1. Các cuộc tấn công tại thành phố Bakhmut đã bị khựng lại sau khi các kho đạn Nga nổ tung

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 21 tháng Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lần đầu tiên kể từ khi cuộc xâm lược của Putin bắt đầu vào ngày 24 Tháng Hai, nằm ngoái 2022, người dân ở Kharkiv và toàn vùng Sumy đã được một giấc ngủ ngon vì không có tiếng còi không kích.

Các máy bay ném bom của Nga đã tạm thời ngưng các cuộc ném bom mỗi đêm vào khu vực này sau khi một phi công Nga lái chiếc Su-34 đã ném bom một thành phố của Nga ngay giữa trung tâm thành phố vào khuya ngày thứ Năm chuẩn bị sang ngày thứ Sáu.

Thống đốc khu vực Belgorod của Nga là ông Vyacheslav Gladkov cho biết vụ ném bom đã diễn ra lúc 22:15 khuya thứ Năm 20 Tháng Tư, tức là 2:15 sáng thứ Sáu 21 Tháng Tư theo giờ Việt Nam.

Khi vẫn còn trong không phận của Nga, anh ta phóng những trái bom nặng đến 500 kg về phía biên giới với Ukraine. Những quả bom đó là những quả bom được GPS dẫn đường sẽ bay qua Ukraine tấn công vào thành phố Kharkiv hay vùng Sumy của Ukraine.

Có thể hệ thống định vị GPS của Nga bị trục trặc, nên những quả bom này thay vì bay qua Ukraine đã quay ngược lại tấn công khu vực trung tâm của thành phố nơi được xem là khu phố chơi đêm. Sức nổ của những quả bom này đã hất văng một chiếc xe hơi đang đậu ở ngã tư giao thông lên nóc một tòa nhà cao tầng. Theo các bloggers quân sự Nga, gia đình đi trên xe được lính cứu hỏa đưa xuống, nhưng thật không may, tất cả đã thiệt mạng vì sức nổ của quả bom.

Sức nổ của một trong những quả bom này đã khoét trên mặt đường một hố sâu có bán kính khoảng 20m.

Sau tai nạn kinh hoàng này, Nga tạm thời ngưng các vụ quăng bom vào lãnh thổ Ukraine.

Liên quan đến tình hình chiến sự, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết quân đội Nga đang tập trung nỗ lực tiến hành các hành động tấn công ở các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka. Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi hơn 60 cuộc tấn công của đối phương trong 24 giờ qua.

Theo hướng Bakhmut, quân xâm lược Nga tiếp tục tiến hành các hành động tấn công. Các trận chiến khốc liệt để chiếm thành phố Bakhmut vẫn tiếp tục. Một sĩ quan Nga bị bắt tại mặt trận cho biết Putin kỳ hạn cho các lực lượng Dù phải chiếm cho bằng được toàn bộ thành phố Bakhmut trước ngày 30 Tháng Tư. Theo cô Maliar, quân Nga đang trong tình trạng kiệt quệ về đạn dược, vũ khí và nhân lực. Quân Ukraine vừa được trang bị các phương tiện trinh sát cả ngày lẫn đêm, mang lại cho họ cơ hội tấn công vào các tuyến đường tiếp tế cũng như các kho bãi của quân Nga.

Theo hướng Avdiivka, quân xâm lược Nga đang tiến hành các hành động tấn công gần Kamianka, Pervomaiske và Nevelske của vùng Donetsk, nhưng không thành công.

Ở hướng Marinka, các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của đối phương gần Marinka và Pobieda của vùng Donetsk.

Trong 24 giờ qua, 630 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với một xe xe tăng, 6 xe thiết giáp, 2 hệ thống pháo và 6 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 21 Tháng Tư, khoảng 185.050 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.668 xe tăng, 7.126 xe thiết giáp, 2.827 hệ thống pháo, 539 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 285 hệ thống tác chiến phòng không, 308 máy bay, 293 trực thăng, 2.394 máy bay không người lái, 911 hỏa tiễn hành trình 18 tàu chiến, 5.713 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 334 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Âm mưu lật đổ Putin, chấm dứt chiến tranh, hàng loạt sĩ quan cảnh sát Mạc Tư Khoa bị bắt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Making Big Changes to Domestic Security”, nghĩa là “Nga thực hiện những thay đổi lớn đối với an ninh nội địa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, được tường trình đang tiến hành một cuộc “đại tu” quy mô lớn đối với các cơ quan an ninh nội địa của họ sau cáo buộc rò rỉ dữ liệu cho Ukraine, một tổ chức tư vấn cho biết.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã đưa ra đánh giá trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm thứ Tư.

