1. Nga đổ lỗi cho Mỹ và Anh về vụ tấn công cầu Crimea khi video cho thấy thiệt hại khổng lồ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Blames U.S. for Crimea Bridge Attack as Video Shows Colossal Damage”, nghĩa là “Nga đổ lỗi cho Mỹ về vụ tấn công cầu Crimea khi video cho thấy thiệt hại khổng lồ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một cuộc tấn công vào Cầu Kerch của Crimea đã được thực hiện với “sự tham gia trực tiếp” của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, Mạc Tư Khoa cho biết, khi các video tiết lộ mức độ thiệt hại lan truyền nhanh trên các mạng xã hội.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã cho biết như trên trong một tuyên bố sau vụ nổ vào sáng thứ Hai trên cây cầu dài 12 dặm, hay hơn 19km, nối mạng lưới giao thông của Nga và bán đảo Crimea bị Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014.

Kênh Grey Zone Telegram của Nga báo cáo rằng đã có hai cuộc tấn công trên cầu lúc 3:04 sáng và 3:20 sáng giờ địa phương.

Cây cầu khánh thành vào năm 2018 và có một đường dành cho giao thông đường bộ và một đường dành cho giao thông đường sắt riêng biệt được hỗ trợ bởi các cột bê tông. Có một nhịp rộng hơn nơi các con tàu đi qua giữa Hắc Hải và Biển Azov.

Đoạn video quay từ một đoàn tàu đi qua cầu đường sắt cho thấy cấu trúc bị hư hại với một đoạn đường bị sập nhào xuống dưới nước và nghiêng về một bên.

Phát ngôn nhân Bộ Maria Zakharova cho biết: “Cuộc tấn công hôm nay vào cây cầu Crimea do chính quyền Kyiv thực hiện. Chế độ này là khủng bố và có tất cả các dấu hiệu của một nhóm tội phạm có tổ chức quốc tế.”

“Các quyết định đã được đưa ra bởi các quan chức và quân đội Ukraine với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan tình báo và chính trị gia Mỹ và Anh”.

“Mỹ và Anh chịu trách nhiệm về cấu trúc nhà nước khủng bố,” bà ta nói thêm, mà không cung cấp thêm chi tiết. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Ngoại giao Anh và Bộ Quốc phòng Ukraine để xin bình luận.

Hai người đến từ vùng Belgorod của Nga, một người mẹ và một người cha, đã thiệt mạng và con gái của họ bị thương trong vụ việc, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết.

Trong vài giờ đầu tiên ngay sau vụ nổ, phản ứng của Ukraine là tìm cách tránh trách nhiệm vì sợ người Nga lấy cớ tấn công trả đũa. Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine, nói rằng các vụ nổ có thể là “sự khiêu khích” của Nga để lấy cớ chấm dứt thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép xuất khẩu an toàn ngũ cốc Ukraine ra Hắc Hải. Thỏa thuận hết hạn vào ngày thứ Hai. Sau đó, phát ngôn viên cục tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov nói rằng Crimea “được người Nga sử dụng như một trung tâm hậu cần lớn để di chuyển lực lượng và tài sản vào sâu trong lãnh thổ Ukraine và các vấn đề hậu cần sẽ “phức tạp hơn” đối với Mạc Tư Khoa vì vụ nổ ngày hôm nay.

Tuy nhiên, sau khi đã nhận ra tầm mức thiệt hại kinh hoàng đối với cây cầu, người Ukraine nhận thức rõ ràng rằng chối hay nhận đều có hậu quả như nhau, Ukrinform, cơ quan thông tấn của Ukraine tuyên bố một cách rõ ràng rằng cuộc tấn công được thực hiện bằng thuyền không người lái và được tiến hành bởi lực lượng hải quân và cơ quan an ninh nội địa của Ukraine, gọi tắt là SBU.

Các cổng thông tin của Ukraine cũng bắt đầu đưa tin rằng cơ quan an ninh nội địa Ukraine SBU đứng sau vụ tấn công, trích dẫn các nguồn dịch vụ an ninh. Họ lưu ý rằng nhà lãnh đạo của SBU, Vasyl Malyuk, trước đây đã nói rằng cây cầu là một mục tiêu hợp pháp.

