MẦU NHIỆM TỘI LỖI DƯỚI ÁNH SÁNG CUỘC KHỔ NẠN VÀ PHỤC SINH CỦA CHÚA KITÔ.

Vào tuần Thánh, Mẹ Hội Thánh dẫn đoàn tín hữu đi sâu dần vào trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Thập giá Chúa Kitô vừa mạc khải tình yêu cao cả của Thiên Chúa vừa vạch rõ bản chất cũng như mức độ xấu xa của tội lỗi nhân loại. Sau Công Đồng Vaticanô II các nhà luân lý không còn nhìn tội dưới lăng kính luật lệ để phân định tội nặng nhẹ, hầu phục vụ các linh mục giải tội khi làm thẩm phán mà trái lại đào sâu mầu nhiệm tội lỗi dưới ánh sáng của ơn cứu độ. Quả thật người ta chỉ có thể hiểu được tội là gì cách đúng nghĩa nhất trong tương quan với Thiên Chúa, đặc biệt qua mầu nhiệm cứu chuộc. Mặc dù cuốn sách giáo lý Hà Lan có đôi điều phóng thoáng, tuy nhiên chương nói về tội khi khẳng định tội chỉ được cứu xét và trình bày như một điểm đối trọng với ơn cứu độ thì rất thâm thuý. Chính Đức đương kim Giáo Hoàng lúc bấy giờ, Đức Phaolô VI đã từng nhận định:“Theo tôi, chương nói về tội phải được xếp vào các chương hay nhất; ảnh hưởng của chương này rất lớn. Không có gì trong nội dung nghiêm túc của đề tài này đã bị bỏ sót. Người ta đã hoàn toàn vượt qua được thứ luân lý phá hoại của khoa giải đố lương tâm, và đã đề nghị một thông điệp dứt khoát hoàn toàn mới”(Bernard Hearing- La théologie morale – Idées maitresses –Ch. V)

VẤN NẠN THỰC TIỄN

Hàng năm cứ gần đến các đại lễ như Giáng Sinh, Phục Sinh, Kitô hữu Công Giáo chúng ta đặc biệt là Việt Nam hầu như tấp nập kéo nhau đến toà giải tội. Đây là một nét son và cũng là điều tự hào của hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ Việt Nam về đời sống đạo của đoàn chiên mình. Nhiều khi có vị còn lấy đó để khoe mẻ với các đấng bậc từ giáo triều khi cácNgài đến viếng thăm. Thế nhưng đời sống đức tin kiểu tranh nhau đến toà giải tội ấy phải chăng phần lớn đang dừng lại ở hình thức “đạo đức cá nhân chủ nghĩa” là hình thức mà công đồng Vaticanô II cảnh báo: “Cần phải vượt ra khỏi thứ luân lý cá nhân chủ nghĩa. Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn biến thời cuộc. Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn là do mỗi người biết, tuỳ theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung, bằng cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư nhằm cải thiện những điều kiện sống của con người….mỗi người điều phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay”(MV số 30).

Quả thực đoàn tín hữu chúng ta hầu như đa số đến toà cáo giải để lo cho phần rỗi của mình, để chu toàn bổn phận luật dạy: “xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh”. Nền đạo đức cá nhân chủ nghĩa ấy còn phản ánh qua các thứ tội ta thường xưng như lo ra chia trí, quên đọc kinh sáng tối, bỏ lễ cả, buồn giận con cái, phá chay, không kiêng thịt….Thậm chí có nhiều người còn vương mãi sự áy náy lương tâm về những sự vặt vãnh có tính cách cá nhân ấy. Dù rằng đã được giải thích là được miễn chuẩn giữ luật tham dự lễ Chúa Nhật khi có lý do chính đáng như lỡ đường, chăm sóc bệnh nhân…hoặc bị bất lực về thể lý như bệnh tật, sinh nở…thế mà tín hữu ta vẫn cứ xưng vì không xưng thì không yên lương tâm. Với hàng tu sĩ hay với hàng giáo sĩ có thể khi xét mình xưng tội cũng dễ thường chăm chăm đến những gì luật dạy mang tính cách cá nhân như bỏ giờ kinh phụng vụ, lỗi đức vâng lời, đức khiết tịnh…còn những lĩnh vực xã hội như sự liên đới trong đức công bình và bác ái xem chừng như rất dễ bỏ qua. Một kiểu “Gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà” (x.Mt 23,24). Đây là một hình thức sống đạo không chỉ là cá nhân chủ nghĩa mà còn vụ luật chẳng khác gì người biệt phái thời Chúa Giêsu.

MỘT CÁI NHÌN VỀ MẦU NHIỆM TỘI LỖI THEO CÁC MỐI TƯƠNG QUAN.

Trở lại vấn đề mầu nhiệm tội lỗi. Như đã nói trên, chúng ta chỉ có thể hiểu sâu hiểu đúng một cách nào đó về tội khi chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm cứu độ, đặc biệt trong cuộc Khổ Nạn Và Phục Sinh của Chúa Kitô. Chính ngày thứ Năm trong đêm Tiệc ly Chúa Giêsu đã quyết định dứt khoát là hiến mình cho nhân loại khi lập Bí tích Thánh Thể: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” (x.Mt 26,26-28). Với tâm tình đạo đức ta vốn quen nghĩ những lời này là cho nhân loại nói chung mà quên rằng Chúa Giêsu đang nói trực tiếp với muời hai Tông Đồ. “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Không biết cả tập thể nhóm Mười Hai đang phạm lầm lỗi gì khiến Chúa Giêsu phải bị nộp. Giả như Chúa Giêsu chỉ nói Ngài sẽ bị nộp vì một trong các con thì ta có thể hiểu bởi Giuđa Iscariô đã thoả thuận bán Thầy cho các Thượng Tế với giá ba mươi đồng hôm trước đó. Đàng này, khi lập Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu nói “vì các con” tức là cả tập thể nhóm Mười Hai (x.Lc 22,19; 1Cr 11,23-25). Xin đừng quên khi ấy Phêrô chưa phản bội chối Thầy và mười người còn lại chỉ bỏ Thầy chạy thoát thân sau một vài giờ. Cần khẳng định với nhau điều này là Chúa Giêsu sẽ bị nộp vì cả nhóm Mười Hai đã phạm tội. Các vị đã phạm những gì? Chắc hẳn không phải bỏ Lễ Chúa Nhật. Cũng không phải vì không giữ chay hay chẳng kiêng thịt. Chúa Giêsu đã từng bênh vực các vị về khoản này (x.Mc 2,18-22). Tương tự thế, cũng không vì các Ngài lười cầu nguyện hay không giữ luật sạch nhơ. Các Ngài có nói tục chửi thề hay làm những sự chẳng nên hay không thì chúng ta không biết. Tuy nhiên Tin Mừng cho ta hay rằng tập thể nhóm Mười Hai đã phạm tội này: Lợi dụng Thầy chí thánh cho mục đích ích kỷ cá nhân là tìm kiếm vinh quang và quyền lực trần thế cho bản thân mình.