Biến cố diễn ra gần 14 tháng sau cuộc chiến và khi căng thẳng gia tăng ở Nga xuất phát từ những lo ngại về an ninh trước một cuộc phản công mùa xuân được dự đoán trước từ Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin hôm thứ Tư rằng trong vài tuần qua, FSB và Tổng cục An ninh của Bộ Nội vụ, gọi tắt là MVD, đã tiến hành kiểm tra hàng loạt tại Ban Nội chính Quận trung tâm Mạc Tư Khoa và một số cơ quan khác, đặc biệt là Văn phòng cảnh sát quận Mạc Tư Khoa.

ISW cho biết những điều này xảy ra sau “sự rò rỉ dữ liệu từ lực lượng an ninh Nga cho các công dân Ukraine”.

Tass trích dẫn các cơ quan thực thi pháp luật nói rằng các cuộc kiểm tra đang được tiến hành tại Ban Giám đốc Nội vụ của Nga ở Quận Trung tâm, cũng như tại các phòng ban khu vực của các cơ quan nội vụ.

Một số sĩ quan cảnh sát Nga đã bị giam giữ, ISW cho biết, trích dẫn một nguồn tin khác của Nga.

ISW cho biết các cuộc đột kích của FSB và MVD được báo cáo là nhắm vào các sở cảnh sát Mạc Tư Khoa đang diễn ra trong bối cảnh một loạt vụ bắt giữ và sa thải các thành viên nổi bật của Vệ binh Quốc gia Nga thường được gọi là Rosgvardia.

“Điện Cẩm Linh có thể đang thúc đẩy các vụ bắt giữ và điều tra như vậy để tiến hành đại tu bộ máy an ninh nội địa nhằm thay thế các quan chức không được Điện Cẩm Linh tin tưởng và củng cố thêm quyền kiểm soát đối với các cơ quan an ninh nội địa,” báo cáo viết.

Theo Tass, một số sĩ quan cảnh sát đã tiết lộ dữ liệu về lực lượng an ninh Nga cho “khách hàng”, một số là công dân Ukraine, để đổi lấy “phần thưởng bằng tiền”.

Tờ báo độc lập của Nga The Moscow Times đưa tin hôm thứ Tư rằng việc sa thải hàng loạt lực lượng cảnh sát Mạc Tư Khoa đã bắt đầu do hậu quả của cáo buộc rò rỉ dữ liệu và âm mưu lật đổ.

“Các sĩ quan FSB đã 'thanh lý' Ban Giám đốc Nội vụ của Khu Hành chính Trung tâm và các sở cảnh sát quận khác ở trung tâm Mạc Tư Khoa trong vài tuần liên tiếp,” tờ báo cho biết.

Tại quận Tagansky của Mạc Tư Khoa, ba nhân viên đã bị giam giữ, trong khi một số người khác bị giam giữ tại sở cảnh sát Arbat. Tờ báo đưa tin, phó trưởng ban nội vụ của Khu hành chính trung tâm, cảnh sát trưởng Alexei Shchipov, đã từ chức.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Nga và Ukraine để bình luận.

3. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga từ chức một tuần sau một 'cuộc kiểm tra bất ngờ'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Pacific Fleet Commander Resigns a Week After 'Surprise Inspection'“, nghĩa là “Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga từ chức một tuần sau một 'cuộc kiểm tra bất ngờ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã từ chức, đại diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại vùng Viễn Đông của nước này thông báo hôm thứ Năm.

Đặc phái viên của Putin, Yury Trutnev, cho biết Đô đốc Sergei Avakyants, 65 tuổi, đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu một nhóm phụ trách huấn luyện thể thao quân sự và giáo dục lòng yêu nước, hãng tin Kommersant của Nga đưa tin. Avakyants đã giữ vị trí chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 2012 cho đến hôm thứ Năm vừa qua.

Thông tin về việc từ chức của ông được đưa ra một tuần sau khi Nga quyết định tiến hành các vụ phóng hỏa tiễn và phóng ngư lôi như một phần của “cuộc kiểm tra bất ngờ” đối với Hạm đội Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trên truyền hình nhà nước vào ngày 14 tháng 4 rằng mục tiêu của nó “là tăng cường khả năng của Lực lượng vũ trang để đẩy lùi sự xâm lược của đối phương có thể xảy ra từ hướng biển và đại dương”.

“Avakyants, người cho đến gần đây chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, sẽ phụ trách bộ chỉ huy các trung tâm huấn luyện thể thao quân sự và giáo dục lòng yêu nước.”