Nhà lãnh đạo quốc hội Crimea do Nga bổ nhiệm, Vladimir Konstantinov, nói rằng Ukraine đứng sau vụ việc mà ông mô tả là một “tội ác mới”, mặc dù ông nói rằng phần đường sắt của cây cầu không bị hư hại.

Tháng 10/2022, Nga đổ lỗi cho Ukraine tấn công cây cầu vốn được Kyiv coi là biểu tượng cho việc Mạc Tư Khoa xâm lược Crimea.

Không rõ thiệt hại mới nhất đối với cây cầu sẽ có ý nghĩa gì đối với thỏa thuận sẽ hết hạn vào hôm thứ Hai do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn ra Hắc Hải.

2. Tuyên bố của thông tấn xã quốc gia Ukraine: SBU và Hải quân Ukraine đứng sau cuộc tấn công rạng sáng thứ Hai vào cầu Crimea

Một cuộc tấn công rạng sáng ngày thứ Hai vào Cầu Eo biển Kerch là một chiến dịch đặc biệt do Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và Hải quân Ukraine tiến hành. Các thuyền không người lái đã được sử dụng để tấn công cây cầu.

SBU cho biết: “Thật khó để đến được cây cầu, nhưng điều này cuối cùng đã được thực hiện.”

Theo các báo cáo sơ bộ, một nhịp cầu của chiếc cầu eo biển Kerch đã bị sập vào khoảng 04:00 thứ Hai, ngày 17 tháng 7. Trước đó, đã xảy ra một vụ nổ. Ít nhất hai người được cho là đã thiệt mạng và một người bị thương. Hàng dài người xếp hàng trước cây cầu. Giao thông đường sắt đã bị dừng lại.

Tổng cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine nhắc lại một tuyên bố của nhà lãnh đạo cơ quan này, Kyrylo Budanov, người nói rằng Cầu Eo biển Kerch là một cấu trúc không cần thiết.

Thỏa thuận ngũ cốc hết hạn vào ngày 17 tháng 7. Nga đã tuyên bố rằng họ không có ý định gia hạn thỏa thuận và yêu cầu dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt.

Nhiều người Ukraine đã hân hoan chào đón tin tức về sự việc trên cầu Kerch.

Viết trên mạng xã hội, họ hy vọng hậu quả là hậu cần của Nga sẽ bị gián đoạn – cây cầu từng là tuyến đường tiếp tế chính cho xe tăng, xe thiết giáp và vật tư của Nga.

Phát ngôn nhân của nhóm lực lượng phía đông Ukraine, Serhiy Cherevaty, cho biết những người lính ở tiền tuyến “đã phản ứng tốt” với các sự kiện trên cây cầu. Nhiều binh sĩ đã bắn chỉ thiên để chào mừng biến cố này.

Ông nói với BBC: “Họ có niềm tin vào các chỉ huy của mình và họ muốn tấn công đối phương bất cứ khi nào có thể – để trừng phạt chính xác những người dân của chúng tôi đã bị giết, và cho những thành phố bị phá hủy của chúng tôi”.

3. Những gì chúng ta biết về lịch sử sử dụng bom chùm của Nga ở Ukraine

Mặc dù nói rằng Ukraine sử dụng bom chùm là một “tội ác” — và thề sẽ trả đũa nếu Kyiv sử dụng loại bom do Mỹ cung cấp gần đây — lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng loại vũ khí gây tranh cãi này trong suốt cuộc chiến, Ukraine và Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án điều đó.

Văn phòng Tổng công tố Ukraine đã mở một số cuộc điều tra về việc Nga sử dụng bom chùm kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Đây là những gì các thăm dò và báo cáo từ các tổ chức quốc tế đã tiết lộ cho đến nay:

Tuyên bố của Ukraine: Trong một tuyên bố vào ngày 27 tháng 3 năm 2022, Văn phòng Tổng Công tố cho biết Nga đã sử dụng bom chùm vào các mục tiêu dân sự ở khu vực phía đông Dnipropetrovsk và văn phòng công tố khu vực đã tiến hành “các thủ tục tố tụng hình sự vì vi phạm luật pháp và phong tục của chiến tranh.”