Bấy lâu nay theo Thầy Giêsu, các Ngài ôm mộng Thầy sẽ đánh đổ quân thù Rôma và tái lập vương quyền cho Israel. Khi Thầy đã làm vua thì chúng mình ắt sẽ là công hầu bá tước cao trọng. Chúng ta không lạ gì cái đề tài thường gây xích mích giữa các Ngài trong suốt ba năm theo Thầy đó là ai sẽ là quan đầu triều trong hàng nhất phẩm. Thậm chí ngay đêm nay, khi mà Thầy đang bày tỏ những lời tâm huyết như người sắp giã từ trần gian, thế mà các Ngài vẫn mãi loay hoay tranh cãi xem ai là người đứng đầu trong nhóm (x.Lc 22,24-27). Biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem huy hoàng như một vị vua, Con vua Đavit, Đấng nhân danh Chúa mà đến, trong tiếng tung hô của dân chúng chắc hẳn có sự sắp xếp nào đó của nhóm Mười Hai. Gọi các Ngài là kẻ cò mồi, những người xách động quả không oan chút nào. Tin mừng tường thuật các Ngài là những người đầu tiên lấy áo mình rải lối đi cho Chúa Giêsu (x.Mc 11,7). Các Biệt phái hình như phát giác được ý đồ này của các Tông Đồ và họ đã xin Chúa Giêsu ngăn cản các Ngài (x.Lc 19,39). Hẳn trong thâm tâm các Ngài, lần này lên Giêrusalem, vào dịp lễ lớn có đông đảo dân chúng thì đại sự ắt thành công. Lần trước Thầy từ chối vương quyền phải chăng vì hoàn cảnh chưa thuận tiện? (x.Ga 6,1-15). “Thiên thời” thì khó biết, “nhân hoà” đã có, và đây chính là thủ đô, đúng là “địa lợi” rồi. Thời cơ đã chín muồi. Phải chớp lấy ngay! Động cơ vụ lợi của các Tông đồ chính là một nguyên cớ khiến Chúa Giêsu “sẽ bị nộp”.

Chuyện Chúa Giêsu vào thành cách long trọng giữa tiếng hoan hô của dân chúng không thể nào không đến tai các Thượng Tế Do Thái thời bấy giờ. Đúng là tai hoạ sắp giáng xuống trên các ông, những người tuy lãnh đạo về tôn giáo nhưng cũng như đang lãnh đạo dân chúng về mặt đời. Người Do Thái bấy giờ vốn nhìn nhận luật tôn giáo như là luật của quốc gia. Phải dẹp cái ông Giêsu này thôi. Dân chúng theo ông ta mà làm loạn thì đế quốc Rôma sẽ đem quân đội sang trừng phạt. Và chúng mình đây, các Thượng Tế và kỳ mục thế nào cũng bị vạ lây. Nếu may ra còn tính mạng thì cái ghế “chức sắc tôn giáo” sẽ chẳng còn. Vậy “Chẳng thà một người chết đi mà toàn dân được nhờ” (Ga 12,50), nhưng đúng hơn chức vị chúng ta được ổn định và đương nhiên lợi lộc sẽ được bảo đảm.

Cái chết của Chúa Giêsu được cấu thành bởi nhiều nguyên cớ khác nhau. Người không ít lần cố tình vi phạm luật ngày hưu lễ và qua đó khẳng định rằng ngày hưu lễ được lập ra là vì con người chứ không phải ngược lại (x.Mc 2,28). Người đã xem nhẹ luật sạch nhơ kiểu hình thức bên ngoài vì cho rằng chỉ những gì bên trong xuất ra mới làm cho con người nên sạch hay ra nhơ uế (x.Mc 7,14-23). Người đã thẳng thừng vạch mặt thói đạo đức giả và sự mê lầm của các biệt phái và luật sĩ với những lời xem ra rất là chối tai “khốn cho các ngươi” (x.Mt 23,27-32). Ngài đã tự xem mình trên cả đền thờ và thậm chí cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, có trước cả Abraham (x.Ga 8,57)…

Các lý do này có phần nào đó khiến những người lãnh đạo trong Do Thái giáo thời bấy giờ muốn giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên dựa vào diễn tiến cuộc họp của Thượng Hội Đồng, đặc biệt qua sự kiện người ta tìm đủ cách để cáo gian Chúa thì những lý do ấy chưa đủ tính quyết định cho cái chết của Người. Thậm chí cả đến lý do cho rằng Chúa Giêsu phạm thượng khi tự cho mình là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống cũng chỉ là một trong những lý do mang tính tôn giáo hợp lý được chớp lấy ngay để che đậy nguyên nhân sâu xa là sự hám danh, tham lợi của những kẻ đang có chức có quyền bấy giờ lòng đầy sự đó kỵ ganh tương (x.Mt 27,18). Chúng ta đừng quên cái án tử hình áp đặt trên Chúa Giêsu đã được các vị ấy phán quyết trước khi xét xử. Tương tự như chuyện xét xử ở các quốc gia độc tài, phi nhân, phi dân chủ, khi án đã quyết rồi thì việc xét xử, tố tụng sau đó chỉ là chuyện hình thức không hơn không kém.