Theo hãng thông tấn nhà nước Tass, các trung tâm huấn luyện thể thao quân sự thí điểm đang được thành lập tại 12 khu vực: Buryatia, khu vực Donetsk phía đông Ukraine, Kalmykia, Tatarstan, Cộng hòa Chechnya, Lãnh thổ Khabarovsk, Belgorod, Kemerovo, Pskov, Sverdlovsk, Tyumen và Yamalo- Okrug tự trị Nenets.

Các trung tâm dự kiến khai trương vào tháng 5 và dự kiến sẽ có ít nhất 9.000 người tham dự trong suốt cả năm. Các trung tâm sẽ đào tạo và giáo dục những người trong độ tuổi từ 14 đến 35, bao gồm cả học sinh và sinh viên.

Avakyants được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vào tháng 5 năm 2012. Ông được phong quân hàm đô đốc vào ngày 13 tháng 12 năm 2014.

Shoigu cho biết cuộc kiểm tra đột xuất hạm đội nhằm mục đích “đánh giá tình trạng và tăng cường sự sẵn sàng của chỉ huy quân sự, quân đội và các lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ trên tất cả các hướng chiến lược”. Ông nói thêm rằng nó sẽ đẩy lùi một cuộc đổ bộ của đối phương vào phía nam quần đảo Kuril và đảo Sakhalin.

Các đảo Kunashiri, Etorofu, Shikotan và Habomai thuộc chuỗi đảo Kuril đã bị Liên Xô chiếm giữ vào cuối Thế chiến II. Tokyo nói quần đảo này là “Lãnh thổ phương Bắc” của họ và vấn đề này đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ. Một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Thế chiến II chưa bao giờ được hai nước ký kết. Điều này phần lớn là do tranh chấp về nhóm đảo do Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhưng bị Nga xâm lược.

Do nằm giữa hòn đảo lớn Hokkaido của Nhật Bản và Bán đảo Kamchatka của Nga, quần đảo Kuril mang lại một số lợi ích về quân sự và chính trị.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để xin bình luận.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra nhận định về cách thức các phương tiện truyền thông Nga đưa ra thông tin sai lạc về điều kiện trên chiến trường Ukraine. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Với điều kiện nền đất mềm trên hầu hết lãnh thổ Ukraine, bùn đất nghiêm trọng có khả năng làm chậm hoạt động của cả hai bên trong cuộc xung đột.

Tuy nhiên, các trang web trực tuyến của Nga lại thường phóng đại tác động tổng thể của bùn đối với lực lượng Ukraine như một phần của hoạt động thông tin nhằm nâng cao tinh thần của Nga và làm suy yếu những người ủng hộ Ukraine, trước một cuộc phản công được Ukraine dự đoán trước.

Điều kiện mặt đất có thể được cải thiện trong những tuần tới. Mối đe dọa từ mìn có lẽ tiếp tục là một yếu tố quan trọng hơn trong việc hạn chế khả năng cơ động vượt địa hình của các chiến binh.

5. Tòa Bạch Ốc nói Biden và Macron thảo luận về Ukraine qua điện thoại

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thảo luận về Ukraine với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm hôm thứ Năm.

Các nhà lãnh đạo trong cuộc gọi “nhắc lại sự ủng hộ kiên định của họ đối với Ukraine trước sự xâm lược tàn bạo của Nga.”

Hai người cũng nói về chuyến thăm Trung Quốc của Macron cũng như “những nỗ lực không ngừng của họ nhằm thúc đẩy thịnh vượng, an ninh, các giá trị chung và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

“Trung Quốc có vai trò trong việc đóng góp, trong trung hạn, việc chấm dứt xung đột phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc,” nội dung cuộc điện đàm từ Điện Elysee cho biết như trên.

Cả hai nguyên thủ quốc gia cũng đồng ý với nhau về “tầm quan trọng của việc tiếp tục giao tiếp” với chính quyền Trung Quốc trên cơ sở này.

6. Đan Mạch và Hà Lan đồng ý tặng 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine

Đan Mạch và Hà Lan đã cùng đồng ý “mua, tân trang và tặng” 14 xe tăng Leopard 2A4 cho Ukraine, khi các đồng minh phương Tây tăng cường nỗ lực củng cố vũ khí quân sự của Kyiv trong bối cảnh nguồn cung đang cạn kiệt.