Theo cuộc điều tra, các lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện các vụ tấn công bằng các hỏa tiễn từ các hệ thống phóng nhiều hỏa tiễn, nhắm vào một khu định cư ở quận Kryvyi Rih của khu vực, văn phòng công tố cho biết như trên.

“Hỏa tiễn được trang bị bom chùm bị cấm. Trong quá trình kiểm tra hiện trường, các nhân viên thực thi pháp luật và các chuyên gia về chất nổ đã phát hiện và thu giữ các mảnh vỡ của hỏa tiễn”, thông báo cho biết thêm.

Trong một video trên Telegram được đăng vào ngày 11 tháng 5, chính quyền quân sự khu vực Zaporizhzhia cho biết các lực lượng Nga “đã tấn công ồ ạt thị trấn Malokaterynivka bằng nhiều bệ phóng hỏa tiễn, khiến 8 người bị thương do đạn chùm”. Ba trong số những người bị thương là nhân viên cứu thương đang đáp ứng một cuộc gọi.

Báo cáo từ các tổ chức bên ngoài: Bom chùm cũng đã được sử dụng cho các mục tiêu dân sự ở vùng đông bắc Kharkiv, một cuộc điều tra của CNN từ năm ngoái cho thấy.

Báo cáo ghi lại cách một vị tướng Nga giám sát các hành động tàn bạo ở Syria đã lãnh đạo các vụ đánh bom chùm vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Liên Hiệp Quốc và các tổ chức trực thuộc cũng đã công bố các báo cáo về vấn đề này.

Trong một tuyên bố được công bố vào ngày 30 tháng 3 năm 2022, nhà lãnh đạo Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào thời điểm đó, Michelle Bachelet, cho biết các báo cáo đáng tin cậy cho thấy Nga đã sử dụng bom, đạn chùm ở các khu vực đông dân cư của Ukraine “ít nhất hai chục lần”, chỉ hơn một tháng sau cuộc xâm lược.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 25 tháng 8 năm 2022, nhóm xã hội dân sự Giám sát Bom, đạn chùm do Liên Hiệp Quốc hợp tác cho biết các lực lượng Nga đã “liên tục” sử dụng bom, đạn chùm kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Việc Ukraine sử dụng vũ khí riêng: Báo cáo tương tự của nhóm Giám sát bom, đạn chùm cho thấy các lực lượng Ukraine cũng đã sử dụng bom, đạn chùm “một vài lần”.

Ukraine đã thừa nhận việc sử dụng vũ khí này trước đó, nói rằng họ sử dụng bom để bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi cuộc chiến do Nga phát động.

Các quan chức Ukraine và Mỹ cho biết bom, đạn chùm do Mỹ cung cấp sẽ không được sử dụng ở các khu vực đông dân cư, ngay cả khi những khu vực đó bị lực lượng Nga xâm lược, và Kyiv sẽ nỗ lực quét sạch các khu vực bị ném bom bằng bom, đạn chùm..

Theo báo cáo của nhóm giám sát, bom chùm đã giết chết ít nhất 215 dân thường và làm bị thương 474 người kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

4. Các vị trí chiến đấu thay đổi cho cả hai bên dọc theo mặt trận phía đông

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Hai 17 tháng Bẩy, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết vị trí của cả hai bên đang “thay đổi linh hoạt” dọc theo mặt trận phía đông khi giao tranh ở đó “có phần leo thang”.

Hanna Maliar cho biết: “Có những trận chiến khốc liệt và vị trí của hai bên đang thay đổi linh hoạt nhiều lần trong ngày.

Maliar cho biết Nga đã “tích cực tiến công” gần thành phố Kupyansk ở vùng Đông Bắc Kharkiv của đất nước trong hai ngày liên tiếp. “Chúng tôi đang phòng thủ,” cô nói thêm.

Xa hơn về phía nam dọc theo mặt trận phía đông, Maliar cho biết các lực lượng Ukraine đang dần tiến về phía trước quanh Bakhmut và rằng có “những bước tiến hàng ngày ở sườn phía nam” của thành phố tranh chấp lâu nay.

Cô nói thêm rằng, ở sườn phía bắc của Bakhmut, lực lượng Ukraine đang cố gắng giữ vững vị trí của mình, trong khi lực lượng Nga tiếp tục tấn công.