Thánh Công Đồng Vaticnô II nhận định: “Tội lối làm hư hỏng nhân loại. Thánh kinh cũng như kinh nghiệm của nhiều thời đại dạy cho gia đình nhân loại biết rằng: tiến bộ tuy là một lợi ích lớn lao của con người, nhưng cũng đem theo một cám dỗ mãnh liệt. Thực vậy, khi bậc thang giá trị bị đảo lộn, khi ác và thiện lẫn lộn, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ xét quyền lợi của mình chứ không để ý đến quyền lợi của kẻ khác. Do đó, thế giới chưa phải là nơi có tình huynh đệ thật, và sự gia tăng quyền lực của con người lại đe doạ huỷ diệt chính nhân loại.” (MV số 37)

GẪY VỠ MỐI TƯƠNG QUAN VỚI ĐẤNG TẠO THÀNH

Chúa Giêsu bị nộp, bị giết chết vì sự ích kỷ, vì danh lợi của các Tông Đồ và của những vị quyền cao chức trọng trong Do Thái giáo thời bấy giờ. Do bởi “tình yêu quy ngã” của con người mà Chúa phải chết. Tội chính là sự quy về mình, lấy mình làm trung tâm. Khi lấy mình làm trung tâm của mọi tình cảm, thái độ, hành vi thì ta đã làm rạn nứt và đứt gãy mối tương quan giữa ta với Đấng Tạo Thành, với tha nhân và với cả vũ trụ thiên nhiên.

Quy về mình, lấy mình làm trung tâm thì chúng ta sẽ cho là đúng những gì hợp với mình, cho là phải những gì có lợi cho mình. Như thế chính lợi ích của mình trở thành thước đo của lẽ phải, của công lý. Lấy chính mình làm tiêu chuẩn của điều phải trái đúng là một chước cám dỗ muôn thuở. Lỗi phạm của tổ tiên loài người khi muốn tự mình phân định điều tốt xấu là do chước cám dỗ này. Và như thế con người đã loại bỏ định hướng của Thiên Chúa, Đấng tác thành nên mọi sự. Chỉ có Chúa và ý định của Người mới là thước đo, là tiêu chuẩn của đúng sai, tốt xấu. Khi lấy mình làm tiêu chuẩn thì con người đã cắt đứt tương quan giữa mình với Thiên Chúa và khi ấy Thiên Chúa như trở thành người gây cản trở cần phải loại bỏ đi. Một vài triết gia thế kỷ ánh sáng như Nietzsche đã từng kêu gào: Thiên Chúa phải chết đi để cho con người được sống. Dĩ nhiên hàm ý là để cho con người được sống theo sự chủ quan vị kỷ của mình. Thiên Chúa theo quan niệm của những người này là như “một kẻ cạnh tranh với con người, vì thế phải loại trừ để trả lại cho con người tầm vóc đầy đủ và sự trưởng thành của nó” (Jean Marie Aubert – Abrégé de la morale catholique – 1987). Chủ nghĩa Macxit cũng hô hào loại bỏ Thiên Chúa để giải phóng con người khỏi tình trạng vong thân. Chủ nghĩa vô thần hiện sinh lại muốn phớt lờ Thiên Chúa để đề cao quyền tự do, tự quyết cách tuyệt đối của cá nhân. “Không còn gì trên trời nữa, chẳng có Sự Thiện, chẳng có Sự Ác, chẳng có kẻ ra lệnh cho tôi, vì tôi là một con người, và mỗi người phải khám phá ra đường đi nước bước của mình” (J.P.Sartre–Les Mousches). Chính khi tự tách mình ra khỏi nguồn sống thì con người đang hướng về sự chết. Sự chết là một trong những hậu quả của tội lỗi. Theo tôi, đây không phải là sự chết thể lý nhưng là một sự đánh mất chính bản thân mình. Vì ai tìm kiếm mình thì sẽ mất. (x.Mt 10,39; Lc 9,24).

GẪY VỠ MỐI TƯƠNG QUAN VỚI THA NHÂN

Cũng chính vì đặt lợi ích của mình lên trên hết nên con người đã sẵn sàng lợi dụng nhau hoặc triệt hạ kẻ khác khi họ có thể làm hại cho ích lợi của mình. Tha nhân khi ấy không còn là người đồng hành thiết thân như xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi (x.St 2,23 ). Tương quan giữa người với người bị phá vỡ. Khi người khác hữu ích cho tôi thì sẽ là “vật sở hữu” của tôi, nếu ngược lại khi trở nên bất lợi hay bất tiện cho tôi thì tha nhân nếu không là lang sói thì cũng là hoả ngục (J.P.Sartre). Khi đặt lợi ích của mình, lợi ích của tập thể, đảng phái, quốc gia của mình lên trên hết thì người ta sẵn sàng thực hiện những hành vi phi nhân, đàn áp, bóc lột kể cả diệt chủng mà lịch sử, đặc biệt những thế kỷ gần đây đã cho ta thấy.

GẪY VỠ MỐI TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI TỰ NHIÊN

Được dựng nên để làm chủ vũ trụ vạn vật này, con người được Thiên Chúa trao phó cho việc sử dụng của cải vật chất để tạo hạnh phúc cho mình và tha nhân đồng thời tôn vinh Thiên Chúa. Con người lại đặt các lợi ích trần thế này lên hàng đầu. lấy của cải vật chất làm hạnh phúc tối hậu cho bản thân, vì thế mối tương quan giữa con người và các loài thọ tạo hữu hình đã đổi ngôi, thay vì làm chủ chúng, giờ đây con người quay ra làm nô lệ cho chúng. Hình ảnh đất đai hoá ra cằn cỗi, gai góc minh chứng sự thật này (x.St 3,17-18). Vũ trụ này là cho loài người chứ không riêng gì một ai, một tập thể nào. Khi ích kỷ, lấy lợi ích của mình hay tập thể mình làm điểm quy chiếu thì con người sẽ khai thác các tài nguyên thiên nhiên cách thiếu tôn trọng môi sinh và vì thế cũng thiếu trách nhiệm với đồng loại.

ÁNH SÁNG PHỤC SINH CHIẾU SOI MẦU NHIỆM TỘI LỖI

Đức Kitô đã phục sinh. Một trong những ý nghĩa của mầu nhiệm Phục sinh là dẫn đưa con người tù cõi chết đến cõi sống, từ kiếp nô lệ đến đời tự do. Sống mầu nhiệm phục sinh là “nhờ, với và trong Đức Kitô” chúng ta hãy chết đi cho con người cũ để sống lại với con người mới. Nào chúng ta hãy xem Thánh kinh tường thuật những hiệu quả của ơn Phục sinh nơi các Tông đồ, các môn đệ và đoàn tín hữu thuở ban đầu.