“Xe tăng Leopard 2 sẽ được cung cấp cho Ukraine từ đầu năm 2024, như một phần trong cam kết lâu dài của chúng tôi với Ukraine. Chi phí ước tính 165 triệu euro sẽ được chia đều cho các quốc gia của chúng tôi. Bằng cách này, chúng tôi sẽ cùng tham gia vào 'liên minh Leopard 2', được hỗ trợ bởi nhiều đối tác và đồng minh”, Bộ Quốc phòng các nước cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Năm.

Đan Mạch và Hà Lan trước đây đã đồng ý cùng với Đức cung cấp hơn 100 xe tăng chiến đấu Leopard 1 cho Ukraine vào mùa xuân năm 2024.

“Hai quốc gia của chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá các lĩnh vực khả thi khác để cùng mua sắm các năng lực bổ sung với mục đích hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi quyết tâm hỗ trợ Ukraine càng lâu càng tốt. Ukraine phải có khả năng tự bảo vệ mình trước cuộc xâm lược của Nga”, tuyên bố chung kết luận.

Xe tăng Leopard 2 được coi là phương tiện quân sự hiện đại, quan trọng giúp tăng cường sức mạnh cho lực lượng của Kyiv vì chúng tiết kiệm nhiên liệu và có nhu cầu bảo dưỡng tương đối thấp so với các mẫu khác, khiến các chuyên gia tin rằng xe tăng này có thể giúp Ukraine nhanh chóng.

7. Điện Cẩm Linh tái khẳng định mục tiêu ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, khi người đứng đầu liên minh đến thăm Kyiv

Hôm thứ Năm, Nga nhắc lại rằng việc ngăn chặn Kyiv gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của nước này, khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thăm Ukraine trong chuyến công du đầu tiên tới Ukraine kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết việc Ukraine gia nhập liên minh sẽ “gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng và đáng kể đối với đất nước chúng ta, đối với an ninh của đất nước chúng ta”.

Đầu tháng này, Điện Cẩm Linh cảnh báo sẽ mở rộng quy mô lực lượng gần Phần Lan sau khi quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh làm tăng gấp đôi biên giới đất liền của NATO với Nga.

Sự ủng hộ của công chúng Phần Lan và Thụy Điển đối với việc gia nhập NATO đã tăng vọt sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, đồng thời khơi lại những lời kêu gọi gia nhập từ Kyiv.

Cho đến nay Ukraine không phải là thành viên của liên minh và NATO đã cố hết sức tránh không tham gia trực tiếp vì sợ rằng điều đó sẽ mang lại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin cái cớ để leo thang hơn nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là Stoltenberg và NATO không đóng vai trò quan trọng ở Ukraine.

Ukraine đã thu hút tâm trí của liên minh và trong nhiều trường hợp đã khiến các nhà ngoại giao và quan chức ngạc nhiên về sự đoàn kết và sẵn sàng thực hiện các bước gây tranh cãi.

Cho dù đó là ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Ukraine, cung cấp viện trợ quân sự hay chính thức chào đón Phần Lan gia nhập liên minh, tất cả các hành động này đều được coi là nguy hiểm vì sợ chọc vào mắt Putin.

Vẫn còn những điểm bất đồng trong liên minh, đáng chú ý là Hung Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai đều có mối quan hệ với Nga thân thiết hơn những nước khác, đều hoài nghi về bất cứ điều gì chẳng hạn như tác động của NATO đối với sườn phía đông của Âu Châu.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, người ta chưa thấy Putin thành công điều gì, trừ ra điều này là tập hợp nhiều người ở phương Tây mà ông coi là đối phương của mình lại cùng nhau vì khiếp sợ trước sự tàn bạo của ông ta và ủng hộ việc kiên quyết chống lại ông ta bằng những hành động thực tế.

8. Mỹ nằm trong số các nước cân nhắc 'cấm hoàn toàn' xuất khẩu sang Nga

Hoa Kỳ và các đồng minh khác của Ukraine đang xem xét lệnh cấm hoàn toàn hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Nga nhằm tăng áp lực kinh tế lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Báo cáo của trang web kinh doanh Bloomberg cho biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 vào tháng Năm. Người ta cho rằng nó sẽ được theo sau bởi các hành động tương tự của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Nó sẽ chuyển đổi gói các biện pháp trừng phạt hiện tại để đưa ra các hạn chế nghiêm ngặt hơn. Chỉ có một số lượng hạn chế hàng hóa vẫn có thể được giao dịch.

9. G7 xem xét lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu sang Nga

G7 đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn sang Nga, hãng tin Kyodo đưa tin hôm thứ Sáu, trích dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật Bản.