“Ở chính Bakhmut, chúng tôi đang pháo kích đối phương, và đối phương đang pháo kích chúng tôi”

Và phía nam Bakhmut, các lực lượng Nga cũng đang tấn công ở các khu vực xung quanh thị trấn Avdiivka và Marinka.

“quân phòng thủ của chúng tôi tiếp tục ngăn cản họ một cách hiệu quả. Các trận chiến nóng bỏng vẫn tiếp tục mà không có sự thay đổi về vị trí,” cô nói.

Trong 24 giờ qua, 620 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 23 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 3 hệ thống phòng không, và 15 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 17 Tháng Bẩy, khoảng 238.300 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.115 xe tăng, 8.034 xe thiết giáp, 4.504 hệ thống pháo, 685 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 428 hệ thống tác chiến phòng không, 315 máy bay, 310 trực thăng, 3.828 máy bay không người lái, 1.273 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 7.059 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 677 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Mỹ không trì hoãn huấn luyện F-16 cho phi công chiến đấu Ukraine, cố vấn an ninh quốc gia nói

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm Chúa Nhật xác nhận rằng Mỹ sẽ cho phép các nước Âu Châu bắt đầu huấn luyện phi công chiến đấu Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16, sau khi có báo cáo rằng Âu Châu đang chờ phê duyệt chính thức.

“Vâng, chúng tôi sẽ chấp thuận,” Sullivan nói. “Tổng thống đã bật đèn xanh và chúng tôi sẽ chuẩn y, cho phép, hỗ trợ, tạo điều kiện và trên thực tế là cung cấp các công cụ cần thiết để người Ukraine bắt đầu được đào tạo về F-16, ngay khi người Âu Châu chuẩn bị sẵn sàng”.

Sullivan lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Âu Châu đã nói rằng họ cần vài tuần để chuẩn bị khả năng đào tạo và Hoa Kỳ sẽ đáp ứng bất kỳ mốc thời gian nào họ đặt ra.

“Mỹ sẽ không cản trở việc bảo đảm rằng khóa huấn luyện F-16 này có thể được tiến hành.”

Việc Ukraine tìm kiếm các chiến đấu cơ ưu việt do Mỹ sản xuất đã nhận được một sự thúc đẩy lớn khi chính quyền Biden cho biết vào tháng 5 rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ một chương trình đào tạo phi công và sẽ không ngăn cản các đồng minh cung cấp máy bay cho Kyiv. Tuy nhiên, Mỹ chưa khẳng định sẽ trực tiếp cung cấp F-16 cho Kyiv hay không.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang nói gì: Thượng nghị sĩ Mark Kelly, một đảng viên Đảng Dân chủ Arizona và là cựu phi công Hải quân, thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang, đã bảo vệ mốc thời gian cung cấp trực tiếp chiến đấu cơ cho Ukraine.

Đáp lại những lời chỉ trích cho rằng chính quyền đang chậm chạp trong quyết định gửi F-16, Kelly cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào hôm Chúa Nhật rằng sẽ cần thời gian và nguồn lực để đào tạo các phi công Ukraine về cách lái máy bay ngay từ đầu.

“Điều này sẽ mất một thời gian. Tôi không nghĩ rằng nó diễn ra chậm chạp, nhưng quá trình này lâu hơn rất nhiều”, Kelly nói và cho biết thêm rằng trong chuyến thăm Ukraine vào tháng 4, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và nhóm của ông vẫn chưa chắc chắn về những nhiệm vụ chiến đấu cụ thể mà họ muốn sử dụng các máy bay phản lực.

Ngược lại, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, một đảng viên Đảng Cộng hòa Alaska và là cựu Thủy quân lục chiến, người cũng ngồi trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang, đã chỉ trích đường lối của chính quyền Biden.

Trong khi ca ngợi Biden vì những hành động của ông tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của liên minh quân sự NATO, ông chỉ trích chính quyền vì đã “chuyển chậm” các hệ thống vũ khí cho Ukraine, cụ thể là máy bay F-16.

“Như tôi đã dự đoán, cuối cùng thì họ cũng sẽ làm được, nhưng nó quá dài. Đó chính xác là những gì đã xảy ra,” Sullivan nói.