Nỗi sợ hãi dần biến mất: Càng tiếp xúc với Chúa Phục sinh các Tông đồ, các môn đệ càng bớt dần bao nỗi sợ hãi. Không phải chỉ vì các Ngài đang được một Đấng đầy uy quyền bảo đãm an ninh mà trước hết giờ đây các Ngài không còn phải lo mất địa vị, hay chức quyền trần thế vốn xưa nay hằng khao khát. Mộng ước có được một chức quan, một chiếc ghế trong vương quyền mới của Israel nơi các Tông đồ, các môn đệ nay đã dần bị loại bỏ. “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ giải phóng Israel” (Lc 24,21). Không còn hoặc bớt đi sự quan tâm đến ích lợi cá nhân thì nỗi sợ hãi cũng không còn hoặc bớt dần đi.

Trong khi đó các Thượng Tế thì mãi canh cánh lo âu vì cái tin phục sinh của Đức Kitô do những linh canh trình báo. Chính vì sợ mất chức, mất cái ghế trong tôn giáo nên họ đã sẵn sàng đút lót tiền cho binh lính để phao tin thất thiệt. Chúa đã phục sinh vinh quang nhưng cuộc chiến vẫn còn đó. Thần Dữ vẫn tiếp tục dùng những người hám chức hám lợi để xuyên tạc sự thật, nhất là khi phương tiện thông tin lại ở trong tay những kẻ có quyền mà hám danh lợi thì sự tác hại vẫn còn đó với nhiều hậu quả khó khắc phục ngày một ngày hai chẳng hạn tin đồn các môn đệ đến lấy trộm xác Đức Giêsu (x.Mt 28,11-15).

Sự tranh chấp nội bộ về quyền bính: Một chủ đề vốn đã từng gây tranh luận giữa các Tông Đồ gần như cơm bữa trước đây thì nay dường như không còn hoặc ít thấy xuất hiện. Các Ngài quan tâm đến nhau hơn như khi Phêrô và Gioan bị bắt giam trong ngục họ đã chân thành cầu nguyện và hết lòng ca tụng Chúa khi thấy hai ông được thả về (x.Cvtđ 4,1-31). Ngay cả với trường hợp Phaolô, người trước kia đã từng bắt bớ tín hữu Chúa, nay trở lại cũng được các Ngài đón tiếp chân thành sau khi được Banaba đứng ra bảo lãnh (x.Cvtđ 9,26-30).

Sự ích kỷ cá nhân bị loại bỏ: “ Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…Tất cả tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cvtđ 2,42-45). Đây là những dòng Thánh Kinh “vàng” tường thuật thời kỳ thật lý tưởng của Hội Thánh sơ khai trong ân sủng của Chúa phục sinh.

“Nếu Thiên Chúa không cho ta biết tội bằng cách giúp ta nhận ra ân sủng thì hoặc ta sẽ bị đẩy tới chổ phủ nhận mình không có tội, hoặc ta sẽ rơi vào tuyệt vọng” (Karl Rahner). Chính ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô cho chúng ta cái nhìn đích thực về bản chất của tội. Tội chính là sự “quy về mình” và nó được thúc đẩy bằng quyền lợi thế trần mà con người nỗ lực kiếm tìm. Thực ra con người tìm kiếm chính mình qua những điều thiện hảo hữu hình truớc mắt.

Ân sủng của Thiên Chúa qua mầu nhiệm cứu độ không chỉ đưa con người trở lại vị thế ban đầu thưở tạo dựng mà còn nâng con người lên một tầm cao giá trị mới. Phụng Vụ Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, đặc biệt các bài đọc Lời Chúa khẳng định với ta chân lý này. Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải là hữu thể hịên hữu với, hiện hữu cùng và hiện hữu cho, nghĩa là trong các mối tương quan hài hoà, hợp lý và phải đạo với Thiên Chúa, với tha nhân và với các loài thọ tạo khác.

Con ngưòi phải hiện hữu trước Thiên Chúa như là tạo vật trước Đấng Tạo Hoá nghĩa là trong tâm tình thần phục. Đức thờ phượng nhắc bảo chúng ta rằng mọi sự chúng ta là, chúng ta có đều do bởi Thiên Chúa. Vì là do bởi Thiên Chúa nên chúng ta phải sống và hoạt động theo thánh ý của Người, đồng thời sẵn sàng trao dâng lại cho Thiên Chúa tất cả như Abraham hiến dâng chính người con một của mình cho Giavê. Khi đến thế gian, Đức Kitô đã thực hiện hành vi cao cả này khi nhìn nhận mọi sự của Người là của Chúa Cha và bởi Chúa Chúa Cha. Lương thực của Người là làm theo ý Đấng đã sai Người (x.Ga 4,34). Và trên Thập giá Người đã trao lại cho Chúa Cha những gì Người đã lãnh nhận khi vào trần gian. “Lạy Cha, Con phó dâng linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Đến thế gian, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta ra khỏi chước cám dỗ xem tha nhân như là công cụ, như là vật sở hữu hay như kẻ thù. Qua cái chết và sự phục sinh vinh thăng, Người dẫn đưa chúng ta vào một thế giới mà ở đó không còn là nô lệ hay tự do, không còn là Do Thái hay Hy lạp mà tất cả đều là anh em cùng một Cha trên trời, Đấng cho mưa rơi đều trên người công chính lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người lành lẫn kẻ tội lỗi (x.Mt 5,43-48). Giữa người với người giờ đây chỉ còn một lề luật mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Và thái độ yêu thương là “không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Với dấu chỉ tình yêu này chúng ta mới thực sự là người bạn, người môn đệ, người anh em của Chúa Kitô.

Đến thế gian, Chúa Kitô đã phục hồi phẩm giá và vị trí của con người trên các thực tại trần thế. Không nguyên chỉ của cải vật chất mà cả những thể chế luật lệ thậm chí cả những luật lệ tôn giáo cũng đều phải phục vụ con người. Không phải con người được dựng nên là vì ngày sabat mà ngày sabat được lập ra là vì con người. Con người phải làm chủ cả ngày sabat. Con người phạm tội là khi đặt các thực tại ấy lên làm chủ của mình, làm chúa của mình. Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “ Không được làm tôi hai chủ” (x.Mt 6,24; Lc 16,13 ).