Hãng tin Bloomberg hôm thứ Năm cũng đưa tin rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của Ukraine đang xem xét “một lệnh cấm hoàn toàn đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Nga”. Báo cáo đó cho biết các quan chức từ các quốc gia G7 đang thảo luận về ý tưởng này trước cuộc họp thượng đỉnh tại Nhật Bản vào tháng tới.

Khi được hỏi về báo cáo của Bloomberg, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, cho biết chính phủ đã biết về điều đó nhưng không bình luận về các cuộc trao đổi giữa các nước G7 và các quốc gia có cùng quan điểm về các lệnh trừng phạt có thể có thêm đối với Nga.

“Điều quan trọng là phải chấm dứt hành vi gây hấn của Nga càng sớm càng tốt, và vì thế G7 vẫn thống nhất ủng hộ các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga và ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine.”

10. Zelenskiy ca ngợi chuyến thăm của Jens Stoltenberg là 'Chương mới' trong quan hệ NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelenskiy Hails Jens Stoltenberg Visit As 'New Chapter' in NATO Relations”, nghĩa là “Zelenskiy ca ngợi chuyến thăm của Jens Stoltenberg là 'Chương mới' trong quan hệ NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ca ngợi chuyến thăm của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới quốc gia bị chiến tranh tàn phá hôm thứ Năm là một “chương mới” trong quan hệ với liên minh quân sự.

Ông nói với các phóng viên sau các cuộc đàm phán với Stoltenberg ở thủ đô: “Chúng tôi hoan nghênh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới thăm Kyiv, và nhiều vùng ở Ukraine, nơi mạnh mẽ, tự do và nhìn thấy triển vọng giải phóng hoàn toàn vùng đất của chúng ta khỏi quân xâm lược Nga”.

“Chúng tôi diễn giải chuyến thăm này... như một dấu hiệu cho thấy Liên minh đã sẵn sàng bắt đầu một chương mới trong quan hệ với Ukraine—một chương của những quyết định đầy hứa hẹn.”

Chuyến thăm bất ngờ của ông Stoltenberg tới Ukraine hôm thứ Năm là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào nước này hồi tháng 2 năm ngoái. Cuộc chiến đã kéo dài gần 14 tháng và Ukraine được cho là sẽ sớm phát động một cuộc phản công nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ trong suốt cuộc xung đột. Zelenskiy đã yêu cầu các đồng minh phương Tây của mình cung cấp thêm vũ khí để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Nga.

Zelenskiy và Stoltenberg đã đề cập đến bốn vấn đề chính trong cuộc hội đàm hôm thứ Năm. Đó là cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Quốc phòng Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức vào ngày 21 tháng 4, việc cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraine, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7, và bảo đảm an ninh cho Ukraine trong khi nước này gặp khó khăn dù Ukraine chưa phải là thành viên của liên minh.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng mặc dù ông rất biết ơn về lời mời cá nhân ông tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, nhưng ông tin rằng “điều quan trọng là Ukraine cũng nhận được lời mời tương ứng”.

“Không có một rào cản khách quan nào có thể ngăn cản việc thông qua các quyết định chính trị về việc mời Ukraine gia nhập Liên minh. Và ngay bây giờ, khi đa số người dân ở các nước NATO và đa số người Ukraine ủng hộ việc nhà nước của chúng ta gia nhập Liên minh, đã đến lúc cần có những quyết định phù hợp. Không thể tưởng tượng được an ninh của không gian Âu Châu-Đại Tây Dương nếu không có Ukraine, và mọi người hiểu điều này”, ông Zelenskiy nói.

Tháng 9 năm ngoái, Ukraine tuyên bố nỗ lực trở thành thành viên nhanh chóng của NATO sau khi Putin tuyên bố sáp nhập 4 khu vực Ukraine bị Nga chiếm một phần.

Ông Stoltenberg cho biết vị trí hợp pháp của Ukraine là trong NATO và liên minh này sẽ đứng vững để hỗ trợ đất nước.

“Thưa Tổng thống, tôi ở đây hôm nay với một thông điệp đơn giản: NATO sát cánh cùng Ukraine,” ông nói. “NATO sát cánh cùng các bạn hôm nay, ngày mai và cho đến chừng nào còn cần thiết.”

Khi được hỏi về chuyến đi của ông Stoltenberg, phát ngôn viên Cẩm Linh Dmitry Peskov nói trong một cuộc họp báo rằng việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu của đất nước ông và điều đó là “vô điều kiện”.

“ Nếu không, sẽ có một mối đe dọa nghiêm trọng, đáng kể đối với đất nước chúng ta và an ninh của nó,” Peskov nói.