6. Cựu chỉ huy Nga cho rằng lực lượng Wagner sẽ giết những người Nga cả tả khuynh lẫn hữu khuynh.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Forces Will Kill Fellow Russians 'Right and Left': Former Commander”, nghĩa là “Cựu chỉ huy Nga cho rằng lực lượng Wagner sẽ giết những người Nga cả tả khuynh lẫn hữu khuynh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu chỉ huy Nga Igor Girkin đã cảnh báo vào hôm Chúa Nhật rằng Tập đoàn Wagner, một công ty quân sự tư nhân, sẽ không ngần ngại giết người Nga nếu được lệnh của người sáng lập Yevgeny Prigozhin, người đã lãnh đạo một cuộc binh biến ngắn hạn chống lại Bộ Quốc phòng Nga vào tháng trước.

Prigozhin đã nổi dậy chống lại Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 23 tháng 6 và cáo buộc quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin tấn công các vị trí của Wagner ở Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra bắt đầu từ tháng 2 năm ngoái.

Ông tuyên bố vào thời điểm đó rằng nhóm lính đánh thuê của ông đã kiểm soát các địa điểm quân sự ở thành phố Rostov-on-Don của Nga. Tập đoàn Wagner kiểm soát các địa điểm an ninh quan trọng, bao gồm cả trụ sở điều hành các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một trong những đánh giá của mình vào tháng trước.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Prigozhin nhằm tiến tới Mạc Tư Khoa với lực lượng của ông đã giảm leo thang vào ngày hôm sau sau khi các cuộc đàm phán được thực hiện với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một trong những đồng minh hàng đầu của Putin. Prigozhin vào thời điểm đó nói rằng các đoàn xe của ông đang quay đầu để quay trở lại trại dã chiến của họ.

Girkin đã cho biết vào hôm Chúa Nhật, rằng mặc dù cuộc nổi dậy của họ đã thất bại, nhưng Tập đoàn Wagner đã “thể hiện một cách hoàn hảo sự sẵn sàng của họ” để “giết hại đồng bào của họ thẳng tay” trong tương lai dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh “điên cuồng” của họ, người đã từng là một đồng minh của Putin.

“Khẩu hiệu của cái gọi là 'cuộc tuần hành của công lý' đã trở thành điểm tham chiếu cho sự tồn tại lâu dài của công ty quân sự tư nhân này và những lực lượng còn ở lại trong đơn vị vũ trang bất hợp pháp được chỉ định dưới sự chỉ huy của Prigozhin cũng là những kẻ phản bội nước Nga giống như ông ta. Hoàn toàn giống nhau chứ không có gì khác, đơn giản vì giờ đây 'đội quân riêng' của Prigozhin không có quyền đạo đức để được coi là người bảo vệ Tổ quốc. Và các chiến binh của nó bảo vệ quyền giết bất cứ ai, ở bất cứ đâu vì số tiền mà 'chủ nhân' của họ trả cho họ.”

Girkin nói thêm rằng Tập đoàn Wagner đã không “chịu sự trừng phạt nhỏ nhất” vì cuộc binh biến thất bại chống lại Nga.

Trong khi đó, Putin gọi cuộc nổi dậy của Tập đoàn Wagner là “đâm sau lưng” và thề sẽ có “hành động quyết liệt”.

“Những người đã tổ chức một cuộc nổi loạn vũ trang sẽ phải chịu trách nhiệm,” Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình mà không đề cập đến Wagner hay Prigozhin. “Những ai đã bị lôi kéo vào chuyện này, tôi kêu gọi các bạn hãy dừng các hành động tội ác của mình lại.”

Tổng thống Nga nói rằng những quân nhân “đi theo con đường phản quốc sẽ bị trừng phạt và phải chịu trách nhiệm”, đồng thời nói thêm rằng “các lực lượng vũ trang đã nhận được mệnh lệnh cần thiết”.

Putin sau đó đã trục xuất lực lượng của Tập đoàn Wagner đến Belarus sau cuộc nổi dậy thất bại của lực lượng này chống lại giới lãnh đạo quân đội Nga, diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa Prigozhin và bộ quốc phòng về hoạt động của quân đội Nga ở Ukraine.

7. Tổng thống Putin cho rằng cuộc phản công của Ukraine đến nay vẫn chưa thành công

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc phản công của Ukraine đã “không thành công”, trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo thân Cẩm Linh Pavel Zarubin được công bố hôm Chúa Nhật.