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một cộng đoàn tình yêu huớng tha. Chúa Cha sinh ra Chúa Con, yêu thương và trao ban tất cả cho Chúa Con. Chúa Con trao dâng lại tất cả cho Chúa Cha trong sự vâng phục và tình yêu mến. Tình yêu bản vị sống động giữa hai Ngôi cực thánh chính là Chúa Thánh Thần. Theo Đức Bênêđictô XVI, tình yêu như là một cuộc hành trình, môt cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi đóng kín hướng vào bên trong để vươn tới tự do qua việc cho đi chính mình (x.TĐ.Thiên Chúa Là Tình Yêu số 6). Loài người được dựng nên giống hình ảnh và là hoạ ảnh của Thiên Chúa. Giáo Lý Công Giáo trình bày: “Đức Kitô,…chính khi mặc khải về mầu nhiệm Chúa Cha về tình yêu của Người, đã biểu lộ cho con người cách rất đầy đủ về chính họ và cho họ thấy ơn gọi rất cao cả của họ” (x. GS 22,1). Trong Đức Kitô “Thánh Tử là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) (x. 2Cr 4,4), con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Đấng tạo hóa. Trong Đức Kitô. Đấng Cứu Chuộc và Cứu Độ, hình ảnh thần linh, đã bị biến dạng nơi con người vì nguyên tội, nay được phục hồi trong vẻ đẹp nguyên thủy của nó và còn được nên cao trọng nhờ ân sủng của Thiên Chúa (x. GS, 2) (Số 1701).Thay vì phải sống phản ánh tình yêu hướng tha thì con người lại chọn con đường hướng về bản thân. Như thế tội lỗi là tình trạng quy ngã của con người. Khi chọn lấy mình làm trung tâm con người đã phá đổ trật tự các mối tương quan, với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân và với vũ trụ thiên nhiên.

Qua cái chết khổ giá và sự phục sinh vinh thăng, Chúa Kitô đã trao ban cho nhân loại hồng ân Thánh Thần. Thánh Thần Thiên chúa sẽ làm cho con tim chai đá của ta hoá ra thịt mềm (x. Ed.36,26 ), sẽ khai sáng tâm trí chúng ta nhận biết vị thế của mình trong các tương quan hài hoà của thưở ban đầu. “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,23-24).

MỘT CÁI NHÌN VỀ NGUYÊN TỘI

Ngày nay, đặc biệt sau Công đồng Vatican II, nhiều thần học gia đã không còn nhìn nguyên tội như là một sự vấp ngã của một con người, con người đầu tiên. Ngay cả đối với các Kitô hữu có óc phê bình nhận định thì một hành vi của một con người sơ khai thì thật rất khó có thể có tính “quy trách” nặng nề như tội nguyên tổ theo lối trình bày trước đây. Để phạm một tội “nặng” thì phải làm một điều lỗi nặng, trái với luật của Thiên Chúa trong sự hiểu biết hoàn toàn và có tự do đầy đủ. Giả như ngưòi đầu tiên đã làm một điều lỗi nặng nhưng để hội đủ hai yếu tố là tự do hoàn toàn và hiểu biết đầy đủ thì quả thật rất khó hiện thực trong cái hoàn cảnh chưa đáng gọi là “cổ đại” ấy. “ Chúng ta không được quan niệm tội thụ sinh hay tình trạng tội bẩm sinh như một thứ vết nhơ hay như một dấu vết di truyền qua đương sinh sản” (Xavier Thévenot – Les péchés, que peut-on dire?).

Quả thật quan niệm xưa cho rằng Thiên Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội của cha ông đã bị phê phán bởi các Ngôn Sứ (x.Xh 20,5). Ngôn sứ Edêkiel đã nói rõ ràng con cái sẽ không phải bị ê răng vì cha chúng ăn nho xanh (x.Ed 18,2-4). Trong câu chuyện người mù mà Tin Mừng Gioan tường thuật, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng không phải do tội của cha mẹ anh ta mà anh ta bị mù (x.Ga 9,1-40 ). Chuyện do sự vấp ngã của một người tiên khởi mà cả nhân loại phải hứng chịu án phạt đời đời xem chừng không mấy thuyết phục với nhân loại hôm nay mặc dù đã từng một thời gian rất dài đã là một nội hàm đức tin của Kitô hữu. Vì thế, các thần học gia cảm thấy rất hứng thú quay về lại với một kiểu nói của Kinh Thánh, đó là tội thế gian.“Tội thế gian” là một biểu hiện của tính ích kỷ. Trong tin Mừng Gioan ta còn gặp thấy một cách biểu hiện còn tệ hơn nữa của tội thế gian nơi giai cấp tư tế cai trị dân. Đó là sử dụng tôn giáo một cách sai lệch vì ham hố quyền hành và lợi lộc cá nhân. ”( Bernhard Haering ). “Tội của thế gian là tội của những kẻ lạm dụng sức mạnh của mình để tạo một thế đứng thuận lợi cho mình trên những đổ vỡ, đàn áp và khai thác kẻ yếu” (Théodule Rey-Mermet – Croire IV).

Nhiều thần học gia ngày nay có thiên hướng nhìn nguyên tội như là tình trạng “ô nhiễm môi sinh”. Mỗi hành vi tội lối của con người được ví như “mỗi hạt bụi” khiến môi trường sống của con người xét về mặt tâm linh đã dần bớt trong lành. Môi sinh đã ô nhiễm thì thế nào cũng ảnh hưởng xấu đến sự chuyển động của “âm thanh”. Và cách nào đó “tiếng nói của Thiên Chúa nơi tận đáy lòng con người (tiếng lương tâm) ít nhiều bị ảnh hưởng. Cha Karl Rahner quan niệm tội nguyên tổ như một “tình trạng độc hại” của thế giới mà trong đó chúng ta được sinh ra và phải gánh lấy nó. Tình trạng độc hại ấy phát xuất từ đâu, nó tồn tại như thế nào và hiện nay sau công cuộc cứu độ của Đức Kitô thì nó như thế nào?

