẽ ngừng sự tấn công và ngồi xuống bàn đàm phán để tìm một giải pháp có lợi sẽ khiến mọi người cảm thấy được tôn trọng. Kế hoạch cũng gợi ý rằng việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại.

Bản tin của Sputnik đến đây là hết, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh với quý vị cụm từ “việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại”. Đó chính là thâm ý của người Nga. “việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại” chắc chắn sẽ chấm dứt chiến tranh, ít ai hồ nghi về điều này, vì một khi người Ukraine không có vũ khí trong tay, họ còn biết làm gì hơn là đầu hàng trước đội quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo, chiến tranh sẽ chấm dứt ở Ukraine, nhưng sẽ bùng lên ở Moldova, Estonia, Lithuania, Latvia và cả ở Ba Lan.
Source:Sismografo