“Mọi nỗ lực của đối phương nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ của chúng ta, kể cả việc sử dụng lực lượng dự bị chiến lược, đều không thành công trong toàn bộ cuộc tấn công. Đối phương không thành công”, ông Putin nói. “Quân đội của chúng ta đã chiến đấu quả cảm”.

Ông Putin nói thêm rằng Nga có cơ hội nghiên cứu các thiết bị quân sự của đối phương và xem những gì Mạc Tư Khoa có thể sử dụng.

Ông nói: “Có một biểu hiện như là kỹ thuật đảo ngược. Nếu có cơ hội nhìn vào bên trong và xem liệu có điều gì có thể áp dụng cho chúng ta hay không — thì tại sao không?”

Kyiv nói rằng có tiến triển chậm trong cuộc phản công: Các quan chức và tướng lĩnh cấp cao của Ukraine cũng tiếp tục mô tả cuộc giao tranh khó khăn và tiến triển hạn chế trên chiến trường khi họ tìm cách đánh bật lực lượng Nga ra khỏi đất nước và xoay chuyển cục diện cuộc chiến.

Sau khi các đối tác chủ chốt của Ukraine gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania, các cam kết về quan hệ an ninh sâu sắc hơn nữa đã được đưa ra - mặc dù không nêu rõ bất kỳ thời gian biểu nào về việc Ukraine trở thành thành viên tiềm năng trong liên minh. Kyiv khẳng định họ không cảm thấy bị áp lực phải đưa ra kết quả nhanh chóng.

Phát biểu với các nhà báo hôm thứ Sáu tại Kyiv sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, thừa nhận cuộc phản công - được coi là đã được tiến hành từ đầu tháng 6 - là “công việc khó khăn”.

“Nó không diễn ra nhanh như vậy; nó diễn ra chậm,” ông nói, đồng thời nói thêm rằng điều quan trọng là người Ukraine được nói sự thật về những diễn biến trên thực địa.”

8. Nhóm liên kết với Điện Cẩm Linh tố cáo các mối đe dọa hạt nhân của Nga, được rêu rao trên truyền hình nhà nước là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin-Aligned Group Denounces Russian Nuclear Threats, State TV Rhetoric”, nghĩa là “Nhóm liên kết với Điện Cẩm Linh tố cáo các những lời đe dọa hạt nhân, và luận điệu trên truyền hình nhà nước.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Luận điệu của Mạc Tư Khoa về việc vũ khí hạt nhân là một lựa chọn trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, và đã bị một nhóm chuyên gia cố vấn thân với Điện Cẩm Linh coi là “đỉnh cao của sự vô trách nhiệm”.

Một bức thư của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng của Nga, có tiêu đề “Về những lời kêu gọi chiến tranh hạt nhân,” đã phản đối các mối đe dọa hạt nhân vốn là chủ đề chính của truyền hình nhà nước và một số nhân vật chính trị.

Hội đồng là tổ chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Nga và chủ tịch danh dự của nó, Sergei Karaganov, là một khoa học gia có quan hệ mật thiết với Tổng thống Vladimir Putin. Chính ông này tháng trước đã kêu gọi một cuộc tấn công hạt nhân vào các mục tiêu quốc tế “để đưa những kẻ mất trí nhớ về với lý trí”.

Nhưng 24 thành viên hội đồng, là những nhân vật nổi tiếng của Nga trong các lĩnh vực học thuật, khoa học và chính trị, đã đưa ra một bức thư bày tỏ lo ngại về những cuộc nói chuyện như vậy như một cuộc tấn công hạt nhân phòng ngừa của Mạc Tư Khoa nếu chiến tranh ở Ukraine leo thang.

Bức thư được công bố trên trang web của hội đồng cho biết, luận điệu về vũ khí hạt nhân này không chỉ giới hạn ở việc sử dụng chúng trong chiến tranh ở Ukraine mà còn bao gồm các đề xuất “tấn công vào các quốc gia chính của NATO”.

“Những hy vọng cho rằng một cuộc xung đột hạt nhân hạn chế có thể được quản lý và ngăn chặn leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu là hão huyền và là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm. Mối đe dọa là sự tàn phá của hàng chục và thậm chí hàng trăm triệu người ở Nga, Âu Châu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khác.”