Chắc hẳn ta không thể quá khích chủ trương loại bỏ những hình ảnh truyền thống trong các trang Thánh Kinh đầu tiên trong việc dạy giáo lý cho các bé thơ, các em thiếu nhi. Mỗi độ tuổi cần có một lối sư phạm thích hợp. Chúng ta vốn nhìn nhận vai trò tích cực của thể văn huyền thoại trong việc giáo dục trẻ thơ. Những hình ảnh như “Rồng- Tiên”, “Ađam-Evà” hay “Ong già Noel” luôn còn đó tính giáo dục. Tuy nhiên khi đã trưởng thành chúng ta cần biết đón nhận chân lý cách ý thức, tự giác và có trách nhiệm.

Cám ơn Mẹ Hội Thánh hiện nay đã không còn hướng dẫn đoàn chiên chỉ bằng các mệnh lệnh, các tín điều, các luật lệ kiểu cách một chiều như trên phán thì dưới phải răm rắp nghe, trên đã dạy thì dưới phải nhất bề tuân giữ. Gần đây, vào những tháng cuối đời, thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã mời gọi con cái Chúa nỗ lực đào sâu và tìm hiểu mầu nhiệm tội nguyên tổ sau khi nhìn nhận sự sai lầm trong giáo lý về “lâm bô” ( nơi dành cho các trẻ thơ đã qua đời mà chưa lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy). Tinh thần Công đồng Vaticanô II luôn còn đó : “Vậy trước hết, chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Hội Thánh sự quý mến, tôn trọng và hoà thuận lẫn nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các Kitô hữu khác. Thật vậy, những gì liên kết giữa các Kitô hữu còn mạnh hơn những gì chia rẽ : hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự” ( MV số 92 ).

Công trình sáng tạo của Thiên Chúa vẫn đang tiến triển. Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn vật, nhưng công cuộc sáng tạo chưa hoàn tất. Với cái nhìn của cha Pierre Teilhard de Chardin thì vũ trụ vạn vật này đang tiến dần đến chổ viên mãn, hoàn hảo. Đỉnh cao và mức hoàn hảo mà các tạo vật, đặc biệt con người phải tiến tới đó là Đức Kitô. Ngài chính là Trưởng Tử giữa các loài thụ sinh (x.Dt 1,6), là khuôn mẫu của mọi loài thụ tạo.

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, cao cả nhất trong các loài thụ tạo hữu hình, nhưng con người cũng chịu sự chi phối bởi các quy luật tự nhiên mà Thiên Chúa đặt định cho các loài. Con người, xét như là một sinh vật thì vẫn chịu ảnh hưởng bởi sức mạnh của các bản năng. Hai bản năng nền tảng chi phối hoạt động các loài đó là sinh – tồn. Phải sống và tồn tại (lưu truyền sự sống) như là những nhu cầu có tính thúc bách tự nhiên của sinh vật. Để phục vụ cho những nhu cầu căn bản này thì có các bản năng hỗ trợ đó là bản năng hợp đoàn và bản năng thống trị. Để tồn tại và phát triển thì các loài có nhu cầu thúc bách liên hợp với nhau thành đoàn. Ngay cả với loài không có sự sống (duới sinh vật) cũng có hình thức này. Sự tồn tại của các mỏ, quặng cho ta thấy điều này. Những cái gì có điểm chung thường quần tụ với nhau cách nào đó để tồn tại. Với con người thì đây là tính xã hội. Khi đã quần tụ với nhau thì xuất hiện sự cạnh tranh. Trong giới tự nhiên ta thấy có quy luật đấu tranh sinh tồn. Và trong xã hội con người thì việc dành phần hơn để sống, để tồn tại luôn có đó. Để cạnh tranh sinh tồn thì các loài sinh vật như cây cỏ thì dường như tự thân vận động vươn lên để chiếm hữu điều kiện sống như cây cối vươn lên để lấy ánh sáng mặt trời. Với loài động vật thì xem chừng không chỉ tự thân vươn lên hơn đồng loại mà có khi còn tìm cách triệt hạ đối thủ để giữ thế thượng phong hay vị trí độc tôn, độc quyền trong bầy đoàn. Để thực hiện điều này, giới động vật thường sử dụng sức mạnh của mình một cách theo bản năng là như không cưỡng lại được. Với con người thì sự đấu tranh sinh tồn được nâng cao hơn, tinh vi hơn không chỉ bằng sức mạnh mà còn bằng cả những thủ thuật, luật lệ hay thể chế.

Thiên Chúa tặng ban cho con người phần cao quý là linh hồn mà hai cơ năng của nó là trí khôn và ý chí tự do. Chúa cho con người lý trí để nhận biết trật tự đúng và sự tự do để không chỉ ước ao mà còn nỗ lực thực hiện trật tự ấy. Chính khi nhận biết và thực hiện trật tự đúng ấy thì con người sẽ có bình an và hạnh phúc. Đã là người thì tự trong thâm tâm có sự nhìn nhận điều gì phải sự gì trái, cái gì nên làm và điều phải tránh. Thánh Phaolô tông đồ khẳng định với ta điều này qua thư Rôma: “Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải” (Rm 2,15). Thế nhưng con người đã sử dụng những ân ban ấy để phục vụ cho lợi ích bản thân cách ích kỷ cá nhân hay ích kỷ tập thể một cách trái với sự nhận biết của lý trí đúng. Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm điều này nơi chính bản thân Ngài: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (x.Rm 14,14-24).

Sự vị kỷ do những nhu cầu, lợi ích cá nhân một cách nào đó thúc bách con người làm ngược lại những gì mình nhận biết. Đây chính là một sức mạnh lôi kéo con người đi lệch con đường Thiên Chúa đã vạch ra. Chính những sự thiện hảo đời này một cách nào đó đã lôi kéo con người và giam hãm con người trong cái tôi ích kỷ. Đặc biệt khi tình trạng này lại mang tính tập thể thì con người khó mà thoát ra được. Ai ai cũng thế thì tôi cũng vậy. Ai cũng làm vậy thì tôi phải làm như thế thôi. Bầu không khí vụ lợi có tính tập thể này chính là sự dữ, là tội thế gian. Thoạt sinh ra tôi đã ở trong tội. “Vậy thì sao? Người Do Thái chúng tôi có hơn gì người khác không? Không hơn gì cả! Quả thế, chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do Thái cũng như Hy Lạp, đều bị tội lỗi thống trị. Như có lời chép rằng: Không ai là người công chính, dẫu một nguời cũng không; chẳng ai có lương tri, chẳng ai tìm kiếm Thiên Chúa. Người nguời đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không. Cửa họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ. Chúng chứa đầy mồm nọc độc hổ mang, miệng độc dữ điêu ngoa những buông lời nguyền rủa. Chúng nhanh chân đi đổ máu người ta, đi tới đâu cũng gieo tai rắc hoạ. Chúng chẳng biết con đường đưa tới bình an, chẳng thấy cần phải kính sợ Thiên Chúa” (Rm 3,9-18).

Cái gì chưa hoàn thành dẫu có tốt đẹp nhưng vẫn còn đó mặt hạn chế. Công trình tạo dựng từ khởi thuỷ cho đến truớc khi Ngôi Lời nhập thể vì thế vẫn có mặt tồn tại. Mặt tồn tại ở đây là tuy tốt đẹp nhưng chưa hoàn hảo. Theo thần học thì vạn vật được sáng tạo theo khuôn mẫu của Ngôi Lời. Cái hình ảnh dù có trung thực mấy đi nữa thì vẫn còn phiến diện vì không phản ánh đầy đủ đối tượng được phản ánh. Phải chăng nói như vậy là xoá bỏ trách nhiệm của con người “tiền Kitô”. Không, tính quy trách vẫn có đó ngay trong sự tự do của con người. Tuy nhiên mức độ quy trách như thế nào thì chỉ mình Chúa thẩm định. Ai đã được trao ban nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn và ngược lại (x.Lc 12,47-48). Chính cái tình trạng còn tồn tại này cộng thêm quyết định tự do của con người nghiêng chiều theo ích kỷ cá nhân đã làm cho môi sinh nhân loại ra u ám. Con người dường như thấy bất lực trước một sức mạnh kìm giữ mình không cho mình vươn lên. Theo tôi đây chính là tội thế gian mà bất cứ ai thoạt sinh ra đều vương phải. “Ngày nay, nhiều nhà thần học gọi tội thọ sinh (tội nguyên tổ ) là tình trạng bất lực căn bản của hết mọi người khi sinh ra, bất lực để định hướng cuộc đời mình bằng cách có một sự lựa chọn căn bản phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Tình trạng bất lực “có tính cơ cấu” này phát sinh do con người không bao giờ sống cô độc một mình” (Xavier Thévenot ).

CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỨC KITÔ LÀM CHO CON NGƯỜI NÊN HOÀN HẢO.

Cách trình bày truyền thống về mầu nhiệm cứu độ thường sử dụng các khái niệm mất và chuộc lại. Chuộc lại thì phải đền bù, như thế có vẻ đượm tính “nhân loại”. Lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho vinh quang của Thiên Chúa và sự băng hoại của chúng ta cũng chẳng thể làm cho vinh quang của Người bị lu mờ hay giảm sút. Khái niệm đền bù, chuộc tội tuy có phần đóng góp không nhỏ trong việc diễn tả mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô, vừa nói lên tính cần thiết của ân sủng vừa cho ta thấy mức độ khôn luờng của tình yêu cứu độ. Thế nhưng khái niệm ấy còn mang dáng dấp nhân loại tính, phát xuất từ những án hình trần thế. Và vì thế nó dễ bị cám dỗ trình bày một Thiên Chúa “thích báo thù”. Ngươi đã phạm đến Ta thì phải đền trả cân xứng. Có gì quý hơn sự sống. Sự sống lại được biểu lộ nơi máu huyết. Vì thế việc dùng máu huyết để làm nguôi cơn giận của các thần minh thật phổ biến nơi nhiều tôn giáo, kể cả Do Thái giáo. Các ngôn sứ đã nói thay Giavê: Ta chán ngấy máu dê bò các ngươi dâng tiến rồi. Hãy trở về, thay đổi đời sống đi. Hãy có tấm lòng nhân với người bất hạnh, kẻ cô thế cô thân (x.Is 1,11).

Đã từ rất lâu, chúng ta vốn quen nhìn công trình cứu độ như một sự tái tạo. Hiểu như thế ta vô tình nhìn công cuộc sáng tạo như đã hoàn tất. Cuộc tạo thành đã xong nhưng đã bị hư hỏng nay phải làm lại. Khái niệm làm lại, sửa lại mà tốt hơn xưa, đẹp hơn xưa thì cũng thật khó hình dung nếu như không đẩy đưa chúng lên hàng mầu nhiệm tức là phải nhận “dù trí khôn không hiểu biết sự gì”. Ân sủng không loại bỏ tự nhiên. Mầu nhiệm dù là siêu lý, vượt quá tầm suy của lý trí nhưng không vô lý. Công trình cứu độ là một khâu ở trong tiến trình sáng tạo. Ngôi Lời Nhập thể chính là đỉnh cao của cuộc tạo thành. Khi vào trần gian, Ngôi Lời đã trở nên một thụ tạo hoàn hảo và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho mọi người (x.Dt 5,8-10 ).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong bài giảng Thánh Lễ dêm Vọng Phục sinh năm 2006 đã trình bày: “Một nhà thần học người Đức có lần đã nói cách châm biếm rằng phép lạ của một thân xác được hồi sinh – nếu điều này thực sự đã xảy ra, và nhà thần học này đã không tin là đã thật sự xảy ra như thế! – cuối cùng cũng không có gì quan trọng cả, bởi vì không có gì liên hệ với chúng ta. Thật ra, nếu chỉ một con người nào đó được hồi sinh, rồi thôi không còn ai khác nữa, thì sự việc này có liên quan gì đến chúng ta? Nhưng sự phục sinh của của Kitô, quả thật là một cái gì trổi vượt hơn, là một điều khác xa. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô - nếu chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ của lý thuyết về sự tiến hoá – là một sự “biến đổi” to lớn nhất, là một cái “nhảy vọt” một cách tuyệt đối đến chiều kích hết sức mới mẻ, đến độ trong suốt lịch sử của sự sống và lịch sử của những phát triển của nó, đã không bao giờ xảy ra: một cái “nhảy vọt” trong trật tự hoàn toàn mới mẻ, có liên quan đến chúng ta và liên quan đến toàn thể lich sử”.