“Đây là một mối đe dọa trực tiếp đối với nhân loại nói chung,” bức thư nói thêm khi chỉ trích tiếng rít của thanh kiếm hạt nhân do các khách mời truyền hình nhà nước thực hiện.

“Những lý luận giả tạo và những tuyên bố cảm tính theo kiểu 'chương trình trò chuyện' có thể tạo ra tâm trạng trong xã hội có thể thúc đẩy việc thông qua các quyết định tai hại. Không ai nên tống tiền nhân loại bằng mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc ra lệnh sử dụng chúng trong chiến đấu.”

Nhà sử học thời Chiến tranh Lạnh và giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, ông Sergey Radchenko, đã viết rằng đó là một “bức thư đáng chú ý, cho thấy rằng có nhiều những cuộc tranh luận công khai ở Nga hơn là những gì chúng ta đã nhìn thấy”.

“Một luồng gió mới sau hành động gần đây của Karaganov,” ông nói thêm. Karagonov, người đã hối thúc Putin tấn công Thủ đô các quốc gia NATO, đã không ký vào bức thư.

Các nhà bình luận trên truyền hình nhà nước Nga thường xuyên thúc giục Điện Cẩm Linh sử dụng hỏa tiễn hạt nhân và Putin đã ám chỉ vào tháng 9 năm 2022 rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga. “Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, chắc chắn chúng ta sẽ sử dụng mọi biện pháp sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta – đây không phải là một trò lừa bịp,” nhà lãnh đạo Nga cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Newsweek đã liên hệ với Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng và Điện Cẩm Linh qua email để xin bình luận.

Một tháng sau khi ông nói rằng khả năng Mạc Tư Khoa có thể sử dụng vũ khí hạt nhân là “có thật”, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Năm tuyên bố rằng ông không tin rằng có nguy cơ Putin sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử chống lại Ukraine.

Tuy nhiên, trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mạc Tư Khoa coi việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 của phương Tây cho Kyiv là mối đe dọa “hạt nhân” vì chúng có khả năng mang vũ khí nguyên tử.

9. Cố vấn an ninh quốc gia cho biết Hoa Kỳ sắp hết đạn dược khi viện trợ quân sự cho Ukraine

Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Mỹ đang cạn kiệt đạn dược trong kho dự trữ của mình khi tiếp tục nỗ lực giúp Ukraine tự vệ trước Nga.

Sullivan cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden, khi nhậm chức, “nhận thấy rằng tổng kho dự trữ loại đạn 155 ly, là loại đạn tiêu chuẩn của NATO được sử dụng cho đạn pháo, là tương đối thấp”.

Sullivan cho biết chính quyền cũng biết rằng sẽ mất nhiều năm chứ không phải vài tháng để bổ sung nguồn cung cấp đến mức có thể chấp nhận được – đó là một nhiệm vụ khó khăn.

“Tổng thống Biden đã ra lệnh cho Ngũ Giác Đài nhanh chóng tăng cường khả năng của Hoa Kỳ để sản xuất tất cả các loại đạn dược mà chúng ta có thể cần cho bất kỳ cuộc xung đột nào vào bất kỳ lúc nào,” Sullivan nói. “Hàng tháng, chúng tôi đang tăng khả năng cung cấp đạn dược.”

Đầu năm nay, CNN đã báo cáo rằng Ukraine đang đốt cháy đạn dược nhanh hơn khả năng sản xuất của Mỹ và NATO, và Ngũ Giác Đài đã đóng vai trò trung tâm trong việc cố gắng tăng cường sản xuất.

Về bom chùm: Cố vấn an ninh quốc gia không thể cho biết liệu Ukraine hiện có đang sử dụng bom chùm gây tranh cãi mà Biden gần đây đã gửi cho Ukraine hay không, nhưng cho biết, “nếu chúng chưa được triển khai, chúng sẽ được sử dụng trong vài giờ hoặc vài ngày tới.”

Sullivan xác nhận rằng đạn dược đã đến nước này, như CNN đã đưa tin trước đó.

Ông nói thêm: “Bây giờ chúng đã được chuyển rất nhanh vào cuộc chiến và nằm trong tay những người bảo vệ Ukraine ở tuyến đầu”.