Đức Kitô chính là khuôn mẫu cho nhân loại tiến tới để sống đúng phận của mình như khi được tạo thành. Ngài đã làm gương cho chúng ta khi nhìn nhận những gì Người là, Người có, đều bởi Chúa Cha. Người ý thức lương thực của Người là làm theo ý Cha, tức là để sống, sống dồi dào thì ta phải đi trong đường lối của Thiên Chúa. Người khẳng định rằng Người đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và yêu tha nhân đến chổ hiến dâng mạng sống mình (x.Mc 10,45). Người sống và mời gọi chúng ta sống không chỉ là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn, không thích nhưng phải nỗ lực thực hiện cho tha nhân những gì mình muốn tha nhân làm cho mình (x.Lc 6,31). Cuộc sống, lời giảng dạy của Người, đặc biệt cuộc tử nạn và phục sinh của Người trình bày cho ta một cách thế hiện hữu hoàn hảo trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với các tạo vật khác. Để được hạnh phúc thật, con người phải thay đổi lối sống, cách thế hiện hữu. Đây chính là nội hàm sự tái sinh mà Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô (x.Ga 3,1-22).

Đức Thánh Cha Bênêđictô khẳng định: “Biến cố Chúa Phục Sinh là một “bước nhảy vọt” về phẩm chất trong lịch sử “tiến hoá”, là bước nhảy vọt của sự sống nói chung, tiến đến sự sống mới trong tương lai, tiến đến một thế giới mới; thế giới mới này khởi sự từ Chúa Kitô, đã bắt đầu thấm nhập liên lỉ vào trong thế giới chúng ta đang sống, biến đổi thế giới này và lôi kéo thế giới này đến với thế giới mới”. Khi được tái sinh trong Chúa Kitô, mỗi người chúng ta được tháp nhập vào sự sống mới của Đức Kitô Phục Sinh. Cái tôi của con người cũ, cái tôi vốn nghiêng chiều hướng quy ngã được biến đổi. Cái tôi của con người mới được tái sinh là cái tôi “được bẻ ra, được mở ra, nhờ qua việc được tháp nhập vào trong chủ thể khác, trong đó “tôi” có được sự hiện hữu mới”.

Công trình cứu độ đã làm cho nhân loại được hơn xưa ở các điểm này: Xưa trí khôn con người mãi tự loay hoay kiếm tìm chân lý qua trật tự vũ trụ vạn vật, qua tiếng vọng của lương tri, qua các nhà hiền triết và nhiều sứ giả của Thiên Chúa nhưng vẫn còn bị giới hạn và nhiều thiếu sót. Nay, nhân loại có được chân lý vẹn toàn nơi những lời giáo huấn và đặc biệt nơi cuộc đời, cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Xưa nhân loại bị liên đới với một thế giới bị vẩn đục bởi lòng ích kỷ tham lam thì nay thế giới này đã được giải phóng nhờ ân dược của mầu nhiệm cứu độ là Thánh Thần, một Hồng Ân - Ngôi Vị. “Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Rm 8,10-11).

Từ nay, nhân loại không còn đơn phương tìm kiếm sự thật để được giải thoát nhưng luôn có Đấng là Thần Chân Lý đồng hành cho đến tận cùng lịch sử, ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Thánh Thần chính là Tình Yêu – Bản vị hướng tha giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thành Thần không chỉ soi sáng cho chúng ta nhận biết chân lý tức là nhận biết vị thế hiện hữu của chúng ta trong các mối tương quan mà còn làm cho con tim của nhân loại chúng ta biết mở ra như Trái Tim của Đấng bị đâm thâu trên thập giá. Thánh Thần, hồng ân của mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh là nguồn ân sủng duyên dáng (charis) có sức hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta ra khỏi cái tôi vị kỷ mê lầm. Chính khi chúng ta bị quyến rủ đem tất cả những gì bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho chúng ta (x.Lc 11,41).

Là người, không ai nắm trọn vẹn chân lý. Chân lý là điều ta chỉ có thể tiếp cận trong kiếp nhân sinh này. Những dòng suy tư trên cũng chỉ là một nỗ lực nhỏ trong việc tiếp cận chân lý. Mặc dù có thể vẫn có đó nhiều phiếm diện, khiếm khuyết, tuy nhiên theo sự hướng dẫn của Mẹ Hội Thánh như đã nói ở trên “hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự”, xin mạo muội trình bày một cái nhìn về mầu nhiệm tội lỗi. Tội lỗi là một mầu nhiệm rất hiện sinh với tâm thức Kitô hữu dù rằng đã và đang có đó chước cám dỗ đánh mất tâm thức này (Đức Phaolô VI).

Là con cái Chúa ai lại không mong được thứ tha tội lỗi. Chúng ta sẽ dễ nhận được ơn tha thứ hơn khi chúng ta nhận rõ cách nào đó chân dung của sự tội. Nhân loại chúng ta đã liên đới với nhau trong sự tội. Nay loài người đã được giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi nhờ công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Mong sao chúng ta, đoàn con cái Chúa biết tích cực liên đới với nhau, với đồng loại, với vũ hoàn này trong đời sống ân sủng, nghĩa là tích cực dấn thân làm cho môi sinh này nên trong sạch và ấm nồng tình yêu vị tha như lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (TĐ Laudato si). Dấn thân làm lành mạnh hoá các cơ cấu tổ chức, các thể chế luật lệ là một trong những nghĩa vụ chính yếu của chúng ta, những người đã được tái sinh bằng Thánh Thần. Không ai lên trời một mình. Chỉ loay hoay lo cứu rỗi linh hồn của riêng mình thì vô tình ta tự giam mình trong chế độ nô lệ trước đây. Ước gì nội hàm lời kinh mà Chúa Giêsu truyền dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời...” mãi là kim chỉ nam không chỉ cho các Kitô hữu mà còn cho tất cả những ai thành tâm thiện chí muốn tìm về nguồn “Chân – Thiện – Mỹ”.

Ban Mê Thuột