10. Nga đã chính thức thông báo không gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải

Nga đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hiệp Quốc rằng họ phản đối việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin.

Trong năm ngoái, sáng kiến ngũ cốc ở Hắc Hải đã cho phép xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine. Nhưng mọi sự đã bị đình trệ vì Nga từ chối gia hạn thỏa thuận.

Chuyến tàu chở hàng cuối cùng được thông quan bởi các bên ký kết thỏa thuận đã đi qua Hắc Hải từ cảng Odesa của Ukraine tới Istanbul, trang web Marine Traffic cho biết vào tối qua. Theo dữ liệu từ Trung tâm điều phối chung giám sát thỏa thuận, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những người hưởng lợi chính từ các lô hàng ngũ cốc, cũng như các nền kinh tế phát triển.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, đã làm việc cật lực để gia hạn thỏa thuận. Ông ủng hộ việc loại bỏ các rào cản đối với việc xuất khẩu phân bón của Nga và đã gửi cho Putin một lá thư vào tuần trước.

11. Điện Cẩm Linh tuyên bố Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải

Điện Cẩm Linh cho biết Nga đã đình chỉ thực sự việc tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải.

Thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị phong tỏa do xung đột Nga-Ukraine một cách an toàn. Nó đã được gia hạn nhiều lần, nhưng đã hết hạn vào hôm thứ Hai 17 Tháng Bẩy. Nga đã nói trong nhiều tháng rằng các điều kiện để gia hạn đã không được đáp ứng.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Thực tế, các thỏa thuận Hắc Hải đã không còn hiệu lực từ hôm nay. Thật không may, một phần của các thỏa thuận Hắc Hải liên quan đến Nga vẫn chưa được thực hiện, vì vậy hiệu lực của nó đã bị chấm dứt.”

Mạc Tư Khoa từ lâu đã phàn nàn rằng vẫn còn những trở ngại đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Ông Peskov nói: “Ngay sau khi phần của Nga trong các thỏa thuận được hoàn thành, phía Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận này.”

Ông cho biết quyết định không gia hạn thỏa thuận không liên quan đến cuộc tấn công trong đêm vào cây cầu giữa Nga và Crimea, mà ông gọi là “hành động khủng bố” và đổ lỗi cho Ukraine. “Đây là những sự kiện hoàn toàn không liên quan. Ngay cả trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, quan điểm này đã được Tổng thống Putin tuyên bố,” ông Peskov nói.

12. Tuyên bố của Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, về tai nạn xảy ra cho một gia đình đang lái xe qua cây cầu Kerch

Thông tấn xã Ukrinform cho biết quân Ukraine đã cố ý tấn công vào cầu eo biển Kerch nối Crimea của Ukraine và khu vực Kresnodar của Nga vào khoảng 3 giờ sáng là giờ ít có xe cộ qua lại nhất. Tuy nhiên, cũng không thể tránh được các thương vong đối với dân thường.

Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, cho biết một cặp vợ chồng người Nga đã thiệt mạng cuộc tấn công của Ukraine khi họ lái xe qua cầu Kerch vào ban đêm vì họ hy vọng sẽ là một kỳ nghỉ gia đình trên bờ Hắc Hải của Crimea, cùng với cô con gái 14 tuổi của họ.

Theo Gladkov, chiếc xe của gia đình bị hư hại hoàn toàn, với những thi thể đầy máu biến dạng và câm nín. Cô con gái Angelina, 14 tuổi. Cha mẹ cô là Alexei và Nataliya.

Angelina bị thương ở đầu và ngực nhưng vẫn tỉnh táo và tự thở và tính mạng của cô không gặp nguy hiểm, theo các bác sĩ cấp cứu.

Gladkov cho biết gia đình đã đi cùng với dì của cô gái trên hai chiếc xe hơi và quyết định lái xe vào ban đêm để tránh tắc đường.

“Khoảng 3h sáng, gia đình nghe thấy tiếng nổ đầu tiên, sau đó đèn trên cầu vụt tắt. Sau tiếng nổ thứ hai, không còn liên lạc được nữa.” Người dì của cô gái đậu xe phía sau đã chứng kiến thảm kịch của gia đình.